Mặc dù việc xây dựng đền thờ Lý Thái Tổ tại Hà Nội còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến cho rằng không cần thiết vì đã có đền thờ Ngài ở quê hương Bắc Ninh; nhưng TP Hà Nội vẫn quyết tâm xây dựng ngôi đền này cho 1000 năm Thăng Long. Vườn hoa Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm là một trong những địa điểm được đề xuất để đặt công trình này.
- Ảnh bên : Tượng đài Lý Thái Tổ
Chờ quyết định của thành phố
Đây không phải là địa điểm duy nhất được đề xuất. Mới đây, đền thờ Lý Thái Tổ được đề xuất xây ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, nhưng cũng không nhận được sự đồng thuận vì khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Việc xây dựng đền thờ Vua Lý Thái Tổ trong khu Hoàng thành vi phạm vào Luật Di sản, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới tiến trình di sản thế giới của khu di tích này.
Vừa qua, trên báo có trích dẫn thông tin rằng “Tôi vừa được nghe thông tin Hà Nội quyết sẽ xây đền thờ Lý Thái Tổ ngay phía sau tượng đài Lý Thái Tổ, phá nhà bát giác (Nhà kèn) đi”. Trả lời câu hỏi về việc thành phố đã “quyết” với địa điểm này chưa, một lãnh đạo Sở VH, TT&DL cho biết, việc lựa chọn địa điểm xây dựng đền thờ Lý Thái Tổ sẽ do UBND TP.Hà Nội quyết định. TP giao cho Sở VH, TT&DL giới thiệu địa điểm, Sở đã phối hợp với Sở QH-KT giới thiệu một số địa điểm, trong đó có vườn hoa đó (tức vườn hoa Lý Thái Tổ). Sở với tư cách là cơ quan tham mưu đã trình các đề xuất đó, song hiện giờ, Sở chưa nhận được quyết định của Thành phố về vấn đề này”.
Nếu đặt Đền thờ ở vị trí này thì rất "kẹt"
Từ giữa thế kỷ 20 trở lại đây, ở trong các đô thị nước ta xây dựng khá nhiều tượng đài các danh nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Tượng Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Nam Định; tượng Quang Trung ở thành phố Quy Nhơn, Bình Phước, Hà Nội; tượng Bác Hồ ở Nghệ An, Cao Bằng, Hoà Bình, Sa Đéc; tượng Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh, Hà Nội... Hầu hết các tượng đài trên đây đều đứng độc lập và ổn định trong không gian cảnh quan chung của đô thị, đạt hiệu quả về thẩm mỹ, được nhân dân ngưỡng mộ.
Tượng đài Lý Thái Tổ ở vườn hoa Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm đã hài hoà với khung cảnh chung, tôi thiết nghĩ như vậy là đủ. Hiện nay có dư luận Hà Nội sẽ xây thêm đền thờ Lý Thái Tổ ở phía sau tượng đài Lý Thái Tổ để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
- Ảnh bên : Vườn hoa Nhà Kèn
Là một người có nhiều trăn trở với Hồ Gươm, tôi đã ra hiện trường nghiên cứu và xin góp ý như sau:
- Nếu đã là kiến trúc một ngôi đền thờ, không ít thì nhiều cũng phải áp dụng theo hình thức kiến trúc truyền thống: cột gỗ, mái ngói, tàu đao và nóc mái uốn cong... thêm cả hương khói nữa. Với ngôi đền như vậy rõ ràng hình khối, đường nét kiến trúc và không khí môi trường không thể hòa nhập với một quần thể kiến trúc là những công trình công sở xây dựng theo phong cách kiến trúc Cổ điển châu Âu, đã được ổn định gần một thế kỷ nay như tòa nhà UBND thành phố, Ngân hàng Trung ương, tòa Bắc Bộ Phủ, Bưu điện Bờ Hồ... Tôi e rằng, nếu công trình này hình thành, vô tình thế hệ chúng ta làm hỏng một góc đẹp của cảnh quan Hồ Gươm.
- Đã là ngôi đền thờ thì phải đặt ở trong một không gian tĩnh lặng mới đạt hiệu quả cao về tâm linh. Song ở vị trí nói trên, đền thờ bị kẹp giữa những trục đường gắn với những công sở chung quanh, xe cộ đi lại ồn ào, một không gian động như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc thờ cúng tế lễ.
- Về quy mô đền thờ ở vị trí này rất bị kẹt. Xây dựng to lớn đàng hoàng thì mảnh đất quá hẹp, sẽ phải lấn sát đường, mất đi vẻ tôn nghiêm cần thiết mà tính chất công trình cần phải có. Nếu xây dựng nhỏ hẹp như một cái miếu để có được không gian chung quanh được cách ly cần thiết, e rằng chỉ vì không có đất rộng mà làm đền thờ không xứng với tầm vua Lý Thái Tổ, người đời sau sẽ chê trách.
Thủ đô Hà Nội sau 1000 năm đã được mở rộng, đất đai không còn khan hiếm nữa, nên chăng xây đền thờ Lý Thái Tổ ở một vị trí đẹp, rộng rãi và yên tĩnh. Đã xây thì phải khang trang, to lớn, xứng với tầm một vị hoàng đế đã có công đầu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.
Không nên “quay lưng” lại Quảng trường Ngân Hàng
KTS Nguyễn Trực Luyện cho rằng không gian Vườn hoa Nhà Kèn đã định hình rồi, bây giờ mình đặt một công trình tôn giáo theo kiến trúc truyền thống thì rất khó hợp, mà sẽ trở nên lạc lõng. Hơn nữa, vị trí này nhỏ hẹp lắm, không nên “cấy” thêm đền thờ vào. Chẳng nhẽ lại làm đền thờ bé như cái Nhà kèn ở giữa? Còn làm to, thì không đủ đất.
Điểm yếu nữa, là nếu đặt đền thờ ở đây, thì gần như chắc chắn đền phải quay mặt về phía tượng đài, tức là sẽ quay lưng lại Quảng trường Ngân hàng. Đứng về phương diện quy hoạch đô thị thì không nên có công trình kiến trúc quay lưng lại mà phải mở ra hướng Quảng trường.
Vườn hoa Nhà Kèn đã có từ lâu đời với Nhà Kèn ở giữa, là một lầu bát giác, không có tường chắn. Lẽ ra khi đặt tượng Lý Thái Tổ vào đó, phải tính cả không gian từ phía quảng trường Ngân Hàng đến Hồ Gươm để thiết lập một bố cục hài hòa, tức là phải có giải pháp kiến trúc để xóa đi cảm tưởng là tượng quay lưng lại Quảng trường. Nhưng TP. không nghiên cứu giải pháp đó. Để như hiện nay đã có hạn chế như thế, nếu đưa thêm đền thờ Lý Thái Tổ vào lại càng không nên.
- Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN kiến nghị lãnh đạo TP về dự án khách sạn Novotel on the Park
- Không thể vin vào bối cảnh dự án mà xây khách sạn
- 6 nghi vấn của công luận về Khách sạn Novotel on the Park
- Xây khách sạn trong công viên Thống Nhất: Rao bán linh hồn Thành phố
- Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn
- Văn hóa làng xã và triết lý phát triển
- Hồ Gươm - giữa cái không tưởng và hiện thực
- Khảo cổ học đô thị: Bao giờ hết khai quật kiểu "chữa cháy"?
- Dự án Trung tâm Thương mại 19-12 chỉ là sự tiếp nối quy hoạch manh mún
- Tòa nhà Trung tâm Thương mại 19/12: "Rác kiến trúc" ở Hà Nội?