Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Những ứ tồn đô thị

Những ứ tồn đô thị

Viết email In

Đô thị là sản phẩm của lịch sử - thời gian và thời đại. Thời gian là độ dài lâu tính từ một thời điểm song cùng sự tiến hóa mà thời đại đánh dấu bởi những biến đổi xã hội rõ rệt, sự hình thành những động lực mới trong phát triển, sự xuất hiện những quá độ. Những quá độ kéo dài sản sinh lực quán tính và - từ phương diện đô thị - tạo ra những ứ tồn.

Các đô thị ở Việt Nam, chịu tác động mạnh mẽ của thời đại và của thời kỳ quá độ kéo dài, chứa đựng và tích hợp mau chóng những ứ tồn, mà trong sự phát triển bùng nổ hôm nay, ngày càng trở nên tồn và ứ, trở thành những vật cản khổng lồ và ghê gớm, khó bề khắc phục. Hà Nội, với quỹ vật chất và kiến trúc tạo lập về cơ bản hơn một trăm năm qua, là một điển hình về phương diện này.

Những ứ tồn đô thị có độ tuổi dưới 150 năm trở lại:

Khu 36 phố phường. Một di sản đô thị có những giá trị không chỉ  về kiến trúc đô thị, mà cả về văn hóa cộng cư đô thị truyền thống của người Việt, còn sức sống cho đến ngày nay. Coi di sản này là ứ tồn là bởi lẽ cái thể xác vật chất cũ của nó vừa tàn tạ, vừa khó bề tiếp nhận và  lồng ghép vào mình những cái mới cần cho nhu cầu cuộc sống hiện đại của cư dân, nhu cầu gia tăng không tỷ lệ thuận với những khuôn khổ không gian - lịch sử - xã hội đã đọng cứng. Hơn thế nữa, sự xáo trộn có một không hai về quyền sở hữu trên từng mét vuông và tranh chấp trên từng mét vuông, sự xáo trộn và đổi máu dần dà của các thành phần dân cư xảy ra sau năm 1954, cũng tạo nên sự ứ tồn mang bản chất hữu cơ, còn khó tháo gỡ hơn cả việc thiết lập hệ thống kỹ thuật hạ tầng dưới lòng đất phố cổ. Ở trường hợp khu phố cổ, sự ứ tồn là từ trong ra và từ ngoài vào. Sự ứ tồn từ trong ra ám chỉ sự chồng chất các vấn đề không giải quyết; từ ngoài vào ám chỉ sự ứng xử với nó từ phương diện các vấn đề chung của thành phố.

Khu phố xây dựng thời Pháp thuộc, bên cạnh những giá trị kiến trúc và đô thị hiển thị, ngày càng bộc lộ rõ những cục diện tạo nên sự ứ tồn đô thị sâu sa. Điều này bắt nguồn từ những quá trình diễn ra trong nửa thế kỷ qua, - công sở hóa và chung cư hóa biệt thự; nạn xâm lấn không gian các khuôn viên – nạn cơi nới và biến dạng kiến trúc – sự xuống cấp kỹ thuật và thẩm mỹ; nạn xây dựng xen cấy dẫn tới sự phá vỡ hệ tỷ lệ xích không gian và sự đồng nhất tinh tế về ngôn ngữ kiến trúc đô thị một thời. Mâu thuẫn giữa giá trị văn hóa của công trình kiến trúc cũ và giá trị tiền bạc của thế đất ngày càng gay gắt. Việc giữ lại những ô phố, đoạn phố, thậm chí một số không nhiều những ngôi nhà, đôi khi đẹp sang như bữa tiệc cho con mắt, trở nên hầu như bất khả thi, dù ta nuối tiếc và ra sức bênh vực. Kiến trúc nửa đầu thế kỷ XX ở Hà Nội, cũng như ở Đà Lạt và Sài Gòn, đặt ra những bài toán nan giải giữa bảo tồn di sản đô thị và xử lý những ứ tồn đô thị.

Những ứ tồn đô thị hình thành vài ba chục năm gần đây:

Các khu nhà ở tập thể, xây dựng đại trà và cấp tập trong những năm 70 và 80 thế  kỷ trước, nhằm cung cấp nơi trú ngụ cho người nhập cư ồ ạt, về bản chất là một sản phẩm mang tính xã hội đích thực, biểu hiện những nỗ lực vượt bậc về đầu tư tiền của và kỹ thật xây dựng trong những điều kiện hạn hẹp khó tưởng. Tuy nhiên, xây dựng theo phương châm “nhanh - nhiều - tốt - rẻ”, duy ý chí và trái ngược với bản chất của xây dựng cơ bản, đã dẫn tới sự hình thành những quỹ nhà, lạc hậu ngay từ lúc chưa xây xong, những quỹ nhà mau chóng kết thúc thời hạn sử dụng và sớm trở thành những khu “ổ chuột” trong sự so sánh với mặt bằng kiến trúc cư trú hiện nay. Giải pháp đáp ứng nhu cầu ở tức thì của thời quá độ đặc trưng ấy, nay bộc lộ đầy đủ hội chứng của những ứ tồn đô thị. Bài toán xã hội - dân cư, trong trường hợp này, đặt ra còn lớn hơn nhiều so với bài toán đầu tư xây dựng.

Cũng trong giai đoạn trên dưới hai chục năm nay, hàng chục làng cổ và làng cũ đã “đô thị hóa” mau lẹ. Các mảnh đất trồng trọt được bán theo giá lời hơn cả chục năm canh tác cho dân phố xây cất nhà. Các căn nhà cũ của dân sở tại được nâng cấp và thị thành hóa về kiến trúc từ nguồn thu nhập ấy. Làng ở Hà Nội “đô thị hóa” tự phát chủ yếu bằng cách ngoi lên trời và lèn chặt đất, chứ không bằng sự mở rộng đường ngõ và thiết lập hệ thống kỹ thuật hạ tầng. Ứng xử thế nào đây trong công cuộc hiện đại hóa, với Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Vạn Phúc, 5 cái làng đứng chung tên Bưởi v..v.., nay đã biến thành những mê cung đô thị, những dị thể trong cơ thể thành phố tân tiến hóa.

Những con đường mới, rộng và dài, vừa mới mở ra khó nhọc trong những năm gần đây, ngay tức thì biến thành những con phố quen thuộc về hình ảnh. Chúng không bao giờ sẽ là những huyết mạch giao thông, những sự trưng diện vẻ đẹp của kiến trúc thành phố, bởi chúng bị băm nhỏ và chất chồng rắm rối với những dãy nhà mặt phố - cửa hàng liền kề, không khác gì mấy những con phố cổ truyền, song hỗn loạn hơn nhiều về diện mạo. Nhà chia lô, mô hình tưởng chừng mới mẻ, mà hóa ra có từ vài thế kỷ trước, trở thành hình thái kiến trúc cư trú đô thị, phù hợp hơn cả trong hoàn cảnh Nhà nước từ bỏ bao cấp không tưởng về nhà ở, trong điều kiện người dân sở hữu được một vuông đất và huy động vốn liếng của mình để xây cất nếp nhà cho mình. Nếp nhà ấy vừa là nơi ở, vừa là nơi bán hàng, sản xuất - dịch vụ và cho thuê, tạo ra nguồn thu nhập chính hoặc bổ sung thu nhập cho người hưởng lương tượng trưng ở công sở. Kế tiếp truyền thống và sản sinh từ thực tế, mô hình nhà chia lô mặt phố chính là sản phẩm của người thị dân thời quá độ kéo dài: tiểu nông - tiểu thương - tiểu chủ. Nhà chia lô, lối ra tài tình từ thời kỳ Đổi mới, góp phần tạo nên bản sắc nào đó cho các thành phố cũ và mới ở ta, song đồng thời tạo ra quỹ kiến trúc đô thị ứ tồn ghê gớm, khi ta chủ trương kiến lập trật tự quản lý về kiến trúc đô thị, khi ta quy hoạch những trục lộ và những không gian cho các công trình kiến trúc lớn, - đền bù và giải tỏa húc đầu trực diện vào bức tường thành của sở hữu xé lẻ.

Xe máy, phương tiện giao thông duy nhất từng phù hợp hơn cả với túi tiền của người dân đô thị, biến thành ứ tồn trên 2 bánh xe.

Nhà chia lô phù hợp với túi tiền và lối sống của dân hàng phố thời chuyển đổi, biến thành những ứ tồn kiên cố về sở hữu và kiến trúc.

Lịch sử không thể tránh những giai đoạn quá độ. Phát triển đô thị khó có thể tránh tạo ra ứ tồn lớn nhỏ từ những giai đoạn quá độ. Song, chẳng nhẽ sự phát triển đô thị chỉ là quá trình tháo gỡ và giải tỏa những ứ tồn cũ và những ứ tồn mới nảy sinh?

Chủ trương cải tạo theo phương thức thâm canh về chiều sâu và trên cơ sở tính toán căn cơ, cải tạo với ý nghĩa tạo bệ phóng cho phát triển, - chính là con đường hiện đại hóa cho hầu hết các đô thị Việt Nam hôm nay. Để làm được các việc ấy,

  • Nhà chiến lược đô thị cần có tầm nhìn;
  • Nhà quy hoạch đô thị cần có tư duy dự liệu;
  • Nhà quản lý đô thị cần có bàn tay uy lực.

Chỉ thế, các đô thị mới vùng thoát khỏi ràng buộc của những ứ tồn lịch sử.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính 

>> Kiến trúc hôm nay phản ánh cái gì?


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo