Qua kinh nghiệm thực tiễn lập quy hoạch xây dựng các tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời thông qua điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng tại các địa phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa báo cáo và đề xuất lãnh đạo Bộ Xây dựng một số giải pháp cụ thể.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: TL).
1. Thiết kế cảnh quan là nhu cầu lớn của xã hội hiện nay, tuy nhiên chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về loại hình đồ án này, dẫn đến không có khung thống nhất về nội dung, quy trình cũng như đơn giá lập đồ án thiết kế cảnh quan. Như vậy, cần xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về thiết kế cảnh quan làm tiền đề xây dựng các căn cứ pháp lý gồm thông tư hướng dẫn lập đồ án và quản lý thiết kế cảnh quan, bổ sung đơn giá vào Thông tư 20/2019/TT-BXD, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn...
2. Quy định về thiết kế đô thị rất cụ thể, chi tiết nhưng chỉ phù hợp khi triển khai trên quỹ đất sạch hoặc dự án đầu tư đồng bộ của chủ đầu tư, chưa thể triển khai rộng rãi ở một khu hoặc dự án đầu tư đồng bộ của chủ đầu tư, chưa thể triển khai rộng rãi ở 1 khu vực trong đô thị do phần lớn là đất dân cư. Nếu thực hiện thiết kế đô thị một khu vực tính khả thi không cao, do thẩm mỹ, kinh phí, nguồn lực để triển khai theo kịch bản thiết kế đô thị là không có, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý. Đối với vấn đề này, Thông tư 06/2013/TT-BXD hướng dẫn thiết kế đô thị có nhiều nội dung quá chi tiết, không hiệu quả và nhận thức của các cơ quan quản lý về thiết kế đô thị cũng chưa chính xác. Cần sửa đổi Thông tư để có thể áp dụng hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường nghiên cứu và đào tạo về thiết kế đô thị cho các cơ quan quản lý và tư vấn.
3. Quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành trước đây có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thu hút đầu tư và triển khai dự án theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Thường xảy ra tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch.
Xác định tầm nhìn quy hoạch chưa tốt, dự báo chưa đúng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ khi thực hiện. Sản phẩm quy hoạch thường bị lạc hậu trước những sự thay đổi liên tục và nhanh chóng của thực tiễn. Quá trình triển khai quản lý quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần và thiếu đồng bộ.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án do phát sinh những yếu tố thay đổi nhỏ so với quy hoạch được phê duyệt nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế nên phải tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch với quy trình đầy đủ phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ. Vốn đầu tư hạn hẹp, nên không triển khai thực hiện theo quy hoạch đã phê duyệt được, dẫn đến quy hoạch “treo” cần phải điều chỉnh quy hoạch.
Theo quan điểm của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng): Luật Quy hoạch 2017 ban hành dẫn đến đồ án quy hoạch đô thị trở thành công cụ quản lý quy hoạch duy nhất ở cấp đô thị. Cần nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung, quy trình lập quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành đáp ứng yêu cầu mới.
Quy hoạch cần đổi mới phương pháp mang tính chiến lược hơn, hướng tới việc thực hiện, đảm bảo sự tham gia. Phân biệt đồ án quy hoạch để quản lý và đồ án quy hoạch để đầu tư sẽ hạn chế những quy hoạch treo do vấn đề vốn đầu tư. Cải tiến quy trình điều chỉnh quy hoạch để việc điều chỉnh diễn ra thuận lợi hơn minh bạch hơn, đồng thời tăng khả năng kiểm soát điều chỉnh cục bộ, đảm bảo tính thống nhất với tổng thể và bảo vệ lợi ích cộng đồng.
4. Quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới không thực hiện khảo sát địa hình mà sử dụng bản đồ địa chính, có xã dùng bản đồ địa chính cũ để lập quy hoạch dẫn đến chất lượng chưa cao. Vậy cần đo đạc bản đồ địa hình làm cơ sở để xây dựng đồ án quy hoạch.
5. Hiện chưa có nhiều đồ án, dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị được thực hiện do loại hình dự án này khá phức tạp thiếu quy định luật pháp, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm. Cần xây dựng đề tài nghiên cứu cải tạo, chỉnh trang đô thị làm cơ sở khoa học để bổ sung, sửa đổi văn bản pháp quy nhằm thúc đẩy công tác cải tạo chỉnh trang đô thị.
6. Việc đóng góp ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan còn hạn chế, chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao dẫn đến khi đồ án quy hoạch được duyệt, công bố và triển khai thực hiện còn chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các tổ chức và nhân dân trong vùng quy hoạch.
Trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch cần coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư, sự phản biện của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu khách quan của xã hội, của thị trường. Như vậy cần đổi mới quy trình xin ý kiến cộng đồng mang tính thực chất, hiệu quả hơn, nâng cao mức độ tham gia của cộng đồng.
Phương pháp quy hoạch tích hợp sẽ đảm bảo việc tham gia đa ngành và của các bên liên quan khác trong suốt quá trình lập đồ án, không chỉ là xin ý kiến khi ý tưởng quy hoạch đã thành hình.
7. Điều 34 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 “UBND các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”. Vậy luật chưa quy định rõ loại hình, tính chất đồ án quy hoạch xây dựng nào phải được thông qua HĐND cùng cấp hay phải thực hiện như thế nào. vì việc triển khai lấy ý kiến HĐND (thường chỉ họp định kỳ) sẽ kéo dài thời gian lập đồ án.
Theo quan điểm của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia: Với quy hoạch đô thị, chỉ các đồ án quy hoạch chung mới cần thông qua HĐND. Quy hoạch xây dựng có thể cũng chỉ nên giới hạn ở đồ án quy hoạch chung, và cần bổ sung văn bản pháp luật chi tiết hơn đồ án nào cần lấy kiến HĐND cấp nào.
8. Đang có sự khác nhau về tên gọi và cách thể hiện của các loại đất đai giữa ngành Tài nguyên – Môi trường và ngành Xây dựng, từ đó gây nhiều khó khăn trong quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch. Như vậy cần ban hành thông tư liên ngành Tài nguyên – Môi trường và Xây dựng để thống nhất phân loại đất đai.
9. Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 44/2010/NĐ-CP quy định các khu vực đầu tư xây dựng có quy mô lớn hơn 5ha cần phải lập quy hoạch chi tiết.
Trường hợp các dự án đầu tư như nhà máy sản xuất nước sạch, khu nuôi trồng thủy hải sản, khu chăn nuôi tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao… có quy mô trên 5ha mà nằm tại đô thị có cần thực hiện theo quy định về quy hoạch chi tiết của Luật Quy hoạch đô thị hay không và nếu các khu trên nằm ngoài đô thị thì thực hiện theo luật nào?
Vấn đề này Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đề xuất: Quy hoạch chi tiết thường áp dụng cho các khu vực tập trung dân cư; Mục tiêu là để tính toán dân số, xác định chỉ tiêu hạ tầng, tầng cao, khoảng lùi, cảnh quan… Các khu vực đầu mối hạ tầng, khu nông nghiệp tập trung… không cần tính toán các nội dung trên và thường đã có dây truyền, máy móc xác định thì không cần thiết lập quy hoạch chi tiết. Do vậy cần điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật liên quan để cụ thể hóa nội dung này, tạo thuận lợi cho các dự án hạ tầng kỹ thuật và sản xuất.
Riêng khu nông nghiệp công nghệ cao, nếu nằm ngoài đô thị sẽ thuộc nhóm khu công nghệ cao đã được đề cập tại 1/7 Khu chức năng của Luật Quy hoạch, nếu nằm trong đô thị thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị. Cần có thông tư hướng dẫn thiết kế Khu nông nghiệp công nghệ cao phục vụ nhu cầu xã hội đang tăng cao.
Một một vấn đề khác nữa cũng được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia phát hiện đó là việc quy định không lập quy hoạch phân khu đối với thị trấn gây khó khăn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với một số địa phương chưa có điều kiện triển khai quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) của dự án theo định hướng quy hoạch chung thị trấn (chưa kêu gọi được nhà đầu tư hoặc chưa đủ nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch chung).
Vậy, đối với thị trấn, thường có quy mô nhỏ, chỉ tương đương 01 đơn vị ở, chức năng sử dụng đất nên được thể hiện đến cấp đơn vị ở, tương ứng với nội dung đồ án quy hoạch phân khu. Đề tài đổi mới công tác lập quy hoạch đã đề xuất tích hợp đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, thể hiện ở tỷ lệ 1/2000 đối với các đô thị vừa và nhỏ, sẽ giải quyết được vấn đề này.
Hải Đăng
(Báo Xây dựng)
- Tỉnh, thành phố và vấn đề tách-nhập: cần dựa vào chính yêu cầu phát triển của địa phương
- Khi nhà đầu tư tài trợ lập quy hoạch tỉnh
- Còn nhiều hạn chế trong phát triển đô thị
- Thay vì "sợ", nên có cơ chế kiểm soát nguy cơ nhà đầu tư tư nhân "lèo lái" quy hoạch
- Giải bài toán 'sốt đất': Một yếu tố rất căn bản vẫn chưa được đụng chạm tới
- TP HCM thoát "chiếc áo chật" nếu được nới tỷ lệ điều tiết ngân sách
- Bộ Xây dựng: Nghị định 30 không gây khó cho phát triển nhà ở thương mại
- Thành phố Hồ Chí Minh cần cơ chế phù hợp cho siêu đô thị
- Tích hợp nguồn lực trong phát triển bền vững không gian vùng Cần Giờ
- Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức