Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Tiếp cận văn hóa-lịch sử trong hoạch định chiến lược phát triển thành phố Huế

Tiếp cận văn hóa-lịch sử trong hoạch định chiến lược phát triển thành phố Huế

Viết email In

Tác giả đã viết nhiều bài về di sản kiến trúc và văn hóa Huế, về Huế là một đô thị - di sản, về con đường mà đô thị này nên chọn cho phát triển. Nay xin trình bày một hướng tiếp cận khác, - yếu tố văn hóa – lịch sử với tư cách là nền tảng và động lực cho sự mở mang và hiện đại hóa thành phố Huế.

Đã đành, các nghị quyết và các văn bản đã ban bố và hồ sơ quy hoạch tổng thể đã hoàn tất, song việc xem xét và căn cứ hóa thêm những luận điểm cốt lõi của chiến lược phát triển Huế, chí ít từ phương diện văn hóa – lịch sử, hẳn không thừa.

Không thừa trước hết bởi Thừa Thiên – Huế, cùng với Thăng Long – Hà Nội, là những vùng đất – chốn đất văn hiến, địa nhân linh kiệt, đầy ắp di tích – di sản và những tinh hoa. Những tích lũy từ dĩ vãng không chỉ là hương hoa, không chỉ là đối tượng để ngưỡng mộ và chiêm ngưỡng. Chúng đích thực là những gì không chỉ để kế thừa, mà còn là nguồn lực, là điểm tựa, là một dạng tài nguyên, chuyên biệt và đặc trưng, cho những bài tính vĩ mô của chiến lược phát triển. Sự phát triển tự nhiên và phù hợp hơn cả cho một đô thị như Huế.

Yếu tố văn hóa – lịch sử là nền tảng và động lực cho phát triển đô thị không chỉ là sự huy động nó vào một tổng quy hoạch xây dựng nhất thời, không chỉ là sự khai thác và chuyển tải nó vào cơ thể vật chất của đô thị. Hễ ta nhận biết đầy đủ, nhìn thấu tận gốc tận rễ và giải mã được nó, thấm nhuần nó, vận nó vào tư duy kiến tạo và vun đắp đô thị, thì hẳn đô thị ấy dần dà sẽ tích và tạo cho mình cả cơ ngơi hình thể, cả bản chất lẫn tính cách, cả năng lượng và sức vươn lên và, không kém phần quan trọng, cái cốt cách duy chỉ đô thị ấy sở hữu. Mà, có cốt cách, đô thị ắt hẳn sẽ theo đuổi con đường phát triển, duy nhất phù hợp cho nó, giúp nó trụ vững và đi tiếp trong cuộc cạnh tranh giữa các địa phương và giữa các đô thị. Huế của chúng ta vốn dĩ đã có cốt cách rồi. Chỉ có làm thế nào để cái cốt cách sừng sững ấy không kìm níu ta, mà thúc đẩy ta vươn mạnh lên, trước hết từ tư duy văn hóa.

Miền đất Huế, xứ Thừa Thiên – Huế sở hữu 3 di sản cơ bản, đồ sộ, phong phú và đặc sắc đến mức độc hiếm. Ba quỹ tài nguyên – di sản đó là:
- Thiên nhiên, với khuôn mặt của nó là khung cảnh;
- Đô thị – di sản, có một không hai ở nước ta;
- Con người và cộng đồng dân cư Huế, chủ nhân của mảnh đất đô thị Huế.

Tôi liệt thiên nhiên, tài nguyên tự nhiên, vào phạm trù văn hóa – lịch sử bởi, trên phạm vi đô thị và những vùng đất lân cận Huế, thiên nhiên đã bị dùng dở, thiên nhiên là cái còn sót lại và, từ cách tiếp cận văn hóa – lịch sử, thiên nhiên là di sản. Trong ứng xử với thiên nhiên, con người sử dụng, tận dụng, thích ứng, thuần hóa và nhuần nhị hóa nó. Ở đất Thừa Thiên, hiện hữu không chỉ sự liền kề và song tồn của núi, đồi, đầm vạc, sông ngòi, cửa sông – cửa biển và biển cả... mà còn hiện hữu cả một cơ ngơi thiên nhiên có bàn tay con người nhúng vào và làm biến đổi đi, song lại chừng mực và có cái riêng, rất chi là Huế, với con sông Hương chảy giữa đô thị mà không hề bị đô thị hóa như các nơi khác, với những kênh đào – sông đào mà chiều dài chưa một ai đo, với những xóm làng không vẽ quy hoạch mà lồng ghép khéo léo vào nền cảnh đất – người, nhuần nhị đến tự nhiên... Ứng xử phải lối với thiên nhiên – đất trời Huế, đặc biệt trong những ý tưởng và đường nét quy hoạch, nên chăng có sự cân nhắc và sự nhẹ tay. Người viết bài này không thể không vận và không áp vào Huế cái cụm từ lâu nay ấp ủ, - Thiên nhiên Huế là thiên nhiên nhân văn hóa.


Bao Vinh, nhìn từ sông Hương (Ảnh: vov.vn)

Huế không chỉ sở hữu những di sản kiến trúc và cảnh quan riêng lẻ. Tôi càng ngày càng nhận rõ, trên thực tế, Huế là đô thị - di sản, một cơ ngơi vật chất – xã hội – nhân văn – đất trời hòa quện, trọn vẹn và gắn bó chặt chẽ trong hệ tế bào, sản sinh bởi lịch sử. Tài nguyên của đô thị Huế gồm: kinh thành, một tập hợp đầy đủ các thể loại kiến trúc cung đình, các khu phố thị, các làng cổ và cũ, những ô phố thời thuộc địa, những khu phố mới chưa tạo nên xung đột về hình thái, những không gian cảnh quan nhân văn hóa, những ngôi làng vùng ven đô v...v... Những cấu trúc đô thị và cộng cư nêu trên, tuy có công năng và quy mô khác nhau, tuy không cùng niên đại, tuy không đồng nhất về hình thái kiến trúc và không được đặt trong một bản quy hoạch nhất quán, song tồn tại êm ả bên nhau, chuyển hóa mềm mại sang nhau, hòa quện thành cơ thể đô thị hài hòa trong thể khối vật chất và lịch sử, - đích thực là một bản giao hưởng đô thị. Ở đó nhận ra sự hòa tấu của đủ các loại nhạc cụ. Hơn nữa, nhận ra vai trò của một vị nhạc trưởng. Người cầm chịch ấy ắt hẳn không phải ai khác, mà chính là nền văn hóa kiến tạo đô thị, song sinh cùng văn hóa đô thị. Liệu ở thời đại ta sẽ hiện ra một vị nhạc trưởng tương tự chăng? Tôi băn khoăn, song vẫn tin: sức mạnh dai dẳng của truyền thống văn hóa xứ Huế sẽ nối dòng chảy vào Chiến lược dài hạn mở mang đô thị Huế.

Đô thị - di sản không chỉ kết tụ bởi những thể khối và không gian kiến trúc. Đô thị Huế còn trọn vẹn, còn hài hòa hơn nữa bởi Con người, bởi cộng đồng thị dân Huế. Là cư dân của đất kinh kỳ, đào luyện và tinh lọc nền văn hóa ăn ở và tinh thần bằng sự chi phối của những khuôn mẫu phong kiến và vua quan, người Huế là cộng đồng dân cư còn tương đối thuần nhất, có bản sắc dễ dàng nhận biết trong số các cộng đồng dân cư thành thị ở ta. Sự ăn ở ít biến động trong khuôn khổ không gian nhà vườn, nền nếp trong ứng xử gia đình và trên dưới, sự tôn trọng quan hệ dòng tộc và bà con xóm giềng, thái độ sùng kính tổ tiên, sự quan tâm đặc biệt đối với mồ mả đền miếu, sự nhũn nhặn và cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, v...v... là những biểu hiện đặc sắc và còn ăm ắp sức sống của văn hóa thị thành Huế. Đó cũng hẳn là một tài nguyên nhân văn, một di sản văn hóa đô thị sống động, không thể không có chỗ trong đô thị nay mai.

Người Huế phải là chủ thể của chiến lược phát triển thành phố Huế. Cốt cách, động lực, sự lựa chọn con đường phát triển đều bởi họ và từ họ. Thiên nhiên – đô thị - con người, với Huế, có cơ may hơn cả trong sự tiến triển đô thị tiếp nối liền mạch, trong một dòng chảy.


Suy ngẫm từ góc độ văn hóa – lịch sử, tôi mạnh dạn nêu ra đây một vài ý tưởng, đóng góp cho chiến lược phát triển thành phố Huế:

- Chiến lược phát triển tiếp nối. Bảo tồn và duy trì di sản để nó sống tự nhiên trong cơ thể đô thị biến đổi. Cải tạo và tiếp sức cho những thành phần đô thị là những ứ tồn do lịch sử để lại. Các công trình, các thành phần xây dựng mới phải so đo, ngó nhìn vào thành phố cũ, không tạo nên những tương phản và những thách thức. Xây dựng hôm nay và xây dựng mai sau, nhất thiết phải duy trì Huế trong sự nhất thể hóa với tư cách một giá trị nổi trội. Phát triển đô thị tiếp nối là sự cộng sinh của dĩ vãng – hiện tại – tương lai, trong một đô thị phát triển có điều tiết vĩ mô và vi mô.

- Chiến lược phát triển cân bằng. Đó là sự cân bằng trước tiên giữa các động lực phát triển: sản xuất – dịch vụ – văn hóa. Cân bằng giữa con người, cộng đồng dân cư với đô thị. Cân bằng giữa đô thị và thiên nhiên, giữa nông thôn và thiên nhiên. Cân bằng về hình thái học kiến trúc đô thị. Cân bằng giữa đô thị hóa và sự duy trì nền cảnh thiên nhiên v...v...

- Chiến lược phát triển đô thị theo mô hình “thâm canh” hay “quảng canh”. Tức là sự lựa chọn giữa phát triển theo bề sâu và phát triển theo bề rộng. Người viết bài này không hề giấu diếm sự lựa chọn ưu tiên mô hình “thâm canh’. Phát triển theo mô hình này, ta cần dự liệu việc bảo tồn và duy trì bền vững các quỹ vật chất và phi vật chất của đô thị lịch sử, đô thị - di sản; chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp, kiện toàn đô thị hiện hữu. Mở rộng đô thị theo khả năng đầu tư, không chiếm đoạt vội vã và băm nát lãnh thổ, mở rộng đến đâu định hình đô thị đến đó, không để đô thị luôn trong tình trạng cơi nới dở dang. Trong tình hình kinh tế hiện nay, có lẽ bài tính chiến lược này khả thi hơn cả.

Một khi do tầm nhìn và những tính toán nào đó mà có sự lựa chọn mô hình phát triển “quảng canh”, phát triển theo bề rộng, tôi vẫn cho rằng quy hoạch tổng thể vẫn nên chia thành 2 phần. Phần 1, chú trọng đặc biệt việc nâng cấp, bổ sung, hiện đại hóa và kiện toàn hóa hạt nhân đô thị hiện hữu, không để nó phai mờ đi với tư cách là một thành phố mà cái tên thôi đã là ‘thương hiệu”. Thiết lập hệ thống đô thị nhỏ ở chừng mực hợp lý. Hạn chế sự phung phí tài nguyên đất, hạn chế xé nhỏ tài nguyên lãnh thổ. Trong sự bành trướng đô thị, nên để chừa ra những vùng đất – tiềm năng, giữ nguyên diện tích nông nghiệp, dành phần cho con cháu.

Đô thị hóa lãnh thổ về phương diện hành chính không khó. Đô thị hóa lãnh thổ bằng hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc, khó hơn. Đô thị hóa lãnh thổ bằng thành thị hóa dân cư, khó gấp bội. Hễ dân cư đô thị mà chưa thành thị hóa, đô thị sẽ chỉ là nơi trú ngụ tập trung. Nó sẽ không có lực hút và lực tỏa.

- Phương châm phát triển Huế: Thành phố văn hóa – lịch sử, thành phố sinh thái trong Thiên nhiên, thành phố không có mâu thuẫn đối kháng, thành phố phát triển mà không tạo nên những hậu họa.

Huế, - nơi sống ấm no, sống an lạc, sống hài hòa và không bon chen, nơi ta thở sâu, đi nhẹ, nói êm. Có thế, Huế mới đích thực là chốn đô thị ước mơ cho người đời.

Việc chọn đường đi có đúng không, việc xây dựng có bền vững không, công cuộc hiện đại hóa đô thị có làm nó đánh mất mình hay không, phụ thuộc ở sự nhận ra, sự thấu hiểu và sự chuyển tải vốn liếng văn hóa – lịch sử vào chiến lược phát triển thành phố Huế./.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (12/2013)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo