Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 4: Ba hành động chính sách để hiện thực hóa hiệu quả

Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 4: Ba hành động chính sách để hiện thực hóa hiệu quả

Viết email In

WB cho rằng, cần có hành động chính sách táo bạo từ: dịch chuyển lao động, quy hoạch đất đai và quy hoạch, phân bổ ngân sách và nguồn lực.

Từ những phân tích ở các kì trước, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong những lĩnh vực chính này, các hành động chính sách nói trên không chỉ giúp cải thiện hiệu quả và nhờ đó duy trì đà phát triển của Việt Nam, mà còn cải thiện tính bao trùm, công bằng và khả năng thích ứng của đô thị hóa. Từ đó, WB đưa ra ba khuyến nghị lớn.


Việt Nam có thể thúc đẩy hiệu quả không gian mà không nhất thiết phải hy sinh công bằng về không gian.

Khuyến nghị 1: Nới lỏng rào cản đối với dịch chuyển lao động, cải thiện kỹ năng và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội và cơ bản.

Thị trường lao động hiệu quả nhất khi người lao động được kết nối với việc làm phù hợp nhất với họ, và cũng là việc làm mà họ sẽ tạo ra năng suất cao nhất. Điều này đúng ở cấp độ vùng giữa các vùng tạo thành hai cấp độ của cơ cấu đô thị hóa và công nghiệp hóa của Việt Nam. Điều này cũng đúng ở cấp vùng đô thị lớn, trong nội bộ từng vùng riêng lẻ. Ở cấp độ vùng, Việt Nam không khuyến khích dịch chuyển lao động về địa lý, cả theo cách rõ ràng, thông qua chi phí kinh tế xã hội cao đối với người di cư do những rào cản của hệ thống đăng ký hộ khẩu, và theo cách ngầm định, khi không cung cấp nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu hạ tầng và nhà ở giá hợp lý của Hà Nội, TP HCM và các đô thị cấp hai tại các vùng cấp độ 2.

Để cải thiện khả năng dịch chuyển lao động, cần nới lỏng các rào cản về thể chế và cơ cấu quan trọng cản trở di cư, đặc biệt đối với di cư cả gia đình. Việc giải quyết số lượng lớn các rào cản về dịch chuyển lao động này cần có cách tiếp cận đa hướng sau đây.

Thứ nhất, giảm chi phí kinh tế xã hội cho người di cư phát sinh do hệ thống đăng ký cư trú. Mặc dù chính phủ không còn yêu cầu chặt chẽ về việc phải có đăng ký cư trú thì mới được làm việc ở thành phố như trước đây, hệ thống hộ khẩu vẫn tiếp tục là trở ngại đối với di cư, đặc biệt đối với gia đình có trẻ em. Nên cân nhắc cải cách hệ thống này để giảm bớt trở ngại đối với di cư gia đình và mở rộng quy mô và tăng cường chất lượng của lực lượng lao động ở các khu vực đô thị lớn và đô thị cấp hai như Đà Nẵng và Cần Thơ trong các vùng thuộc cấp độ 2 của Việt Nam

Thứ hai, tăng nguồn cung nhà ở giá hợp lý. Mặc dù hầu hết không có khu ổ chuột như thường thấy ở những thành phố đang phát triển khác, gần 30% dân số thành thị của Việt Nam sống trong nhà ở chất lượng thấp vào năm 2015. Để lấp đầy thiếu hụt về nhà ở giá hợp lý, cần phân bổ quỹ đất cần thiết để phát triển nhà ở giá hợp lý và hoàn thiện quy định của thị trường đất đai, cùng với quy hoạch không gian và ngành có liên kết. Việt Nam đã thiết lập một khung chính sách tốt để hỗ trợ phát triển nhà ở giá hợp lý. Tuy nhiên, chính phủ cần phối hợp với chính quyền địa phương và khu vực tư nhân để thực hiện những chính sách hiện tại.

Thứ ba, cải thiện lập kế hoạch tài chính – ngân sách để cung cấp dịch vụ đô thị và phát triển kỹ năng. Chính phủ phải nhận ra vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ các vùng đô thị lớn và đô thị cấp hai, mở rộng cơ hội để người di cư và gia đình tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội và công cộng và các chương trình đào tạo phát triển kỹ năng. Những thành phố này rất lo ngại về tình trạng quá tải của hạ tầng đô thị và dịch vụ công cộng làm gia tăng ảnh hưởng của tắc nghẽn, nhưng không nhận được hỗ trợ cần thiết từ chính phủ để đáp ứng với luồng di cư.

Khuyến nghị 2: Cải thiện quy hoạch và quy định sử dụng đất nhằm tích hợp phát triển vật lý, công nghiệp và nhân khẩu học của khu vực đô thị và phối hợp phát triển vượt ranh giới giữa các địa phương.

Việc mở rộng nhanh chóng đất đô thị là do thiếu quy hoạch và kiểm soát của cơ quan quản lý đối với việc chuyển đổi đất nông nghiệp và hoạt động phân bổ tài nguyên đất dựa trên mức giá thấp do chính quyền quy định để thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hồi đất. Tận dụng những chính sách ưu đãi của chính phủ trung ương, chính quyền các huyện nông thôn đã tìm cách tạo nguồn thu và phát triển đất để thành lập các khu và cụm công nghiệp quy mô nhỏ. Cùng với đầu tư hạn chế cho hạ tầng kết nối về không gian, việc mở rộng diện tích đất đô thị đã diễn ra gắn với tình trạng phát triển phân tán và thiếu kết nối.

Để đảo ngược mô hình phát triển phân tán và thiếu kết nối và thúc đẩy liên kết và cải thiện kinh tế và nhân khẩu của các trung tâm đô thị Việt Nam, cần phải thay đổi chính sách, quy định và quy trình nền tảng cho chuyển đổi đất, phân bổ đất đai và quy hoạch không gian.

Thứ nhất, tăng cường kiểm soát chuyển đổi đất nông thôn sang đất đô thị. Chuyển đổi đất nông thôn sang đất đô thị được thực hiện rộng khắp trong những thập kỷ gần đây. Việc chuyển đổi này được thúc đẩy bằng chính sách ưu đãi đối với việc tạo ra nguồn thu tại địa phương và ưu đãi của chính phủ liên quan đến phân bổ nguồn lực tài chính và việc ủy quyền chức năng quy hoạch (đặc biệt là hệ thống phân loại đô thị. Rất cần có khuôn khổ rõ ràng và cơ chế hiệu quả để điều tiết không gian nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động chuyển đổi đất đai, bảo vệ đất nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên khác.

Thứ hai, cải thiện cơ chế dựa trên thị trường để định giá và phân bổ đất. Nên dừng phân bổ tài nguyên đất dựa trên mức giá thấp do chính phủ quy định để ngăn chặn đầu cơ làm thúc đẩy chuyển đổi đất quá mức các khu vực ven đô. Phương pháp định giá đất của Việt Nam cần phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế, ví dụ như tăng tần suất thẩm định từ năm năm một lần lên hàng năm và dần áp dụng phương pháp thẩm định hàng loạt dựa trên dữ liệu giao dịch và mô hình thống kê đáng tin cậy.

Thứ ba, tăng mật độ và tái phát triển trung tâm thành phố. Cần tìm hiểu các cơ chế khác nhau, như đánh thuế tài sản để chống tích trữ và đầu cơ, tái phát triển quy mô nhỏ do người sử dụng đất thực hiện, dồn điền hoặc tái điều chỉnh đất dựa trên đồng thuận của người sử dụng đất, và di dời hoặc tái phát triển hoạt động công nghiệp hoặc hoạt động giá trị gia tăng thấp khác. Các thành phố cũng cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng, tổ chức lại và tăng mật độ sử dụng đất dọc theo các hành lang giao thông công cộng.

Thứ tư, tăng cường vai trò và tính liên kết của quy hoạch không gian. Thứ năm, tìm hiểu cơ chế hiệu quả hơn để phối hợp giữa các vùng và khu vực đô thị lớn. Ví dụ, các ủy ban điều phối của các vùng kinh tế xã hội quan trọng có thẩm quyền quy hoạch vùng và đô thị, và có các chức năng, ngân sách và nguồn nhân lực liên quan. Cũng nên cân nhắc các cơ chế tài trợ khác để hợp tác liên tỉnh và liên vùng, như tài trợ đối ứng đặc biệt để phát triển cơ sở hạ tầng của vùng.

Khuyến nghị 3: Cải thiện sự đáp ứng trong phân bổ ngân sách và chính sách tài trợ đầu tư cho các trung tâm đô thị và những đô thị cấp hai lớn. 

Một cách tiếp cận mới, khác biệt có thể giải quyết thách thức đô thị hóa và nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam. Đặc biệt, những đầu tàu về kinh tế bao gồm Hà Nội và TP HCM cần tăng đầu tư hạ tầng để góp phần thúc đẩy tính kinh tế nhờ tích tụ, giảm nhẹ ảnh hưởng của tắc nghẽn, và cải thiện liên kết với các vùng đô thị xung quanh. Nhu cầu và năng lực tài khóa khác nhau của các vùng và các tỉnh khác nhau cần có chính sách và cơ chế khác biệt để hỗ trợ tăng trưởng nhanh hơn và hiệu quả hơn. Vì hệ thống ngân sách hợp nhất của Việt Nam hiện còn thiếu cơ chế phân bổ ngân sách vùng, để cải thiện liên kết vùng thì cần có chính sách hoặc cơ chế tài chính mới. Phát triển và thí điểm cách tiếp cận toàn diện đồng thời giải quyết công tác quản trị và thực hiện các dự án hạ tầng ở một khu vực có nhu cầu cao về liên kết vùng và tăng cường tích tụ, như khu vực Đông Nam bộ là cần thiết.

Đối với khuyến nghị này, ba nhóm hành động chính sách được đề xuất, bao gồm: phân bổ ngân sách và lập kế hoạch tài chính – ngân sách, huy động nguồn lực và chính sách tài khóa.

Bằng cách thúc đẩy tính kinh tế nhờ tích tụ, quản lý tốt hơn các ảnh hưởng của tắc nghẽn và thúc đẩy liên kết vùng trên cơ sở tiếp cận phổ cập đối với dịch vụ cơ bản và chiến lược không gian khác biệt, Việt Nam có thể thúc đẩy hiệu quả không gian để đạt được tăng trưởng và bền vững mà không nhất thiết phải hy sinh sự công bằng về không gian.

Linh Nga

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...