Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ bảo tồn nâng cấp cầu Long Biên. Tuy nhiên, nâng cấp nên được hiểu thế nào còn chưa rõ. Do đó, nguy cơ phá cầu vẫn còn.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nói việc nâng cấp cầu Long Biên dựa trên quan điểm bảo tồn và phát triển, nhưng bảo tồn và phát triển như thế nào phải nghiên cứu kỹ.
(Ảnh: Ashui.com)
Tuy nhiên, việc “nâng cấp” cầu, theo ông Tân, lại phải dựa trên đề xuất tư vấn. Chẳng hạn, theo ông, có thể giữ nguyên vị trí, kiến trúc cây cầu cũ, nâng cấp trọng tải để đáp ứng nhu cầu giao thông. Nâng cấp cũng có thể là xây cầu mới phỏng nguyên theo tỷ lệ (có nhân rộng lên) kiến trúc cũ. Ngoài ra, ông Tân cho rằng còn có thể mở rộng hai làn đường sắt ở giữa, gồm cả đường sắt quốc gia hiện có và tuyến đường sắt đô thị số 1 của Hà Nội. “Phương án nào thì đơn vị tư vấn đều phải tiến hành nghiên cứu, lấy ý kiến hội đồng khoa học của thành phố, Bộ GTVT…”, ông Tân nói.
Với quan điểm về “nâng cấp” như trên, các phương án “phá cầu” mà Bộ GTVT đưa ra vừa qua, cũng có thể coi là nâng cấp. Chẳng hạn, việc xây cầu mới phỏng nguyên theo tỷ lệ (có nhân rộng lên) kiến trúc cũ rất gần với phương án 2 là xây cầu mới theo tỷ lệ cũ. Đây cũng chính là điều các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, bảo tồn di sản lên tiếng mấy ngày nay.
Mặc dù vậy, về việc tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, ông Tân cho rằng nếu có chỉ đạo từ phía UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT sẽ tổ chức hội thảo.
Loay hoay phương án thứ tư
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận từ hàng chục năm nay, Pháp đã có dự kiến hỗ trợ khôi phục lại cầu Long Biên; TP.Hà Nội, Bộ GTVT đã làm việc với các cơ quan nghiên cứu phương án để phục hồi cầu cũ. Nhưng nguồn vốn hỗ trợ (khoảng 40 triệu euro) không đủ đáp ứng cho các phương án, vì nhu cầu khôi phục lớn hơn thế.
Ông Đông cho rằng vấn đề của đường sắt đô thị số 1 là phải vượt sông Hồng, và trùng với đường sắt quốc gia (trên cầu Long Biên). Do đó, có hai lựa chọn, một là đi trùng trên cầu Long Biên, hai là xây cầu mới. Tổng cộng đến thời điểm này Bộ của ông đã đề xuất 7 phương án chốt, trong đó có nhiều phương án không đi trùng vị trí cầu Long Biên hiện tại. “Trước đây Bộ đã đề xuất kiến nghị cách cầu cũ khoảng 30 m, báo cáo lên Chính phủ xây dựng đề án tiền khả thi. Nhưng sau đó có ý kiến xây cầu mới bên cạnh ảnh hưởng đến không gian cầu cũ, nên tiếp tục chọn đẩy lùi ra khỏi cầu cũ 186 m. Nhưng phương án này có nhiều ảnh hưởng về mặt kinh tế, xã hội (di dân phố cổ với số lượng lớn), nên TP.Hà Nội mới đề nghị nghiên cứu tiếp trùng với cầu Long Biên cũ”, ông Đông nói.
Ông cũng khẳng định, TP.Hà Nội đề nghị gì thì Bộ GTVT sẵn sàng nghiên cứu, vì đây là tuyến rất quan trọng, cần thiết cho giao thông quốc gia, đô thị và đã nằm trong quy hoạch. “Phía JICA chờ khẳng định vị trí để chốt lại dự án để ký hiệp định cho vay vốn để triển khai thực hiện”, ông nói.
“Không nên quá căn ke kinh phí”
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội, cho biết năm 2008 đã có nghiên cứu của tư vấn Nhật Bản đề xuất xây một cây cầu bắc qua sông Hồng cách cầu Long Biên 180 m về phía thượng lưu. Phương án này đã được UBND TP.Hà Nội lấy ý kiến thông qua một Hội đồng Kiến trúc và quy hoạch. “Hồi đó, là thành viên của hội đồng Kiến trúc và quy hoạch, tôi thấy phương án xây cầu mới này rất đầy đủ về cả vị trí lẫn giải pháp thi công, thiết kế. Nếu được phê duyệt thì năm 2013 đã bắt đầu khởi công rồi, nhưng chưa triển khai do còn khó khăn kinh tế. Đấy cũng là tư vấn nước ngoài, đã được nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư giỏi ủng hộ, các nghiên cứu lập phương án sau này nên kế thừa”, ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông Nghiêm, theo phương án xây cầu năm 2008 thì phải nắn chỉnh một phần đường sắt nối lên cầu, giải tỏa một số hộ dân. “Đối với những dự án liên quan đến bảo tồn di sản thì không nên quá căn ke yếu tố tốn kém kinh phí. Bảo tồn nguyên trạng, đúng giá trị của nó thì đấy mới là điều đáng quý, vô giá để lại cho muôn đời sau. Hơn nữa đây cũng là một trong số những công trình mang tính biểu trưng của lịch sử Hà Nội. Hiện nay, trên thế giới còn rất ít, chỉ có 4 công trình có kết cấu vật liệu thép, giải pháp thi công giống cầu Long Biên, trong đó có tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp”, ông Nghiêm nói.
Bộ liên quan chưa rõ ý kiếnVăn bản đề xuất 3 phương án liên quan đến cầu Long Biên của Bộ GTVT đã được gửi tới các bộ liên quan để xin ý kiến. Cụ thể, đó là Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT-DL. Về việc này, PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết Bộ mới nhận được văn bản trình bày 3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội giai đoạn 1 chưa lâu. Hiện Bộ đang tập trung đội ngũ cán bộ có chuyên môn để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trả lời văn bản của Bộ GTVT. Tuy nhiên, cho đến chiều 20.2, Cục Hạ tầng kỹ thuật chưa cho biết sẽ ủng hộ phương án nào trong 3 phương án của Bộ GTVT đưa ra. Về phía Bộ VH-TT-DL, khi được hỏi về văn bản có liên quan đến cầu Long Biên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết ông không biết về văn bản này. |
Mai Thu - Lê Quân - Trinh Nguyễn (Thanh Niên)
- Phát triển đặc khu: Tránh "ngoại lệ trong cái thông thường"
- Chấp nhận “đẻ” thêm nhà siêu mỏng?
- Bảo tồn cầu Long Biên: Trách nhiệm của lãnh đạo Hà Nội?
- Quy hoạch phá nát bãi biển Nha Trang
- Chính phủ từng chọn phương án cầu mới cách cầu Long Biên 186 mét
- Cầu Long Biên: Không thể bỏ một biểu tượng của lịch sử
- Không được phá cầu Long Biên!
- Để trở thành đô thị xanh: Hà Nội cần những yếu tố gì?
- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Quy hoạch tập trung, liên kết vùng
- "Thu phí đại lộ Thăng Long là trái luật"