Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện Đô thị công nghiệp - Kỳ 1: Tìm đô thị công nghiệp trong cuộc công nghiệp hóa

Đô thị công nghiệp - Kỳ 1: Tìm đô thị công nghiệp trong cuộc công nghiệp hóa

Viết email In

“Hiện nay chúng ta có 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất tạo ra 60% tổng sản phẩm trong nước và 70% ngân sách nhà nước(*)” (trích phát biểu của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/5/2021). Nhưng đã có bao nhiêu phần trăm ngân sách dành để an sinh xã hội, nếu chỉ tính riêng cho việc định cư (tạo lập nơi chốn ở) của lực lượng chủ lực trong công cuộc công nghiệp hóa với hơn 850 đô thị đang được nâng cấp liên tục (đưa nông thôn thành đô thị và thăng hạng đô thị)?

Đại dịch Covid-19 khốc liệt đã và đang xuất lộ, làm rõ nhiều hiện tượng xã hội rất lớn, mà làn sóng “rút chạy khỏi vùng dịch” cùng sự cư trú tạm bợ của các gia đình công nhân có thể thuộc số các sự kiện tiêu biểu.


Thị trường không thể tự giải quyết được vấn đề phát triển đô thị công nghiệp và nhà ở của công nhân.
(Ảnh: CTV)

Các liên minh ngoài… kế hoạch, quy hoạch

Để hình thành kiểu “liên minh tình cờ này”, cần  lướt qua các hiện tượng chính khi dịch Covid-19 bùng phát tại các vùng sản xuất công nghiệp.

Thứ nhất, nó cho thấy phần lớn công nhân không phải là người địa phương (nơi có cơ sở công nghiệp) tỷ lệ này từ 50 - 70%, tùy nơi, toàn Bắc Ninh với hơn 400.000 người thì trên 70% là lao động ngoài tỉnh; Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó 60% là người nhập cư…

Vì vậy khi những địa phương bị cách ly hay phong tỏa, cơ sở sản xuất đóng cửa, buộc họ phải trở về quê. Đơn cử: Chỉ từ ngày 12 - 15/6 có khoảng 30.000 công nhân làm việc ở hai huyện Việt Yên, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang được đưa về các tỉnh, thành trên cả nước, hoặc riêng Lạng Sơn đón khoảng 11.000 người trong mấy ngày đầu tháng 6…

Thứ hai, hầu hết công nhân và gia đình họ đang cư trú ngoài hàng rào các cơ sở sản xuất công nghiệp (khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy…). Trong mấy ngày đầu tháng 6, chính quyền Bắc Giang đã tổ chức sơ tán chừng 7.000/9.000 công nhân trú tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) ra khỏi “một điểm nóng dịch Covid-19”. Thông tin cho biết nơi ở trọ của họ là nông thôn, tiết lộ có tới 9.000 công nhân đang sống trong một thôn. Chưa phải kỷ lục, một khảo sát tại thôn Bầu (gần khu công nghiệp  Bắc Thăng Long, thuộc xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) cho kết quả dân tại chỗ chỉ khoảng 3.000 người, còn số lao động nhập cư có đăng ký lên đến ngót 16.000 người (gấp gần 6 lần dân sở tại).

Thứ ba, chỉ riêng 4 khu công nghiệp của Bắc Giang với 140.000 lao động ngừng hoạt động vì dịch Covid-19 trong một ngày, ước tính thiệt hại đến 2.000 tỷ đồng (tỉnh có 6 khu công nghiệp và chừng 1.300 cơ sở công nghiệp). Tất nhiên sự thiệt hại vô cùng lớn đang diễn ra ở nhiều nơi và nhiều bên phải chịu (chính quyền thất thu thuế, người lao động bị giảm lương...), nhưng tổn thất nặng nhất hẳn là các ông/bà chủ.

Bởi thế chính họ mới là những người “năng động, sáng tạo nhất trong cơn bĩ cực” bằng việc lập tức tổ chức cho công nhân ăn, ở ngay tại các khu công nghiệp, nhà máy (xét nghiệm y tế, tách công nhân khỏi thôn xóm cư trú, tránh nghỉ việc về quê…). Tại nhiều doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang... hàng chục ngàn lều, giường tầng cấp tốc dựng lên ngay trong các không gian sản xuất. Chỉ đến ngày 3/6, toàn Bắc Ninh đã có 504 doanh nghiệp với 125.000 lao động thực hiện xong mô hình tổ chức “3 tại chỗ” (công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy), một số doanh nghiệp bên cạnh hỗ trợ khẩn cấp công nhân, còn tính đến sau dịch sẽ “xây dựng các mô hình khu, xóm trọ an toàn,  như công nhân ở cùng nhà máy sẽ ở cùng một khu trọ”…

Có thể thấy ba sự việc kể trên đều phản ánh “mối liên minh bất đắc dĩ” trong tình huống đặc biệt giữa công nhân (người thuê nhà) với nông dân (chủ nhà trọ) và giữa công nhân với các ông/bà chủ nhà máy (lo cho công nhân tạm trú). Nó cho thấy nguyên do khá đơn giản là các địa phương nơi có sản xuất công nghiệp quy mô lớn không thể cung cấp đủ lao động tại chỗ, phải cần đến nguồn lao động “ngoài tỉnh”, hết thảy người đến lao động từ khắp nơi đổ về cần cư trú cận sát nơi làm việc. Và cố nhiên các chủ đầu tư sản xuất công nghiệp cũng vô cùng cần công nhân ở gần nhà máy, mà cách ứng xử của các chủ doanh nghiệp với người lao động là bằng chứng.

Tạm kết luận, nếu công nhân được ở gần nơi làm việc, trong các khu định cư tốt (theo mô hình đô thị công nghiệp), thì cả ba chủ thể tạo nền công nghiệp hóa đều có lợi:

  1. Chính quyền nơi cho thuê/bán đất được thu các loại thuế, mà tránh phải quản lý “xã hội công nhân” đông gấp bội dân số địa phương.
  2. Giới chủ thu được nhiều tư bản hơn từ các lợi ích rút ngắn cự ly, thời gian di chuyển của người lao động và tránh được các rủi ro.
  3. Cuộc sống của công nhân chắc chắn được cải thiện nhiều mặt, họ “an cư  lạc nghiệp” thì đồng thời xã hội cũng hưởng lợi ích.

Nhà máy + Công nhân = Đô thị công nghiệp

Xét về nhân khẩu học, đô thị thời nông nghiệp chủ yếu gồm người của bộ máy hành chính, quân sự, thủ công nghiệp, thương nghiệp... định cư. Sang thời công nghiệp, ngoài số dân cư trên, tầng lớp công nhân (làm với máy móc) xuất hiện và nhanh chóng trở thành nhân vật chính (chiếm đa số nhân khẩu) trong các đô thị công nghiệp (gọi theo sinh kế của đa số dân, tỷ trọng đóng góp kinh tế và tất nhiên cả cấu trúc của nó).


Bắc Giang thiệt hại mỗi ngày hơn 2.000 tỷ đồng khi đóng cửa bốn khu công nghiệp hồi tháng 5/2021 do bùng phát Covid-19.
Ảnh: Nhà máy của Tập đoàn Foxconn chuyên cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Apple trong hai khu công nghiệp ở Bắc Giang phải tạm ngưng hoạt động. (Ảnh: H.T.K)

Xin nêu vài thực tế trong và ngoài nước về loại đô thị này đã tất yếu sinh ra trong sự vận động của sức sản xuất công nghiệp. Manchester - Anh (thuộc loại đô thị công nghiệp ra đời sớm nhất thế giới) sở dĩ đạt được vị thế thành phố từ năm 1853 do gắn với ngành dệt đóng vai trò chủ lực của đông đảo người thợ trong cuộc Cách mạng công nghiệp.  Cũng ngành dệt, không lâu sau Manchester, từ 1898 hai công ty Pháp bắt đầu xây dựng nhà máy tơ tại Nam Định, đến 1930 Pháp đầu tư vào khu vực dệt ở Nam Định khoảng 8 triệu franc và tới năm 1940 lên 100 triệu franc với khoảng 100.000 công nhân. “Đó là một sự mở rộng đô thị mang tính tư bản và thường khó dự liệu đầy đủ ngay từ đầu, như  con đường hình thành của Scranton, Pennsylvania, và các thị trấn nhỏ ở New England (Mỹ) vốn được sinh ra từ hạt nhân công nghiệp” (Nhập cư và cuộc cách mạng công nghiệp Mỹ từ 1880 đến 1920 - Charles Hirschman và Elizabeth Mogford).

Các hoạt động ấy đã biến Nam Định trở thành một trong số các đô thị công nghiệp sớm nhất ở nước ta cùng với sự định hình các đô thị - cảng - công nghiệp: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Có thể nói các loại mô hình đô thị đó được ra đời từ cuối thế kỷ XIX, và cho đến nay (sau hơn một thế kỷ)  chúng vẫn là những đô thị lớn và quan trọng bậc nhất ở nước ta.

Đối với một nước nghèo như Việt Nam, công nghiệp hóa có lẽ là khát vọng cực lớn để thoát khỏi đói khổ. Chính vì thế mà miền Bắc ngay giai đoạn chiến tranh gian khổ nhất thì mức sản xuất công nghiệp đã vượt 2,7 lần mức sản xuất trong năm 1955, và khôi phục lại được mức sản xuất cao nhất thời Pháp thuộc (năm 1938, được kế thừa hệ thống hạ tầng giao thông đặc biệt phát triển thời Toàn quyền Paul Doumer- N.V), tổng sản lượng công nghiệp thời kỳ 1955 - 1960 ước tăng 37% mỗi năm. Trong 5 năm 1961 - 1965 công nghiệp nặng có khu gang thép Thái Nguyên, các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, phân đạm Bắc Giang, supe phốt phát Lâm Thao... ra đời. Công nghiệp nhẹ có các khu công nghiệp Việt Trì, Thượng Đình, các nhà máy Vạn Điểm, sứ Hải Dương, pin Văn Điển, dệt 8 Tháng 3... Đến 1965 đã xây dựng được 1.132 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

Nhiều khu công nghiệp hình thành là nhân tố quan trọng nhất để lập nên, mở rộng quy mô các đô thị và thành phố dù chiến tranh ác liệt: Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, Hồng Quảng (thuộc Quảng Ninh ngày nay)… Tính tổng giai đoạn 1955 - 1975, giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1975 tăng gấp 16,6 lần năm 1955, bình quân tăng mỗi năm 14,7% (trích Kinh tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vi.Wikipedia.org).

Bởi thế, xếp thứ tự xã hội “công - nông - binh - trí”, hình ảnh công nhân luôn chiếm vị trí tiên phong trên các tranh cổ động, trong hội họa, điêu khắc, sân khấu, văn chương, âm nhạc... Đời sống vật chất cũng vậy, dù  chế độ tem phiếu kham khổ ở miền Bắc kéo đến trước năm Đổi mới (1986), “nhân vật trung tâm của thời đại công nghiệp hóa” vẫn xứng đáng được hưởng lượng gạo, thịt, đường, vải… cao hơn các loại lao động khác.


Cho dù các mô hình nhà máy thế hệ mới có ra đời thì căn bản khoảng cách nơi cư trú của công nhân với nhà máy vẫn cần gần nhau
. (Ảnh: Lê Toàn)

Nhà ở thì đương nhiên, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp nào cũng phổ biến có khu tập thể công nhân kề cận. Ngay trong quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nơi kẻ viết sống từ nhỏ, có 4 cơ sở sản xuất công nghiệp: cơ khí Trần Hưng Đạo, xí nghiệp dược Trung ương 2, nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà và dệt 8 Tháng 3. Công nhân của cả 4 cơ sở này cư trú tại khu tập thể Dốc Thọ Lão (hiện vẫn còn) với cự ly đến nơi sản xuất đều không quá 2 km.  Phải nhấn mạnh ý nghĩa của cự ly do không thể khác, nơi chốn sống của công nhân được/phải gắn với cái nhà máy hàng trăm năm qua, đơn giản vì đi bộ, hay xe đạp, họ không thể ở xa nơi sản xuất.

Đến hôm nay, dù con người đang bước vào cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ 4” với các mô hình nhà máy thế hệ mới ra đời, nhưng căn bản khoảng cách nơi cư trú của công nhân với nhà máy vẫn cần gần nhau (như nông dân cần ở gần thửa ruộng). Cho dù trong nhiều ngành nghề người ta đã có thể làm việc trực tuyến, kể cả “công nhân cổ cồn” với sự hỗ trợ của internet, thì các “công nhân áo xanh” vẫn đang và sẽ còn tiếp tục phải đứng sát nhau cùng trong một dây chuyền sản xuất bên máy móc của họ.

Xin lưu ý, dẫu thế giới bước vào cách mạng công  nghiệp lần thứ 4 cũng chẳng có chuyện mọi ngành sản xuất “dàn ngang bước đều” do phụ thuộc rất nhiều vào sự tiến hóa của công nghệ, trình độ khoa học kỹ thuật, tiền vốn, nhân lực, tài nguyên, văn hóa... của mỗi nước, mỗi ngành, mỗi loại hình sản xuất. Tức là, vẫn luôn có những khu vực sản xuất công nghiệp ở  “trình độ 2.0, 3.0 bền vững”.

  • “Đã có gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm tính từ cuối tháng 4 đến 14/7. Cả nước có khoảng 60.000 công nhân là F1, 160.000 người là F2. Đáng chú ý gần 9.500 ca nhiễm Covid-19 là công nhân, viên chức - lao động tại 35 tỉnh, thành, chiếm hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng” (theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam).
  • Ở một số nước, New Zealand chẳng hạn, cho phép các cơ sở sản xuất công nghiệp an toàn được nằm trong đô thị, cứu người đô thị khỏi thảm cảnh mỗi ngày mỗi người mất hàng giờ di chuyển đến chỗ làm việc/ về nhà trong kẹt xe, ô nhiễm. Tham chiếu đó có lẽ sẽ hữu dụng trong cuộc đối phó đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, với một số địa phương có dư địa và đang yêu cầu các nhà máy phải thực hiện “3 tại chỗ”.

Trần Trung Chính

(*) Số liệu này khác số liệu của Tổng cục Thống kê

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...