“Công tác quy hoạch phải do Nhà nước nắm” là một phát biểu đáng chú ý của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng hôm 18/5, nhất là trong bối cảnh các địa phương phải lập quy hoạch tỉnh cho thời hạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Xung đột lợi ích
Từ khía cạnh kinh tế, nếu quy hoạch Nhà nước không nắm, để rơi vào tay tư nhân tiềm ẩn rủi ro đối với sự phát triển của đất nước. Xuất phát từ động cơ thực hiện những phần có thể thu lợi, tư nhân không hướng đến mục tiêu lập quy hoạch tối ưu theo nhu cầu xã hội.
Quảng Ninh (Ảnh: Đỗ Phương)
Như vậy, quy hoạch có ngoại tác, trở thành cơ sở để Nhà nước can thiệp. Một bản quy hoạch không tốt khiến điều kiện phát triển kém nhưng hậu quả không dừng lại là thời hạn 10 năm. Hết thời hạn theo luật định, địa phương phải làm quy hoạch mới thì dư địa cũng đã bị thu hẹp. Ngược lại, quy hoạch tốt thúc đẩy phát triển, mang lại lợi ích cho nhiều bên, từ cộng đồng, doanh nghiệp cho đến Nhà nước.
Quan điểm của người đứng đầu cơ quan hành pháp còn phù hợp với tinh thần của Luật Quy hoạch. Điều 14 đạo luật chuyên ngành này quy định tổ chức lập quy hoạch thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, phân thành 4 cấp, gồm Chính phủ (tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia); Thủ tướng (tổ chức lập quy hoạch vùng); bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia và UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh.
Ở Quảng Ninh, chính quyền địa phương đã lựa chọn Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (từ đây gọi là McKinsey & Company), đơn vị từng lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh phí cho hoạt động này được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Đăng - đại diện cho liên danh gồm Hải Đăng, Tập đoàn Vision Transportation Group, Công ty Đầu tư và Phát triển Sunny World, chi trả 100% cho McKinsey & Company. Theo báo Quảng Ninh, tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 4.2018, liên danh này đã báo cáo ý tưởng nghiên cứu đầu tư vào ba dự án có tổng mức đầu tư 10-15 tỉ USD, gồm dự án đầu tư đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái - Vân Đồn (chiều dài 100km); khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong (quy mô 500ha); khu đô thị phức hợp phía bắc đảo Cái Bầu (5.000ha) tại Khu kinh tế Vân Đồn.
Ở Khánh Hòa, chính quyền địa phương chọn McKinsey & Company lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh Khánh Hòa nhận sản phẩm quy hoạch được phê duyệt từ nhà tài trợ là Tập đoàn FPT. Theo báo Khánh Hòa, thời gian lập quy hoạch dự kiến là 10 tháng kể từ thời điểm ký kết, nhằm kịp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, bộ đôi FPT - McKinsey & Company còn ký kết thỏa thuận với UBND tỉnh Bình Định lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030. FPT đã mở phân hiệu Đại học FPT tại TP. Quy Nhơn. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT nói rằng “có khát vọng lớn đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất thế giới. Để hiện thực hóa khát vọng lớn đó cần có những mục tiêu rõ ràng, kế hoạch sâu sát và nguồn nhân lực tốt nhất. Bản quy hoạch này là khởi đầu cho khát vọng đó”.
Điều 10 khoản 4 Luật Quy hoạch 2017 nêu rõ “nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch”. Điều 3 khoản 11 Luật Quy hoạch định nghĩa “hoạt động quy hoạch bao gồm việc tổ chức lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch”.
Mâu thuẫn về thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch (đối chiếu với Điều 14 Luật Quy hoạch) cần được giải thích từ cơ quan lập pháp. Chưa kể “các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế” tham gia đến mức độ nào, liệu có khả năng tác động đến thẩm quyền của cơ quan nhà nước theo hướng có lợi cho những chủ thể tham gia vào hoạt động quy hoạch hay không?
Một câu hỏi ngờ vực bật ra là tại sao nhà đầu tư lại “tài trợ” thanh toán chi phí cho tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong hợp đồng ba bên giữa UBND cấp tỉnh, nhà tài trợ và đơn vị tư vấn lập quy hoạch? Từ góc độ quản lý nhà nước, việc kinh phí lập quy hoạch tỉnh không từ ngân sách địa phương giúp UBND cấp tỉnh không phải “lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu” theo quy định tại Điều 17 Luật Quy hoạch. Khi quy hoạch tỉnh được nhà đầu tư “gói lại” thành món quà, phải chăng một phần Luật Quy hoạch đã bị vô hiệu hóa?
Một góc Nha Trang nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trần Anh Khoa)
Tham bát bỏ mâm
Câu hỏi thứ hai, có lẽ còn quan trọng hơn, là đề bài cho đơn vị tư vấn. Có nghĩa, lập quy hoạch là bài toán phái sinh. Đề bài được hiểu là định hướng phát triển kinh tế phù hợp với năng lực cạnh tranh của địa phương. Xem ra, hiện vẫn chưa có cơ chế lựa chọn nào tốt hơn hình thức đấu thầu.
Một chuyên gia quy hoạch (không muốn nêu tên) cho rằng một vấn đề khác cũng cần mổ xẻ: vai trò của tư vấn là hỗ trợ kỹ thuật, vai trò của tỉnh là lập quy hoạch. Cách làm của Việt Nam hiện đang dựa quá nhiều vào tư vấn trong khi bản thân chính quyền thì tham gia hời hợt, thiếu thực chất. Tư vấn tham gia khách quan, khoa học, dùng chuyên môn để dẫn lối, mới là cần thiết. Cách tổ chức lập quy hoạch hiện nay rối rắm. Bởi chưa có hướng dẫn, hoặc chính hướng dẫn tạo ra sự rối rắm.
Nhà đầu tư tài trợ kinh phí lập quy hoạch giúp địa phương tiết kiệm được một khoản ngân sách trước mắt, đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương từ bỏ cơ hội có nhiều hơn một lựa chọn phục vụ lợi ích công, chưa kể hình thức đấu thầu đòi hỏi những đơn vị dự thầu phải nỗ lực cạnh tranh. Chọn được sản phẩm quy hoạch tốt hơn, hài hòa lợi ích nhiều bên.
Về phía chính quyền địa phương, quy hoạch tỉnh được lập một cách minh bạch, bài bản không chỉ đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong dài hạn, mà còn phát tín hiệu lành mạnh về môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ thiết thực công tác thu hút và khuyến khích đầu tư. Theo quy định của luật, thời hạn quy hoạc h tỉnh gấp đôi nhiệm kỳ lãnh đạo. Quy hoạch tỉnh có tính kế thừa, để lại dư địa thực hiện quy hoạch mới cho giai đoạn 2031- 2040.
Quy hoạch tốt làm tăng giá trị tài sản của xã hội, trong đó hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như người dân. Tiền sử dụng đất đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương cũng tăng theo. Đó cũng là động lực để chính quyền địa phương “nắm” công tác quy hoạch, bởi nguồn lực/nguồn thu này không bị nhóm lợi ích chi phối (theo Luật Ngân sách nhà nước, địa phương được hưởng 100% nguồn thu này).
Với những địa phương chưa tự chủ được ngân sách, phương án đề xuất là huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Tuy nhiên, kinh phí vận động tập trung vào một quỹ độc lập, mang sứ mạng duy nhất là thực hiện một sản phẩm quy hoạch để đời. Đây là cơ hội vàng để cộng đồng doanh nghiệp gắn bó với địa phương đàng hoàng thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Hôm nay là nhà tài trợ, nhưng ngày mai doanh nghiệp cũng chính là một trong những thành phần được thụ hưởng thành quả từ bản quy hoạch để đời.
Thượng Tùng
Ngoài các địa phương như Nha Trang, Quảng Ninh, hiện nay nhiều địa phương khác trên cả nước đã ký hợp đồng tài trợ lập quy hoạch tỉnh như Hải Dương, Ninh Thuận, Hòa Bình, Long An, Bình Định, Thái Nguyên... Các doanh nghiệp tài trợ kinh phí Saigontel, Tập đoàn FPT, Công ty CP Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc, Tập đoàn VinaCapital… Các đơn vị tư vấn gồm Công ty TNHH McKinsey&Company Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn Roland Berger... Theo Tổng cục Quản lý đất đai (đến tháng 6/2021), công tác lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được báo cáo của 10/14 bộ, ngành; của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Tổng cục đã tiến hành rà soát, đánh giá thông tin tài liệu, rà soát nhu cầu sử dụng đất. Bên cạnh đó, đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo Nghị quyết - 134/2016/QH13; đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phân khai cho các địa phương; tổ chức biên tập xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2020 của cả nước và 6 vùng kinh tế; nghiên cứu tiềm năng đất đai phục vụ phân vùng sử dụng đất và rà soát, đánh giá các tác động của các yếu tố biến đổi khí hậu đến sử dụng đất... B.T.V (tổng hợp) |
(Người Đô Thị)
- Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 3: Cần chiến lược đô thị hóa phù hợp với các vùng khác nhau
- Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 2: Ba chính sách quan trọng không còn phù hợp
- Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 1: Phát triển phân tán và thiếu kết nối
- Cần tránh việc tách, nhập kiểu đèn cù
- Tỉnh, thành phố và vấn đề tách-nhập: cần dựa vào chính yêu cầu phát triển của địa phương
- Còn nhiều hạn chế trong phát triển đô thị
- Thay vì "sợ", nên có cơ chế kiểm soát nguy cơ nhà đầu tư tư nhân "lèo lái" quy hoạch
- Giải bài toán 'sốt đất': Một yếu tố rất căn bản vẫn chưa được đụng chạm tới
- Những vấn đề tồn tại trong công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng cần xử lý
- TP HCM thoát "chiếc áo chật" nếu được nới tỷ lệ điều tiết ngân sách