Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Cần quy trình chuẩn bảo tồn nhà cổ Hà Nội

Cần quy trình chuẩn bảo tồn nhà cổ Hà Nội

Viết email In

Giữ gìn nhà cổ của Hà Nội phải tuân theo nguyên tắc bảo tồn kết hợp với quản lý phát triển và quan trọng nhất là nâng cao, ý thức người dân, vai trò cộng đồng.

Theo số liệu của Ban Quản lý phố cổ, thành phố hiện có gần 1.100 ngôi nhà có giá trị cần phải trùng tu, với khoảng 15.000 hộ gia đình sinh sống.

Riêng trong khu phố cổ có 63,1% nhà xuống cấp; 11,7% nhà hư hỏng; 5,1% nhà không đủ điều kiện sinh sống. Vấn đề bảo tồn nhà cổ ngày càng trở nên bức thiết và cần một quy trình, công đoạn chuẩn để tránh phá vỡ các giá trị vốn có của nhà.

  • Ảnh bên : Đền Quán Đế - công trình được cải tạo theo mô hình phát triển bền vững 

Tìm công thức bảo tồn chung

Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long cho biết, khu phố cổ hiện có diện tích 100 ha gồm 10 phường (Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào). Việc gìn giữ đồng bộ, toàn vẹn phố cổ, nhà cổ là rất khó, đòi hỏi một phương án chung, đồng nhất.

Một số dự án cải tạo nhà cổ đã được thực hiện theo mô hình phát triển bền vững, giữ được những nét kiến trúc truyền thống như Ngôi nhà di sản (phố Mã Mây), đền Quán Đế (phố Hàng Buồm)…

Các nghệ nhân nghề mộc làng Tràng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã thực hiện tu bổ đền Quán Đế theo phương pháp truyền thống. Việc tu bổ được tiến hành theo quy trình và công đoạn chuẩn từ nghiên cứu hiện trạng, đề xuất phương án trùng tu đến di chuyển các hộ dân ra khỏi công trình, phá bỏ các phần do các hộ dân tự xây.

Sau tu bổ, đền Quán Đế vẫn giữ được nguyên trạng các giá trị kiến trúc, đồng thời trở thành Trung tâm thông tin Di sản phố cổ Hà Nội, nơi diễn ra các cuộc trao đổi về lịch sử, kiến trúc, những giá trị vật thể, phi vật thể, những nét văn hóa đặc trưng của 36 phố phường Hà Nội…

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, khu phố cổ có giá trị đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, không gian cấu trúc đô thị. Do vậy, việc bảo tồn phải tuân theo nguyên tắc bảo tồn kết hợp với quản lý phát triển.

Theo ông Nghiêm, nguyên tắc cơ bản là cần có công thức bảo tồn chung, bảo tồn không gian cả khu, giữ nguyên hệ thống đường (không mở rộng, không tôn cao); đặc biệt chú trọng bảo tồn các công trình di tích có giá trị lịch sử, văn hóa; giữ hình ảnh, phong cách kiến trúc truyền thống; thực hiện thí điểm các ô phố, tuyến phố bảo tồn kiểu mẫu…

Cần hướng dẫn người dân tự bảo tồn

Trong việc bảo tồn, tôn tạo phố cổ, quan trọng nhất là vai trò của cộng đồng, ý thức của người dân.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã đưa ra một số khuyến nghị về kiến trúc xây dựng nhà cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để hướng dẫn người dân phố cổ xây dựng nhà mới theo kiến trúc xưa, không làm mất cảnh quan của phố.

Theo đó, người dân khi cải tạo hay xây mới cần tôn trọng hình thái vốn có của khu phố cổ, vật liệu xây dựng nên sử dụng vôi, cát, ximăng phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Màu sơn gam nhẹ, không dùng màu sẫm, nóng, sử dụng ngói vảy cá, ngói tây, hình thức mặt đứng, chiều cao công trình phải tuân thủ theo quy định.

Đặc biệt, các loại biển bảng quảng cáo cần làm đơn giản, không che khuất mặt đứng của ban công, cửa sổ, mái đua, không vượt quá 80cm. Biển quảng cáo ở tầng một không được che khuất tầng 2, biển trên gác chỉ gắn lên tường, không để lên ban công.

Tuy nhiên, những phương án của Ban quản lý Phổ cố mới chỉ dừng lại ở việc cải tạo mặt tiền của những ngôi nhà cổ hay những ngôi nhà xây mới theo lối cổ.

Thực tế, để phát huy giá trị của phố cổ còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, để giữ được phố cổ cần giữ cảnh quan, đảm bảo không gian sống cho người dân, giữ kiến trúc tổng thể của phố.

Mới đây, một hội thảo nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ địa phương về công tác quản lý phố cổ Hà Nội do Đại sứ quán Italy tại Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức tại Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ Hà Nội.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có quy định về kinh doanh buôn bán trong phố cổ, giữ lại những nét đặc trưng của các phố bắt đầu từ chữ Hàng. Các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm nên tạo điều kiện cho người dân tham gia ý kiến và giám sát quá trình cải tạo phố cổ, bởi chỉ những người sống trong phố, hiểu phố mới có được những ý kiến xác đáng nhất.

Đặc biệt, cần bảo vệ, giữ gìn, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến di tích, đề phòng hỏa hoạn ở các ngôi nhà cổ vốn sử dụng nhiều gỗ, vật liệu mỏng, dễ cháy./.

Thu Cúc

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo