Ngày 7/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, sẽ tập trung vào giải pháp quy hoạch, đảm bảo quyền lợi của các bên nhằm sớm thúc đẩy các dự án cải tạo chung cư cũ...
(Ảnh minh họa)
Chi 500 tỷ đồng kiểm định chất lượng chung cư
Theo Đề án, thành phố sẽ bố trí nguồn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2020 - 2025 để kiểm định chung cư, ưu tiên chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ (cấp độ D và C cận D); Sở Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: các chủ sở hữu thống nhất chọn, đấu thầu, Nhà nước trực tiếp đầu tư dự án.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạm cư, UBND thành phố lập Hội đồng thẩm định trước ngày 15/12 để xem xét, phê duyệt phương án bồi thường. Hệ số K được tính từ 1 - 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ.
Tham gia góp ý Đề án, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định, thực chất những chung cư đã được cải tạo đều là xây lại theo phương án nâng tầng. Nếu nhiệm kỳ này chấp thuận nâng tầng để giải quyết vấn đề chung cư cũ thì nhiệm kỳ sau sẽ chịu gánh nặng tắc đường, quá tải mật độ dân cư...
Do đó, KTS Nghiêm đề nghị gắn quy hoạch dân cư vào Đề án cải tạo chung cư cũ để đảm bảo giảm mật độ dân số theo các định hướng phát triển của thành phố Hà Nội.
Chuyên gia Lê Văn Hoạt nhận định: “Chính quyền thành phố đang nợ người dân về vấn đề cải tạo chung cư cũ hàng chục năm nay”. Ông kiến nghị, thành phố cần xem xét khoản vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng để tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ... bởi bỏ ngân sách ra quá nhiều trong khi chỉ xác định làm vài khu. Nếu 5-10 năm nữa mới làm các khu khác thì chung cư đó xuống cấp lại đánh giá lần nữa.
“Theo tôi, chỉ nên khảo sát, kiểm định những khu chung cư có kế hoạch cải tạo gần. Không nên dàn trải”, ông Hoạt nói.
Các chuyên gia cho rằng khi cải tạo chung cư cần quan tâm lợi ích các bên
Hài hòa lợi ích
Một số đại biểu kiến nghị, việc cải tạo chung cư cũ phải phát huy tối đa 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu hài hòa lợi ích giữa các bên sẽ tạo ra sự đồng thuận thực chất và bộ mặt đô thị mới cũng tốt lên. Ngoài ra, cần công khai, minh bạch trong chế độ ưu đãi với nhà đầu tư, đối tượng hưởng chính sách xã hội…
Không để dân đánh đu với doanh nghiệpTrao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội nói rằng, cần làm rõ vị trí pháp lý của người dân trong cải tạo chung cư cũ để từ đó tạo sự đồng thuận. Thành phố cần điều chỉnh hệ số đền bù cho phù hợp thực tế, từ 1,2 đến 1,3 là phù hợp, không nên để khoảng trống thỏa thuận. “Làm sao để người dân thấu hiểu khó khăn của Nhà nước, doanh nghiệp khi cải tạo chung cư cũ. Tránh tình trạng để người dân “đánh đu” với doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp bày tỏ. |
KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, góp ý, ngoài 3 chủ thể của cải tạo nhà chung cư là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, cần một yếu tố quan trọng nữa là cộng đồng. Cần gắn lợi ích, quyền, trách nhiệm cộng đồng vào việc cải tạo chung cư cũ; cộng đồng sẽ được hưởng lợi hạ tầng, tiện ích, vườn hoa sau cải tạo... Như vậy, vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ tạo được đồng thuận cao hơn.
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, cho biết, ngay gần đây vẫn còn nhiều hộ dân chủ yếu ở tầng 1 các chung cư cũ, không chấp hành, khiếu nại giá đền bù giải phóng mặt bằng. Ở đây phải xác định là chủ hộ tầng 1 vừa có quyền vừa có trách nhiệm trong cải tạo chung cư. Ông Thảo nhận định: “Nghị định 69 của Chính phủ đã mở ra nhiều giải pháp để giải phóng mặt bằng, thành phố cũng cần có giải pháp quyết liệt xử lý người không chấp hành”.
Tiếp thu đóng góp của các chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định: “Các chung cư cũ Hà Nội hiện nay không may xảy ra trận động đất 6 - 7 độ richter thì vô cùng nguy hiểm. Do đó, việc cải tạo chung cư cũ là vấn đề cấp thiết”.
Về những lo lắng tăng mật độ dân số, quá tải hạ tầng sau cải tạo, Phó Chủ tịch thành phố cho biết, Nghị định 69 chia 2 nhóm cải tạo, gồm khu chung cư cũ và chung cư cũ đơn lẻ. Các khu chung cư khi xây mới phụ thuộc vào giải pháp quy hoạch chung, tái định cư quy gom. Ví dụ, 1 khu chung cư rộng 30 ha với rải rác 30 khối nhà 5 tầng, khi quy hoạch tập hợp nhà vào 1 khu vực đất phù hợp. Làm như vậy sẽ giải phóng được 20-30% quỹ đất làm kinh doanh, dịch vụ thương mại... “Giải pháp quy hoạch sẽ cơ bản cân bằng được mật độ dân cư”, lãnh đạo thành phố nói.
Cải tạo, xây mới chung cư cũ: Sẽ không còn bồi thường 'vượt khung'Việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ của Hà Nội sẽ được gắn vào mục tiêu chỉnh trang đô thị toàn thành phố. Với những quy định mới, thành phố có thể áp mức đền bù theo đúng quy định, việc đền bù “vượt khung” như từng diễn ra tại một số khu chung cư trước đây sẽ không còn nữa. Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Nghị định 69 của Chính phủ sẽ giúp tháo gỡ gần như các vấn đề vướng mắc trong cải tạo chung cư từ trước đến nay. Lãnh đạo thành phố cho biết, lần này hoạt động cải tạo chung cư cũ của thành phố không phải là cải tạo chung cư đơn lẻ mà là công cuộc tái thiết, chỉnh trang đô thị toàn thành phố. Không chỉ những chung cư cũ, mà cả những nhà hết niên hạn, nhà hư hỏng, không đủ tiêu chuẩn... cũng được đưa vào danh sách đánh giá, cải tạo. Thực tế hiện nay, các khu chung cư cũ ngoài việc xuống cấp nghiêm trọng thì các hệ thống giao thông, đường nội bộ, nguồn cấp điện, nước, thoát nước, PCCC... đều không được đảm bảo. Theo khảo sát xã hội học mới đây, tỷ lệ người dân chủ sở hữu căn hộ chung cư cũ đồng thuận cải tạo chiếm từ 63- 95%, nhưng yêu cầu của các chủ sở hữu với hệ số bồi thường (K) diện tích tái định cư tại chỗ rất lớn, bất hợp lý. Cụ thể, khu tập thể Thành Công, tỷ lệ đồng thuận đạt 95%, các hộ dân yêu cầu hệ số K>2 chiếm từ 89- 92%; Khu Tập thể Giảng Võ, Ngọc Khánh có tỷ lệ đồng thuận đạt 70%, các hộ dân yêu cầu hệ số K từ 1,5 tới trên 2,5 chiếm đến 96,2%... Theo dự thảo Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong cải xây dựng mới chung cư cũ là giải phóng mặt bằng (GPMB), Nhà nước không quy định cụ thể việc thu hồi đất, bồi thường GPMB và cho các bên tự thỏa thuận. 14 dự án đang triển khai khảo sát ý kiến của các chủ sở hữu, hầu hết các chủ sở hữu yêu cầu hệ số bồi thường TĐC tại chỗ quá lớn (K>2-2,5), bất hợp lý. Do trước đây chưa có quy định về hệ số bồi thường tối đa cho phép, dẫn đến nhà đầu tư không thể thống nhất được với chủ sở hữu căn hộ. Nghị định 69 đã giải được bài toán GPMB, trong đó quy định chi tiết phương án hỗ trợ, bồi thường, tạm cư; Phương án bồi thường lập trên cơ sở quy hoạch được duyệt; Quy định các hình thức tái định cư khi tại địa điểm cũ không xây dựng lại nhà chung cư... Dự kiến UBND thành phố lập Hội đồng thẩm định trước ngày 15/12/2021 để xem xét phê duyệt chi tiết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cơ sở quy định tại Nghị định 69: Hệ số K bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ, theo nguyên tắc K giảm dần vào khu vực nội đô. Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu lập Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2021. Kế hoạch sẽ bao gồm: Lập danh mục chung cư cũ cần thực hiện cải tạo; Lựa chọn một số chung cư cũ triển khai có tính khả thi trong giai đoạn 2021- 2025; Xác định tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ khởi công và thời hạn hoàn thành của từng dự án. Cụ thể, với chung cư cũ (đợt 1) hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết trong quý II hoặc quý III/2022 và có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trong quý IV/2022, dự kiến khởi công trong quý I, quý II/2023, thời hạn hoàn thành trong khoảng 2-3 năm. Trên cơ sở Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Sở Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập Kế hoạch tạo lập quỹ nhà ở tạm thời theo các phương thức như: Sử dụng quỹ nhà TĐC có sẵn, đầu tư xây dựng nhà ở tạm cư bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; dự kiến hoàn thành trình UBND thành phố xem xét trong quý I/2022. _____ Đối với 30 chung cư cũ được thành phố giao cho các doanh nghiệp lập quy hoạch từ năm 2016, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đa số các quy hoạch lập cho từng chung cư đơn lẻ dẫn đến thiếu kết nối, không đảm bảo yêu cầu về đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Với nghị định mới, đối với chung cư cũ chưa lựa chọn chủ đầu tư, Nhà nước có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ, làm cơ sở lập phương án bồi thường, GPMB và lựa chọn chủ đầu tư dự án. |
Trần Hoàng
(Tiền Phong)
- Gìn giữ chuỗi giá trị thiêng liêng của Sài Gòn
- Quy hoạch khu Đồi Dinh và Đà Lạt: Cách ứng xử với di sản thể hiện mức độ văn minh đô thị
- Đô thị công nghiệp - Kỳ 2: Bao giờ công nhân thoát phận ngụ cư?
- Xung đột quy hoạch – trường hợp Bình Thuận
- Đô thị công nghiệp - Kỳ 1: Tìm đô thị công nghiệp trong cuộc công nghiệp hóa
- Mọi công dân có quyền có chỗ ở
- Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 4: Ba hành động chính sách để hiện thực hóa hiệu quả
- Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 3: Cần chiến lược đô thị hóa phù hợp với các vùng khác nhau
- Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 2: Ba chính sách quan trọng không còn phù hợp
- Đô thị hóa Việt Nam - Kỳ 1: Phát triển phân tán và thiếu kết nối