Hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện nhan nhản ngay khi mở ra tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu một lần nữa cho thấy sự lúng túng và thiếu giải pháp của Hà Nội trong xử lý nhà siêu méo và xây dựng những tuyến phố đẹp...
Các bên “đá bóng” trách nhiệm
Ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định nguyên nhân để xảy ra nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo hai bên tuyến đường đó là có tình trạng né trách nhiệm của chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị, đã đẩy cái khó cho quận Đống Đa. Sở Xây dựng đã chỉ đạo thanh tra phối hợp với UBND quận Đống Đa, Ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị để khắc phục hậu quả.
- Ảnh bên: Nhà siêu mỏng trên đường Kim Liên mới giáp Ô Chợ Dừa. (Ảnh: Minh Tuấn)
Tính đầy đủ riêng tuyến đường này có tới 65 trường hợp phải xử lý. Trong đó, 14 trường hợp quận Đống Đa đang làm thủ tục thu hồi, còn lại 51 trường hợp phải xử lý đợt này gồm những công trình xây dựng nhỏ có từ trước khi mở đường. Loại thứ 2 là sau khi cắt xén mở đường, phần đất còn lại quá nhỏ.
Theo chỉ đạo của thành phố, UBND quận Đống Đa và Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị khi thu hồi đất để làm đường thì phải thu hồi đồng thời các diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng hai bên đường. Tuy nhiên cho đến nay những mảnh đất nhỏ không đủ điều kiện xây dựng này vẫn chưa được thu hồi.
Với những nhà siêu mỏng, siêu méo gây phản cảm, Sở Xây dựng yêu cầu phải xử lý ngay bằng cách dựng các tấm pa-nô trang trí bên ngoài. Trường hợp các hộ dân tự xây nhà thì vận động người dân tự dỡ bỏ phần siêu mỏng, siêu méo. Trường hợp người dân không tự giác chấp hành sẽ cưỡng chế dỡ bỏ. Sở cũng yêu cầu UBND quận Đống Đa lập phương án thu hồi ngay các trường hợp siêu méo mà không hợp khối được.
Cũng theo ông Học, nếu thực hiện đúng Quyết định 15/2011 thì Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị phải phối hợp với UBND quận để lập phương án, thu hồi ngay các thửa đất siêu mỏng, siêu méo.
Theo UBND quận Đống Đa, nhằm ngăn chặn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, quận đã có nhiều văn bản lưu ý, nhắc nhở chủ đầu tư cần thực hiện theo đúng Quyết định 15 của UBND thành phố.
Từ nhiều năm trước, Sở Xây dựng đã đề nghị sử dụng những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo vào mục đích công cộng. Tuy nhiên, thực tế đất thu hồi có nhiều hình dạng rất khác nhau, cũng không thể làm tràn lan bảng tin hay nơi để xe máy.
Trong khi Sở Xây dựng kiến nghị thu hồi đất siêu mỏng để làm vườn hoa, thảm cỏ, vỉa hè, cuối năm 2013, Sở TNMT đã tham mưu cho thành phố không sử dụng quỹ đất này sau thu hồi vào mục đích vườn hoa, thảm cỏ dẫn đến hàng trăm phương án xử lý phải điều chỉnh lại.
Lúng túng
Tháng 5/2011, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 15 quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới. Tuy nhiên, từ đó đến nay Hà Nội vẫn chưa thực hiện được tuyến đường nào theo quy định này và vẫn hết sức lúng túng khi xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã được thành phố đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, có nhiều quy định chưa gắn được với thực tiễn. Từ năm 1997, khi xây tuyến đường Kim Liên mới đã đặt ra việc thu hồi thêm đất hai bên đường để xây dựng tuyến phố. Tuyến đường Kim Mã và hàng loạt các tuyến khác cũng đặt ra việc này nhưng rồi lại...chờ đấy.
Tồn tại hiện nay, theo ông Nghiêm, phê duyệt dự án giao thông chưa gắn với xây dựng tuyến phố, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Luật Thủ đô đã đặt ra yêu cầu làm đường thì phải tạo lập đô thị xây dựng tuyến đường và do HĐND thành phố quyết định; giá đất đền bù theo Luật Đất đai mới ban hành cũng chưa được thành phố quy định cụ thể.
Trao đổi với PV, một số chuyên gia cho rằng, nếu thu hồi tiếp hai bên đường tạo quỹ đất lớn xây dựng tuyến phố hiện đại sẽ nâng số tiền nhà nước phải bỏ ra ban đầu rất lớn. Trong khi đó, khu vực nội đô lịch sử, vành đai I hạn chế nhà cao tầng... sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. |
Bên cạnh đó, có sự thiếu hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng về hợp khối. Các phương án sử dụng đất sau thu hồi cũng thiếu khả thi; đang rất thiếu các thiết kế đô thị. “Hành lang pháp lý đã có nhưng vấn đề là đang rất thiếu các giải pháp, không đến đầu đến cuối, thiếu cụ thể”, ông Nghiêm nhận xét.
Ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Phương pháp triệt để là phải thu hồi thêm vào 2 bên để xây dựng tuyến phố, tuy nhiên đến nay toàn thành phố chưa làm được tuyến nào theo quy định này.
Trong năm 2014, Sở Xây dựng đã kiến nghị các quận, huyện cần tăng cường rà soát xử lý các tuyến đã có và kiểm soát chặt chẽ các tuyến đang mở đường. Quận, huyện phải đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng quyết định của thành phố về mở đường. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì UBND quận, huyện phải báo cáo thành phố xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư...
Minh Tuấn
- Không được phá cầu Long Biên!
- Để trở thành đô thị xanh: Hà Nội cần những yếu tố gì?
- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Quy hoạch tập trung, liên kết vùng
- "Thu phí đại lộ Thăng Long là trái luật"
- Sài Gòn - Thành phố của những ngã ba sông
- Xây dựng chính quyền đô thị: Phục vụ dân qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp
- Để người dân sống được với di sản “sống”
- Luật Đất đai 2013: Nhiều điểm mới vẫn còn “vênh”
- Tiếp cận văn hóa-lịch sử trong hoạch định chiến lược phát triển thành phố Huế
- Phê bình kiến trúc hiện đại