Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Sông Sài Gòn oằn mình đợi ngày... được hóa kiếp

Sông Sài Gòn oằn mình đợi ngày... được hóa kiếp

Viết email In

Nhìn từ trên cao, sông Sài Gòn uốn lượn như dải lụa sinh động trước khi hợp lưu vào ngã ba Nhà Bè Đồng Nai, tạo nên một vùng hạ lưu vực quý giá dài ra tới biển. Xuôi về cuối nguồn là “bộ rễ” kênh rạch đan sâu vào hai bờ tả hữu, tạo ra các vùng đất lành quần cư không riêng cho con người. Nhưng chùm rễ kênh rạch đan dày hai bờ tả hữu hạ nguồn đã chết dần...


Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối trung tâm quận 1 với Thủ Thiêm. (Ảnh: ndh.vn)

Từ giữa thế kỷ 17, phố thị Sài Gòn đã hình thành giữa hai rạch Bến Nghé và Thị Nghè. Tuy vậy, cho đến trước năm 1975 và sau đó vài chục năm nữa, việc phát triển Sài Gòn chủ yếu là phía bờ Tây. Vùng đất trù phú phía Đông có địa hình đẹp vẫn còn khá hoang sơ như chính số phận dòng sông.

Đó một phần vì chiến tranh, vì cuộc sống lúc ấy còn nặng cơm áo, cả nguồn lực và sự lãng mạn chưa đủ để thăng hoa sông nước. Mặt khác là phương tiện vượt sông nghèo nàn, là thiếu các cây cầu. Một thành phố lớn và quan trọng nhất nước, nổi tiếng năm châu, mà đến đầu năm 2012 từ quận 1 qua quận 2 phải đi bằng ghe và phà. Và cho tới nay, số cầu bắc qua bờ Đông vẫn kém xa Đà Nẵng. Tiếc!

Mất dần hệ sinh thái tự nhiên vì nạn triệt hạ kênh rạch, lấn chiếm lòng sông

Không phải ngẫu nhiên mà phố thị được lập ở nơi có sông nước. Đây là chuyện không mới, không khó hiểu, và ta sẽ có dịp trở lại ở phần sau. Tuy nhiên, điều có thể xem ngẫu nhiên là dáng vẻ gợi mỹ cảm của con sông. Theo đó, trước khi trả nước về cho biển, sông Sài Gòn như có chút luyến tiếc dùng dằng, tạo ra thế đất “tứ quý” quanh co với bốn bán đảo Thanh Đa, Thảo Điền, Thủ Thiêm, Tân Thuận.

Sự tạo dáng ấn tượng qua các địa hình bầu diều, với sông nước bao bọc như vậy, được người mình tin là hợp phong thủy, còn dân Tây thì quan tâm môi sinh (môi trường sinh thái), và việc cả tây lẫn ta chuộng ở Thảo Điền là điều không lạ. Bởi nhờ môi trường mát dịu, nhiệt độ tại đó vào những ngày nắng nóng thường thấp hơn nội phố trên dưới 3oC. Có thể nói, trong điều kiện chen chúc đến ngột ngạt như ngày nay, việc người ta chọn nơi sông nước để sống là nhu cầu, chứ không chỉ là thời thượng.

Ngược với sự lãng quên ngày trước, từ khi được nhìn nhận đúng giá trị kinh tế và môi sinh, những vùng đất tương tự như tứ quý kia đã nhanh chóng trở thành đất vàng. Với dự hướng quy hoạch của thành phố và nhịp độ phát triển nhanh như lâu nay, chẳng bao lâu nữa khi phố xá bên bờ Đông lên com-lê sánh với bờ Tây, sông Sài Gòn sẽ sắm vai là điểm nhấn nằm lọt giữa lòng thành phố. Nhưng dù sao thì bản thân dòng sông cũng chỉ mới là của trời cho chơn chất. Việc nó có được thắp sáng lung linh, có thêm nét duyên, để bật lên bằng anh bằng chị hay không sẽ còn lắm thử thách...

Nếu tình trạng triệt hạ kênh rạch, lấn chiếm sông nước (vì bất cứ mục đích hay lý do gì) không được chặn đứng sớm thì di chứng sẽ khôn lường. Bởi, một khi yếu tố tự nhiên bị xáo trộn, môi trường thiên nhiên xấu đi, quân bình sinh thái sẽ không còn, nước không còn, lúc đó dù có nhiều tiền cũng không dễ tái tạo. Không đợi tương lai xa, việc xâm hại và hoang phí của trời cho “chưa bao giờ là nguồn vô tận này” lâu nay đã như việc cắn vào đuôi mình để sống, là cách ăn xổi phúc lợi của tương lai, gây hậu quả nhãn tiền. Các thực tế như vậy có nhiều. Đô thị lại không thể thiếu sông nước, và khi cảm hứng về sông bị thực tế thảm hại tước đoạt sẽ là lúc cuộc sống lên tiếng.


Sông Sài Gòn xưa (Ảnh tư liệu: Ashui.com)

Không dựa được người, sông tràn vào phố

Sông Sài Gòn là con sông thuần Nam bộ, có đầu nguồn từ Lộc Ninh. Đây là dòng sông hiền hòa. Nhưng đó chỉ là chuyện hồi xưa, nay đã khác. Xưa, con người và sông dựa vào nhau thân thiện. Vào mùa nước cao từ nguồn xuống hay triều dâng từ biển lên, con người đã dành kênh rạch để sông tràn vào, trong đó không ít là kênh đào. Nay, việc san lấp không thương tiếc diễn ra phổ biến sẽ dễ đặt kênh rạch vào nguy cơ “tuyệt chủng”. Chùm rễ kênh rạch đan dày hai bờ tả hữu hạ nguồn đã chết dần. Chỗ nào còn sót lại thì đầy rác và chất thải đen ngòm hôi thối, nằm ngay sau lưng nhiều dãy phố sang trọng.

Con người một mặt bức hại nước sông với đủ cách xả thải, mặt khác xóa phần lớn vùng điều hòa dọc hai bờ với hàng loạt công trình san lấp. Cả một vùng rộng lớn cuối nguồn phía Nam có chức năng dự phòng tràn nước mùa triều cao, để gánh ngập cho nội phố, đã bị bê tông hóa. Khu vực trước kia là vùng kho bãi phục vụ hệ thống cảng (Khánh Hội và Tân Thuận) bị ngập sớm nhất, nặng nhất, và sẽ khó khắc phục. Nhiều địa danh chứa nước như Kỳ Hòa, Miếu Nổi, Bàu Cát, Đồng Ông Cộ... nay không còn thấy nước, hay chỉ thấy lúc mưa xuống, triều lên! Việc tranh thủ yếu tố “cận giang” của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến mủ cao su, tinh bột mì, đã làm cho sông ô nhiễm nặng.

Không còn chỗ điều hòa, chứa tạm, sông phải oằn mình gánh chịu nước từ biển lên, trên nguồn xuống, nó buộc phải tràn vào phố, vào nhà dân. Chống ngập mà tình thế cục bộ kiểu be bờ tát nước, như chiến đấu với “cối xay gió”, sẽ trường kỳ khó dứt. Ngập lụt thật ra không chỉ tại các vùng ven như báo thường nói mà ngay trung tâm quận 1, quận 5 cũng lênh láng nước triều. Thế nhưng, thay vì nhận lỗi về mình, ta cứ đổ cho trái đất ấm dần lên, dù theo các nhà khoa học nước biển mỗi năm chỉ tăng trên dưới 1 mi-li-mét.

"Cô bé lọ lem" và nỗi niềm chờ được quan tâm

Trước thực trạng như vậy, chưa thấy có một giải pháp toàn diện hay biện pháp căn cơ để bảo vệ và tôn tạo sông. Với hàng chục dự án đô thị lớn nhỏ ven bờ, và trong khi ngân sách còn hạn chế, chưa thấy có chủ dự án nào bị buộc phải kè bờ kiên cố, tôn tạo mỹ quan cho khoảng sông rạch mà họ trực tiếp hưởng lợi. Việc nở rộ nhiều dự án bất động sản vừa qua là đáng mừng. Tuy nhiên, do quá chú trọng “diện tích sàn”, do quản lý cát cứ và lỏng lẻo, đã tạo ra một thực tế không vui, đó là... phố xá càng phát triển thì sông nước càng bị hắt hủi, bị biến thành chỗ chứa rác ngoại khu hay phía ngoài nhà. Ngồi ở Thanh Đa hay Tân Cảng vào những lúc nước xuống sẽ rất dễ nghe mùi hôi xông lên từ vùng bờ cạn.

Xưa, sông nước được chọn lập phố là để tiện giao thương. Nay, đó còn là điểm nhấn, là nơi để thở của thị dân. Và, khi cái ở không còn là chỗ ngả lưng đơn giản, khi lạc phúc thư giãn được chú trọng, sông nước sẽ lên ngôi. Các thành phố không có sông sẽ cần hồ: lớn và ấn tượng như Wakatipu phía Nam Queenstown, New Zealand; nhỏ mà thơ mộng như Xuân Hương ở Đà Lạt. Không có hồ tự nhiên người ta phải đào hồ để có mặt nước, như Las Vegas ở Mỹ, Canberra của Úc, hay Putra Jaya tại Mã Lai.

Sông Sài Gòn bấy lâu nay như cô bé lọ lem sống cạnh anh nhà giàu, lầm lũi cam chịu như kẻ “ở đậu” trên đất mình, với bao nỗi niềm chờ được quan tâm. Về vị trí, nó nằm giữa lòng thành phố và không mấy khác so với sông Hàn chảy qua Seoul hay Sumida ở Tokyo. Nhưng sự rực sáng của sông Hàn và Sumida nếu được xem là niềm kiêu hãnh của Seoul và Tokyo thì đó vẫn còn là giấc mơ xa của Sài Gòn.

Một dự án tổng thể tôn tạo đôi bờ tả hữu với hai trục đường dọc sông thiết nghĩ đang là mong đợi không chỉ của người dân thành phố. Đây sẽ là điểm nhấn giúp bật sáng bộ mặt đô thị, là giải pháp căn cơ bảo vệ dòng sông, cải thiện môi sinh, chế ngự các cơn triều cao sóng dập. Dự án này nếu hoàn tất trong một nhiệm kỳ 4-5 năm tới sẽ là điểm son thành tích, xứng đáng được ghi vào lịch sử phát triển Sài Gòn.

Huy Nam - Chuyên gia độc lập, Giảng viên PACE, Thành viên hội đồng Chỉ số TTCKVN, Trọng tài viên TT Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC.

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo