Tin mới nhận: Chiều 11/2/2009, theo nguồn tin từ UBND TP Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã chấp thuận việc xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal (tiêu chuẩn 4 sao, với gần 400 phòng trên diện tích 1 ha) liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Hà Nội và đối tác SIH Investment Limited (Singapore) có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD tại công viên Thống Nhất - 295 Lê Duẩn, Hà Nội. Quy mô khách sạn gồm 5 tầng, thiết kế hòa nhập với cảnh quan công viên. |
Trong khi đó, từ ngày 6/6/2008, khách sạn này đã được khởi công xây dựng.
Bài viết của bà Debra Efroymson (ảnh bên) - người đã từng có 4 năm làm việc tại Hà Nội với tư cách là Giám đốc vùng của Quỹ Healthbridge, Canada. Đây là một tổ chức quốc tế phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động từ năm 1982 tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ, nghiên cứu các chính sách và chương trình hành động vì sức khỏe cộng đồng.
Tôi rất lo lắng khi được biết tin về công trình xây dựng khách sạn lớn, khách sạn không chỉ bên cạnh mà ngay trong công viên Thống Nhất, xâm phạm đến một trong những khu không gian xanh và không gian công cộng quý báu của Thành phố.
Thật lòng, trong bốn năm sống ở Hà Nội từ 1994 đến 1997, tôi ít khi đến công viên Thống Nhất. Bởi vì hồi đó ở Hà Nội vẫn còn có thể dễ dàng đi bộ hay đạp xe trên phố. Tôi vẫn còn nhớ những buổi tối từ lớp học khiêu vũ về nhà vào lúc 10 giờ tối, đường phố thật yên tĩnh, có thể tạt vào một quán phở ven đường ăn một bát phở nóng.
Mặc dù chuyển đến làm việc tại Dahka từ cuối năm 1997, nhưng kể từ hồi đó đến nay hầu như năm nào tôi cũng quay trở lại Hà Nội vài ba lần và chứng kiến những đổi thay của Thành phố. Do việc đi bộ và đạp xe trong Thành phố không còn được thuận tiện như ngày xưa nữa, tôi phải thường xuyên đến công viên Thống Nhất để được đi bộ trong đó.
Và tôi thích thú khi nhận thấy rằng công viên cũng có một đời sống, như cuộc sống thành phố thu nhỏ: có sự hiện diện của nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đến công viên cùng với mục đích tập luyện và nâng cao sức khỏe, có những quầy hàng ăn và dịch vụ nho nhỏ, đôi ba mẹt hàng xinh xinh bán đồ thủ công.
Điều làm tôi thấy thú vị nhất là công viên Thống Nhất thực sự là một công viên, nơi người dân đến đó để thư giãn, chuyện trò, và giao tiếp với nhau.
Do ngày càng có nhiều người tìm đến với công viên, không gian dường như đã trở nên khá chật chội, những người chạy bộ thường xuyên va phải nhau, từng mét vuông đều được tận dụng. Tôi luôn mơ ước những phần đất bị lấn chiếm trong công viên sẽ được trả lại để có thêm nhiều không gian hơn nữa cho người dân.
Ở những thành phố châu Á đông đúc, đất đai rất có giá trị. Chúng ta đều biết rằng đất là tài sản quý giá không được lãng phí. Cần phải tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vô giá này, đảm bảo rằng nó sẽ đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội và những lợi ích quan trọng khác. Nhưng có phải vì đất có giá trị như vậy, nên chúng ta muốn biến các khu vực không gian xanh ít ỏi còn lại để thành nhiều tòa nhà hơn nữa?
- Ảnh bên : công trình khách sạn Novotel on the park đang được tiến hành (Ảnh: Phạm Hải)
Đối với những người đang tìm kiếm địa điểm còn trống để đặt các dự án xây dựng vì lợi nhuận của mình, những công viên dường như là những mảnh đất sinh lợi cuối cùng còn sót lại trong Thành phố. Họ không hiểu tại sao Thành phố lại cần phải có công viên, trong khi có thể xây ở đó một khu giải trí, trung tâm thương mại, bãi để xe hay là một khách sạn sang trọng?
Làm sao có thể so sánh giá trị của một cửa hàng lộng lẫy với một cây cổ thụ, một trung tâm thương mại với một hồ nước, một khách sạn năm sao với sân dành cho người già tập khí công, người trẻ tập nhảy và chơi cầu lông? Liệu các giá trị của chúng ta chỉ giới hạn bằng tiền và trên thương trường?
Nếu đi dạo vào công viên Thống Nhất vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi đó.
Thật khó tưởng tượng những người tập dưỡng sinh hay tập thiền trong công viên lại cảm thấy thoải mái bên cạnh một khách sạn tấp nập, xâm phạm đến không gian yên tĩnh của họ. Người cao tuổi sống trong thành phố thường có cảm giác cô đơn và tách biệt về mặt xã hội do họ thường cảm thấy không còn vai trò quan trọng trong gia đình hoặc rộng hơn là trong xã hội.
Điều này thường dẫn đến trầm cảm ở người già, một căn bệnh có thể phòng ngừa được thông qua việc tập thể dục và tăng cường giao tiếp xã hội – và không gian xanh công cộng trong thành phố có thể đem lại cho họ cơ hội đó. Nếu lấy đi nốt cả niềm vui được tập luyện, giao tiếp xã hội và thư giãn của người cao tuổi trong công viên nữa thì thật là nhẫn tâm.
Mặc dù chúng ta tôn trọng quyền của các tập đoàn xuyên quốc gia và các cá nhân muốn được làm giàu, nhưng nên nhớ rằng có một sự sự giàu có cần được phân phối rộng rãi toàn xã hội – đó là sự giàu có về tinh thần được tạo ra từ những công viên thanh bình, những buổi đi dạo dưới bóng cây yên tĩnh, những giây phút thư giãn tạm lánh khỏi nhịp sống hối hả của Thành phố.
Trong cuộc sống, có nhiều thứ rất có giá trị như tình yêu và niềm hạnh phúc không thể đi cùng với thước đo vật chất và không thể mua được bằng tiền. Khi mong muốn đem lại hạnh phúc cho người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị. Hãy ngắm nhìn gương mặt người dân khi tập luyện hay chuyện trò với nhau trong công viên, bạn sẽ hiểu tất cả.
Chỉ có ít người giàu có có thể đến ở hoặc ăn tại khách sạn Novotel on the Park sang trọng kia, nhưng bất cứ ai cũng có thể đến và sử dụng công viên Thống Nhất, cho dù chỉ ngoài giờ công viên thu lệ phí (7 giờ sáng đến 5 giờ chiều – vé vào cổng là 4.000 đồng).
Hạnh phúc của con người có giá trị hơn tiền có được từ những bất động sản của các chủ đầu tư, và nếu muốn người dân Thành phố hạnh phúc, hãy tìm cách mở rộng công viên, đem lại cho họ nhiều không gian xanh công cộng có chất lượng hơn.
- Ảnh bên : Người dân tập thể dục trong công viên Thống Nhất
Và nếu các bạn không tin tôi, hãy đi dạo trong công viên Thống Nhất vào lúc 6 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, xem người dân chơi cầu lông, học nhảy, tập khí công, tập thể dục, đi bộ, uống trà, cà phê và tán gẫu với nhau. Bạn sẽ tự hỏi những thú vui đời thường đó của người dân có thể bán với giá bao nhiêu?
Xét về diện tích và số dân của Hà Nội, rõ ràng là Thành phố hiện nay chưa có nhiều công viên. Ở nhiều khu dân cư, người dân chẳng có chỗ để tập luyện hàng ngày và giao tiếp với nhau - những điều vô cùng cần thiết đối với sức khỏe cá nhân và sức khỏe cộng đồng.
Tôi rất phấn khởi khi đọc tin trên các báo điện tử được biết rằng gần đây chính quyền Thành phố Hà Nội đã cho xây dựng được một số vườn hoa, công viên mới như vườn hoa trước cửa Nhà Hát Lớn hay vườn hoa số 40 phố Nhà Chung. Điều đó chứng tỏ lãnh đạo Thành phố đã có một tầm nhìn và quyết tâm mạnh mẽ.
Vậy có nên để tồn tại một khách sạn trong một công viên mang tính lịch sử, gắn bó với cuộc sống người Hà Nội. Khách quốc tế sẽ nghĩ gì khi đến một khách sạn trong lòng công viên như vậy?
Tôi rất mong mỏi rằng chính quyền thành phố Hà Nội, những người thực sự chăm lo cho đời sống của người dân Hà Nội sẽ hành động vì lợi ích của hàng ngàn người dân thường hàng ngày đến tập thể dục và vui chơi trong công viên Thống Nhất. Hãy dọn dẹp những công trình lấn chiếm và chăm sóc cho công viên được trỏ nên sạch đẹp, là lá phổi xanh của thành phố.
Các thành phố, dù giàu hay nghèo, không thể để những công viên, tài sản quý báu của mình bị xâm phạm hoặc hủy hoại.
Debra Efroymson (Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge, Canada)
Ông Michael Digregorio PH.D, cán bộ chương trình Quỹ Ford: Không gian công cộng được xác định là các đường đi bộ, vườn hoa, bãi cỏ, khoảng trống, khoảng không gian mà bất cứ ai (không phân biệt giàu, nghèo, trình độ, tôn giáo, dân tộc...) đều có thể đến. |
>> Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn
>> Đối thoại: "Dự án khách sạn không có trong quy hoạch công viên Thống Nhất" - Ông Huỳnh Đăng Hy
- Đô thị đại học ở Việt Nam - chậm còn hơn không!
- Để công viên Thống Nhất là hòn ngọc thứ hai của Hà Nội
- Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN kiến nghị lãnh đạo TP về dự án khách sạn Novotel on the Park
- Không thể vin vào bối cảnh dự án mà xây khách sạn
- 6 nghi vấn của công luận về Khách sạn Novotel on the Park
- Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn
- Có nên xây Đền thờ Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm?
- Văn hóa làng xã và triết lý phát triển
- Hồ Gươm - giữa cái không tưởng và hiện thực
- Khảo cổ học đô thị: Bao giờ hết khai quật kiểu "chữa cháy"?