Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Phản biện Dự thảo Luật Đất đai: chưa rõ về trường hợp thu hồi đất an toàn môi trường của dự án

Dự thảo Luật Đất đai: chưa rõ về trường hợp thu hồi đất an toàn môi trường của dự án

Viết email In

Các quy định về khoảng cách cách ly vệ sinh, khoảng cách an toàn môi trường đã được quy định từ lâu, nhưng có lẽ vì được đề cập trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nên cho đến nay, vấn đề giải phóng mặt bằng khu vực cách ly này vẫn chưa được chú ý đưa vào Luật Đất đai.

Theo quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng thì một số dự án như xây dựng nghĩa trang, xử lý chất thải phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường. Đây là khoảng cách tối thiểu để đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường của nguồn phát sinh ô nhiễm.

Theo quy chuẩn này, các công trình phát sinh ô nhiễm phải cách xa công trình dân dụng tối thiểu từ 10-1.500 mét, tùy thuộc vào loại công trình, quy mô và tính chất của công trình và vị trí xây dựng. Nghĩa là, trong bán kính từ 10-1.500 mét từ dự án không được có công trình dân dụng (nhà ở, công trình công cộng).


(Ảnh minh họa: Ashui.com)

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng yêu cầu một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có những yếu tố sau đây phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư: i) có chất dễ cháy, dễ nổ; ii) có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ; iii) có chất độc hại đối với người và sinh vật; iv) có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người; v) có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Khoảng cách an toàn về môi trường được thực hiện theo quy định về khoảng cách an toàn của pháp luật về an toàn phòng cháy và chữa cháy, quản lý vật liệu nổ, an toàn bức xạ, an toàn hóa chất, tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan. Riêng các dự án như mục iv) – có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người thì Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.

Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là để tuân thủ khoảng cách an toàn về môi trường thì phạm vi giải phóng mặt bằng dự án chỉ là phần diện tích có công trình trên đó hay toàn bộ khu đất bao gồm cả phần diện tích đất cách ly? Phần diện tích đất cách ly có phải là đất thực hiện dự án? Ai có trách nhiệm giải phóng mặt bằng? Việc quản lý và sử dụng đất, tài sản trên đất sau khi giải phóng mặt bằng thuộc về ai và làm như thế nào?

Các quy định về khoảng cách cách ly vệ sinh, khoảng cách an toàn môi trường đã được quy định từ lâu, nhưng có lẽ vì được đề cập trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nên cho đến nay, vấn đề giải phóng mặt bằng khu vực cách ly này vẫn chưa được chú ý đưa vào Luật Đất đai. Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định để trả lời rõ ràng các câu hỏi nêu trên. Chính vì vậy, đây là một rủi ro cho nhà đầu tư và dự án.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến đóng góp dường như đã chú ý tới vấn đề này, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tại điểm e khoản 3 và điểm b khoản 5 điều 67 về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có quy định: “Dự án sử dụng đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”; “Phạm vi thu hồi đất gồm khu đất có các công trình và vùng phụ cận của các công trình quy định tại điểm a khoản này”. Đây là những trường hợp Nhà nước thu hồi đất mới được bổ sung. Vùng phụ cận được dự thảo luật định nghĩa là vùng đất tiếp giáp với các công trình, dự án đó theo quy hoạch.

Tuy nhiên, khái niệm này còn rất mơ hồ. Đây có thể là vùng cách ly để đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường, hành lang bảo vệ an toàn cho công trình hay đơn thuần là khoảnh đất nằm kề công trình được Nhà nước thu hồi để tạo quỹ đất và bán lại do đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ? Vì không có sự giải thích rõ ràng nên không ai biết tại sao phải thu hồi đất vùng phụ cận; thu hồi để làm gì; ranh giới vùng phụ cận đến đâu; ai quyết định ranh giới này? Nếu chiếu theo điều 101, 102 của dự thảo luật thì dường như đất vùng phụ cận này được thu hồi nhằm tạo quỹ đất chứ không phải phục vụ trực tiếp cho dự án, tức là diện tích đất của dự án không bao gồm đất phụ cận, do vậy mà Nhà nước đứng ra thu hồi.

Để tránh cho các dự án cần đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường lại rơi vào vướng mắc, dự thảo Luật Đất đai cần thiết phải bổ sung thêm các quy định để trả lời rõ ràng các câu hỏi nêu trên.

LS. Đặng Lam Giang

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo