Theo kế hoạch đã công bố, Báo cáo lần 3 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch lần 3) sẽ báo cáo Thủ tướng CP vào cuối tháng 11/2009. Bàn thảo nội dung bản Báo cáo lần 3 này theo 4 tiêu chí về Thành phố sống tốt: An cư, có tính cạnh tranh, tài chính vững chắc và quản trị tốt.
- Ảnh bên : Minh hoạ về công trình hạ tầng và đo thị nén trung tâm mở rộng
Hà Nội có thể trở thành nơi an cư
Hội nghị quốc tế về đô thị 2002 định nghĩa an cư là: “Không gian sống ấy là quyền thoát khỏi sự nghèo đói, được sinh sống trong một môi trường hòa hợp với thiên nhiên, là quyền có nhà cửa, có nơi ở thỏa đáng, có được sự di chuyển dễ dàng từ nhà đến nơi làm việc với những phương tiện chuyên chở công cộng thuận tiện, được sống một cách yên lành với gia đình, láng giềng và thân hữu".
“Hà Nội có một vẻ đẹp tự nhiên với nhiều hồ, công viên và cây xanh cũng như các toà nhà và các điểm văn hoá hấp dẫn, những tài sản này đã bị che phủ trên diện rộng bằng bề ngoài lộn xộn do thiếu một ( chiến lược) phát triển , các quy hoạch thiết kế đô thị và kiểm soát đúng đắn.” (*)
Bản Quy hoach lần 3 vẽ diện tích đô thị gần 700 km2, gấp 4 lần hiện trạng (185km2). Với dân số tăng 1,5 lần năm 2030 (10 triệu/ 6,5 triệu) và gấp đôi vào năm 2050 ( 13 triệu /6,5 triệu). Bình quân đất đô thị / đầu người vẫn lớn gần gấp 2 lần hiện trạng.
Không gian rộng lớn đủ tái lập mặt nước cây xanh, bù vào hàng trăm km2 hồ ao đã bị lấp để xây nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS), hàng chục km sông mương đã lấp bởi lý do không tên. Đủ đất để xây hàng chục triệu m2 nhà ở chất lượng tốt, hấp dẫn cả triệu ngưòi dân phố cũ nhỏ bé chật chội vui vẻ tự nguyện ra đó để dư ra diện tích làm nhà trẻ, mở đường hay vườn hoa. Khi ấy trên báo chí sẽ biến mất câu thần chú nhàm chán “tiến độ xây dựng nâng cấp đô thị chậm do khó khăn khâu GPMB…”
Không gian ấy dư chỗ để chuyển ra ngoài hàng trăm bệnh viện, trường đại học, cơ quan nhà máy, doanh trại quân đội … dành lại nơi cũ làm dịch vụ công cộng đa tầng /đa năng Không chỉ lợi ích cảnh quan mà còn làm tăng ngân sách tái thiết TP hàng chục tỷ USD.
Như vậy tương lai Hà Nội là nơi an cư không còn xa vời nếu như bản Quy hoạch lần 3 đề ra được một chiến lược phát triển, các quy hoạch thiết kế đô thị và kiểm soát đúng đắn.
Đánh giá môi trường chiến lược khác với Đánh giá tác động môi trường trong báo cáo lần 3
Thành phố cạnh tranh mạnh mẽ bởi sự quyến rũ
Điểm quan trọng nhất của Hà Nội chính là mạng lưới sông, hồ, mảng không gian xanh cần được duy trì, phát triển và quy hoạch hợp lý.
Tuy vậy, hiện trạng do kiểm soát lũ lụt yếu kém nên “các sông chính, đặc biệt là sông Hồng, sông Đáy và sông Tích chưa được coi là những tài sản chung mà các sông quan trọng điển hình đã có được trên các thành phố khắp thế giới. Các bờ sông chưa được phát triển lớn (thực tế bị bỏ mặc và sử dụng tuỳ tiện tràn lan - Thế giới), cộng đồng chưa có cách tiếp cận có ý nghĩa với sông Hồng. Có một cơ hội lớn để chuyển đổi những con sông này và các bờ sông trở thành những tài sản cảnh quan có giá trị cho Hà Nội.
Có rất nhiều cơ hội để mở rộng và nâng tầm hệ thống công viên và không gian mở hiện nay của thành phố. Nếu tiềm năng này được phát hiện thì những khu vực này sẽ trở thành một trong những đặc trưng giúp Hà Nội trở thành một trong những thủ đô đáng sống và hấp dẫn nhất thế giới”…
Sông hồ Hà Nội là nguồn tài nguyên quan trọng nhất và đặc trưng khác biệt nhất mà Hà Nội (*) với tiềm năng giao thông, gia tăng giá trị BĐS và cảnh quan, không gian giải trí thể thao du lịch…. Nhận định rõ như vậy, chỉ tiếc là bản QH lần 3 không có chỉ dẫn cụ thể vùng cấm xây dựng hai bên bờ của 9 con sông, gợi ý ứng xử với các dự án giao thông hay BĐS khổng lồ đã được khởi công trong vùng trũng ngập thuộc lưu vực các con sông này nên như thế nào ?
Sông có giá trị khi nó có nước chảy và nứơc phải sạch, phương án trị thuỷ và điều tiết nước rất cần xác định vị trí, quy mô các công trình lấy nước / xả lũ của toàn bộ hệ thống sông hồ Hà Nội – trong báo cáo chưa thấy đề cập.
Tiềm năng, sức hút của mảnh đất Hà Nội vốn đã có cả ngàn năm, nhưng biến thành khả năng thực sự cần những giải pháp cụ thể mà bản QH lần 3 này có nhiệm vụ trình bày.
Thành phố tài chính vững chắc
Tư vấn lên danh sách 16 thành phố trên thế giới tham khảo nhưng không cho biết TP nào phát triển thành công từ việc vay tiền để đầu tư đô thị, để cân nhắc Hà Nội nên phát triển bằng nguồn lực từ đi vay, bán tài nguyên hay nhượng quyền sử dụng đất?
- Ảnh bên : TP có tài chính vững chắc từ đi vay bên ngoài hay khai thác nội lưc? - trích thuyết minh BC lần 3
Paris trở thành đô thị hiện đại từ thành phố trung cổ từ 1850 đến 1900 không chỉ nhờ sự sáng tạo của quy hoạch Haussmann, mà còn được sự hậu thuẫn của giới tài chính, ngân hàng hùng hậu đương thời. Bài học ấy được tiếp biến tại Hà Nội 1890-1940 với những khoản vay xây dựng đường xá hạ tầng khu phố Nam và Đông Nam hồ Hoàn Kiếm, đường sắt và cầu Long Biên. Ngân hàng địa ốc Đông Dương ra đời tài trợ dự án đường xe điện và các khu phố phía Đông hồ Bẩy Mẫu, phía Nam Hồ Tây. Thành phố Hà nội đã được xây dựng đàng hoàng mà tự cân đối tài chính, tự vay tự trả trong thời gian ngắn nhất.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội 1990 -2007 gần 14 tỷ USD, hy vọng FDI sẽ là phần tài chính thiết yếu dành cho HN mở rộng là không tưởng nếu nhìn từ dự án Ciputra 2,1 tỷ USD, nhưng đóng góp vào ngân sách TP không đáng kể.
Hà Nội mở rộng có thể cần đến hàng trăm tỷ USD, Báo cáo lần 3 có nội dung Tài chính đô thị - nhưng chưa có khái toán tổng thể. "Đề xuất của tư vấn về nguồn lực chính để mở rộng TP là đi vay : ODA ( từ châu Âu , Nhật Bản và hy vọng từ Hàn Quốc ), FDI với giải thích không ảnh hưởng đến hệ số nợ. Gợi ý một nguồn mới mẻ nữa từ IDA - tổ chức trong tập đoàn Ngân hàng Thế giới, cấp vốn với lãi suất 0,75%, hạn 40 năm , ân hạn 10 năm …”(*) Nguồn lực toàn là đi vay - phụ thuộc từ bên ngoài trong bối cảnh tài chính toàn cầu không thuận lợi như hiện nay cho thấy phương án tài chính đô thị không vững chắc.
Cuối năm 2009, các lô đất giãn dân chưa có hạ tầng phía Tây TP đang được trao đổi 1.000- 2.000USD/m2. Với 10.000 Ha đất BĐS sẽ đem lại 100-200 tỷ USD – Chỉ cần một phần số tiền khổng lồ thu vào Ngân sách, TP có đủ để đầu tư hạ tầng đô thị xứng đáng.
Hà Nội luôn là cực hút đầu tư BĐS mạnh nhất, hấp lực ấy kéo theo nhiều ngành kinh doanh dịch vụ liên quan. Bản QH có giá trị là vẽ ra cái cơ hội hấp dẫn đầu tư, hút về đó vốn ban đầu để hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao .Vẽ thế nào để tài nguyên đất đai , sông hồ , rừng núi , đồng ruộng HN có giá trị vượt trội, Thành phố trở nên giàu có, thịnh vượng - tự tạo nguồn tài chính vững chắc – đó mới là sáng tạo, cái mà HN kỳ vọng vào tư vấn tài năng.
Thành phố quản trị tốt
Hà Nội có lịch sử được quản trị tốt, Phủ Doãn Nguyễn Trung Ngạn giữ Thăng Long bình yên, quy củ, công minh nức tiếng đời Trần. Nửa đầu thế kỷ 20, Hà Nội đã nổi danh cùng với Thượng Hải và Tokyo là 3 thành phố đẹp nhất châu Á. Hồi mới tiếp quản, vượt qua muôn ngàn khó khăn, Hà Nội đã làm nên những công viên sang trọng. Chiến tranh phá hoại ác liệt, HN vẫn trật tự ngăn nắp, nghèo nghèo mà kiêu hãnh. Hà Nội chỉ nhộn nhạo, thoái biến đôi chục năm nay do bát nháo thị trường, nhưng Hà Nội đang khát khao về ngày mai tươi sáng, đó cũng là một phần nguyên nhân để sinh ra bản Quy hoạch Hà Nội mở rộng này. Hà Nội hứa hẹn có một mô hình quản trị tốt khi những nhà quản lý lắng nghe những ước vọng của người dân thành phố tham gia vào cuộc thảo luận về tương lai thành phố.
Sống trong thành phố quản trị tốt, cư dân có hạnh phúc ngay cả khi TP còn xây dựng dở dang. Con đường ngắn nhất đến với TP sống tốt đấy là Thành phố được quản trị tốt, ngay cả khi chưa có Thành phố.
(*) Trích dẫn trong Bản thuyết minh báo cáo QH lần 3 của liên danh tư vấn PPJ
KTS Trần Huy Ánh - KTS Nguyễn Đình Thanh (Hội KTS Hà Nội)
>>
>>
>>
[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]
- Cải tạo các khu chung cư: Đâu là mô hình quy hoạch hợp lý?
- Đề xuất giải pháp giảm thiểu ách tắc giao thông
- Báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội lần 3 với nội dung giao thông và nâng cấp môi trường
- Nghệ thuật, kiến trúc & nghệ thuật kiến trúc
- Quản lý nói được, kiến trúc sư nói chưa
- Bảo tồn di sản: Cộng đồng giữ vai trò quyết định
- Cầu Long Biên - ký ức Hà Nội
- Bỏ đường sắt trên cầu Long Biên?
- Hệ thống đô thị Việt Nam: Chưa theo kịp với thực tiễn
- 4 vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi phát triển điện hạt nhân