Là quốc gia lớn ven bờ Biển Đông với chỉ số biển (khoảng 0,01) cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu, việc đặt biển vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước như tinh thần Nghị quyết 09/2006/NQ-TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 hoàn toàn là một hướng đi đúng, một cách nhìn xa, trông rộng.
Cách bám biển mưu sinh bằng cách dựng nhà sống trên biển của người dân Tiền Hải, Thái Bình này có từ thế kỷ 18 khi Nguyễn Công Trứ đưa dân khai hoang lấn biển dựng xóm, dựng làng. (Ảnh: Nguyễn Tuấn - Thông Thiện)
Nhận diện một “Việt Nam biển”
Các chiến lược gia cho rằng, biển là di sản của nhân loại, là nơi dự trữ cuối cùng của loài người nói chung và của dân tộc ta nói riêng về lương thực, thực phẩm và nguyên nhiên liệu. Trong bối cảnh thế giới tiến mạnh ra biển ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển (và đại dương) quốc gia đầy tham vọng, đặc biệt đối với các “cường quốc biển” như Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc,... thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí của nó đối với chiến lược phát triển đất nước không phải là quá sớm. Bởi lẽ biển ẩn chứa nhiều tiềm năng không thể nhìn thấu bằng mắt, tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ và “dùng chung”, biển luôn khắc nghiệt với con người và hoạt động trên biển thường chịu nhiều rủi ro cao,...
Lịch sử phát triển thế giới gắn với đại dương và biển, và gần đây là một thế giới chuyển đổi nhấn mạnh đến toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và kinh tế xanh (green economy). Nước ta đang tiến hành công cuộc phát triển kinh tế biển trong một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới với các đặc trưng cơ bản: khan hiếm nguyên nhiên liệu, thảm họa của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, an sinh xã hội bị đe doạ, cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia trên biển thường xuyên và gay gắt hơn bao giờ hết. Trong một thế giới chuyển đổi như vậy đòi hỏi cộng đồng quốc tế và các quốc gia biển, quốc đảo phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để giải quyết những thách thức thời đại nói trên.
Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam càng phải cân nhắc đến tính bền vững trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế biển mà về nguyên tắc chính là phát triển một nền kinh tế xanh lam (blue economy): dựa vào hệ sinh thái, ít chất thải, ít cac-bon, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ sạch hơn, an toàn thực phẩm và sản phẩm biển có sức cạnh tranh cao,... Để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo dựng được một nền kinh tế xanh lam trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại; phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển. Trong đó, phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển đang còn là những vấn đề mới mẻ đối với không chỉ các nhà khoa học và quy hoạch, mà còn đối với nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam.
Quản lý tổng hợp biển theo không gian đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau, trong đó quan hệ giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước. Công cụ cơ bản giúp tổ chức hợp lý không gian biển cho phát triển bền vững là quy hoạch không gian biển (marine spatial planning – MSP).
Tình hình khai thác và sử dụng biển ở nước ta
Những thành tựu
Trong những năm qua, dựa trên lợi thế về tài nguyên biển, Việt Nam đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển-vùng ven biển và đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng:
Một là, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế - dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,...
Hai là, vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chủ yếu là dầu khí và thuỷ sản. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên,...bước đầu cũng đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Ba là, trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển - là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển,...
Bốn là, đã có bước phát triển mới ở một số hải đảo, vai trò kinh tế của các đảo tăng lên rõ rệt. Hiện nay, trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống với tổng số trên 155 nghìn người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/ km2, kết cấu hạ tầng trên các đảo được tăng lên rõ rệt, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt. Một số đảo sẽ phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc,...
Năm là, công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đã được quan tâm hơn. Các kết quả điều tra nghiên cứu về biển đã cung cấp những hiểu biết khái quát đặc trưng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên biển. Đặc biệt, Việt Nam đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn biển.
Sáu là, hệ thống thể chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ trung xuống địa phương bước đầu đã được thiết lập. Hệ thống chính sách, pháp luật, các quy phạm về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển đã được xây dựng để phục vụ quản lý ngành. Ngày 6 tháng 3 năm 2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo được xem là văn bản chính sách đầu tiên đề cập đến (tuy chưa đầy đủ) cách tiếp cận quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo ở nước ta. Các ngành và địa phương đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành, lĩnh vực liên quan đến biển.
Bẩy là, công tác đối ngoại đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều điều ước, công ước quốc tế về biển; một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực Biển Đông. Thí dụ: Việt Nam cũng tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất quốc tế và khu vực về Biển Đông như Phương thức ứng sử đa phương (DOC), Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982; triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước liên quan.
- Ảnh bên: Vùng biển và ven biển có những đóng góp lớn vào xuất khẩu. Trong ảnh là ngư dân Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương, từ một loại cá lọ lem, không được chuông, nay trở thành hàng xuất khẩu (Ảnh U. Th.)
Những thách thức, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu, thời gian qua phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển Việt Nam còn gặp không ít thách thức, hạn chế. Nếu không hoặc chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển ở Việt Nam:
Một là, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.
Hai là, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp: các cảng biển, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.
Ba là, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng như: quản lý không gian biển (marine spatial management), quy hoạch sử dụng biển (sea-use planning) bao gồm hải đảo và vùng ven biển, giống như quy hoạch sử dụng đất (land-use planning) áp dụng trên đất liền. Đặc biệt ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.
Bốn là, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích (benefit conflict) trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển. Cách tiếp cận ‘nóng’ trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở các lĩnh vực kinh tế biển: chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.
Năm là, môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng,…
Sáu là, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái biển quan trọng (RSH/ rạn san hô, RNM/ rừng ngập mặn, TCB/ thảm cỏ biển) bị suy thoái, bị mất habitat và bị thu hẹp diện tích. Các quần đàn có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông-biển ở vùng cửa sông ven bờ, do mất đến 60% nơi cư trú tự nhiên quan trọng. RNM mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% RSH trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với TCB. Đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong RNM bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 01 ha RNM trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 (1990) xuống 0,34 tấn/CV/năm (2005). Trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ.
Bảy là, đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành (sectoral management) thông qua các luật pháp, chính sách ngành như nói trên. Thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển, chính sách quản lý thiếu đồng bộ, trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu/sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển,…chậm được triển khai trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển.
Tám là, ngoài thiên tai biển xẩy ra thường xuyên, Việt Nam còn là một trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ.
Không gian biển và quy hoạch phát triển bền vững
Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển theo các cấp độ khác nhau. Từ quan niệm như vậy sẽ thấy tiềm năng không gian biển cho phát triển kinh tế biển nước ta còn rất lớn, tập trung vào các mảng không gian chính yếu: (1) không gian vùng ven biển (duyên hải), (2) không gian biển, (3) không gian đảo và (4) không gian đại dương. Đối với kinh tế biển cả 04 mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiền đề, tiềm năng và lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế biển.
- Ảnh bên: Các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn...) đều tập trung ở vùng ven biển đã cung cấp tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ, hải sản. Cần Giờ là một trong những điển hình. (Ảnh: Trần Việt Đức)
Thứ nhất, ta xét đến Dải ven biển, là không gian chuyển tiếp giữa lục địa và biển, dải ven biển luôn chịu tác động tương tác qua lại giữa các quá trình lục địa và biển.
Năng lực nội sinh và nhu cầu nội vùng ở dải ven biển nước ta rất đáng kể: tập trung đa dạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ thống tài nguyên và hệ sinh thái quan trọng bậc nhất tạo tiền đề cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu. Nơi đây tập trung khoảng trên 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển) và khoảng 30% (tính cho các huyện ven biển); khoảng 50% các đô thị lớn với kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại và nhiều khu công nghiệp lớn đang được đầu tư phát triển mạnh, trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Một dải đất hẹp với bờ biển dài như vậy (trên 3260 km) vừa có lợi thế trong phát triển kinh tế vừa là khu vực phòng thủ đất nước mang tính chiến lược. Để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu, việc đa dạng hoá các loại hình phát triển đối với các vùng tự nhiên-sinh thái ven biển khác nhau về bản chất là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Nói cách khác phải tạo ra lợi thế và “đặc sản” vùng miền trong quá trình phát triển để tránh các “hội chứng xấu” trong phát triển.
Dải ven biển được xem là vùng kinh tế động lực, có khả năng phát triển nghiều ngành, nghề khác nhau (du lịch, cảng biển, thủy sản, khai khoáng,…), cho nên đầu tư vào khu vực này một cách hiệu quả sẽ tạo ảnh hưởng lan toả hỗ trợ cho phát triển vùng nội địa (khu vực trung du-miền núi), đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả lâu dài. Đặc biệt cần chú ý đến phát triển dịch vụ cảng “quá cảnh” đối với các nước hoặc vùng lãnh thổ không có biển lân cận nước ta và vùng nội địa rộng lớn của khu vực các nước ASEAN, cũng như các dịch vụ hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên Biển Đông. Điều này tạo ra tiền đề cho việc hoạch định một chiến lược kinh tế biển tầm cỡ gắn với một nền quốc phòng và an ninh trên biển vững chắc, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Dải ven biển còn là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động ở các vùng biển xa bờ thông qua các trung tâm kinh tế trên các hải đảo. Cho nên, dọc ven biển phải kiến tạo được các cực phát triển mạnh, hướng biển (các đô thị lớn và trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội,... ven biển) có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển, có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực Biển Đông, và các hành lang/tam giác kinh tế tăng trưởng ven biển.
Vùng nước lợ cũng là mảng không gian thuộc dải ven biển có diện tích hẹp, nhưng cực kỳ quan trọng đối với phát triển “quỹ đất dự phòng quốc gia” và thuỷ sản bền vững. Đây là nơi cư trú tự nhiên, nơi sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thuỷ sinh vật không chỉ ở ngay vùng này mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa (90% các loài thuỷ sản sống ở vùng biển thềm lục địa và biển xa có tập tính gắn bó với vùng nước cửa sông, ven bờ). Các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn...) đều tập trung ở vùng này đã cung cấp tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ, hải sản. Chúng có tính liên kết (connectivity) sinh thái tự nhiên mật thiết với nhau và tạo ra những “dây xích sinh thái” quan trọng đối với toàn vùng biển, mà một trong các mắt xích bị tác động sẽ ảnh hưởng đến các mắt xích còn lại.
Ở nước ta, diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở vùng triều khoảng 1.130.000 ha, diện tích trồng lúa, cói và làm muối hiệu quả thấp ở ven biển có thể chuyển đổi sang NTTS khoảng gần 500.000 ha. Diện tích các vùng đầm phá tập trung ở các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận) có khả năng phát triển thuỷ sản khoảng 12.000 ha. Ngoài ra, có khả năng đưa 20.000 ha vùng bãi ngang sát biển vào NTTS với điều kiện phải bảo vệ nguồn nước ngầm ngọt khan hiếm ở ven biển. Thời gian qua, NTTS nước lợ được tiến hành ở vùng ven biển đã đóng góp gần 60% tổng sản lượng thuỷ sản toàn quốc, góp phần đáp ứng khoảng gần 40% lượng protein động vật cho người dân.
Với tiềm năng phong phú và đa dạng như vậy, dải ven biển nước ta tập trung sôi động các hoạt động phát triển, là nơi phát triển đa ngành, kéo theo nhu cầu liên kết vùng và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong phát triển và phải được quản lý dựa vào hệ sinh thái.
Hệ thống đảo Việt Nam
Ở đây, muốn nhấn mạnh tới đặc trưng mảng không gian của hệ thống gần 3,000 đảo ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo.
Đối với các đảo/cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn...thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng xung quanh và là những cực phát triển “tiếp nối” quan trọng với dải ven biển trong bình đồ tổ chức không gian biển. Trong ảnh là cảnh khai thác mực ở Côn Đảo. (Ảnh: Trần Việt Đức)
Mỗi hòn đảo quý giá như một “thỏi bạc lớn” và cũng là một “cột mốc chủ quyền” trên vùng biển của tổ quốc. Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hoá và lịch sử thuần Việt phản ánh “văn hoá làng chài” và “văn minh biển cả”,… hay còn gọi chung là “văn hóa ứng sử biển cả”, góp phần tạo ra các gía trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa.
Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế hải đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Đặc biệt, trong vùng quần đảo san hô Trường Sa có khoảng gần 1.000.000 ha đầm phá nông (độ sâu 1-6m) thuộc các rạn san hô vòng (atoll) có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản. Hàng năm thế giới đã xếp hạng 10 đảo “đắt nhất”, còn các đảo của nước ta đang được khai thác một cách tự phát, “mạnh ai người ấy làm”, “thấy có cái gì thì khai thác cái đó”, hoàn toàn trực quan, thiếu quy hoạch và thiếu cơ sở khoa học đối với một đối tượng đặc thù. Do đó, cần xác định chức năng theo thế mạnh của từng đảo hoặc cụm đảo và tiến hành quy hoạch/lập kế hoạch phát triển kinh tế hải đảo. Quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo là cụ thể nhưng cần đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như phải nhìn cả ở giác độ địa kinh tế, địa chính trị và các vấn đề xã hội, với tính liên kết với dải ven biển, thậm chí phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2010, Chính phủ đã thông qua quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội hệ thống đảo việt Nam đến năm 2020.
Đối với các cụm đảo nhỏ, đảo hoang sơ (không có dân) thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo (bao gồm du lịch lặn)...Đối với các đảo/cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn...thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng xung quanh và là những cực phát triển “tiếp nối” quan trọng với dải ven biển trong bình đồ tổ chức không gian biển.
Các vùng biển trong và ngoài quyền tài phán quốc gia
Nước ta có các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia chỉ mới là “ao nhà”. Hoạt động kinh tế biển mới chỉ bó hẹp trong ao nhà, chưa đi ra biển lớn ngoài quyền tài phán quốc gia.
Các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia
Nước ta có các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia: nội thủy, lãnh hải, vùng biển tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Chúng thuộc về các mảng không gian biển khơi, vịnh, vùng biển ven bờ (vùng ven bờ) và nhỏ hơn là các mảng không gian của các vũng biển ven bờ (bay),…với các đặc trưng và tiềm năng phát triển khác nhau.
Trên biển đã xác định sơ bộ 6 vùng đa dạng sinh học, 12 ngư trường quan trọng đối với nghề cá, 9 cụm biển-đảo cần ưu tiên bảo tồn và 16 khu bảo tồn biển đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2010 (chiếm 0,3% diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, khoảng 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha cỏ biển, một phần rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ của các loài sống ở vùng biển ven bờ và khoảng 100 loài quý hiếm sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt trong hệ thống 15 khu bảo tồn biển này).
Các vùng biển thuộc chủ quyền là nơi phát triển nghề đánh bắt hải sản với số lượng tàu thuyền khá lớn (trên 90.000 chiếc) và hàng ngày có khoảng 10.000 tàu thuyền đánh cá của ngư dân ta trên biển. Cho nên ngư dân là lực lượng không thể thiếu vừa làm kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh vùng biển tổ quốc. (Ảnh: Công Khanh)
Vùng biển khơi rộng lớn ở phía ngoài là không gian phát triển các hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí ở thềm lục địa, đồng thời sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển sôi động hơn khi nước ta đã trở thành thành viên của WTO. Biển là cửa mở của quốc gia để giao lưu quốc tế, nhưng vẫn cần chủ động “mở cửa” để hội nhập quốc tể trên biển, để góp phần xây dựng Biển Đông thành “khu vực biển hoà bình” và để tăng cường lợi ích quốc gia trên biển. Vùng biển này cũng là không gian phát triển của nghề cá đa loài với đặc trưng nổi bật nhất là quanh năm đều có cá đẻ (thường tập trung vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 7) và thường phân đàn không lớn. Đây là nơi phát triển nghề đánh bắt hải sản với số lượng tàu thuyền khá lớn (trên 90.000 chiếc) và hàng ngày có khoảng 10.000 tàu thuyền đánh cá của ngư dân ta trên biển. Cho nên ngư dân là lực lượng không thể thiếu vừa làm kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh vùng biển tổ quốc.
Nếu như trên đất liền khả năng canh tác chỉ đạt đến độ sâu khoảng 1,5m (đối với cây có củ), thì ở dưới biển con người có thể nuôi hải sản trong lồng đến độ sâu hơn 50m. Nhìn từ giác độ như vậy thì tiềm năng nuôi thuỷ sản ở biển nước ta còn khá lớn, nhưng xuất đầu tư cần phải cao hơn mức hiện nay. Sắp tới có thể tận dụng không gian biển trong phạm vi các công trình giàn khoan dầu khí, các công trình biển khác để xúc tiến nuôi cá biển lồng bè. Bên cạnh đó, cần nắm vững đặc trưng của các “yếu tố đại dương” trong Biển Đông và quy luật ảnh hưởng của nó vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam để tận dụng phát triển nghề đánh bắt một số loài đặc sản di cư theo mùa vào vùng biển nước ta, như cá Ngừ đại dương...Phát triển không gian kinh tế biển phải gắn chặt với kinh tế hải đảo và các trung tâm kinh tế ở vùng ven biển. Ngoài ra, có thể đưa trên 500.000 ha mặt nước vùng biển ven bờ vào phát triển NTTS. Thời gian qua, hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển ven bờ và thềm lục địa chiếm khoảng 80% lượng thuỷ sản khai thác toàn quốc.
Vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia
Mặc dù rất giàu tiềm năng và đa dạng loại hình phát triển, nhưng hoạt động kinh tế biển nước ta vẫn loanh quanh và bó hẹp ở “ao nhà”, chưa tham gia hoặc mở rộng hoạt động ra khỏi vùng biển quyền tài phán quốc gia và tiến ra “biển lớn”. Không thể có nền kinh tế biển hiệu quả và mạnh (tính cạnh tranh cao) nếu bỏ qua yếu tố “dịch vụ quốc tế” nói chung thông qua các tập đoàn kinh tế đại dương mạnh và hoạt động dịch vụ của từng ngành/lĩnh vực kinh tế biển nói riêng. Trên thế giới, giá trị dịch vụ ngoài vùng đặc quyền kinh tế quốc gia (vùng biển quốc tế, hoạt động viễn dương và khai thác đại dương...) chiếm thị phần rất quan trọng, nếu chưa muốn nói là quyết định.
Xu thế phát triển như vậy sẽ góp phần giảm mức độ khai thác sử dụng tài nguyên biển ở dạng “thô, tươi sống” trong vùng biển quốc gia, bảo đảm được an ninh năng lượng và thực phẩm của quốc gia, góp phần phát triển biển bền vững. Trong bối cảnh nước ta đã chính thức bước vào “sân chơi quốc tế” thì cũng phải chuẩn bị đội hình và công nghệ để sớm tham gia hưởng lợi từ không gian đại dương, “lấy đại dương nuôi đất liền”. Chính sách biển nước ta một mặt phải có tác động điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành kinh tế biển, tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trên vùng biển quốc gia, mặt khác phải hỗ trợ khả năng hội nhập quốc tế, trước hết phải phù hợp với tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.
Nhu cầu quy hoạch không gian biển
Như trước đã nói, trên bình đồ tổ chức không gian biển hiện nay đã có: ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia (2 tam giác kinh tế và một hành lang kinh tế), 15 khu kinh tế ven biển gắn với hệ thống cảng biển nước sâu, một số đảo bước đầu được xác định phát triển thành các trung tâm kinh tế hải đảo trong tương lai, cùng với các trung tâm du lịch ven biển,...
Việt Nam nên chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị-cảng-biển” như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,… Trong ảnh là khu trưng bày động vật biển ở Viện Hải dương Nha Trang (Ảnh: Công Khanh)
Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải nên vẫn chưa xác định rõ các cực phát triển “tiên phong” và thiếu các tuyến lực đủ mạnh ở ven biển để tọa mối liên kết vùng. Trong khi, dọc ven biển phía bắc vịnh Bắc Bộ và tỉnh Hải Nam thuộc Trung Quốc đã hình thành các cực phát triển rất mạnh, đặc biệt là đảo Hải Nam, với bán kính ảnh hưởng (dự kiến đến năm 2020) ra toàn vùng Biển Đông và các nước bắc ASEAN. Ở phía nam, với chủ trương tăng cường hội nhập nội khối, ASEAN bắt đầu mở rộng và hoàn thiện hệ thống giao thương xuyên ASEAN để gia tăng ảnh hưởng vào khu vực Biển Đông,...
Trong bối cảnh như vậy, bên cạnh việc lựa chọn đầu tư cho một số trung tâm hướng biển mới, Việt Nam nên chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị-cảng-biển” như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,… Cần đầu tư cho các đô thị này cùng với một số trung tâm kinh tế hướng biển được chọn lựa để xây dựng không chỉ thành các cực phát triển mạnh ở dải ven biển mà còn là các cực đối trọng chính của các cực nói trên trong khu vực Biển Đông. Được như vậy thì đến năm 2020, các mảng không gian biển của nước ta sẽ trở thành một trong những khu vực biển phát triển năng động trên thế giới.
Trên cơ sở bình đồ tổ chức không gian biển-ven biển, cần tiến hành quy hoạch không gian cho từng khu vực biển, vùng ven biển và cụm đảo cụ thể. Thông qua tính toán đầy đủ các nguồn lực (nội lực, ngoại lực), đặc biệt là các giá trị sinh thái của vùng quy hoạch, xác định thế mạnh phát triển, hiện trạng khai thác, sử dụng vùng biển theo không gian và thời gian, quy hoạch không gian biển sẽ phân bổ không gian theo lộ trình thời gian cho các hoạt động của con người trong vùng quy hoạch để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái.
Trên cơ sở quy hoạch sử dụng không gian, cần tiến hành xác định “chế độ pháp lý” cho các mảng không gian phân chia cho các ngành, người sử dụng để bảo đảm mức độ tuân thủ quy hoạch cao nhất, để giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành và tối ưu hóa lợi ích kinh tế trong khi vẫn bảo toàn được chức năng sinh thái và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững ở vùng quy hoạch.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Trung tâm Nghiên cứu biển và Hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội
- Tài nguyên đất đai: Lãng phí khủng khiếp!
- Đề án quỹ tiết kiệm nhà ở: Những câu hỏi về tính khả thi
- Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở: chưa dễ cho người nghèo
- Bảo tồn di tích nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm
- Nhận thức mới về di sản văn hóa
- Hạn chế gam màu xấu trong bức tranh thu hồi đất: làm rõ chủ sở hữu pháp lý
- Kiến trúc xanh: Còn xa!
- Thu hồi đất: Để dân chủ, công bằng hơn
- Phát triển cây xanh đô thị & sự tham gia của cộng đồng
- Khu công nghiệp, khu chế xuất ở ĐBSCL: Áp lực cạnh tranh