Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Phản biện Thủy lợi hay... thủy hại

Thủy lợi hay... thủy hại

Viết email In

Miền Trung với đặc điểm các con sông đều ngắn, dốc, lưu vực nhỏ nên đỉnh lũ nhọn, hễ mưa lớn hầu như sẽ có lũ. Địa hình miền Trung hẹp ngang, có nơi chỉ 40 km, dãy Trường sơn kéo dài từ Bắc vào Nam, có nơi núi đâm ra tới biển (Đèo Cả, đèo Hải Vân). Địa hình không có vùng trung du nên lũ tập trung rất nhanh.  

Không có khả năng chống lũ chính vụ

Các cửa sông luôn bị đưa lên phía Bắc do tác động của dòng hải lưu gần bờ và bị bồi lấp bởi gió mùa Đông Bắc. Hàng năm, chịu ảnh hưởng trung bình 6-7 cơn bão, có năm lên tới 10 cơn bão với lượng mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12. 

Các trung tâm kinh tế- xã hội ở miền Trung đều tập trung ở các vùng ven biển thường xuyên bị ngập lụt khi có lũ lớn, đặc biệt khi có lũ kết hợp triều cường. Đường quốc lộ 01 và đường sắt chạy dài từ Bắc vào Nam như một tuyến đê ngăn lũ, chênh lệch mực nước giữa thượng và hạ lưu khi có lũ lên tới 2,3 m. 

  • Ảnh bên: Miền Trung trong trận lũ lịch sử vừa qua. (Ảnh: Lao Động) 

Mỗi khi lũ lụt xảy ra, gây thiệt hại lớn, người ta thường đổ cho nguyên nhân chính là do mưa lớn/ thiên tai xảy ra trong năm nay quá đặc biệt so với nhiều năm. Rồi sẽ hứa là rà lại qui trình một cách nghiêm khắc, nâng cao công tác dự báo vv...

Chỉ tính riêng số công trình thuỷ lợi các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá tới Khánh Hoà có 2.855 hồ chứa, 2.524 đập dâng và đê các loại 3.535 km. Các công trình này được xây dựng qua nhiều thời kỳ, đã xuống cấp, phần lớn không có dung tích phòng lũ. Riêng các công trình được đầu tư sửa chữa bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) hoặc trái phiếu Chính phủ thì còn đảm bảo chống lũ theo tần xuất thiết kế.

Nhìn lại năm 1999, miền Trung thực sự bị lũ lịch sử gây ra thảm họa thiên tai cả về người và của. Năm nay (2013) lũ nhỏ hơn năm 1999, ngoại trừ một vài nơi có lũ lớn như Quảng Bình, Quảng Ngãi vv…Năm 1999 thời gian mưa 05 ngày với lượng mưa đến 1700 mm. Năm nay, lượng mưa chủ yếu từ 24- 48 giờ với lượng mưa 800 mm. Các trạm đo An Chí, Ba Thê, Minh Long cho thấy cường độ mưa rất lớn hơn 100 mm/giờ. 

Sông Trà Khúc vượt lũ lịch sử do cường độ mưa quá cấp tập.

Nguyên nhân gây ra lũ là các trận bão liên tiếp từ cơn bão số 10 đến 15 và áp thấp nhiệt đới, gây ra cường độ mưa lớn và liên tục. Lượng mưa gây ra bởi ảnh hưởng của các cơn bão này cũng rất lớn, trong đó có những vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Phú Yên, Bình Định. Có những trận mưa lên tới 500- 600 mm tập trung trong vòng có 1-2 ngày.

Có thể thấy đây là nguyên nhân chính gây lên tình hình ngập úng nặng tại miền Trung vừa qua. Cũng do mưa lớn kéo dài liên tục, vừa dứt đợt trước lại tiếp tục có đợt mưa mới nên lượng nước sẵn có trên bề mặt, trong các sông suối, kênh mương chưa kịp tiêu thoát hết. Chịu tác động tương tự là các hồ chứa, lượng nước về hồ chưa kịp xả hết lại đón nhận đợt lũ tiếp theo.

Do nguyên nhân mưa lớn kéo dài, chính quyền và nhân dân phải liên tục đối phó trong tình trạng khó khăn về mọi mặt, giao thông, liên lạc bị chia cắt, năng lượng không đảm bảo, nhu yếu phẩm khó khăn, khiến cho công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn và thiệt hại tăng lên rất nhiều.

Mặt khác, rừng đầu nguồn bị khai thác nhiều, không còn là vùng đệm và khả năng điều hòa dòng chảy. Cơ sở hạ tầng phát triển không theo quy hoạch, nhiều vật cản kể cả đường giao thông làm cho khả năng thoát lũ chậm. Một số cửa sông bị bồi lấp như cửa Đại (Vu Gia - Thu Bồn), cửa Lở (Trà Khúc), cửa Đà Rằng (sông Ba) làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ làm thời gian lũ ngập lâu hơn và mực nước lũ cao hơn.

Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở miền Trung không có khả năng chống lũ chính vụ mà chỉ tham gia chống lũ sớm và lũ muộn. Khác hẳn với lưu vực sông Hồng là các hồ chứa như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà đều tham gia chống lũ chính vụ. 

Hệ thống công trình hồ chứa ở miền Trung khi thiết kế và thi công, hầu hết chỉ coi trọng nhu cầu phát điện, không có dung tích phòng lũ hữu hiệu. Chất lượng công tác dự báo kém cho nên quy trình vận hành xả lũ lúng túng không phù hợp với thực tế.

Lũ rất nhanh mà trong quy trình chỉ thông báo trước 02 giờ, lại không kịp đến tất cả người dân cho nên nếu gặp thời điểm xả lũ vào ban đêm hay đồng loạt xả lũ thì nguy cơ đến tính mạng người dân là điều dễ hiểu.

Năm nay lũ về nhanh và tàn phá nhiều vùng do mưa lớn kết hợp với việc thủy điện lo sợ vỡ đập đã cùng nhau xả lũ, khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai là những nơi chịu lũ vì thủy điện. Riêng Quảng Nam lũ xảy ra do tác động của lượng mưa quá lớn. 

Những nơi bị lũ tràn về thật khó mà tả cho hết nỗi đau do mất mát của người dân.  

Bầm dập vì phá rừng 

Lập quy trình vận hành liên hồ chứa rất phức tạp và còn khá mới mẻ đối với nước ta. 

Cho đến nay chưa có quy trình vận hành mùa lũ nào được phê duyệt. Lợi ích về năng lượng của thủy điện đã rõ, nhưng bầm dập do phá rừng, xả lũ chưa hợp lý, thay đổi dòng chảy tác động xấu đến môi trường của nhiều đập thủy điện như vết sẹo để lại thì vẫn còn mãi mãi…

  • Ảnh bên: Khu tái định cư của người dân, nhường đất làm thủy điện. (Ảnh: Vũ Điệp) 

Mặc dù thủy điện chiếm tỷ trọng đáng kể nhưng toàn bộ hệ thống không có dự phòng cho nên bất cứ biến động nhỏ nào như bất lợi về thủy văn, ngưng bảo trì, sửa chữa do sự cố, biến động giá xăng dầu, khan hiếm than, khí thì hệ thống rơi ngay vào tình trạng thiếu điện.

Nếu hệ thống có độ dự phòng, thì thủy điện có thể tích nước phòng khi khô hạn. Trong khi đó, cả hệ thống phải ăn đong từng ngày, thì thủy điện, cũng ăn đong từng mét nước. Đấy là chưa kể còn phải đi mua điện tận Trung Quốc, dễ gặp nhiều rủi ro không lường trước.

Hầu hết các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ do chủ đầu tư đứng ra thuê tư vấn lập quy trình vận hành hồ chứa phục vụ cho mục đích riêng của mình nên có nhiều bất cập. Quy trình vận hành hồ chứa, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhiều khi các hồ chứa chỉ làm cho có, báo cáo kỹ thuật để thuyết minh quy trình không đủ để chứng minh các số liệu thể hiện trong quy trình.

Các công trình thuỷ lợi chỉ có quy trình vận hành bảo đảm an toàn cho công trình và theo biểu đồ cấp nước. Quy trình vận hành liên hồ mùa lũ mới chỉ có lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Sông Ba do Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt nhưng còn nhiều vấn đề cần xem xét lại.

Nguyên tắc lập quy trình vận hành là dựa trên các tài liệu địa hình, khí tượng thủy văn xác định lưu lượng đến hồ đươc tính toán bằng mô hình thủy văn mưa dòng chảy (mô hình NAM). Tính toán mô hình thủy lực hệ thống sông bằng mô hình thủy lực hệ thống sông (mô hình MIKE 11) . Biên trên của mô hình thủy lực là quá trình lưu lượng theo thời gian Q = f(t). Biên dưới của mô hình thủy lưc là quá trình mực nước theo thời gian Z = f(t) tại các cửa sông đổ ra biển.

Các vết lũ lịch sử 10/1999 được sử dụng trong quá trình mô phỏng để chọn bộ thông số cho mô hình thủy lực. Tính toán mô phỏng và kiểm định mô hình xem xét giữa sai số thực đo và tính toán với bộ thông số của mô hình.

Trong bài toán vận hành hồ chứa, có 2 khối rất quan trọng đó là khối quy trình vận hành bao gồm xả nước, đón lũ, điều tiết cắt giảm lũ và diễn toán lũ sau khi điều tiết qua các hồ chứa và mạng sông về dưới hạ lưu..

Một số tồn tại: Công nghệ dự báo mưa, dòng chảy trên hệ thống sông sử dụng mô hình HRM, ETA ứng dụng cho các trạm khí tượng thủy văn chỉ chính xác 60-65% với thời gian dự kiến 48 giờ, và chính xác 50-60 % thời gian dự kiến 05 ngày. Khả năng dự báo dòng chảy trên sông chỉ đạt 50-65% do mật độ phân bố trạm mưa không đều, địa hình bị chia cắt, phân hóa mạnh.

Tiêu chí xây dựng hồ chứa thủy điện ở miền Trung ưu tiên theo thứ tự: An toàn công trình, phát điện, cấp nước cho hạ du, chống lũ. Thực tế quy trình việc cấp nước cho hạ du không rõ ràng. Với nhận thức tầm nhìn mới, phải đảo lại thứ tự ưu tiên: 1) An toàn công trình. 2) Cắt giảm hoặc chống lũ cho hạ du. 3) Đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu cho hạ du. 4) Phát điện.

Nếu đổi lại thứ tự ưu tiên, phải hy sinh phần phát điện cho mục tiêu chống lũ ở những vùng cần thiết thì phải điều chỉnh lại bài toán quy trình vận hành hồ chứa thủy điện. 

Chế tài xử lý 

Cần rà soát, bổ sung lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch của các ngành, và địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tính toán lại một cách hệ thống lũ khả năng lớn nhất ở những công trình trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp đô thị và dân cư sống ở vùng hạ lưu đập.

Tùy điều kiện có thể ứng dụng các phương pháp đơn giản như tính mưa khả năng theo phương pháp thống kê, nếu đủ tài liệu tính theo phương pháp cực đại hóa trận mưa hoặc chuyển vị bão. Kiểm tra lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông phải có đủ khẩu độ tràn. Các hồ chứa sau khi kiểm tra thấy cần thiết phải mở rộng tràn hoặc xây thêm tràn sự cố hay còn gọi là tràn dự phòng để đảm bảo thoát lũ khi cần thiết. 

  • Ảnh minh họa: Dân trí 

Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu cơ sở khoa học để sớm ban hành quy trình vận hành cho tất cả liên hồ chứa còn lại kể cả mùa lũ và mùa khô. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cho các công trình thủy điện nên xem xét quy định "dòng chảy tối thiểu " cho hợp lý. 

Cần nâng cấp các cống tiêu, nạo vét các trục để tăng cường khả năng tiêu thoát. Nâng cấp hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông, xây dựng các tuyến đê mới để chống được mức nước triều với tần suất P=5% có gió bão cấp 9, 10 cộng thêm mức tăng do nước biển dâng.

Nâng cao chất lượng công tác dự báo, để tăng hiệu ích của hồ chứa. Duy trì dung tích phòng lũ theo thời đoạn, thay đổi quy trình thông báo xả lũ trước 02 giờ thành 06 giờ để người dân kịp thời ứng phó.

Ban hành quy định quy trách nhiệm, chế tài xử lý cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư công trình khi công trình gây sự cố. Ban hành quy định quy trách nhiệm, chế tài xử lý tổ chức, cá nhân trình phê duyệt, và phê duyệt quy trình không đảm bảo chất lượng, để xảy ra thiệt hại, sự cố.

Ban hành quy định phối hợp quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch phòng chống thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ các hồ thủy điện hiện có trên các lưu vực sông để hài hòa lợi ích, ưu tiên bảo đảm nhiệm vụ cho an toàn công trình, an toàn vùng hạ du và vùng lân cận. 

Coi trọng các biện pháp phi công trình như tăng cường độ chính xác cho công tác dự báo mưa lũ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích hợp với biến đổi thời tiết, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ven biển. Để chủ động ứng cứu tại chỗ cần xây dựng các khu nhà phòng tránh kiên cố, nơi cư trú an toàn, dự trữ lương thực, thuốc men, ghe thuyền, phao cứu hộ. Việc đầu tư cho các khu nhà ở kiên cố, đường cứu hộ là biện pháp hữu hiệu, an toàn, rẻ rất nhiều so với sự mất mát, tàn phá của lũ lụt như hàng chục năm qua. 

"Thủy tai, thủy hại" hay thủy lợi? 

Đối với nước nghèo như Việt Nam lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, bão lũ xảy ra thường xuyên, vấn đề này càng trở nên đặt biệt nghiêm trọng. Nhà nước đã có nhiều giải pháp và bài học kinh nghiệm phòng tránh thiên tai nhưng xem ra đây vẫn là một thách đố lớn!

Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng của sự phát triển, là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu phát triển bền vững, hiểm họa tiềm tàng đối với nhân loại. Thích ứng một cách chủ động, có các biện pháp công trình kết hợp với phi công trình là yêu cầu tất yếu đối với các nước, đặc biệt là nước còn nghèo như Việt Nam.

Để phòng tránh thiên tai và “nhân tai” một cách hữu hiệu, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp có tính hệ thống và đồng bộ.

Từ mảnh sắt con người làm ra cây dao, nhưng tên con dao có khác nhau theo mục đích sử dụng: Công cụ lao động với bà nội trợ, vũ khí tự vệ để giết thú dữ và hung khí gây án của kẻ côn đồ.

Nếu quy hoạch, tính toán thiết kế, thi công và quản lý vận hành các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi sai thì những công trình này sẽ là những thuỷ tai, “thuỷ hại”. Với tầm nhìn, mục tiêu phát triển bền vững và yêu cầu của cuộc sống, thiết nghĩ đã đến lúc phải có tổ chức mới đủ mạnh cho ngành tài nguyên nước, đảm bảo nguyên lý quản lý tổng hợp theo lưu vực sông để khai thác tiềm năng có ích mà vẫn phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả./. 

Tô Văn Trường 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...