Ashui.com

Monday
Nov 25th
Home Tương tác Phản biện Hồ Gươm - giữa cái không tưởng và hiện thực

Hồ Gươm - giữa cái không tưởng và hiện thực

Viết email In

Ngày 8/1/2009, Tp Hà Nội trưng bày 9 phương án dự thi (vòng 2) “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận”. Trông đợi đã lâu, nay bữa tiệc thịnh soạn về tương lai Hồ Guơm đã bày ra, bà con ta sẽ được thưởng ngoạn những gì...

"Chín người mười ý" mà vẫn có những điểm chung

Chín người muời ý “ là câu nói tả tình trạng mỗi người một ý khác nhau nên rất khó thống nhất ý kiến . Tuy vậy ấn tượng đầu tiên khi chiêm ngưỡng 9  phương án thì lại thấy có chung một ý tưỏng, đó là : không gian Hồ Gươm sẽ mở rộng hơn, nhiều cây xanh hơn, nhiều khoảng trống cho sinh hoạt công cộng hơn , các công trình ven hồ được gọt rũa trở nên ngăn nắp , có trật tự hơn ….Tổng hợp ngần ấy thứ lại thì sẽ là khung cảnh Đẹp hơn, lẽ dĩ nhiên rồi vì hết thẩy những đồ án đã được chọn lựa , trưng bày vòng hai này để thi thố ắt phải đẹp như tranh.

Công bằng mà nói dù phương án nào được lựa chọn cũng sẽ cải thiện đáng kể  Hồ Gươm hiện tại – nơi mà các hoạt động làm cho nó xấu đi ngừng nghỉ từng ngày, từng giờ. Có những dự án to lớn - ồn ào, đập vào mắt nhiều người , nhưng có không ít những việc làm nho nhỏ - âm thầm, vẫn đang  từ tốn diễn ra - gặm nhấm đất đai, bào mòn cảnh quan quanh hồ mà chẳng thể liệt kê ra hết được. Chính vì vậy , cuộc thi được tổ chức  không chỉ thoả cái  khát vọng của giới kiến trúc mà còn đáp ứng trông đợi của những ngưòi yêu Hà Nội , lo lắng cho tương lai Hồ Gươm.

Tham gia gồm trong nước còn có mấy đơn vị ghi danh từ nhiều quốc gia: Đức, Ý, Nhật, Pháp , Tây Ban Nha … Nhưng lại có chung một điểm nữa là phưong án nào cũng am hiểu tường tận những vị trí có giá trị cần bào tồn hay những khiếm khuyết cần điểu chỉnh kiến ngưòi xem có cảm giác Tây tìm hiểu HN kỹ hơn cảTa . Phưong pháp thể hiện của Ta thì cũng có nhiều nỗ lực , học hỏi trình bày bắt mắt , hiện đại có khi hơn cả Tây.

Có chung của các phương án là tập trung giải quyết không gian tương lai của lô đất mà EVN đang quản lý sử dụng – Có lẽ đây chính là nơi mà các tác giả cố gắng đưa ra những giải pháp khả thi nhất, sao cho một ngày kia nơi đây sẽ đựoc xây dựng theo cái hình hài mà tác giả đề xuất . Cái ngày đẹp trời ấy sẽ đem lại niềm vui cho ngưòi chủ quản lô đất lẫn ngưòi vẽ nên cái tương lai của nó.

Cơ hội và thách thức / Mạnh và Yếu

Vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, Hà nội có phong trào “ Bảo tồn phố Cổ”.khá sôi nổi,lôi cuốn nhiều giới trong xã hội- giống như ta đang quan tâm về QH Hồ Gươm bây giờ .Không kể các đề xuất của ta,có đến hơn chục tài liệu từ các nước như Canada, Hà Lan, Thụy Điển, Úc …nghiên cứu  rất công phu- Tuy vậy, chẳng có giải pháp nào được thực hiện, nhiều người đã quên cái phong trào ấy. Cái đọng lại là cách phân tích SWOT từ bản báo cáo của Úc: đó là từ viết tắt tiếng Anh của chữ Mạnh - Yếu - Cơ hội - Nguy cơ (Strengths, Weaknesses, Opportunities and Threats). Giờ đây, cái cụm từ “Cơ hội và thách thứ “ rất ấn tưọng nên sử dụng rộng rãi . Chúng tôi vận dụng “SWOT” vào việc  bầy tỏ cảm xúc về các  ý tưởng QH  khu vực hồ Gươm.


Mô hình phương án “Ngời sáng Bảo long châu” của CDCC

Mạnh nhất về tạo không gian rộng lớn là phương án ”Ngời sáng Bảo long châu” của CDCC – Thật táo bạo đến kinh ngạc, toàn bộ phía  Đông Hồ Gươm sẽ san phẳng công trình xấu đẹp cũ mới. Mặt đất chỉ còn vườn hoa quảng trường rộng thẳng cánh cò bay. Ở phía Tây đắp lên một gò núi, cao hơn cả tháp Báo Thiên trên nền đất vốn có mấy công trình tranh cãi cũng san phẳng nốt. Người Pháp vốn nổi tiếng là hào hoa lãng mạn, dám chôn cả bảo tàng Louvre xuống đất thì cũng chỉ xứng làm em của cái phương án này. Diện tích ngầm hóa lớn gấp cả chục lần cái Louvre quê mùa ấy. Cuộc cách mạng không gian "long trời lở đất" này sẽ lật trang để Hồ Gươm sẽ bước sang một kỷ nguyên mới, lấy cốt 0 làm vạch xuất phát, đi tới tương lai bằng công nghệ xây ngầm. Mạnh nhì về mặt này là “Điểm tựa trường tồn “ của VIAP , thay vì chôn mấy tòa to, họ dọn dẹp thu nhỏ lại, chôn ngầm phố Tràng Tiền là chính. Xếp thứ ba là của IUID vì đắn đo rụt rè, họ chỉ chôn ngầm mấy đoạn đường , nhằm đảm bảo tính thực tiễn, nên chỗ EVN để nổi lên mấy khối cao tầng – chính vì vậy mà chất  lãng mạn kém đi rất nhiều. Điểm quan trọng là mở rộng không gian ven hồ thì phương án này không đạt tới.  


Mô hình phương án “Điểm tựa trường tồn” của VIAP


Mô hình Phương án của IUID

Mạnh nhất về tạo hình ảnh quen mắt là của Nikken Sekkei Civil: mái ngói đỏ tươi , các dãy nhà nối nhau thành hàng phố kéo dài như kiểu kiến trúc kiểu Pháp xưa – thật ưng mắt nhưng nó mà xây lên thì dầy đặc lắm, ấy là chưa kể còn nhiều không gian chìm nữa . Có lẽ phương án này đạt cả thêm cả chỉ tiêu mạnh nhất về diện tích sàn xây dựng. Khéo léo vẽ mấy tòa có mái trồng cỏ mầu xanh thay cho dãy phố có tòa nhà hàm cá mập và trụ sở hội KTS VN – nơi mà có đến cả trăm năm nữa đụng vào còn khó. Nếu tính thêm mật độ đặc thì kể đến hàng thứ hai là phương án của Archetype. Nó kém hơn vì không đạt được cái sự ưa nhìn : thay cho dãy nhà ngói đỏ thì chỉ thấy khối nhà mầu trắng ken đều, khối thẳng khối vát hai bên lối đi , đầu hồi chĩa ra Hồ Gươm. Xếp thứ ba độ dầy  đặc  là phương án của NQH. Có lẽ những phương án mạnh về tăng mật độ xây dựng thì dẫu có viết, vẽ hay kỹ xảo đồ họa có tài tình đến mấy vẫn khó bề thuyết phục.


Phối cảnh phương án của Nikken Sekkei Civil


Phối cảnh Phương án của Archetype 


Phối cảnh Phương án của NQH

Bằng cách nào, đến lúc nào:  hiện thực sẽ giống như tranh ?

Mạnh nhất về tính thực tiễn là phương án của MQL PAU and Partners. "Tấm gương Thiên đường” phản chiếu cái hiện thực của Trần gian : muốn có cái thoáng đãng ven hồ thì  phải đánh đổi bằng một bức tường bê tông kính lừng lững nằm sâu phía sau . Ôi cái sự thật phũ phàng - nhưng nó chính là sự thật. Ngay lúc này,ngay tại đây  đã có hai khối cao tầng lù lù ở đấy rồi, có ai dám chắc là đã cái cuối cùng  chưa?.Chi bằng phơi các hiện thực, tuy không mong muốn, nhưng là tất yếu thị trường ra mà bàn cho thấu, đấu cho rõ để có phương thức quản lý chủ động – sòng phẳng . Chẳng hơn là lờ nó đi, rồi lại lúng túng khi phải đối mặt với muôn nẻo vòng vèo các dự án BĐS xưa nay.


Phương án của MQLPAU and Partners

Mạnh nhất về sự thẳng thắn là của Liên danh 1+1>2 Group & Academia Italia. Phương án xoáy vào cái lô đất EVN để giải quyết trực diện . Cho dù đường nét chủ đạo của phương án là uốn lượn nhưng ý tưởng thì rành mạch mà chẳng hề quanh co. Ơi những thảm cỏ cây xanh tranh vẽ/ Hỡi những quảng trường thoáng đãng  mô hình/ Hãy tới đây , ghé vào tai ta mà thì thầm điều bí mật / Bằng cách nào , đến lúc nào:  hiện thực sẽ giống như tranh ???

Yếu nhất về tính tổng thể là phương án của Liên danh 1+1>2 Group & Academia Italia. Những khu vực ngoài EVN hầu như chẳng cải thiện được mấy. Ngay cả trục mở thẳng từ Nhà thờ Lớn ra hồ thì vẫn giữ lại  một khối đặc án ngữ . Vị trí bãi xe ngầm thì thật không ổn chút nào. 


Phương án của Liên danh 1+1>2 Group & Academia Italia

Yếu đều về mọi mặt của các phương án là mối quan hệ giao thông toàn TP. Tất cả các đề xuất bãi đỗ xe ngầm trong khu vực này là tiềm ẩn nguy cơ tắc nghẽn giao thông từ ngoài vào, từ trong ra , cũng như quẩn quanh ngay trong khu vực . Vì rõ ràng là các nơi đỗ xe khối lượng lớn như vậy sẽ là cực hút xe cộ tập trung sinh ra xung đột/ rối loạn… Rất có thể do thiếu vắng sự tham gia của chuyên gia giao thông vào các phương án.

Yếu không đều tuỳ theo mức độ ngầm hoá của từng dự án.Vì các công trình ngầm cần kết nối tổng thể các công trình ngầm toàn TP. Ngầm tại khu vực này sẽ đấu nối với mạng lưới giao thông ngầm ra sao,tiến độ đồng thời hay lệch pha nhau. Thoát nước cho công trình ngầm tại đây sẽ là độc lập hay sẽ tích hợp với hệ thống nào, thoát dẫn đi đâu?


Phương án của LRC 54 Arquitectura SL

Cơ hội của tất cả các phương án là nơi cho thấy những sản phẩm sáng tạo tối đa. Nguy cơ (hay còn gọi là thách thức – nghe kêu hơn) là thực tiễn sẽ phủ nhận những phương án có tính sáng tạo nhất. Những phương án quá lãng mạn thì tất nhiên khó trở thành hiện thực. Còn phương án có tính hiện thực thì sẽ đối mặt với vô số câu hỏi của số đông cư dân Thủ đô vốn thích hào hoa ưa lãng mạn đã được hun đúc lâu đời.

“Và cây đời mãi mãi xanh tươi”

Ấn tượng rõ nét nhất của phương án do VIAP nghiên cứu là tỉ mỉ, giải quyết chi li, lập luận phân tích chặt chẽ. Có thể nói đây là tài liệu chuẩn mực. Từ phương pháp tiếp cận , đến những đề xuất , trình bầy thể hiện cho thấy nhiều điều đáng học tập. Giá như cả khu vực  của một chủ sở hữu duy nhất – có một nguồn lực đầu tư đồng bộ và thực hiện một mục tiêu, giới hạn trong một khoảng thời gian cụ thể thì rất có thể đây là sự lựa chọn đúng đắn.Bối cảnh không gian đô thị giờ đã khác xưa: đa sở hữu,đa mục tiêu, những mối quan hệ đa tầng bậc - biến thái khôn lường. Trong một công trình cụ thể, KTS còn phải thích ứng những yêu cầu đổi thay thất thưòng ,thì không gian tưong lai của tổ hợp các vấn đề phức tạp kia mà mô tả chi li tỉ mỉ - duy mỹ quá e là đang sa đà vào cái sự không tưởng hoá hiện thực. Rất có thể trong tương lai những tài liệu nghiên cứu QH cần tiến hoá theo kịp xã hội:nó chỉ nên tiên lượng xu thế,đề xuất có tính định hưóng, kết hợp  những kế sách điều chỉnh chủ động. Vì cho dù nghiên cứu ký lưỡng bao nhiêu, lý lẽ sáng suốt đến mấy cũng vô nghĩa nếu không theo kịp những biến động của hiện thực khách quan. ”Mọi thuyết lý chỉ là mầu xám…” - Điểm tựa nào đây đủ chắc chắn để trường tồn?

Đâu là hiện thực của cái không tưởng ?

Hiện thực thứ nhất là khó có thể chọn một  phương án như ý  nếu chỉ  gói gọn trong vùng nghiên cứu hơn 60 Ha. Chỉ riêng mối quan hệ với giao thông tĩnh và động,ngầm và nổi của khu vực với TP , đã cần phải mở rộng ra gấp 10 lần.Hiện thực hơn cả là khoanh vùng nghiên cứu liên hệ: vùng này  nằm lọt trong vành đai 1 của TP – tạm gọi là vành đai 0. Trong cái vành đai 0, cần thiết và có khả năng khai thác quỹ đất dự trữ 20-30 Ha để hoán đổi không gian xanh mở rộng quanh Hồ. Mặt khác, giao thông tĩnh kết hợp với giếng thu nước ngầm cũng đặt tại vùng biên của vành đai này mới đảm bảo tính khả thi- độ bền vững của không gian phát triển đúng nghĩa.

Hiện thực thứ hai là sẽ chọn ra được phương án đoạt giải. Rất có thể giải nhất là phương án không tưởng nhất, vì nếu chọn phuơng án hiện thực thì  tiếp theo là bắt đầu một cuộc tranh luận mới.  

Hiện thực thứ ba là trong khi chưa kịp làm gì, thì Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã cận kề. Giá như cái chỗ đất rộng phía Đông Hồ Gươm tạm thời dỡ bỏ mấy cái nhà cũ đi, TP mượn tạm ít hôm làm cái quảng trường dã chiến mà tổ chức Đại lễ thì quý biết mấy!


Trần Huy Ánh  - Nguồn ảnh: HanoiData, Ashui.com

>> Tương lai nào cho kiến trúc Hồ Gươm? 

>> Trưng bày các đồ án tham gia vòng 2 cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận” 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...