Ashui.com

Tuesday
Apr 30th
Home Tương tác Phản biện Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Viết email In

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, đồng thời rà soát xây dựng các quy định rõ ràng hơn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Ngày 08/4, Bộ Xây dựng tổ chức Tọa đàm về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Tọa đàm; tham dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan. 


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Tọa đàm

Cụ thể hóa và thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể hóa các đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách lớn gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn, nguồn lực, kinh phí và các quy định khác có liên quan nhằm đảm bảo chất lượng và tính khả thi.

Bên cạnh đó, quan điểm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chỉ đạo xuyên suốt trong các dự thảo Luật. Từ đó, đưa ra các điều khoản để kiểm soát, giám sát việc thực hiện nhằm tạo sự thống nhất trong triển khai từ Trung ương đến địa phương.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật sẽ được xây dựng trên cơ sở thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Chương II Luật Xây dựng năm 2014 trong một luật với tên gọi “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”. Trong đó, tập trung bổ sung, hoàn thiện, giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch.

Tại Tọa đàm, đại diện Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng đã trình bày khái quát dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.  

Theo đó, dự thảo gồm 5 chương, 61 điều, đề cập một số điểm mới như: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; quy định rõ về quy hoạch không gian ngầm; bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, nguồn lực bảo đảm thực hiện quy hoạch; quy định cụ thể hơn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn…

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn làm tiền đề cho phát triển đô thị bền vững

Cũng tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đã đóng góp thêm nhiều ý kiến để  hoàn thiện dự thảo Luật.


TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm 

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm -  Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần khẳng định rõ sự cần thiết của việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật sẽ giúp đồng bộ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; cụ thể hóa các nhiệm vụ đã được xác định, trong đó nhấn mạnh vai trò của quy hoạch ở các vấn đề về tốc độ đô thị hóa; chất lượng đổi mới, hội nhập; đặc thù phát triển của khu vực nông thôn.

Bộ Xây dựng cần cụ thể hóa thêm về cơ sở pháp lý, làm rõ thuật ngữ về nông thôn, giải thích vấn đề quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn; xem xét và tìm hiểu sâu thêm về điều chỉnh cục bộ; nội dung về chuyên gia tham gia hội đồng thẩm định; làm rõ nội hàm cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước của các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, phải có lộ trình trong việc đơn giản hóa về lập quy hoạch phân khu đô thị.


TS.KTS Ngô Trung Hải 

Còn theo TS.KTS Ngô Trung Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cần phải có yêu cầu các đồ án quy hoạch thể hiện được tầm nhìn, chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường; hoàn thiện các quy định về đấu thầu, các khái niệm…

“Bộ Xây dựng cần xem xét các khái niệm về điểm dân cư nông thôn, khu dân cư nông thôn, để người thực hiện hiểu rõ. Bên cạnh đó cũng cần làm đậm nét hơn về tính liên kết giữa đô thị và nông thôn, phải đề cập trong quy hoạch để người làm quy hoạch biết hướng để thực hiện”, ông Hải đề xuất.


ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân 

ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân - Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị làm rõ vai trò của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong việc hợp nhất Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng; tập trung vào các nội dung giải quyết những bất cập thời gian qua trong quá tình thực hiện các quy hoạch cũng như là thực hiện các luật.

“Thực tiễn vừa qua, trong công tác quy hoạch điểm dân cư nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu thì có sự va chạm rất nhiều ở các nội dung về không gian phát triển đô thị, hay vùng đô thị hóa. Điều đó đặt ra yêu cầu về việc hợp nhất, quản lý các không gian này, nó liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch xã và quy hoạch vùng ven đô”. ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Một nội dung khác là vấn đề quản lý không gian phát triển - liên kết giữa đô thị và nông thôn -  trong đô thị có nông thôn, trong nông thôn có đô thị. ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân cho rằng cần mạch lạc, giải thích rõ các luận cứ, đặc biệt là sự liên kết giữa không gian đô thị và nông thôn.


TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh 

TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội bày tỏ băn khoăn về việc sắp xếp đơn vị hành chính một cách cơ học như hiện nay, trên cơ sở sáp nhập theo ranh giới các địa phương. TS. KTS Nguyễn Hoàng Minh cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cần dựa trên định hướng phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất cách tính toán tỉ lệ đô thị hóa giữa Bộ Xây dựng và Tổng cục Thống kê, theo Tổng cục Thống kê thì tỉ lệ đô thị hóa là tỉ lệ phần trăm giữa dân số thực tế thường trú ở các đơn vị hành chính được công nhận là đô thị trùng với khái niệm đô thị mới dự kiến trở thành đô thị.

Kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu nội dung chuyên gia, nhà khoa học đề xuất. Từ đó, quy định rõ ràng hơn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tại Tọa đàm, các nội dung chính được đề cập gồm: thứ nhất là trình tự lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; thứ hai là liên quan đến nội dung của quy hoạch và thứ ba là các vấn đề khác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, nội dung thứ nhất về quy hoạch phân khu, hoặc là dựa vào loại đô thị, hoặc là quy mô khu vực quy hoạch để có hình thức xây dựng nội dung quy hoạch phân khu cho phù hợp.

Nội dung thứ hai là quy trình lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều kiện để thực hiện điều chỉnh quy hoạch đã được làm rõ hơn; vấn đề phân cấp sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn khái niệm, nội hàm các thuật ngữ, phạm vi điều chỉnh, bên cạnh các nội dung về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…; dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất rõ ràng; với những điểm điểm đặc thù về phạm vi ranh giới, tỉ lệ bản đồ và nội dung của toàn quy hoạch.

Về nội dung quản lý không gian, Thứ trưởng nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ làm rõ hơn về đối tượng đô thị và nông thôn, tính kế thừa; đồng thời sẽ rà soát lại các nhóm vấn đề khác, các luật khác liên quan, như vấn đề về hội đồng tư vấn quy hoạch, kinh phí hoạt động cho hội đồng, và một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của tư vấn và các thành phần khác tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch.

Tuấn Đông

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo