Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện Để sông Nhuệ... sống

Để sông Nhuệ... sống

Viết email In

Trong suốt 1000 năm lịch sử, diện tích đất Thăng Long chỉ vài km2. 50 năm đô thị hóa đầu thế kỷ XX chưa đến 50 km2. Trước 2008, đô thị lõi trung tâm là 152 km2. Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 cho thấy đô thị lõi mở rộng sẽ là 256 km2 – nhiều đất nông nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ sẽ trở thành đô thị trong thời gian ngắn. Đô thị hóa tốc độ quá nhanh làm ta lo ngại! 

  • Ảnh trái: Ba vòng tròn so sánh đất nông nghiệp phía Tây sẽ đô thị hóa trong 1000 năm, 100 năm và 10 năm tới - Ảnh phải: Sông Nhuệ dài 76 km, lưu vực trong đê 1.075 km2. Từ cống Liên Mạc đến Thanh Trì hơn 20 km, lưu vực rộng tới hàng trăm km2.

Đã từ rất lâu, sông Nhuệ là ranh giới tự nhiên giữa Thăng Long phía Đông và xứ Đoài mênh mông phía Tây. Chỉ bước qua con sông đã thấy bao điều kỳ thú khác biệt. Từ kế sinh nhai đến món ăn thức dụng, từ phương ngữ lạ lùng đến thú chơi dân dã: “Xù Gạ thì giỏi chăn tằm, làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền”... Đầu nguồn Canh Diễn hoa trái đến bảy làng La canh cửi, còn đó Vạn Phúc lụa là. Phú Đô Mễ Trì - vựa thóc Kinh thành xưa, cuối dòng có Uớc Lễ, Cự Đà một thời giàu có hào hoa nức tiếng.

Sông Nhuệ đang đứng trước thử thách

Dòng sông xưa trong trẻo đem lại thịnh vượng đôi bờ thì nay ô nhiễm nặng nề, đem cái độc hại hôi thối xuôi tận Hà Nam... Làng quê mỗi ngày một đông còn ruộng vườn thì gần 60 dự án lấp kín. Đầu nguồn thì có Đô thị công nghệ cao Sinh học, khúc giữa thì có TP công nghệ Xanh, cuối dòng là công viên Sinh thái – Mỹ từ Sinh Thái đang là mốt thời nay? Không có dự án nào chứng minh đặc tính “sinh thái “ như nó mang tên. 


Sông Nhuệ / Cống ra sông Nhuệ

Khảo sát tháng 6/2010 cho biết, sông  tiếp nhận nước thải từ hoạt động công nghiệp, làng nghề, y tế, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hai bên bờ sông, ô nhiễm vượt chuẩn có đoạn gấp 60-70 lần. Riêng đoạn qua Hà Nội  có trên 600 cơ sở sản xuất, hơn 100 làng nghề và 35 miệng cống lớn xả nước vào sông Nhuệ.
       
Trước thực trạng ấy, Hà Nội quyết định đầu tư hơn 8.700 tỷ VNĐ (gần 500 triệu USD) nâng cấp sông Nhuệ giai đoạn 2010-2015. 7.800 tỷ đồng nạo vét đoạn Hà Đông - Liên Mạc, nâng cấp cống Lương Cổ, Nhật Tựu; trạm bơm Yên Nghĩa; Liên Mạc, Yên Sở II, Đông Mỹ, Ngoại Đô II và bơm tiêu vào sông Nhuệ, sông Châu. 600 tỷ đồng nạo vét đến Lương Cổ - Phủ Lý (dài 53km/74km); sông nhánh La Khê, Duy Tiên; cải tạo đê chính. Xây Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Cầu Ngà, 15.000 - 20.000m3/ngày, ở Tây Mỗ 360 tỷ đồng. 

Nội dung trên cho thấy đầu tư cho sông Nhuệ chưa đặt trong tổng thể nâng cấp thủy hệ Hà Nội, sông Nhuệ là phần không tách rời với sông Hồng, sông Tô và hệ thống đầm hồ liên quan. Đặc biệt cần loại bỏ các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung đắt đỏ, lãng phí, kém tác dụng. Thay vào đó là hàng trăm trạm XLNT tại nguồn, ngăn chặn không chỉ 35 miệng cống lớn mà hàng trăm cống nhỏ đang đổ thẳng nước thải vào sông. Cải tạo đê chính đồng thời kết hợp tái bố trí dân cư, dịch cư ven đê ra ngoài hành lang bảo vệ hai bên bờ sông.

Không bố trí dân cư sát mép nước và không khuyến khích đầu tư nhà máy XLNT tập trung – Thực tế các nhà máy đã xây dựng tại Hà Nội rất đắt tiền nhưng không phát huy tác dụng.

Đầu tư lớn thể hiện quyết tâm của các nhà quản lý. Nhưng không tiền, sông Nhuệ ô nhiễm đã đành, bỏ ra 500 triệu USD mà không có biện pháp đồng bộ thì khả năng tái ô nhiễm lớn hơn. Lúc ấy lực đã kiệt, sông Nhuệ vô phương cứu chữa.

Để sông Nhuệ... sống


Sông Nhuệ chỉ lấy lại sức sống nếu được cung cấp đủ nước từ sông Hồng. Để giảm khối lượng nạo vét thường xuyên cần có bể lắng phù sa và xử lý nước sạch trước khi bơm nước vào sông. Để duy trì mực nước ổn định cần có nhiều hồ chứa bổ cập nguồn nước cho sông. Hạn chế độ dốc của sông cần có những đập chắn giữ nước. Điều quan trọng bậc nhất là 100% nước thải phải qua các trạm XLNT trước khi đổ vào sông.

  • Ảnh bên : Sông Nhuệ nằm trong thủy hệ Hà Nội: nhận nước sông Hồng, cấp cho sông Tô và các hồ trong TP

Cần tái bố trí các khu dân cư, nơi sản xuất ra khỏi hành lang bảo vệ sông. Ưu tiên bố trí các công trình công cộng, công viên giải trí sát mép nước. Các công trình này được giám sát môi trường khắt khe và phải trả phí “lợi thế cảnh quan“ rất cao để đảm bảo nguồn thu, chi cho công tác bảo vệ môi trường. Có rất nhiều bài học đấu thầu khai thác cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Các nhà đầu tư khai thác cảnh quan để kinh doanh các dịch vụ giải trí, họ gắn bó lợi ích kinh doanh với bảo vệ môi trường thành mối quan hệ tương tác – bền chặt.

Bên cạnh các hạng mục đầu tư nâng cấp cải tạo sông Nhuệ, cần chú trọng các trạm đo đạc, cảnh báo ô nhiễm trên suốt chiều dài sông nhằm xác định chính xác nguyên nhân phát thải bao gồm khối lượng phát thải, chất lượng… xác định nghĩa vụ tài chính đối với các cá nhân tổ chức... Đảm bảo guyên tắc “ai xả thải, người đó phải trả tiền”.

Đổi lại cách dùng tiền ngân sách đầu tư cải tạo môi trường kém hiệu quả bằng cách đấu thầu kinh doanh không gian dịch vụ giải trí kết hợp cải tạo môi trường, sông Nhuệ sẽ không phải gánh nặng của Thành phố mà là "con gà để trứng vàng" làm ra của cải, đem lại hạnh phúc cho Thành phố.
 
TS.KTS Lê Quốc Hùng

TS.KTS Lê Quốc Hùng hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Paris: Kiến trúc, đô thị và xã hội học. KTS đã tham gia thực hiện một số dự án kiến trúc quan trọng tại Pháp, hiện đang hợp tác với tư vấn CH Pháp để nghiên cứu đô thị vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...