Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Phản biện TP.HCM nhiều quy hoạch vênh nhau

TP.HCM nhiều quy hoạch vênh nhau

Viết email In

Hiện TP.HCM đang có 03 quy hoạch là: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế xã hội đang vênh nhau…

Do có nhiều quy hoạch chồng chéo nhau nên đã có nhiều dự án bị “treo” hàng chục năm chưa thực hiện được. Đây là một trong những bất cập được nêu ra tại hội thảo “Góp ý cho dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (sửa đổi)” do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức vào chiều 22/4/2024.


(Ảnh: PA)

Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có 03 quy hoạch không giống nhau, không phục vụ cho nhau, thực tế đang “chỏi nhau”. Đó là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế xã hội.

Thí dụ, đối với khu dân cư, quy hoạch sử dụng đất chỉ cho biết diện tích, chi tiết lắm chỉ đến m2 sàn chứ không thể xác định trong một khu dân cư có bao nhiêu khu vực phục vụ công cộng, từ đó không thể dự toán được. Trong khi quy hoạch xây dựng lại làm rõ tất cả vấn đề đó.

Bên cạnh đó, thực tế quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch chung cũng vênh nhau về niên hiệu nghiên cứu. Cụ thể, quy hoạch kinh tế xã hội niên hiệu đến 2030, tầm nhìn đến 2050 trong khi quy hoạch xây dựng niên hiệu 2040, tầm nhìn đến 2060.

“Các chỉ tiêu tính toán về kinh tế xã hội chỉ đến năm 2030, còn lại đến giai đoạn 2040, quy hoạch xây dựng “tự bơi”. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị có sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng làm sao tiết kiệm được kinh phí cho TP.HCM và nó sử dụng được”, ông Trí nói.

TP.HCM đang ráo riết thực hiện 02 quy hoạch là: quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch chung. Theo TS Võ Kim Cương, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, nếu muốn làm quy hoạch chung thì phải làm nghiên cứu kinh tế xã hội trước, còn trong quy hoạch kinh tế xã hội cũng phải có định hướng không gian. Vì vậy, 2 quy hoạch này trùng nhau.

“Tôi đề xuất thành phố trực thuộc Trung ương thì chỉ cần một quy hoạch chung là đủ. Giảm bớt một quy hoạch, tức giảm bớt kinh phí cho nhà nước”, ông Cương nhấn mạnh.

Chỉ dẫn từ thực tế, ông Hà Minh Tân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, TP.HCM, cho rằng còn có sự bất cập giữa các loại quy hoạch. Chẳng hạn, khi triển khai Quy hoạch chung TP.HCM với Quy định 568/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, nếu chỉ lệch nhau 1m là đã không làm được dự án.

Còn theo ông Nguyễn Phong Nhật, Phó Trưởng ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc, TP.HCM, ở các địa phương khác chỉ có khu kinh tế, khu chức năng khác, nhưng TP.HCM thì lại có khu đô thị với quy mô rất lớn nên cần bổ sung từ ngữ: khu đô thị, khu đô thị mới vào trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn,  để khi triển khai thực hiện không phải xin ý kiến lần nữa.

Kết luận tại hội thảo, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP.HCM, cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo về UBND TP.HCM.

Trong quá trình hoàn thiện thêm của dự án luật, đoàn đại biểu sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị liên quan để tiếp tục góp ý cho đến khi thông qua để làm sao tạo thuận lợi nhất trong quá trình thực hiện quy hoạch của TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Ban Mai

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...