Theo các chuyên gia, việc "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không chú trọng đầu tư có trọng điểm, xác định quy hoạch từng sân bay, khả năng trung chuyển, sự phát triển kinh tế-xã hội."
Với việc nhiều tỉnh, thành đề xuất đầu tư có thêm cảng hàng không, sân bay mới, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia hàng không cho rằng quy hoạch phát triển cảng hàng không phải chú trọng đầu tư có trọng điểm và đi kèm với đó rất nhiều các tiêu chí khắt khe để có thể phê duyệt.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Góp ý quy hoạch tổng thể Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào sáng 3/3.
Máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Những tiêu chí nào cần và đủ để làm sân bay mới?
Theo dự thảo báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, mạng cảng hàng không, sân bay gồm 22 địa điểm, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa được phân chia theo khu vực.
Đến năm 2030, nước ta sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 13 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa. Đến năm 2050 có 30 cảng hàng không (15 quốc tế, 15 nội địa), trong đó cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến nghiên cứu sau năm 2030.
So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được bổ sung thêm 4 cảng hàng không gồm Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.
Bộ Giao thông Vận tải cũng ước tính chi phí đầu tư giai đoạn 2020-2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.
Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị thực hiện quy hoạch - cho rằng đối với các đảng hàng không mới, căn cứ tính toán hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế, tư vấn đưa ra 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi làm sân bay mới, bao gồm: Nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới sân bay lân cận).
Qua nghiên cứu trên thế giới cho thấy 75% người dân có thể tiếp cận với cảng hàng không trong bán kính 100km. Chiểu theo tiêu chí này, Việt Nam có thể đáp ứng 98% vào năm 2030.
“Hệ thống Cảng hàng không nước ta phân bố hài hoà trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, nhiều vùng Tây Bắc, Tây Nguyên người dân chưa tiếp cận được Cảng hàng không trong bán kính 100km hay còn mốt số Cảng chưa đạt công suất, một số lại vượt quá công suất thiết kế nên thời gian tới cần xem xét,” đại diện Tư vấn TEDI nhìn nhận.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trong vòng 10 năm gần đây, thị trường vận tải hàng không nước ta có sự phát triển với 2 con số đạt trung bình 16,5%, Việt Nam là một trong thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á.
Đưa ra dự báo của Bộ Giao thông Vận tải về nhu cầu của hành khách vào năm 2030 là 276 triệu khách và 4 triệu tấn hàng hóa; năm 2050 đạt 650 triệu hành khách và 16 triệu tấn hàng hóa, ông Dũng cho rằng việc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phải xác định quy hoạch từng sân bay, khả năng trung chuyển, tính đến sự phát triển của kinh tế-xã hội. Ngoài ra, cần phù hợp hàng không dân dụng và quốc phòng đảm bảo an ninh quốc phòng và đồng bộ tổng thể quy hoạch của ngành giao thông vận tải.
Quy hoạch Cảng hàng không sẽ tính toán đầy đủ các yếu tố về khả năng trung chuyển, tính đến sự phát triển của kinh tế-xã hội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Còn nhiều thiếu sót trong quy hoạch
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo kết quả nghiên cứu của Tư vấn lập quy hoạch, Việt Nam có 22 cảng hàng không (9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa), chưa có cảng hàng không đầu mối lớn trung chuyển mang tầm khu vực thế giới. Mặt khác, một số cảng hàng không khai thác vượt công suất thiết kế, nhiều hạng mục chưa được đầu tư nâng cấp, công suất các cảng hàng không cần được cân đối cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Vì thế, ông Tuấn đề nghị các chuyên gia góp ý, đánh giá về việc xác định các hạng mục đầu tư các cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050; các cơ chế vốn đầu tư, con số dự báo, đề xuất các tỉnh bổ sung các cảng hàng không, các tiêu chí đánh giá thiết lập cảng hàng không mới, chính sách nào phát triển cho cảng hàng không?…
Theo tiến sỹ Bùi Văn Võ (Hội Khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam), qua nghiên cứu dự thảo quy hoạch chủ yếu tập trung cho hệ thống Cảng hàng không, sân bay phục vụ loại hình hoạt động bay thương mại mà chưa bao quát tổng thể đến các loại hình khai thác khác như hàng không chung và hàng không chuyên dụng.
“Hiện nay, hầu hết các sân bay của nước ta là sân bay hỗn hợp (dân dụng và quân sự) nên cần có đánh giá cả hoạt động bay quân sự trong quy hoạch, trong đó xác định rõ ràng sân bay nào sẽ là sân bay dân dụng và bổ sung quy hoạch hệ thống sân bay chuyên dùng. Chưa kể giai đoạn 2021-2030 có 13 Cảng hàng không quốc tế và đến năm 2050 là 15 Cảng hàng không quốc tế thì số lượng này đã phù hợp hay chưa?,” ông Võ đặt vấn đề.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Kim Chung (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương) nhận xét quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và ngược lại. Vì thế, ông đưa ra quan điểm việc kết nối hạ tầng các loại hình giao thông cũng là một vấn đề cần xem xét trong tổng thể để đưa ra quy hoạch và đầu tư sân bay.
“Chúng ta cần phân kỳ, làm rõ tổng mức đầu tư ưu tiên từng giai đoạn 5 năm cho từng nhóm sân bay. Đây là một trong những vấn đề then chốt cho việc cân đối giữa mong muốn và khả năng thực tế. Quy hoạch cần có nhiều tính khả thi mà một trong những điều kiện then chốt là vốn và đất đai,” ông Chung nhấn mạnh.
Ông Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển lại cho rằng có thể sẽ là tốt hơn nếu trong 10 năm tới chỉ nên tập trung xây dựng một số sân bay trọng điểm đủ tốt và có thể cân đối được thu chi để vận hành đồng thời nâng cao khả năng vận tải của hệ thống đường bộ kết nối giữa các cảng hàng không, điều đó dẫn đến nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Tiếp thu những ý kiến phản biện vào dự thảo báo cáo quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết Bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Tư vấn tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ xem xét, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch quyết định./.
Địa phương ồ ạt xin làm sân bayNgay sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được khá nhiều đề xuất xây dựng sân bay. Đơn cử, tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh dù chưa xác định được vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch; tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên; tỉnh Bình Phước vừa đề nghị bổ sung Cảng hàng không Bình Phước; tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch hay Hà Giang cũng muốn xây dựng sân bay tại huyện Bắc Quang. Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Bắc Giang cũng đề xuất chuyển sân bay quân sự Kép thành sân bay lưỡng dụng để thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng. Tương tự, tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn (nằm ở thành phố Phan Rang) hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước. Ngoài việc đề nghị bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch, một số tỉnh đã có sân bay đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)… |
Việt Hùng
(Vietnam+)
- Hà Nội: Chuyên gia hiến kế cho quy hoạch hai bờ sông Hồng
- Sớm ban hành quy hoạch phân khu sẽ tháo điểm nghẽn, tạo động lực phát triển Thủ đô
- Chuyên gia góp ý điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Đất sử dụng đa mục đích: Từ cái "sẩy" condotel, officetel nảy cái "ung" điện mặt trời áp mái?
- Đảm bảo lợi ích cho người không đồng thuận việc thu hồi đất làm đường
- HoREA góp ý quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh
- Kịch bản nào cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
- Sông Sài Gòn oằn mình đợi ngày... được hóa kiếp
- Covid-19 thúc đẩy tái định vị vai trò các siêu đô thị
- Di sản công nghiệp – Cách tiếp cận mới trong “nhận diện công trình kiến trúc có giá trị”