Chưa bao giờ dư luận quan tâm đến cụm từ “di sản sống” với những câu chuyện nóng ở những di sản văn hoá như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), phố cổ Đồng Văn (Hà Giang)… với những mâu thuẫn gay gắt trong việc bảo tồn và phát triển.
Xuống cấp và chậm trùng tu, tôn tạo ở nhiều di tích, di sản là việc không mới. Hàng năm, Nhà nước vẫn dành khoảng 3.500 tỷ đồng ngân sách quốc gia để hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Nghe thì to tát nhưng nếu đem chia số tiền đó cho 3.000 di sản cấp quốc gia thì phần của mỗi di tích lại không đáng kể. Bởi vậy bên cạnh việc sử dụng ngân sách, Nhà nước đã yêu cầu các địa phương hàng năm dành một phần kinh phí cho việc này, đồng thời cũng cho phép xã hội hóa bằng cách kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia.
Như vậy, về phía Nhà nước đã rõ, đã rất cố gắng, bởi thế sự quan tâm chưa thỏa đáng từ phía chính quyền địa phương đối với các di tích văn hóa, lịch sử có thể nói chính là nguyên nhân và là chìa khóa cho mọi mâu thuẫn phát sinh gần đây.
Hội An đã từng lao đao trước khi trở thành điểm đến như hiện nay. (Ảnh: Hà Tuấn)
Cũng xin nói thêm rằng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hội An cũng đã từng lao đao như làng cổ Đường Lâm và phố cổ Đồng Văn. Nhiều công trình trong số gần 1000 ngôi nhà cổ và hơn 200 di tích gồm đình, chùa, miếu mạo có tuổi thọ hàng trăm năm đang ở trong tình trạng xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào. Tình trạng phổ biến trong những ngôi nhà cổ là 4, thậm chí 5 thế hệ sống chen chúc, chật chội với điều kiện sinh hoạt rất khó khăn… Áp lực cuộc sống khiến nhiều người dân ở Hội An bất chấp lệnh cấm vẫn tự ý lén lút phá bỏ nhà cổ và xây mới khiến chính quyền phải ra lệnh trong sự oán thán cao độ của người dân. Trước tình cảnh ấy, lãnh đạo Hội An hiểu rằng không thể tiếp tục lún sâu vào vòng luẩn quẩn cấm và cưỡng chế vì cái mất đi ở đây không chỉ là di sản mà còn là lòng dân.
Để giải bài toán bảo tồn và phát triển, UBND thị xã Hội An nhận định ưu tiên số một là phải để người dân phố cổ hưởng lợi từ di sản. Ưu tiên tiếp theo là phải giúp dân có tiền sửa nhà cổ theo nguyên gốc. Ngân sách của thị xã và Nhà nước không thể đủ cho việc trùng tu tốn kém này. Hội An tiến hành tổ chức bán vé tham quan và gần như toàn bộ số tiền thu được dành cho việc hỗ trợ người dân trùng tu nhà cổ và giãn dân. Hội An có chính sách rõ ràng về mức hỗ trợ kinh phí trùng tu từ 30 - 75%, thậm chí 100% tùy theo mức độ hư hại của di tích và tùy theo vị trí của ngôi nhà. Ngôi nhà ở vị trí sâu trong ngõ, hẻm, nơi người dân không có nhiều nguồn thu từ du lịch sẽ được ưu tiên với mức cao.
Bên cạnh đó, chủ trương thu hút khách du lịch và khuyến khích người dân làm kinh doanh các mặt hàng phục vụ du lịch ra đời một cách bài bản có chọn lọc giúp người dân không chỉ đổi đời mà còn thay đổi nhận thức.
Dẫn chứng trường hợp thành công của Hội An - một di sản có quy mô lớn và phức tạp hơn nhiều Đường Lâm và Đồng Văn để thấy rằng bài toán bảo tồn và phát triển có thể được giải quyết hài hoà. Hội An thành công vì đã tạo được sự đồng thuận trong dân, vì các nhà quản lý của khu đô thị cổ này trước khi đề ra một hoạt động hay dự án nào, điều đầu tiên họ nghĩ đến là người dân được hưởng lợi gì trong đó và họ luôn tôn trọng sự minh bạch trong quản lý điều hành. Bí quyết thành công của Hội An nghe chỉ đơn giản thế thôi. Nhưng thực tế thì không giản đơn như vậy vì đã có mấy nơi làm được như Hội An? Nó liên quan đến cái tâm, cái tầm và vốn văn hóa của những người làm công tác quản lý chính quyền các cấp.
Hội An là di sản “sống” cũng giống như Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang). Đó là những di sản phản ánh lịch sử nhưng lại vẫn đang tiếp tục vận động, bồi đắp những giá trị mới và mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Vì vậy, với di sản “sống”, chúng ta cần có cái nhìn xuyên suốt, xâu chuỗi sự vận động, tiếp biến của nó từ quá khứ, hiện tại và tương lai.
Phố cổ Đồng Văn và Làng cổ Đường Lâm cần có sự thay đổi phù hợp trong cơ chế quản lý và khai thác các giá trị nơi đây.
Nếu chỉ chú tâm vào khai thác mà không lo trùng tu cũng như chú ý đến lợi ích của những chủ nhân đích thực của di sản là chúng ta đang thực dụng kiểu “ăn xổi”, chỉ biết khai thác quá khứ và đe dọa đến tương lai của di sản. Làm biến dạng và biến mất di sản là có lỗi với cha ông. Còn đe dọa đến tương lai của di sản là có lỗi với các thế hệ con cháu sau này. Kết quả nhãn tiền của trường hợp này là việc người dân Làng cổ Đường Lâm và Phố cổ Đồng Văn không mặn mà và muốn chối bỏ di sản.
Rõ ràng, cơ quan quản lý ở cấp địa phương là người nắm rõ hiện trạng di sản nhất đã luôn để mình rơi vào thế bị động trong công tác bảo vệ di sản. Họ đã không thường xuyên nắm bắt tình hình để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp với đặc thù của những “di sản sống”.
Trách nhiệm của chúng ta là phải phát huy giá trị của những “di sản sống”, phải làm sao để các di sản đó ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới. Chỉ khi nào chủ nhân thực sự của những “báu vật” quốc gia được hưởng lợi từ di sản, thấu hiểu giá trị của di sản thì họ mới hết lòng gìn giữ và phát huy giá trị của di sản trong niềm tự hào.
Thực tế đã chứng minh rằng tạo ra di sản là dân, giữ gìn di sản là dân. Di sản văn hóa ngày càng được bồi đắp giá trị không chỉ là sự thể hiện đạo nghĩa đối với các bậc tiền nhân mà còn là để lại cho tương lai một tài sản giàu có hơn, là “của để dành” cho con cháu và làm giàu cho tương lai.
Đó mới là cách ứng xử thực sự có văn hóa với di sản.
Mỹ Trà
- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Quy hoạch tập trung, liên kết vùng
- "Thu phí đại lộ Thăng Long là trái luật"
- Sài Gòn - Thành phố của những ngã ba sông
- Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Nặng “khẩu hiệu”, thiếu giải pháp
- Xây dựng chính quyền đô thị: Phục vụ dân qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp
- Luật Đất đai 2013: Nhiều điểm mới vẫn còn “vênh”
- Tiếp cận văn hóa-lịch sử trong hoạch định chiến lược phát triển thành phố Huế
- Phê bình kiến trúc hiện đại
- Từ Liêm lên quận: Đại biểu duy nhất không thông qua lên tiếng
- Thủy lợi hay... thủy hại