Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Phản biện "Thu phí đại lộ Thăng Long là trái luật"

"Thu phí đại lộ Thăng Long là trái luật"

Viết email In

Ngay sau khi Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép thu phí đại lộ Thăng Long để hoàn vốn ngân sách (khoảng 5.687 tỷ đồng), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đã lên tiếng phản đối. 

Trao đổi với VnExpress, ông Thanh cho rằng, đại lộ Thăng Long được đầu tư từ nguồn ngân sách, chủ phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ để duy tu và hoàn vốn tuyến đường nên nếu lập trạm thu phí là "phí chồng phí". Trước đây, do chưa có phí bảo trì đường bộ nên Chính phủ mới cho phép thu phí trên đại lộ để hoàn vốn.  


Nghịch lý trên đại lộ Thăng Long là biển báo rất nhỏ, khó quan sát. Ảnh: Bá Đô.

"Bộ Giao thông đã xóa bỏ hàng chục trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách sau khi lập quỹ bảo trì đường bộ, Hà Nội cũng muốn xóa trạm Bắc Thăng Long nhưng lại muốn lập thêm trạm ở đại lộ Thăng Long là không đúng", ông Thanh nói. 

Lãnh đạo Hiệp hội còn cho hay, Hà Nội muốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống giao thông thông minh trên tuyến này từ vốn ngân sách cũng không hợp lý, lẽ ra phải lấy từ kinh phí biển báo quảng cáo trên đường. 

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng, khi xây dựng đại lộ Thăng Long thì chủ đầu tư phải lên kế hoạch hoàn vốn như thế nào, không phải cứ cần tiền là thu phí.

"Phần lớn tuyến đường này được xây theo hình thức BT, tức là người dân xung quanh đã mất đất để nhà đầu tư làm đường thì không lý gì họ phải trả thêm phí", ông Liên nói thêm.

Ông Liên cho rằng, kỳ vọng của ngành giao thông là thu hút phương tiện đi trên đại lộ Thăng Long, nhưng sau khi mở rộng quốc lộ 32 thì rất ít phương tiện sử dụng đại lộ này. Thu phí nữa thì phương tiện sẽ càng tránh tuyến đường này. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chi phí vận tải ngày càng tăng.

"Hà Nội thu không được bao nhiều tiền mà xây dựng trạm lãng phí, tăng thêm người và mất ổn định xã hội", ông Bùi Danh Liên phân tích.

Về góc độ pháp luật, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc) cho rằng, việc đề xuất thu phí đại lộ Thăng Long là trái luật, bởi theo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ thì các tuyến đường đầu tư từ ngân sách nhà nước phải bỏ trạm thu phí, để tránh "phí chồng phí". 

Hà Nội xin thu phí đại lộ Thăng Long 

Để tạo nguồn thu, nhất là nguồn cho đầu tư hạ tầng giao thông, TP Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng được thu phí trên đại lộ Thăng Long. 

Như vậy, người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam này.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nếu được Thủ tướng đồng ý, thành phố sẽ bỏ tiền ngân sách xây hệ thống thu phí, nhằm tiến tới thu phí khép kín hoặc theo từng loại xe và quãng đường cụ thể với phương tiện đi trên phần cao tốc của đại lộ Thăng Long. Phương tiện lưu thông trên đường gom không phải đóng phí. 

Lãnh đạo Hà Nội lý giải, việc thu phí nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường… Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên. 

Đề án thu phí đại lộ này được thành phố Hà Nội xây dựng từ năm 2011, sau khi Chính phủ cho phép. Theo lãnh đạo Hà Nội, trong phương án được duyệt trước khi đầu tư cũng có nội dung cho thu phí để hoàn vốn bởi đây là tuyến đường được đầu tư phần lớn từ ngân sách thành phố, với số tiền gần 5.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tư 197/2012 về quản lý, sử dụng phí đường bộ của Bộ Tài chính lại có nội dung không cho phép thu phí đường bộ với các tuyến được đầu tư bằng tiền ngân sách. 

Dẫu vậy, Hà Nội vẫn kiến nghị Thủ tướng được thu bởi thành phố thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm cho hạ tầng, cũng như khó khăn về kinh phí duy tu, quản lý tuyến đường sau khi nhận bàn giao từ bộ Giao thông Vận tải đầu năm 2013. 

Đại lộ Thăng Long dài hơn 29km, có tổng đầu tư 7.527 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.840 tỷ đồng và vốn của Hà Nội là 5.687 tỷ đồng. Dự án đi vào khai thác từ tháng 10/2010. 

(VnExpress) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...