Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới cho tăng trưởng

Thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới cho tăng trưởng

Viết email In

Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và được nhắc đến trong các Văn kiện ở các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 có đề cập “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch vùng mang tính đột phá theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng”.


Các dự án đầu tư hạ tầng trong thời gian tới cũng gắn liền với phát triển vùng. (Ảnh: Anh Tú)

“Quả ngọt” từ liên kết vùng

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, liên kết kinh tế vùng là nội dung hết sức quan trọng được đề cập tới trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như trong kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030.

“Cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết bài toán liên kết nội vùng và liên kết liên vùng”, bà Trần Thị Hồng Minh nêu vấn đề.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: “Cái quan trọng nhất trong liên kết vùng là tạo ra thể chế vùng. Nhìn vào các địa phương đã tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế thời gian qua, từ khóa đều nằm ở thế chế”.

Đồng quan điểm với TS Võ Trí Thành, bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết: “CIEM với tư cách là đơn vị được Chính phủ giao nghiên cứu về kinh tế vùng cũng đã có báo cáo và đề xuất về thể chế liên kết vùng trình Thủ tướng, đồng thời xin ý kiến các bộ/ngành”.

Tại Báo cáo Đổi mới và Thích ứng nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng kinh tế năm 2021 vừa công bố, nhóm chuyên gia của CIEM cho biết đến hết năm 2020, liên kết kinh tế vùng ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đầu tiên phải kể tới cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng được kết nối đồng bộ. Việc thúc đẩy liên kết vùng cũng đã tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước. Thông qua liên kết vùng, mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng được giải quyết hài hòa hơn. Các địa phương trong vùng đã cùng bàn bạc và có những đề xuất chính sách/dự án chung đối với vùng và liên vùng.

Liên kết vùng đã góp phần đáng kể trong việc lôi kéo các chủ thể khác trong nền kinh tế tham gia hợp tác, đặc biệt là thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia các hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vùng, v.v...

“Mặc dù vậy, vẫn còn không ít thách thức liên quan đến giám sát việc thực hiện quy hoạch, tính toán lợi thế so sánh giữa các tỉnh/thành phố trong vùng, hay liên kết đầu tư phát triển”, Báo cáo Đổi mới và Thích ứng của CIEM nêu.

Theo CIEM, hạn chế trong liên kết vùng ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nút thắt từ thể chế liên kết vùng. Cụ thể, hiện nay, chưa có một văn bản Luật hay Nghị định nào cụ thể hóa nội hàm “thúc đẩy liên kết kinh tế vùng” như đã đề cập ở Điều 52 Hiến pháp năm 2013. Mới chỉ có Quy chế thí điểm áp dụng cho riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 về việc Ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển Kinh tế Xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Các vùng kinh tế-xã hội còn lại vẫn chưa được áp dụng bất cứ một cơ chế chính sách khuyến khích liên kết nào từ phía chính quyền Trung ương.

Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo ông Đỗ Thành Trung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Câu hỏi lớn nhất đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là làm sao để tạo ra động lực tăng trưởng mới” trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025.

Ông Đỗ Thành Trung cho biết, mặc dù đầu tư công hiện nay không thể chiếm vai trò lớn như trước được nữa, nhưng đầu tư công phải giữ vai trò dẫn dắt tất cả các cuộc chơi.

Ông Trung chia sẻ, đầu tư công trong giai đoạn tới sẽ thực hiện theo phương pháp hoàn toàn mới và gắn với liên kết vùng, phát triển vùng.

“Chúng ta sẽ tập trung vào các dự án mang tính đột phá, dự án liên vùng và dự án xương sống của quốc gia, để làm sao trong 5 năm tới hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm chi phí và tăng cường kết nối. Đây là 3 mục tiêu lớn nhất trong đầu tư công”, ông Đỗ Thành Trung cho biết.

Cũng theo ông Trung, hiệu quả và tính lan tỏa của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn tới. Bên cạnh các dự án giao thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tập trung vào các dự án năng lượng và dự án liên quan đến đổi mới sáng tạo.

Để thúc đẩy liên kết vùng, CIEM đề xuất áp dụng một cách hệ thống, đồng bộ 4 nhóm giải pháp. Đầu tiên, CIEM nhấn mạnh việc thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về lợi ích của liên kết vùng, đặc biệt là thay đổi tư duy và ràng buộc trách nhiệm của đội ngũ bộ lãnh đạo ở cấp Trung ương và địa phương. Tiếp đó, CIEM khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi liên kết cơ quan điều phối trong vùng.

Nhóm giải pháp thứ 3 là thiết lập Tổ chức quản lý vùng với một thể chế hoạt động mang tính pháp lý cao và có thực quyền. Cuối cùng, CIEM đề xuất ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao khả năng điều hành vùng; xây dựng hạ tầng số kết nối các Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của các địa phương trong vùng và xây dựng Trung tâm điều hành thông minh vùng do Hội đồng vùng quản lý, phục vụ việc ra quyết định, đặc biệt liên quan đến các vấn đề xử lý có tính chất vùng và liên vùng, hướng tới xây dựng vùng “số”.

Hải Linh

(Lao Động)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo