Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện Thông tư hướng dẫn phân hạng sàn giao dịch bất động sản: không cần thiết!

Thông tư hướng dẫn phân hạng sàn giao dịch bất động sản: không cần thiết!

Viết email In

Ngày 22/9, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM và Sở Xây dựng thành phố đã tổ chức hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp cho Dự thảo thông tư hướng dẫn phân hạng sàn giao dịch (SGD) BĐS...

Đây là lần đầu tiên, gần như 100% ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, giới chuyên gia đều cho rằng lại có thêm một văn bản quá không cần thiết và thiếu thực tế đến mức ngây thơ.

Phân hạng chẳng để làm gì!

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - trong phần phát biểu mở màn cho hội thảo cho rằng: “Đọc Dự thảo thông tư hướng dẫn phân hạng SGD BĐS, tôi liên tưởng đến quy định về phân hạng chung cư trước đây, có quá nhiều điều thiếu thực tế”. Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn phân hạng SGD BĐS thì việc cấp chứng nhận phân hạng SGD BĐS là theo đề nghị của các doanh nghiệp.

  • Ảnh bên : Hoạt động môi giới tại một SGD BĐS trên địa bàn thành phố. (Ảnh: N.H)
Nghĩa là một việc hoàn toàn tự nguyện, doanh nghiệp tham gia cũng được mà không tham gia cũng chẳng có vấn đề gì. Theo ông Lê Hoàng Châu: “ Việc phân hạng dựa trên các tiêu chí như quy mô, trang thiết bị, mặt bằng, nhân sự... chẳng có thực tế gì cả! Theo tôi, sẽ không có một đánh giá phân hạng nào xác thực bằng đánh giá của chính khách hàng. Vì vậy chẳng cần thiết phải ban hành một thông tư cho vấn đề này. Thay vào đó tôi nghĩ, chỉ nên tập trung quản lý tính minh bạch trong việc cung cấp thông tin sản phẩm, môi giới của các SGD BĐS”. Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Phó GĐ Sở Xây dựng thành phố - cũng đồng tình với quan điểm này.

Theo ông Hiệp: “Một khi đặt ra vấn đề phân hạng SGD BĐS phải nhằm một mục đích gì đó, chẳng hạn như quy mô các thương vụ mà SGD được phân hạng được làm, sàn không được công nhận thì không được...; đằng này đặt ra một thông tư mà doanh nghiệp muốn tham gia cũng được mà không cũng chẳng sao, vậy thì phân hạng để làm gì? Khi việc phân hạng SGD BĐS là chuyện hoàn toàn tự nguyện của doanh nghiệp, mà đã là sự tự nguyện thì Nhà nước không nên can thiệp vào. Theo tôi, Dự thảo thông tư hướng dẫn phân hạng SGD BĐS là vô cùng hình thức, nó thể hiện nay từ điều 1”.

Một quy định khác cũng gây bức xúc cho các doanh nghiệp, theo dự thảo thông tư quy định, đối với SGD BĐS được phân hạng phải báo cáo hoạt động hàng quý, 6 tháng và 1 năm (7 báo cáo/năm); đối với sàn không phân hạng phải báo cáo 6 tháng 1 lần và hằng năm (3 báo cáo/năm). Nhiều doanh nghiệp bình luận, không hiểu ý đồ của Bộ Xây dựng là gì (?!). Các SGD BĐS không phải doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, việc gì phải báo cáo với tần suất dày như thế? Nếu như vậy, các SGD BĐS phải thuê hẳn một nhân viên chỉ chuyên làm báo cáo.

Mua bằng kiến trúc sư để được phân hạng

Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn phân hạng SGD BĐS, muốn để được cấp giấy chứng nhận phân hạng SGD BĐS thì SGD BĐS phải có ít nhất một nhân viên là kiến trúc sư. Còn muốn để được công nhận là SGD BĐS hạng I thì phải có kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch đô thị. Phó Giám đốc Sở Xây dựng bình luận về quy định này như sau: “ Kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch thì hiếm lắm đây!”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thì phản ứng gay gắt. Một doanh nghiệp cho biết: “Tôi thách ông Bộ Xây dựng cho dù đi rà soát hết các SGD BĐS trên toàn quốc, nếu tìm được hơn 10 ông kiến trúc sư chịu làm nhân viên SGD BĐS thì chịu gì tôi cũng chịu. Đó mới chỉ là kiến trúc sư bình thường, chứ kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch thì đốt đuốc tìm không ra. Thực tế, ngay cả Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, khi tuyển người có bằng kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch còn không tuyển được người. Phòng quản lý đô thị các quận nhiều khi còn không có kiến trúc sư, huống gì doanh nghiệp”.

Từ câu chuyện này, các doanh nghiệp cho rằng, nếu cứ chạy theo hình thức thì chắc chắn sẽ diễn ra tình trạng các SGD BĐS chạy đua “mua” bằng kiến trúc sư để đứng sàn, nhằm được cấp chứng nhận phân hạng SGD BĐS. Việc này chắc chắn cũng giống như nạn việc mua bằng dược sĩ để đứng tên nhà thuốc trước đây. Mặc dù quy định về tiêu chí rất là nhiêu khê, nhưng nếu doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện để cấp chứng nhận phân hạng thì chứng nhận phân hạng chỉ có giá trị trong vòng 1 năm.

Một quy định khác, SGD BĐS chỉ được hoạt động trong thời hạn 2 năm, hết thời hạn phải đăng ký lại, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Luật Doanh nghiệp không quy định thời gian tồn tại của doanh nghiệp (ngoại trừ một số Cty liên doanh) thì việc gì phải quy định thời gian tồn tại của SGD BĐS. Quy định như vậy vừa thiếu thực tế, vừa hành doanh nghiệp một cách không cần thiết. Với những quy định như vậy, thì liệu có bao nhiêu doanh nghiệp hưởng ứng việc phân hạng SGD BĐS do Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng phát động.

Ngọc Huân

[ Chuyên đề : Sàn giao dịch bất động sản ]

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...