Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tương tác Phản biện Quy hoạch thành phố Hà Nội: Đột phá từ quy hoạch hạ tầng giao thông

Quy hoạch thành phố Hà Nội: Đột phá từ quy hoạch hạ tầng giao thông

Viết email In

“Chúng ta phải thống nhất rằng trong các đột phá cho Hà Nội thời gian tới thì hạ tầng giao thông phải là ưu tiên hàng đầu, các đột phá khác về thể chế, cơ cấu kinh tế và nguồn nhân lực… sẽ bổ sung cho hạ tầng giao thông để từ đó quy hoạch Hà Nội rõ nét hơn, đảm bảo được các yêu cầu phát triển của một đô thị thông minh và hiện đại”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh…  


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng ngày 9/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng những tổn thất mà nền kinh tế phải gánh chịu do những bất tiện hay ách tắc trong giao thông là rất lớn. Do vậy, muốn tăng trưởng và phát triển, chúng ta phải xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của phát triển.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cam kết về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, Bộ trưởng gợi ý Hà Nội xây dựng chiến lược chuyển đổi xe ô tô và xe máy chạy xăng sang chạy điện, trong đó có chính sách hỗ trợ thu mua xe máy cũ đã chạy lâu.

“Trên cơ sở đó, chúng ta vẫn phát triển được ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, đảm bảo công ăn việc làm cho người dân trong khi vẫn theo đuổi được mục tiêu tăng trưởng xanh và hướng tới giảm phát thải ròng về 0”, Bộ trưởng nói.

Quy hoạch theo 5 tuyến hành lang, gắn với 5 trục phát triển

Trình bày về những đột phá của quy hoạch Hà Nội, đại diện đơn vị tư vấn, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, Quy hoạch Thủ đô nhấn mạnh tới yếu tố tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

Theo đó, về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Quy hoạch cũng đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 06 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 06 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 – 14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 – 12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 – 70%...

Về tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại diện cho hình ảnh vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến châu Á. GRDP bình quân từ 45.000-46.000 USD/người, tỷ lệ đô thị hóa từ 80-85%.

Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đưa ra 3 kịch bản kinh tế. Trong đó, ở kịch bản 1 – kịch bản thuận lợi, tăng trưởng GRDP của Hà Nội sẽ đạt 9,5-10,0%; kịch bản 2 – kịch bản nỗ lực tăng trưởng đạt 8,5-9,5%; kịch bản 3 – kịch bản cơ sở GRDP Hà Nội sẽ đạt 7,5-8,5%.


Các đại biểu đóng góp ý kiến cho xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Cần có chiến lược đột phá

Đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong việc hoàn thiện quy hoạch trong thời gian gấp (thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, đó là: Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội cần đặt ra những mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước chứ không chỉ “vượt lên so với chính Hà Nội”. Theo ông Sinh, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quá thấp, không giúp thúc đẩy tăng trưởng.

“Tỷ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ cũng có giới hạn, nhất là khi dịch vụ của Hà Nội vẫn thuộc loại giản đơn, không mang lại giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, định hướng chuyển đổi số, chú trọng đổi mới sáng tạo chưa thể hiện rõ, trong 4 năm chỉ tăng 0,5% và thứ hạng vẫn thấp. Muốn tăng trưởng nhanh, nhất định phải xem lại khâu này”, ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Về giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng, GS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị chú trọng đến đặc thù của Hà Nội, theo đó, Hà Nội nên chú trọng đầu tư phát triển giao thông công cộng.

“Nếu hạ tầng giao thông Hà Nội ngày mai vẫn như bây giờ thì rất khó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Ngay cả trong quy hoạch, Hà Nội đã đề xuất xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thì cũng phải có chương trình đột phá chiến lược nhằm thiết lập và vận hành hệ thống giao thông đô thị bởi quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thì cũng chỉ còn vài năm nữa trong khi thời gian chuẩn bị một dự án cũng đã hơn 5 năm”, TS Khuê nêu quan điểm.

Anh Nhi

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo