Từ những năm 1990, khái niệm “Bản sắc dân tộc” bắt đầu được sử dụng để định hướng công tác lý luận phê bình và hoạt động văn hóa nghệ thuật thay cho phương châm “vừa dân tộc vừa hiện đại”. Giới kiến trúc sư Việt Nam đã nỗ lực hưởng ứng để tạo dựng một nền kiến trúc “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn.
Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi có viết bài “Đổi mới tư duy về bản sắc kiến trúc” (tạp chí Kiến trúc, 8/2010) ngõ hầu đóng góp được một chút gì mới mẻ cho vấn đề này, nhưng 3 năm sau nhìn lại, thì thấy dường như “bản sắc dân tộc” đã trở thành một “khẩu hiệu treo” chứ không đi vào cuộc sống. Hai kỳ Giải thưởng kiến trúc quốc gia vừa qua ít thấy những tác phẩm thể hiện được cả tính hiện đại và bản sắc (ngoài mấy công trình được xây dựng ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc). Hoạt động bảo tồn di sản một thời được đề cao, nhưng gần đây lại trở nên lộn xộn và lệch lạc. Sau 20 năm “đổi mới” và “mở cửa”, đô thị đã phát triển quá “nóng” rồi lại “đóng băng”, môi trường tự nhiên, văn hóa và xã hội đã biến động rất lớn, khiến cho kiến trúc bị xô đẩy theo những chiều hướng lai tạp. Bài viết này được phát triển thêm trên nền của bài trước, với mong muốn làm rõ hơn sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề “Bản sắc” - bắt đầu từ việc nhận thức lại các khái niệm và bối cảnh.
Hội An
Bản sắc văn hóa và bối cảnh của thời kỳ quá độ
“Bản sắc” vốn là một danh từ Phật giáo (chỉ tâm tính vốn có của con người, về sau để chỉ hình dạng ban đầu của sự vật - Từ Hải), nhưng trước đây ít gặp trong đời sống nên chưa được chú giải và thấu hiểu tường tận. Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam không thấy ghi mục từ này, các quyển từ điển khác thì giải nghĩa là “Màu sắc, tính chất tiêu biểu trở thành đặc điểm chính” (Từ điển tiếng Việt) hoặc “Tính chất đặc biệt vốn có, tạo thành phẩm cách riêng” (Từ điển từ và ngữ Việt Nam). Khái niệm tương đương trong các tiếng nước ngoài cũng không thống nhất: tiếng Pháp có “Physionomie” - là tính chất, dung mạo của một sự vật, một con người để phân biệt với sự vật khác, con người khác (Grand Larousse Encyclopedique); còn tiếng Anh là “Identity” - với các nghĩa: nhân dạng / sự nhận diện / tính đồng nhất / sự giống hệt.
Như vậy, "Bản sắc" là một khái niệm phức tạp, liên quan đến cả cái chung và cái riêng, bao gồm cả yếu tố nội dung và yếu tố hình thức. “Bản” = gốc / của mình - là nội dung, là cái chung, đóng vai trò định tính, ở bên trong, chỉ cái gốc, cái cốt lõi có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của sự vật. “Sắc” = có / diện mạo / màu - là yếu tố hình thức, đóng vai trò định hình, chỉ mức độ biểu hiện ra bên ngoài của nội dung. Phối hợp lại, bản sắc là những dấu hiệu tiêu biểu nhất để nhận biết cái cốt cách bên trong của sự vật / hiện tượng. Bản sắc văn hóa / bản sắc dân tộc là những nét đặc trưng (bắt nguồn từ tâm thức / tâm thế dân gian) để nhận diện một nền văn hóa / một dân tộc. Nghĩa này đã được học giả Kiến Giang dịch rất chuẩn xác từ thuật ngữ tiếng Anh “Identity”, là “căn tính” (cultural identity = căn tính văn hóa, hay bản sắc văn hóa).
“Văn hóa bao hàm những giá trị, tín ngưỡng, quan điểm, ngôn ngữ, tri thức và nghệ thuật, truyền thống, thể chế và lối sống mà thông qua đó một cá nhân hay một nhóm người thể hiện tính nhân văn và ý nghĩa mà họ tạo ra cho sự sinh tồn và phát triển của mình” (UNESCO - Tuyên bố Fribourg về Quyền văn hóa). UNESCO cũng nhiều lần đề cập đến văn hóa như là tổng thể những đặc điểm riêng về vật chất & tinh thần, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội / một dân tộc / một nhóm người. Một cách ngắn gọn, thì văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia. Một cách văn hoa, thì “Văn hóa là thứ còn lại khi ta quên đi tất cả. Văn hóa cũng là thứ còn thiếu khi ta đã học được tất cả. Văn hóa là sức sống bền bỉ, lan tỏa trường tồn qua thời gian. Cái khắc sâu bền vững trong trí óc và suy nghĩ của chúng ta là Văn hóa. Văn hóa là thứ ở lại với con người trên con đường hướng tới tương lai” - (Edouard Herriot). Vì vậy, “văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” là một thực tế tất yếu của lịch sử, và “bản sắc dân tộc” trong đại đa số trường hợp đồng nhất với “bản sắc văn hóa”, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Văn hóa luôn gắn liền với chủ thể là con người, với những tập quán của cộng đồng, tạo thành môi trường sinh thái nhân văn, trong đó kiến trúc là thành phần vật thể chủ yếu, chứa đựng và phản ánh các giá trị phi vật thể, nên “bản sắc kiến trúc” chính là dấu ấn của “bản sắc văn hóa trong kiến trúc”.
Từ đây dẫn tới hai hệ quả quan trọng. Thứ nhất: “Bản sắc” không tự thân tồn tại một cách độc lập, nó chỉ có ý nghĩa xác định khi gắn với những đối tượng cụ thể. Nội hàm của bản sắc tùy thuộc vào từng loại đối tượng, từng lĩnh vực nghiên cứu, cho nên không thể gán thẳng mệnh đề “đậm đà bản sắc dân tộc” từ văn hóa sang cho kiến trúc, mà phải có sự chuyển hóa thích hợp. Thứ hai: yếu tố định hình có vai trò rất quan trọng - đó là nét khái quát về hình thể, vừa phản ánh yếu tố định tính (nội dung tinh thần) vừa chi phối những biểu hiện định lượng cụ thể (hình thức và chi tiết), là nhịp cầu không thể thiếu - kết nối từ bản sắc văn hóa đến các giải pháp kiến trúc.
Cuộc du nhập mô hình văn hóa XHCN vào nước ta ở nửa sau thế kỷ XX đã làm đảo lộn toàn bộ các giá trị truyền thống còn lại sau cuộc tiếp biến văn hóa với phương Tây trong gần 100 năm trước đó. Một hệ giá trị mới và một kiểu văn hóa tổ chức mới được thiết lập, song các thành tố khác về cơ bản vẫn không thay đổi, nên cấu trúc thiếu đồng bộ và không bắt rễ được vào môi trường sinh thái nhân văn đặc thù của Việt Nam. Vì thế, dù muốn hay không nó cũng sẽ phải tiếp tục biến đổi để hợp lý hóa, và đến thời kỳ mở cửa thì sức ép của kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa lại đặt các thành tố văn hóa vào thế phải đổi mới. Bản chất của thời kỳ quá độ hiện nay là sự chuyển hóa diễn ra trong mọi mặt đời sống xã hội, bao gồm cả sự đổi mới các giá trị và chuẩn mực, thậm chí thay đổi cả văn hóa ứng xử. Điều đáng ngại là khi cái cũ đã lạc hậu mà cái mới chưa kịp khẳng định sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng giá trị. Bối cảnh đó đòi hỏi phải có một cách nhìn nhạy bén và biện chứng, với sự chuyển hóa khái niệm, mở rộng tầm nhìn và cách tiếp cận vấn đề.
Kết cấu gỗ trong kiến trúc truyền thống Việt Nam
Sự vận hành của hệ thống Văn hóa
Văn hóa không tự nhiên có sẵn, mà là một hệ thống phức hợp được tạo dựng và bồi đắp qua nhiều thế hệ. Văn hóa kiến trúc cũng được tích lũy dần trong quá trình phát triển của hệ thống văn hóa. Nghiên cứu về kiến trúc nhà ở dân gian các dân tộc trong vành đai khí hậu nhiệt đới đã đi đến kết luận: Trong những điều kiện tự nhiên như nhau (và trình độ phát triển kinh tế và kỹ thuật còn đơn giản) thì Văn hóa quyết định sự lựa chọn của con người (thông qua văn hóa tâm linh và văn hóa nhận thức), từ đó xác định những đặc điểm của Kiến trúc (thông qua văn hóa văn hóa tổ chức và văn hóa sinh hoạt) - “Tự nhiên cho chúng ta nhiều khả năng để lựa chọn. Và con người quyết định chọn cho mình cái phù hợp với nền tảng văn hoá của họ”(Amos Rapoport, “House Form and Culture”, 1969).
Các thành tố văn hóa cơ bản là văn hóa Tâm linh - văn hóa Nhận thức - văn hóa Tổ chức - văn hóa Sinh hoạt, ở miền giao thoa của chúng là Tâm thức cùng các trục Chuẩn mực - Giá trị & văn hóa Ứng xử - đóng vai trò là bộ khung cấu trúc của văn hóa văn hóa. Tâm thức là cái gốc khởi đầu và chi phối tiến trình văn hóa trong quá trình con người tương tác với môi trường tự nhiên: bắt đầu từ Tâm thức (bản năng) đến văn hóa Tâm linh (lý giải sự vật bằng các thế lực siêu nhiên, hình thành niềm tin và những kiêng kỵ); tiếp theo là văn hóa Nhận thức (lý giải bằng các quy luật khách quan, hình thành các nguyên tắc -> chuẩn mực) rồi tiếp tục vận dụng vào văn hóa Tổ chức (tạo dựng môi trường sống / tổ chức không gian / tổ chức xã hội, hình thành các quy định / thể chế) và văn hóa Sinh hoạt (các hoạt động sống -> các giá trị). Kết quả là tạo ra và tích luỹ sản phẩm trong các lĩnh vực / loại hình văn hóa. Trong đó, các công trình kiến trúc và đô thị là sản phẩm của việc tổ chức không gian cho các hoạt động sống / sinh hoạt của con người hợp thành văn hóa Kiến trúc.
Sự phối hợp các thành tố cơ bản theo những chu trình khép kín như trên là cơ chế vận hành của hệ thống văn hóa; đồng thời mỗi chu trình lại có tác dụng kiểm chứng các chuẩn mực và giá trị, điều chỉnh các nguyên tắc hành động và ứng xử, nên đó cũng là cơ chế bộ lọc văn hóa.
Chừng nào thực tiễn cuộc sống còn phù hợp với các chuẩn mực và giá trị thì cơ chế vận hành được đơn giản hóa, chỉ quay vòng giữa văn hóa Sinh hoạt và văn hóa Tổ chức. Khi các chuẩn mực trở nên bất cập / mâu thuẫn với thực tiễn, thì những yếu tố mới nảy sinh sẽ đi qua bộ lọc văn hóa vận hành theo chu trình đầy đủ, mở đường cho sự đổi mới văn hóa Tâm linh và nâng cấp văn hóa Nhận thức, tiến tới hình thành các giá trị và chuẩn mực mới. Trong thực tế, sự phát triển diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và càng lệ thuộc lẫn nhau, nên những hiện tượng ngoại lai / phát sinh trong cuộc sống không đủ thời gian thẩm thấu qua bộ lọc văn hóa nhưng lại tác động trực tiếp tới văn hóa Tổ chức và văn hóa Sinh hoạt, nhiều khi dẫn tới chỗ ngộ nhận những yếu tố nhất thời là bền vững, khiến cho văn hóa ứng xử cũng bị lung lay / sai lệch. Văn hóa Kiến trúc vì thế cũng không tránh khỏi bị khủng hoảng giá trị, khi cái truyền thống đang mất đi nhưng cái mới lại chưa định hình / chưa đủ mạnh để thay thế. Giai đoạn quá độ ở Việt Nam hiện nay - diễn ra đồng thời và chịu ảnh hưởng từ những xu thế chuyển hóa của thế giới / của nhân loại nói chung trên phạm vi toàn cầu - đang là một thời kỳ như vậy và chắc chắn sẽ dẫn tới sự đổi mới cơ bản các giá trị văn hóa. Điều đó không có gì phải quá lo ngại vì hoàn toàn phù hợp với quy luật chung và đã diễn ra không phải chỉ 1 lần trong lịch sử.
Cấu trúc và sự vận hành của hệ thống văn hóa
Chuyển hóa khái niệm - từ Bản sắc dân tộc đến Bản sắc văn hóa và Bản sắc địa phương
Đó là những pha (phase) nối tiếp nhau trong sự chuyển biến nhận thức về các giá trị truyền thống đi từ hình thức đến nội dung, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các phạm trù “Truyền thống” và “Hiện đại”. Vấn đề này nảy sinh trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa với phương Tây đầu thế kỷ XX và được phân định hợp lý với mô thức “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” (Đề cương Văn hóa 1943): cái Truyền thống (dân tộc) và cái Hiện đại (khoa học) được kết nối thông qua tính Đại chúng (rất gần với tính cộng đồng). Mô thức này là đường lối chính thống để định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật và đã nhiều lần được điều chỉnh trong quá trình xác lập mô hình văn hóa XHCN (1955-1990), theo đó Truyền thống ẩn sau khái niệm "dân tộc", song từ chỗ là "hình thức dân tộc" (đối lập với nội dung hiện đại) được điều chỉnh dần thành "tính chất dân tộc" rồi bản sắc dân tộc". Còn Hiện đại mang những nội hàm khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử, từ chỗ gắn với 2 phạm trù đối lập (“nội dung XHCN và hình thức dân tộc”, 1961) chuyển sang 2 phạm trù đồng điệu (“nội dung XHCN và tính chất dân tộc”, 1976). Tuy nhiên, khi được rút gọn thành phương châm “vừa dân tộc, vừa hiện đại” thì lại đặt ra một tình thế đối lập, trong đó cái Hiện đại luôn được đồng nhất với các giá trị tích cực của mô hình XHCN, được ngầm hiểu là phạm trù "nội dung"/"tính chất" có vai trò quyết định, còn cái Dân tộc chỉ là “hình thức” hoặc bị đánh đồng với cái cổ / cái cũ / cái lạc hậu.
Tính dân tộc thường được các nước nhỏ và yếu đề cao để bảo vệ những “giá trị riêng” trong bối cảnh bị nền văn minh của các nước lớn hơn hấp dẫn và lấn át. Nửa thế kỷ trước chúng ta phải đấu tranh giành độc lập và còn lạc hậu, thì việc đề cao tính dân tộc là hoàn toàn đúng đắn; nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia lớn mạnh với >80 triệu dân thì vấn đề này cần được điều chỉnh cho phù hợp. “Truyền thống” và “Hiện đại”, từ chỗ lồng ghép với 2 thể chế khác biệt (“văn hoá nghệ thuật XHCN” và “bản sắc dân tộc”, 1986) đã trở thành những thuộc tính của cùng một chủ thể (“văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, 1996) - vẫn mâu thuẫn nhưng đồng hành và thống nhất chứ không loại trừ nhau. Tuy nhiên, tính Hiện đại (“tiên tiến”) lại bị đặt ra ngoài nội hàm của “bản sắc dân tộc” nên chiều hướng ly khai vẫn mạnh hơn là kết hợp, vì vậy mà kiến trúc “tiên tiến và đậm đà bản sắc” vẫn chưa tìm được diện mạo xứng đáng. Việc chuyển sang mô thức “kiến trúc thể hiện bản sắc văn hóa” sẽ mở ra giải pháp cho vấn đề này, vì văn hóa được kế thừa liên tục từ quá khứ và tiếp nối tới tương lai, nên chứa đựng đồng thời cả yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại. Mô thức này cũng cho phép giải quyết được những vấn đề tế nhị: “tính dân tộc” là khái niệm định tính trừu tượng rất khó diễn đạt, trong khi “bản sắc văn hóa” lại nhận biết được thông qua các yếu tố khác có thể định hình và định lượng; đề cao “bản sắc dân tộc” có thể là tiền đề cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan vì đòi hỏi một sự thuần chất nhất định, còn “bản sắc VH” cho phép có sự giao thoa đa nguồn gốc, tích hợp đặc trưng văn hóa Việt với đặc điểm riêng của mỗi vùng miền.
Như vậy, bản sắc văn hóa trong kiến trúc phải được nhìn nhận gắn liền với những con người và bối cảnh cụ thể của địa điểm, thông qua cách họ tổ chức cuộc sống và ứng xử với các điều kiện tự nhiên và xã hội tại địa phương. Nói về những dấu hiệu riêng của một vùng miền, người ta thường dùng chữ “địa phương” (local), đôi khi là “bản xứ” (vernacular) - gọi chung là “bản địa” (bản = gốc; địa = đất - chỉ cái “vốn có ở tại chỗ”). Tính bản địa - hay bản sắc địa phương - trong kiến trúc là biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa, bằng ngôn ngữ kiến trúc, tương hợp với môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn của địa phương. Chúng tương đồng về ý nghĩa, chỉ khác biệt về ngữ cảnh: “bản sắc địa phương” hàm ý có sự liên hệ / đối chiếu với cái gốc là bản sắc văn hóa (nói nôm là cái nhìn “từ trong ra”), còn “tính bản địa” thì hướng đến những yếu tố đặc thù / cái riêng - cái làm cho sự vật ở chỗ này khác với ở chỗ kia (hay là cái nhìn “từ ngoài vào”). Người bên ngoài có thể chưa “hiểu” nhưng dễ “thấy” (nên thường chú ý những hiện tượng cá biệt, những tín hiệu thị giác), người trong cuộc thì “hiểu” nhưng lại khó thoát khỏi những cái đã quen thuộc. Rõ ràng là không thể trông đợi các KTS ngoại quốc sẽ tìm ra những biểu hiện của bản sắc Việt Nam, mà chính chúng ta (đang hướng ngoại / từ trong nhìn ra) phải vượt thoát được về tư tưởng để có thêm cái nhìn khách quan từ bên ngoài, nhìn đa chiều hơn vào bản chất, vào cả những góc khuất / góc tối.
Như vậy “tính bản địa” / “bản sắc địa phương” là bước chuyển hoá logic từ khái niệm “bản sắc văn hóa”, và “bản địa hoá” là phương thức hữu hiệu để chuyển thể từ phạm trù Văn hoá rộng lớn vào lĩnh vực Kiến trúc.
Mở rộng tầm nhìn và cách tiếp cận vấn đề
Kiến trúc không tự nhiên biểu hiện bản sắc văn hóa, mà chính con người phải có ý thức tiếp nối các giá trị truyền thống. Các KTS đã có nhiều nỗ lực để nhận thức và xác định biểu hiện của bản sắc văn hóa, nhưng phần lớn là nhận định chủ quan, chú trọng biểu hiện cái riêng / độc đáo hơn là những yếu tố chung / phổ biến. Vấn đề “bản sắc” được đề cao cũng đã khơi dậy sự quan tâm nghiên cứu văn hóa trên nhiều bình diện, tuy nhiên đều mang tính định tính nên rất khó ứng dụng vào thực tế. Nói “kiến trúc biểu hiện bản sắc văn hóa” là theo nguyên lý “cái riêng phản ánh cái chung”, nhưng ngược lại - cái chung không phản ánh được cái riêng, cho nên có định dạng được bản sắc văn hóa thì vẫn chỉ là định hướng khái quát chứ chưa phải là giải pháp kiến trúc, cần phải được tiếp tục cụ thể hóa thành các tiêu chí để vận dụng vào thiết kế. Trong bối cảnh của thời kỳ quá độ, trong khi các chuẩn mực / giá trị chung đang chuyển hóa và chưa ổn định thì một mặt cần tiếp cận vấn đề “từ dưới lên” - từ yếu tố định hình của bản sắc địa phương đang còn lưu giữ được xây dựng thành các tiêu chí bản địa hóa cho các vùng miền; mặt khác cần tìm về nguồn gốc / căn tính VH để tạo ra những mối liên hệ mới với nền tảng văn hóa truyền thống.
Theo hướng thứ nhất, từ kết quả các nghiên cứu của Hội KTS Việt Nam, có thể đề xuất một bộ tiêu chí khung, gồm 2 tiêu chí về nội dung (ND) và 3 tiêu chí về hình thức (HT):
Hệ thống tiêu chí bản địa hóa
1. ND1 - Tiêu chí về tính Nhân văn: Kiến trúc phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống, tâm lý, nhu cầu và khả năng thực tế của cộng đồng dân cư địa phương.
2. ND2 - Tiêu chí về tính Thích ứng: Kiến trúc thích ứng với điều kiện tự nhiên và khí hậu địa phương, chú trọng hiệu quả về sinh thái và môi trường.
3. HT1 - Tiêu chí về tính Hoà nhập: Kiến trúc gắn bó hữu cơ với cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan văn hoá xung quanh địa điểm xây dựng.
4. HT2 - Tiêu chí về tính Tích hợp: Kiến trúc lồng ghép các giá trị văn hóa, vận dụng các nguyên tắc ứng xử truyền thống vào bố cục và tổ chức không gian.
5. HT3 - Tiêu chí về tính Liên hệ: Sử dụng các dạng thức quen thuộc, bằng vật liệu thông dụng / sản xuất tại chỗ và kỹ thuật xây dựng của địa phương; sử dụng các hình ảnh, chi tiết đặc trưng như một dấu hiệu để mã hoá / nhận diện.
Giữa các tiêu chí có những nội dung đan xen và chồng lấn, nên có thể phối hợp và bổ sung cho nhau một cách hiệu quả, làm tăng khả năng ứng dụng. Nếu 1-2 tiêu chí bị thiếu (do việc nghiên cứu bị chậm trễ / không đồng bộ giữa lý thuyết và thực tiễn) thì hệ thống vẫn không mất đi tính tổng thể, thậm chí có thể vận dụng các tiêu chí một cách độc lập mà không bị phiến diện. Hệ thống được hoàn chỉnh cũng sẽ không khô cứng mà mở ra khả năng sáng tạo linh hoạt và giúp cho công tác quản lý chặt chẽ hơn.
Bộ tiêu chí khung là công cụ kiểm chứng biểu hiện tính bản địa trong kiến trúc, nhưng không thay thế cho nội hàm của khái niệm “bản sắc”. Để vận dụng có hiệu quả, chúng cần được cụ thể hoá thêm để mỗi KTS cũng như nhà quản lý Quy hoạch – Kiến trúc có được sự hiểu biết nhất định về truyền thống văn hóa và kiến trúc của địa phương mình. Tầm quan trọng, mức độ ưu tiên cũng như nội dung của mỗi tiêu chí còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và văn hóa – xã hội của các địa phương, vì vậy cần được đánh giá và xác định cụ thể cho từng khu vực / địa điểm.
Theo hướng thứ hai, cần mở rộng tầm nhìn để xem xét kiến trúc trong mối liên hệ với các thành tố văn hóa khác, cũng như đối chiếu diện mạo bản sắc kiến trúc với các giá trị VH để kiểm chứng. Lâu nay kiến trúc vẫn được xem là sản phẩm phục vụ nhu cầu của hiện tại và tương lai mà ít khi được ràng buộc với truyền thống của quá khứ, nên càng mở cửa giao lưu thì bản sắc càng mờ nhạt. Vì vậy, nguồn gốc văn hóa cần được làm rõ để trở thành một yếu tố nhận diện, định hướng phát triển và chi phối biểu hiện của bản sắc kiến trúc.
Từ 70 năm trước (1938) cụ Đào Duy Anh đã quan niệm rất ngắn gọn và rõ ràng: “Văn hóa là sinh hoạt” (gồm sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt xã hội và sinh hoạt tri thức) - tức là bản sắc văn hóa gắn liền với đời sống thường ngày của đông đảo người dân, mà kiến trúc là khung cảnh của các hoạt động sống đó. Những năm 1970, KTS Nguyễn Cao Luyện đã chỉ ra sự liên hệ giữa các đặc trưng kiến trúc truyền thống với những tập quán sinh hoạt và đặc điểm tâm lý bền vững truyền đời của người Việt. Đó là hướng tiếp cận xác đáng, vì hoàn toàn có thể tìm về nguồn gốc văn hóa của kiến trúc bằng cách lần ngược lại các chu trình vận hành bộ lọc văn hóa - trước hết là tìm trong các thành tố liên quan trực tiếp là văn hóa ứng xử, văn hóa sinh hoạt và văn hóa tổ chức, rồi đi xa hơn đến văn hóa nhận thức, văn hóa tâm linh và Tâm thức dân gian. Vấn đề là trong quá trình tiếp biến văn hóa, các chuẩn mực và giá trị có thể vẫn được giữ nguyên hoặc được nâng cấp / chuyển hóa dần dần, nhưng cũng có thể đã bị thay thế hoàn toàn, nên phải luôn duy trì mối liên hệ với hiện tại để dừng lại đúng chỗ. Bằng cách này có thể thiết lập được những mối liên hệ mới với văn hóa truyền thống vốn đã bị gián đoạn qua 3-4 thế hệ mà hiện nay chưa biết nối lại bằng cách nào khi nhiều giá trị cũ đã không còn nữa.
Gần đây, một số tác giả đã thử đi tìm nguồn gốc văn hóa Việt trong Nhận thức, tuy nhiên nếu chỉ tìm đến nền tảng triết học Á Đông nói chung thì rất khó vượt qua cái bóng của Trung Hoa hay Nhật Bản (là những nước vốn có hệ tư tưởng phát triển rất mạnh), vì nhận thức của người Việt tuy tinh tế và nhạy bén nhưng thiên về vận dụng và lan tỏa tự nhiên trong dân gian, chứ không xây dựng thành một chủ thuyết hùng mạnh để khuếch trương dân tộc. “Về nguồn” một cách quá đà sẽ dễ xa rời hiện thực, hơn nữa sự phân lập nguồn gốc rạch ròi một cách duy lý sẽ mâu thuẫn với tính dung hòa và tích hợp - một đặc trưng lâu đời nhất của văn hóa Việt. Theo quan điểm Địa- văn hóa thì tính dung hòa / nước đôi đã được “cài đặt” ngay trong tâm thức - đó là sự kết hợp cái tĩnh tại của tâm thế trọng Thổ với thế ứng xử linh hoạt nương theo Nước (các di sản văn hóa Việt cổ đều chỉ ra sự đối lập song hành Đất và Nước - truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc cũng là sự kết hợp Rồng / Biển và Tiên / Núi). Tâm thức đó chi phối từ văn hóa Tâm linh (tích hợp đa nguồn gốc), văn hóa Nhận thức (tiếp nhận / không phô trương), văn hóa Tổ chức (hệ thống không gian chuyển tiếp / hướng nội), văn hóa Sinh hoạt (sử dụng hỗn hợp / linh hoạt) cho đến văn hóa Ứng xử (khả năng thích ứng & chung sống) và cả tiến trình văn hóa (tiếp biến văn hóa với Trung Hoa và với phương Tây).
Việc mở rộng tầm nhìn và cách tiếp cận vấn đề cũng cho phép thấy được logic biện chứng của sự chuyển hóa từ “bản sắc dân tộc” đến “bản sắc địa phương” như những cấp độ trong một hệ thống quan hệ biện chứng, với trục Nhân học (gồm tính Quốc tế > tính Khu vực > tính Dân tộc > tính Cộng đồng > tính Cá thể / cá tính) và trục Không gian (với các cấp độ tương ứng là Toàn cầu > Vùng > Quốc gia > Địa phương > Địa điểm), giao nhau ở vị trí trung tâm là Quốc gia và Dân tộc. Trên mỗi trục, khi ở một phía có sự chuyển dịch nhất định thì ở phía bên kia cũng có sự vận động đối ứng để tái lập sự cân bằng tổng thể. Trước xu thế toàn cầu hóa - quốc tế hóa ngày càng mạnh mẽ, một mặt các cấp độ Vùng và tính Khu vực xích lại gần nhau do sự liên kết trong phạm vi khu vực, đồng thời các cấp độ Địa phương và Cộng đồng cũng được coi trọng để tăng cường các giá trị bản địa. Hội KTS quốc tế (UIA) đã kêu gọi “Bản địa hoá kiến trúc quốc tế đi đôi với Quốc tế hoá kiến trúc bản địa” như một nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa Truyền thống và Hiện đại. Khái niệm “Glocal Architecture” cũng đã trở nên quen thuộc trong các lý thuyết về phát triển bền vững, như là sự kết hợp “Global” (toàn cầu) và “Local” (địa phương), vượt qua cấp độ Quốc gia / Dân tộc với hàm ý: các yếu tố bản địa chính là công cụ để hóa giải làn sóng toàn cầu hóa đã lan đến các địa phương.
Lời kết
Kiến trúc là một lĩnh vực văn hóa tồn tại lâu dài và gắn bó trực tiếp với cuộc sống của con người, nó phản ánh trung thực sự tiếp nối văn hóa từ quá khứ tới hiện tại. Hiểu “bản sắc dân tộc” một cách biện chứng sẽ mở ra lối thoát cho tình trạng mâu thuẫn giữa Truyền thống và Hiện đại - bản sắc là tinh thần của văn hóa truyền thống đã ghi sâu vào bản năng và tiềm thức, nay được biểu hiện bằng những phương tiện và ngôn ngữ hiện đại.
Đến đây lại nhớ tới nguyên lý “phản truyền thống” nổi tiếng của Kenzo Tange - ông phản đối quan điểm đồng nhất truyền thống với tính dân tộc. Theo ông, yếu tố truyền thống phải tham gia vào quá trình sáng tạo cũng giống như chất xúc tác trong phản ứng hóa học – nó gợi mở / thúc đẩy sáng tạo nhưng không hiện diện trong tác phẩm ở dạng vật thể nguyên gốc, mà là những hình ảnh của tinh thần văn hóa. Còn tính dân tộc được xác định bởi sự phản ánh chân thật những điều kiện xã hội và bối cảnh văn hóa đương đại. Và “sự tổng hợp biện chứng truyền thống với phản truyền thống là nhân tố cơ bản của sự sáng tạo chân chính”.
TS.KTS Nguyễn Trí Thành - Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Tạp chí Kiến trúc số 9/2013)
- Luật Đất đai 2013: Nhiều điểm mới vẫn còn “vênh”
- Tiếp cận văn hóa-lịch sử trong hoạch định chiến lược phát triển thành phố Huế
- Phê bình kiến trúc hiện đại
- Từ Liêm lên quận: Đại biểu duy nhất không thông qua lên tiếng
- Thủy lợi hay... thủy hại
- Dự án xây dựng các tuyến tàu điện ngầm tại TPHCM: Cần thiết điều chỉnh ranh giải phóng mặt bằng
- Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trước giờ G: “quá tam ba bận”?
- Luật Xây dựng nhìn từ các “nghị sỹ” doanh nhân
- Duy trì giá trị lịch sử - Ưu tiên số 1 của trùng tu di tích
- Thu hồi đất: Giải bài toán thực thi và trách nhiệm