Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Xung đột quy hoạch – trường hợp Bình Thuận

Xung đột quy hoạch – trường hợp Bình Thuận

Viết email In

Đối với mỗi nền kinh tế, công tác quy hoạch phát triển thực chất là tối ưu hóa việc bố trí các nguồn lực của quốc gia theo không gian và theo thời gian. Trên thực tế, đã xảy ra không ít mâu thuẫn, thậm chí là xung đột giữa các quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ. Các mâu thuẫn/xung đột đó sẽ làm vô hiệu hóa các quy hoạch có liên quan, hoặc tạo ra nhiều kẽ hở cho việc “lách” và “chạy” quy hoạch.

Việc “lách” và “chạy” quy hoạch đồng nghĩa với việc tạo ra các tiêu cực trong công tác quản lý của các bộ ngành liên quan đến thời hạn của các dự án được “đưa vào” hay “đưa ra”, sớm hay muộn và của các địa phương liên quan đến sử dụng đất được ưu tiên hay không ưu tiên.


Bản đồ chồng lấn các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Quy hoạch này chồng lên quy hoạch kia

Để đề xuất hướng xử lý các mâu thuẫn/xung đột trong công tác quy hoạch, nội dung dưới đây của bài viết sẽ trình bày nghiên cứu trường hợp của tỉnh Bình Thuận.

Trước đây, trong giai đoạn 2015-2020, tại tỉnh Bình Thuận đã từng xảy ra xung đột thực sự giữa quy hoạch dự trữ titan và quy hoạch sử dụng đất. Việc chồng lấn về không gian giữa hai quy hoạch này đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc không nhỏ cho địa phương và cho cả các doanh nghiệp đang đầu tư vào Bình Thuận.

Bó tay giữa “hai làn đạn”, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã phải cầu cứu đến tận cấp vĩ mô xin “cứu trợ” trong việc xử lý chồng lấn. Vào “phút thứ 89”, trên tinh thần tháo gỡ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 về “Quản lý dự trữ khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia”. Tuy nhiên, tỷ số “trận đấu” giữa hai quy hoạch này hiện nay vẫn là 0-0.

Hiện nay, cũng ngay tại Bình Thuận đang diễn ra “trận đấu” không phân thắng bại khác giữa quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo với Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Mũi Né.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Né đã được Chính Phủ phê duyệt vào năm 2020, theo đó Bình Thuận sẽ tiếp tục phát triển theo hướng lấy Khu du lịch Quốc gia Mũi Né là trung tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh về biển và cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các dự án du lịch đẳng cấp, với các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao biển…

Hiện tại, xung quanh Khu du lịch Quốc gia Mũi Né đã có bốn dự án điện gió đã được quy hoạch. Gần đây, Bình Thuận có đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện 8 thêm ba dự án điện gió nữa. Các dự án này đều nằm ở khu vực xã Hòa Thắng, Hồng Phong, thuộc Khu du lịch Quốc gia Mũi Né.

Như vậy, trong số các dự án đã được quy hoạch và các dự án được đề nghị bổ sung vào Quy hoạch điện 8 có những dự án chồng lấn lên Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Né với diện tích chồng lấn lên tới 1.374 héc ta.

Bản đồ dưới đây cho thấy rõ sự chồng lấn giữa các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó: đường màu xanh – ranh giới quy hoạch Khu du lịch Quốc Gia Mũi Né, đường màu đỏ – ranh giới dự trữ chiến lược quặng titan, đường màu vàng và màu tím – ranh giới rừng Lê Hồng Phong, các điểm màu gạch- các cột turbine gió.

Chọn lựa dựa trên cơ sở khoa học và yếu tố kinh tế

Các xung đột đáng tiếc nêu trên trong các quy hoạch đòi hỏi phải được xử lý dựa trên các phương pháp tiệm cận đơn giản, dễ hiểu nhưng có cơ sở khoa học như sau:

Trước hết, so sánh giữa các quy hoạch ở khu vực Hòa Thắng, Hồng Phong được Chính phủ quy hoạch nằm trong “Khu du lịch Quốc gia Mũi Né”. Ở đây sẽ có các dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… được đầu tư. Nếu các dự án điện gió xuất hiện ở đây với các cột turbine “đập vào mắt” và với hệ thống đường dây tải điện “ngang dọc”, chắc khách du lịch sẽ khó chấp nhận đây là “Khu du lịch quốc gia”.

Thứ hai, so sánh trực tiếp giữa các lĩnh vực du lịch và điện gió: Về không gian quy hoạch, điện gió có thể phát triển cả ở trên bờ và ở ngoài khơi, càng xa càng tốt. Nhưng du lịch chỉ có thể ở trên bờ.

Ở Bình Thuận, tốc độ gió bình quân trong năm trên bờ ven biển chỉ khoảng dưới 7 mét/giây (ở độ cao hơn 120 mét), thấp hơn nhiều so với ngoài khơi. Trong khi, công suất phát điện của turbine gió tỷ lệ thuận với tốc độ gió theo hàm bậc 3. Nếu tốc độ gió ngoài khơi lớn hơn trong bờ 2 lần, thì công suất phát điện của turbine gió ngoài khơi lớn hơn 8 lần so với trong bờ. Thêm nữa, tốc độ gió trên bờ thấp sẽ hạn chế việc lựa chọn turbine công suất lớn. Ứng với tốc độ gió nhỏ hơn 7 mét/giây, công suất tối ưu của turbine không lớn hơn 3,5MW. Tính trên công suất đặt, các dự án có turbine công suất nhỏ sẽ có diện tích chiếm đất lớn.

Về mặt kỹ thuật, các cột turbine điện gió được xây dựng phải đủ thoáng (mật độ không được lớn, không được gần nhau, và dòng chuyển động của gió không bị cản). Điều kiện này ở ngoài khơi tốt hơn nhiều so với ở trên bờ.

Về mặt kinh tế, các dự án du lịch nên được ưu tiên phát triển trên bờ, dọc theo bờ biển. Ở Bình Thuận cũng như ở nhiều nơi khác, bờ biển là “mặt tiền” để “hái” ra tiền thông qua các dự án du lịch và bất động sản. Các dự án du lịch chắc chắn sẽ mang lại “tiền tươi, thóc thật” nhiều hơn rất nhiều so với các dự án điện gió trên bờ.

Về tính lan tỏa, dự án điện gió cũng như dự án du lịch đều có tính lan tỏa, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực kinh doanh khác. Nhưng, điện gió thì lan tỏa xa hơn và lan tỏa nhiều hơn ở nước ngoài, còn du lịch có tính lan tỏa thiết thực tại chỗ.

Về lâu dài, các dự án điện gió ngoài khơi còn có ưu thế rất lớn mà các dự án điện gió trên bờ (đặc biệt là ở Bình Thuận) không thể có được. Đó là tham gia (cung cấp điện tại chỗ) cho các dự án sản xuất hydrogen – một nguồn năng lượng sạch trong tương lai rất gần của loài người. Dự kiến, sau 10 năm nữa, việc sản xuất nhiên liệu hydrogen ở ngoài khơi Việt Nam sẽ phát triển mạnh. Khi đó, không nhất thiết phải đưa điện từ ngoài khơi vào bờ.

Cuối cùng, việc đầu tư điện gió ngoài khơi còn góp phần quan trọng vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Thứ ba, so sánh về môi trường: Điện gió cũng như thủy điện, điện mặt trời và điện sinh khối đều có nguồn gốc từ mặt trời nên được coi là “tái tạo”, nhưng về mặt môi trường, tất cả các nguồn năng lượng tái tạo này đều không “sạch”.

Gần đây, khi đề cập tới điện mặt trời và điện gió, người ta cũng ít nhắc đến sạch, chỉ nhắc đến “tái tạo” vì thực chất chúng cũng xứng đáng được coi là “bẩn”. Trong nền trời xanh, các cột turbine gió ở Tuy Phong có màu trắng, hay trên đồng cát vàng ở Bắc Bình, các tấm pin mặt trời có màu xanh lơ, nhìn có vẻ “sạch”. Nhưng các turbine gió và các tấm pin mặt trời này đã để lại rất nhiều chất thải nguy hại tại nơi làm ra chúng. Điều nguy hại hơn, chúng cũng sẽ để lại không ít chất thải rắn ở nơi sử dụng.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Standford, sau chín năm các trạm điện gió sẽ làm cho nhiệt độ trong vùng tăng lên 0,72 độ C. Về mặt khoa học, gió là một luồng không khí di chuyển với một tốc độ nhất định nhờ chênh lệch về áp suất của khí quyển do mặt trời tạo ra. Khi di chuyển, động năng của gió sẽ ảnh hưởng đến nhiệt năng của không khí, tốc độ gió càng lớn, nhiệt độ của không khí càng giảm.

Về mặt kỹ thuật, các turbine gió thực hiện chức năng biến động năng của gió thành điện năng. Sau khi đi qua các cánh turbine, động năng của gió giảm đi, tức là tốc độ gió giảm đi. Vì vậy, nhiệt độ của không khí trong vùng sau turbine sẽ tăng lên.

Thứ tư, so sánh về bài toán kinh tế vĩ mô: Ngoài các dự án đã được quy hoạch, việc bổ sung thêm ba dự án điện gió trên bờ vào Quy hoạch điện 8 ở khu vực Bình Thuận đương nhiên sẽ làm mất đi các dự án du lịch. Trong kinh tế học, chi phí cơ hội là một trong những bài toán quan trọng số 1. Đối với Bình Thuận, việc đánh đổi du lịch để lấy điện gió trên bờ (trong khi điện gió ngoài khơi có thể phát triển có hiệu quả) là một cách giải bài toán “chi phí cơ hội” sai.

TS Nguyễn Thành Sơn - Đại học Điện lực Hà Nội

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo