Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện Quản lý nói được, kiến trúc sư nói chưa

Quản lý nói được, kiến trúc sư nói chưa

Viết email In

Ngày 27/11, hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng kiến trúc và hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư năm 2009 – 2010” tại Bình Quới. Qua các tham luận của kiến trúc sư và các nhà chuyên môn các lĩnh vực liên quan, Sài Gòn Tiếp Thị lược thuật lại một số đánh giá về kiến trúc đô thị.

Nhìn chung, các tác giả tham luận vẫn còn nhiều điều chưa hài lòng cũng như có những ý kiến khác nhau về quy hoạch diện mạo phát triển TP.HCM. Thư ngỏ của ban tổ chức gởi các kiến trúc sư nêu rõ sự đồng tình trong nhận thức về một thực trạng kiến trúc chưa xứng tầm mong đợi. Cuộc hội thảo không nhằm bổ sung thêm cứ liệu cho điều đã rõ ấy nhưng các kiến trúc sư có thể đề cập lại điều ấy nếu nó chỉ ra một địa chỉ, một giải pháp đảm bảo cải thiện tốt hơn hiện trạng kiến trúc.


Toàn cảnh Thủ Thiêm, TPHCM  (ảnh minh họa : Thanh Niên)

Nói về những kết quả đạt được, dưới góc độ nhà quản lý, kiến trúc sư Trần Chí Dũng, giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, khá lạc quan: Tại TP.HCM, kiến trúc phát triển khá đa dạng với nhiều thể loại và hình thức phong phú, trong đó một số công trình kiến trúc có chất lượng thẩm mỹ cao, có sự tìm tòi sáng tạo mới như một số công trình tại khu vực trung tâm thành phố, khu vực đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, quận 2, v.v...

Ông Dũng cho rằng, các tuyến đường được cải tạo chỉnh trang làm tăng giá trị về kiến trúc cảnh quan của đô thị như khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, đường Lê Đại Hành, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, v.v...

TS.KTS Lê Quang Ninh lại có ý kiến khác: Xin coi đường Đông Tây và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé là chuyện lớn trong việc cải tạo lại một dòng sông nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn thuở nào.

Theo ông Ninh, dự án cải tạo đô thị này mới bước đầu đưa vào sử dụng đã chợt thấy rạch Bến Nghé sẽ đi vào dĩ vãng, không gian bị thu hẹp đến mức chỉ còn là con mương, ở đầu này phía sông Sài Gòn còn cắm một kiến trúc khá đồ sộ và các cầu qua lại – kể cả cầu đi bộ cắt sông thành những đoạn nhỏ cản hết tầm nhìn của lòng sông đô thị vốn có của Sài Gòn. Bến Nghé – Tàu Hủ đầy ắp những dấu ấn của đô thị sông nước, trên bến dưới thuyền… Nơi đây hội đủ các yếu tố di sản đô thị và hy vọng rằng cả cái chất và cái hồn sẽ được lắng đọng trong sâu thẳm tâm linh của người dân. Một con đường buộc phải chứa đựng ký ức của một dòng sông – dòng sông đô thị, dòng sông lịch sử, dòng thời gian nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

KTS Ninh nói: “Đô thị không quên điểm khởi đầu sẽ đồng nghĩa với tương lai rạng ngời của nó hướng đến tương lai”.

Chủ tịch hội đồng Kiến trúc – quy hoạch thành phố, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, nhìn nhận thêm: Một số công trình cầu, đường, kể cả công viên đô thị, còn thể hiện sự lúng túng về chủ đề thiết kế, cách xử lý lựa chọn vật liệu, thiết bị như đèn chiếu sáng, lan can, hay vật liệu ốp lát… Thực tế là trong sự thành hình các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện nay còn rất thiếu vắng bàn tay của kiến trúc sư.

Về công trình đô thị, KTS Lương Anh Dũng đánh giá: Những công trình kiến trúc vẽ lại của phương Tây, những công trình kiến trúc mặt phẳng, hộp vô cảm, tất cả điều dựa vào kỹ thuật hiện đại để tạo ra môi trường sống, không có gì là một kiến trúc của vùng nhiệt đới, lại càng không có gì là một kiến trúc của Việt Nam; những công trình kiến trúc lạ mắt, thiếu tính logic của công năng, của đặc thù khí hậu tự nhiên.

Việc phân công, phân cấp trong quản lý đô thị, theo đánh giá của nhà quản lý Trần Chí Dũng, đã được nâng cao, nhất là trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch và pháp luật, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng và đảm bảo trật tự xây dựng đô thị.


Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (ảnh minh họa: Ashui.com) 

Ý kiến này gặp nhiều ý kiến không đồng tình. KTS Bạch Anh Tuấn cho rằng quy hoạch Nam Sài Gòn rất tốt với khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng nhưng ban quản lý khu Nam đã thừa nhận quy hoạch chung khu đô thị Nam Sài Gòn đã bị phá vỡ… Với sự cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đô thị, TP.HCM đã giao cho các UBND quận phê duyệt quy hoạch chung của quận (theo quy hoạch chung của thành phố), nhưng thực tế 24 bản quy hoạch đó là 24 mảnh ghép khác nhau, đồng thời chưa có tiếng nói chung với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch cây xanh… Khi mà quận 1 chỉ có 0,8m² cây xanh/người thì quận 1 vẫn cứ tập trung xây dựng các nhà cao tầng vào các khu vực trung tâm thành phố (kể cả 20 khu đất vàng thành phố dự kiến).

Trong khi ông Trần Chí Dũng khẳng định việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hoá lịch sử và cảnh quan thiên nhiên bước đầu đã được coi trọng cụ thể như một số khu vực tại quận 1, quận 3, quận 5, Cần Giờ, v.v. thì TS.KTS Lê Quang Ninh lại cho rằng kiến trúc cổ và cũ ngày càng bị thu hẹp và xâm hại. Điển hình như đường Phạm Ngọc Thạch đoạn từ Nguyễn Đình Chiểu đến Võ Thị Sáu. Ở đây nhà hàng, khách sạn, văn phòng đã chế ngự cả đường phố yên bình sang trọng với những biệt thự và nhà hẻm trong cây cỏ hoa lá.

KTS Bạch Anh Tuấn nói đến xu hướng quy hoạch đô thị phát triển bền vững. Ông Tuấn dẫn kiến nghị của hội đồng Thế giới về môi trường và phát triển thông qua báo cáo Brundtland và dựa vào những khuyến cáo Chương trình địa phương 21 tại hội nghị của Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển năm 1992. Theo đó, tầm vóc của một đô thị phát triển bền vững phải là: công ăn việc làm và sự khá giả; liên kết và đoàn kết xã hội; nhà ở tươm tất vừa túi tiền mọi người; các hệ thống sinh thái ổn định; độ di động nhằm bảo tồn tài nguyên; xây dựng thành phố có thể sinh sống được; và trao quyền cho cộng đồng công dân.

C.K (tổng hợp)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo