Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội lần 3 với nội dung giao thông và nâng cấp môi trường

Báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội lần 3 với nội dung giao thông và nâng cấp môi trường

Viết email In

Đất đai, rừng núi, sông hồ - tài nguyên quý giá Thủ đô

Thấm thoát đã 3 năm kể từ ngày cơn bão bất động sản (BĐS) nổi lên từ phía Tây Hà Nội. Cuối năm 2007, trụ sở UBND tỉnh Hà Tây, nơi vốn bao năm êm đềm bên sông Nhuệ  bỗng dưng ồn ào "ngựa xe như nước, áo quần như nêm". Hành lang có phòng họp của lãnh đạo tỉnh các đoàn trong nước, ngoài nước (hầu hết là Hàn Quốc) lỉnh kỉnh ôm bản vẽ quy hoạch, giá treo màn hình, máy chiếu, máy tính…. Họ xếp hàng lũ lượt trình bầy dự án đầu tư đô thị trên đất ruộng Hà Tây. Mấy trăm dự án BĐS tên tuổi địa chỉ xác định, trung bình mỗi ngày một dự án chào đời - tốc độ ấy làm cho những địa phương đang ì ạch cải cách hành chính phải ngưỡng mộ.

Bộ máy quản lý vốn chỉ làm quen môi trường sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp nên có cái dự án KCN Phú Cát làm mãi không thành, ngay cả dự án tiểu thuỷ nông dở dang ở Hát Môn đến giờ vẫn còn tai tiếng. Về Thủ đô rồi còn đấy mấy trăm dự án, có cả sân golf bố trí vào vùng hồ trữ nước sinh thái, nhà ở kinh doanh vào đất ruộng mầu mỡ, đường giao thông huyết mạch với đô thị thương mại vào vùng trũng ngập nhất của tỉnh …

Sau 4 tháng mở rộng địa giới HN, tháng 12/2008 liên danh tư vấn PPJ được lựa chọn để ký hợp đồng lập Quy hoạch (QH) chung xây dựng Thủ đô. Cuối năm 2009, sau 11 tháng làm việc tập trung của hàng trăm nhà chuyên môn đến từ nhiều nước và cũng ngần ấy người làm quy hoạch có kinh nghiệm Việt Nam, tiếp nhận và chuyển hoá các ý kiến đóng góp của rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo các cấp sau hàng chục lần hội thảo, báo cáo - Nội dung cơ bản của QH đã hoàn thành.

Nhiệm vụ đầu tiên của bản QH là phân loại 744  dự án tràn lan. Bước thứ hai là xác định đánh giá những điều kiện lợi và bất lợi để thuyết phục một số dự án không nên tiếp tục. Bước thứ ba là xác định được đặc trưng cảnh quan và động lực phát triển của Thủ đô bền vững là hệ thống  sông hồ mặt nước cây xanh - từ đó bảo vệ và xoá bỏ các dự án bất lợi. Mầu xanh sinh thái đã thay thế mầu vàng dự án BĐS loang lổ trên gấm vóc vốn có của xứ Đoài xưa. Tài nguyên đất đai, rừng núi, sông hồ Thủ đô đã được cân nhắc, bố trí không gian phát triển một cách chọn lọc.

Trong thời gian ngắn, thật khó có thể làm được điều gì đạt kết quả tốt hơn. Tuy vậy "…đây không phải bản vẽ cuối cùng , và không ai dùng nó để ngày mai đem ra thực hiện , còn rất nhiều việc phải làm và còn phải bổ sung , hiệu chỉnh rất nhiều mới đạt yêu cầu" - Đó là câu dạo đầu và kết thúc bài trình bầy của KTS Perkin - người có vai trò quan trọng của liên danh tư vấn PPJ.

Thứ tự ưu tiên của các vấn đề đô thị

Thuyết minh Báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà nội (gọi tắt là QH lần 3) đã liệt kê 20 vấn đề quan trọng nhất. Nhưng có lẽ trong bối cảnh hiện trạng, trật tự ưu tiên thứ nhất sẽ là giao thông thuận tiện, công trình hạ tầng đảm bảo môi trường sống an toàn và việc làm với thu nhập ổn định; Thứ hai mới đến nhà ở, giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế; Những thứ khác như áp lực dân số, di sản kiến trúc, nhà ở xã hội, văn hoá lịch sử 1000 năm,… trùng lặp hoặc liên quan 2 ưu tiên trước.

Giao thông (GT) trong bản QH lần 3 gồm GT nội đô và GT nối ra các đô thị bên ngoài. GT nội đô cơ bản kế thừa nghiên cứu của HAIDEP với đề xuất đầy tham vọng 5 tuyến đường sắt đô thị (đi ngầm và trên cao) các tuyến xe buýt nhanh, nút giao cắt lập thể… 

GT nội đô hy vọng tầu điện ngầm sẽ giảm tắc nghẽn. Tuyến số 3 khởi công năm 2006, nhưng còn lâu mới có. Để có đủ các tuyến cần hơn 20 tỷ USD – không dễ thu xếp nay mai. 

  • Ảnh bên : QH giao thông liên kết các đô thị bên ngoài 

Ra bên ngoài có các tuyến nối đô thị trung tâm với các đô thị mới Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây. Khả thi nhất là tuyến đường Láng – Hoà Lạc  dự kiến thông xe 2010. Không ai chắc là đường to như vậy thì có giảm tắc nghẽn hay là trầm trọng hơn khi xe con ngày càng nhiều.
 
Xe con nhiều gây tắc nghẽn do chiếm nhiều  diện tích mặt đường khi di chuyển, lúc dừng đỗ và đỗ trên lòng đường. Nếu QH di dời các diện tích lớn như bệnh viện, cơ quan, trường đại học ra ngoài để làm các không gian kinh doanh đa năng trong đó ưu tiên ga tầu điện ngầm và bãi đỗ xe thu tiền giá cao thì giảm mật độ vào/ ra và tăng thu ngân sách. Các giao cắt lập thể sẽ dành luồng đường ưu tiên cho ô tô để thu tiền: tăng lưu thông và thu hút đầu tư xã hội làm cầu vượt. Chia  TP thành 3 vùng vành đai: vành đai 3 thu 1, vành đai 2 thu 2, vành đai 1 thu 3, vành đai 0 thu 5 (10 USD cho một lần vào – 5 USD cho 1 giờ đỗ xe). Tất cả các việc nên dành cho tư nhân đầu tư, họ sẽ dùng các phương tiện giám sát tự động tối tân để thu hồi vốn nhanh và chứng minh với các cơ quan quản lý tính minh bạch… Tự nhiên xe con vào trung tâm giảm tối đa. Thành phố sẽ có dư tiền để hỗ trợ các phương tiện GTCC; Mạng lưới xe buýt nhỏ chạy điện phối hợp với xe đạp sẽ làm HN thơ mộng như… ngày xưa. Mặt khác giảm tham nhũng vì tách chức năng vừa đá bóng vừa thổi còi của đơn vị quản lý vận hành giao thông đô thị - Thiết chế giám sát xã hội sẽ hiệu quả, minh bạch hơn nhiều.


Đề xuất phương án giao thông công cộng trong Báo cáo lần 3  

Trong QH lần 3 đã tính đến sử dụng vận tải thuỷ (VTT) trên sông Hồng, sông Tô, sông Nhuệ, sông Đáy, tuy vẫn còn rất mờ nhạt. Nếu có VTT thì sẽ giảm một nửa áp lực với chi phí thấp nhất. Một năm HN cố gắng cao nhất cũng không thể làm mới được 10 Km đường bộ,  nhất là đi xuyên tâm TP,  nhưng khai thác 1 tuyến đường sông là có ngay 30 Km, 3 tuyến (sông Hồng, Tô, Nhuệ ) là có hàng trăm km. Khai thác đường thuỷ thì sông phải có 2-2,5 mét nước và cầu đường bộ qua sông phải kết hợp giao cắt lập thể - thế là vừa thêm VTT lại giảm giao cắt các trục GT từ trong ra ngoài ; Sông có nước vừa đẹp lại đỡ ô nhiễm.

Để đưa vào sử dụng hàng trăm Km đường thuỷ, đầu tư ban đầu vài trăm triệu USD và có thể phân kỳ làm nhiều đợt với nhiều phân khúc xã hội hoá. Đường thuỷ rẻ nhất vì làm 1km đường bộ xuyên tâm hết 50 triệu USD (La Thành – Kim Liên); tuyến đường sắt đô thị số 3 dài 12,5 km hơn 1 tỷ USD (~ 100 triệu USD/Km).


Xe buýt giá rẻ - phương tiện GTCC phổ biến tại Hàn Quốc


Mạng lướí đường cao tốc chay ra bên ngoài Seoul men theo sông Hàn toả đi khắp đất nước 

Giao thông HN đạt hiệu quả tối đa khi phối hợp đường thuỷ, bộ và đường sắt. Gần 40 Km đường sắt hiện có muốn tham gia tích cực vào mạng lưói GT đô thị thì cần các đầu mối chuyển đổi phương tiện với đường bộ và đường thuỷ. Chỉ cần đề ra một mô hình hợp lý đã giúp cho tư duy mạng lưới GT của Hà Nội trở nên tiến hoá hơn nhiều với những than thở cảm tính, cách làm đối phó tình thế, rất ít sáng kiến như hiện nay.

Hà Nội đang có dự kiến chi 3.335 tỷ đồng cho việc nạo nét và xử lý môi trường sông Tô, sông Nhuệ, sông Đáy. Kết hợp việc cấp nước thau rửa sông với tạo lập giao thông thuỷ thì thật kinh tế và hợp lý. Trong khi cái hệ thống giao thông  hiện đại hào nhoáng, thông suốt trong ngoài với nhiều tỷ USD chưa có, thì đã có ca nô chở người chở hàng ngược xuôi nhộn nhịp trên mấy con sông Hà Nội. Việc ấy giống như ta khi đang ngắm nhìn con đại bàng  kiêu dũng sải cánh trên trời cao kia thì vẫn có con chim sẻ béo ngậy trên tay, nướng lên và chén ngay cũng hay lắm thay!

Trần Huy Ánh

>> Con đường nào ngắn nhất để Hà Nội trở thành thành phố sống tốt 

>> Bóng dáng "Thành phố sông hồ" trong báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội lần 3 

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo