Vấn đề không nằm ở công thức ứng xử với những sản phẩm được coi là "di sản" - mà chủ yếu nằm ở nhận thức về giá trị di sản và cách thức duy trì các giá trị đó - như những nền tảng cơ bản của xã hội, cần thiết cho cuộc sống hôm nay và ngày mai.
Trong tuần đầu tháng 6 này, tại thành phố Gothenburg, Thụy Điển, đã diễn ra một hội thảo quốc tế quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Hội nghiên cứu phản biện di sản - ACHS (Association of Critical Heritage Studies).
Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) vừa được công nhận Di sản văn hóa thế giới của UNESCO
Thiết lập lại lý thuyết về di sản
Cũng là một cơ hội, các quốc gia xem xét lại tính chính đáng của các nguyên tắc, lý thuyết bảo tồn, quản lý di sản, mà không ít trong số đó đang được coi như "khuôn vàng thước ngọc" phải tuân theo.
Hội thảo có tên là "Re-theoreorizing Heritage" có nghĩa là Thiết lập lại lý thuyết về di sản.
Trong 4 ngày tổ chức hội thảo (5-8/6/2012) đã có hơn 400 bài thuyết trình được giới thiệu, phần lớn bởi các chuyên gia và nhà nghiên cứu di sản văn hóa đến từ khắp nơi trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, New Zealands, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Pháp, Agentina, Mexico, Trung Quốc và Việt Nam.
Nội dung các bài tham luận, nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phân tích các vấn đề di sản văn hóa theo những cách nhìn mới mẻ, phong phú đến mức hội thảo phải chia nhỏ ra thành 75 nhóm chuyên đề.
Trong đó nổi bật nhất là các tranh luận về nhận thức giá trị di sản văn hóa, tính nguyên gốc của di sản văn hóa, và cách nhìn về vai trò di sản văn hóa trong tương lai.
Liên quan nhiều đến tình trạng "xây mới" di sản văn hóa hiện nay ở Việt Nam là những bài phân tích về lý do dẫn đến khác biệt nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa giữa chuyên gia và cộng đồng (Binh Nguyen).
Lập luận về tính nguyên gốc thực hành [performance authenticity] (Anna Karlstrom) qua trường hợp tương tự tại Lào. Và một loạt các bài phát biểu về di sản được hình thành từ "dưới lên" thông qua sự tham gia tích cực của cộng đồng (chuyên đề: Community heritage).
Một trong những lý do cơ bản dẫn đến hội thảo và sự thành lập của ACHS là sự thay đổi sâu rộng nhận thức về di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu, ít nhất trong giới học thuật.
Theo đó, di sản văn hóa không còn được coi là sự vật của quá khứ: Với những giá trị và hình thái bất di bất dịch, có giá trị vĩnh viễn.
Thay vào đó, di sản văn hóa được nhìn nhận lại như một quá trình sáng tạo văn hóa. Là sản phẩm của thực tại, được tạo ra bởi cảm nhận về các giá trị của quá khứ, dẫn đường bởi những mối quan tâm đến vai trò của quá khứ trong các mối lo toan về thực tại và tương lai.
Thực tiễn phát triển đủ dài (200 năm) của ngành di sản văn hóa đã cho thấy những nhận định mới hoàn toàn có cơ sở.
Di tích Ô Quan Chưởng (Hà Nội) sau khi trùng tu
Cách thức duy trì các giá trị di sản
Di sản văn hóa không còn được coi là sự vật của quá khứ, với những giá trị và hình thái bất di bất dịch, có giá trị vĩnh viễn. Thay vào đó, di sản văn hóa được nhìn nhận lại như một quá trình sáng tạo văn hóa. Là sản phẩm của thực tại, được tạo ra bởi cảm nhận về các giá trị của quá khứ, dẫn đường bởi những mối quan tâm đến vai trò của quá khứ trong các mối lo toan về thực tại và tương lai. |
Nhận thức về di sản văn hóa ở mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia đều có sự thay đổi. Trong phần lớn các trường hợp, giá trị của di sản văn hóa nằm ở cách người thời đó lý giải ý nghĩa, mối liên hệ giữa sản phẩm quá khứ đến các vấn đề liên quan.
Trong đó, những chuẩn mực, cách nhìn của những người có thẩm quyền quyết định các vấn đề di sản văn hóa đóng vai trò quyết định. Hiển nhiên khi xã hội và vai trò những người có thẩm quyền thay đổi, thì sự lý giải về di sản văn hóa, hay giá trị di sản văn hóa cũng vì thế mà thay đổi theo.
Theo quan điểm của Laurajane Smith, một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng chủ trì hội thảo, những nhận thức về giá trị và nguyên tắc tiếp cận di sản văn hóa hiện nay trên thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Âu Châu, thông qua các tổ chức chuyên môn và bộ máy kiểm soát văn hóa cấp nhà nước hoặc quốc tế (như ICOMOS và UNESCO).
Nghiên cứu của Aurelie Elisa Gfeller minh họa rõ hơn một trường hợp: Rằng sự xuất hiện của tài liệu Nara về tính nguyên gốc [Nara documents on authenticity] không phản ánh sự chuyển dịch về tư tưởng sang "phương Đông".
Trái lại các thay đổi về nguyên tắc xét duyệt trong chương trình Di sản Thế giới của UNESCO chỉ phản ánh sự cạnh tranh giữa các tư tưởng Âu Châu tại "trung tâm" và ở "ngoại vi".
Sự thống trị của tư tưởng Âu Châu, theo lý giải của Smith, mang tính lịch sử và chính trị, đồng thời đang hạn chế các hình thức sáng tạo di sản văn hóa theo những cách khác, hình thành trong những bối cảnh có khác biệt.
Vì vậy, cần dựa vào thực tiễn để đánh giá, nhìn nhận lại các nguyên tắc và nhận thức liên quan đến di sản văn hóa, mà trước đến nay chúng ta vẫn tiếp nhận một cách tự nhiên, không phán xét.
Thông điệp toát ra từ hội thảo là: Mọi sự tồn tại của di sản văn hóa phải có mục đích và phải tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội và văn hóa.
Vấn đề không nằm ở công thức ứng xử với những sản phẩm được coi là "di sản" - mà chủ yếu nằm ở nhận thức về giá trị di sản và cách thức duy trì các giá trị đó - như những nền tảng cơ bản của xã hội, cần thiết cho cuộc sống hôm nay và ngày mai.
TS.KTS Nguyễn Thanh Bình
- Tài nguyên đất đai: Chưa đem lại lợi ích cho toàn dân
- Tài nguyên đất đai: Lãng phí khủng khiếp!
- Đề án quỹ tiết kiệm nhà ở: Những câu hỏi về tính khả thi
- Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở: chưa dễ cho người nghèo
- Bảo tồn di tích nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm
- Quy hoạch không gian biển và ven biển: nhu cầu của Việt Nam
- Hạn chế gam màu xấu trong bức tranh thu hồi đất: làm rõ chủ sở hữu pháp lý
- Kiến trúc xanh: Còn xa!
- Thu hồi đất: Để dân chủ, công bằng hơn
- Phát triển cây xanh đô thị & sự tham gia của cộng đồng