Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội được ra đời trong bối cảnh không có nhiều chuẩn bị về quỹ đất cũng như ý thức kiểm soát phát triển nhằm tạo kết nối hiệu quả giữa hệ thống các nhà ga với các trung tâm tập trung người trong đô thị. Như là giải pháp tình thế, các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) và nhà ga được hoạch định vào giữa các trục đường chính hoặc đi ngầm do không có quỹ đất và quy hoạch từ trước. Đã có không ít lời kêu gọi phát triển ĐSĐT kết hợp cải tạo tái cấu trúc đô thị, nhưng hiện chưa có áp lực nào buộc các dự án ĐSĐT phải đảm bảo kết nối hiệu quả với đô thị.
HÀ NỘI VÀ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ
Hệ thống ĐSĐT Hà Nội được ra đời trong bối cảnh không có nhiều chuẩn bị về quỹ đất cũng như ý thức kiểm soát phát triển nhằm tạo kết nối hiệu quả giữa hệ thống các nhà ga với các trung tâm tập trung người trong đô thị. Như là giải pháp tình thế, các tuyến ĐSĐT và nhà ga được hoạch định vào giữa các trục đường chính hoặc đi ngầm do không có quỹ đất và quy hoạch từ trước. Đã có không ít lời kêu gọi phát triển ĐSĐT kết hợp cải tạo tái cấu trúc đô thị, nhưng hiện chưa có áp lực nào buộc các dự án ĐSĐT phải đảm bảo kết nối hiệu quả với đô thị.
- Ảnh bên: Xây dựng tuyến đường sắt trên cao nội đô Hà Đông - Cát Linh, Hà Nội
Quy hoạch chung Hà Nội 2030 có liệt kê một loạt yêu cầu chung cho công tác xây dựng phát triển ĐSĐT - nhưng chưa quan tâm nhiều đến tính khả thi của các yêu cầu hay đề ra các biện pháp phối hợp thực hiện. ĐSĐT được mặc nhiên coi như hệ thống hạ tầng có thể được thực hiện và triển khai độc lập thông qua các dự án giao thông chuyên ngành của HAIDEP, TEDI và các đơn vị khác, trong khi tầm bao quát và chất lượng của các dự án này thực sự còn có vấn đề. Đúng ra, để phát huy hiệu quả hệ thống ĐSĐT, cần kết hợp quy hoạch hệ thống nhà ga với cải tạo và quy hoạch đô thị - trong đó bao gồm chuẩn bị quỹ đất, quy hoạch phát triển hệ thống không gian công cộng và tuyến đi bộ, các khu vực tập trung đông người như chợ, trung tâm siêu thị, trung tâm dịch vụ, văn phòng, bệnh viện, trường học... Làm như vậy sẽ giúp nâng cao tính hấp dẫn, tiện nghi và hợp lý của các không gian đi bộ, khiến Hà Nội thực sự trở thành nơi thích hợp với lối sống đi bộ và sử dụng giao thông công cộng (GTCC), phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng hiện nay của thế giới.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không hề đơn giản và lệ thuộc nhiều vào tiềm lực kinh tế của thành phố. Điều nên làm trước mắt là xác định các yếu tố nổi bật có khả năng gây ảnh hưởng cơ bản đến việc thực hiện nhiệm vụ - nhằm xây dựng những giải pháp kiểm soát phù hợp.
Bài viết này nhằm xới lên những tranh luận về những yếu tố nổi bật trong công cuộc phát triển hệ thống ĐSĐT hiện nay của Hà Nội, chú trọng vào ý nghĩa, vai trò, và cách ứng xử với những yếu tố này. Ý tưởng cải tạo, phát triển “lõi” các khu phát triển tự phát cũng được đề cập như là giải pháp đáng chú ý, có khả năng tạo ra chuỗi các trung tâm đi bộ/ thương mại dịch vụ/ GTCC/ việc làm/ giải trí quy mô lớn - không chỉ tăng cường tính hấp dẫn của đi bộ và GTCC mà còn góp phần hoàn thiện các khiếm khuyết phát triển hiện nay.
CÁC YẾU TỐ NỔI BẬT VÀ Ý NGHĨA
Vốn:
Vốn thường được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống ĐSĐT. Thực ra, tỷ lệ lợi nhuận trên đồng vốn bỏ ra mới quan trọng. Vấn đề mấu chốt là các chủ trương, cơ chế cho phép khai thác những lợi ích có thể tạo ra từ các dự án ĐSĐT. Đây là điều không ít chuyên gia đã đề cập. Trong số này, mạng lưới ĐSĐT đã phê duyệt đóng vai trò rất quyết định đến tương lai, bởi một khi đã xây dựng các tuyến đường theo quy hoạch, không còn nhiều cơ hội thay đổi hay điều chỉnh.
Với lựa chọn bố trí các tuyến ĐSĐT chủ yếu song song với các tuyến đường chính, về cơ bản, các tuyến ĐSĐT này không mở thêm cơ hội phát triển quỹ đất, cải tạo đô thị mà chỉ tăng cường thêm tính tiếp cận cho các công trình đã phát triển, có sự tiếp cận tốt dọc đường lớn - vốn không phải là mối quan tâm lớn của các chủ sở hữu. Do đó, các dự án ĐSĐT sẽ khó khai thác vốn từ giá trị gia tăng của các lô đất mà ĐSĐT đi qua.
Công nghệ và quản lý:
Trong các phát ngôn chính thức, vai trò công nghệ và cách thức quản lý ĐSĐT hay được nhấn mạnh quá mức, coi đó như những yếu tố quan trọng nhất. Đáng ra đây chỉ nên coi là những vấn đề riêng của các dự án. Đối với đô thị và tương lai đô thị, điều quan trọng là mức độ phù hợp, hiệu quả vận hành và tác động của hệ thống ĐSĐT. Như vậy, một hệ thống các yêu cầu làm cơ sở cho quản lý và phát triển; các cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển; và các cam kết hỗ trợ rõ ràng cụ thể - mới là thực sự là điều cần thiết để đảm bảo tính cạnh tranh, phù hợp, và tương lai phát triển ĐSĐT.
Nhà ga và mối liên kết giữa ĐSĐT với đô thị:
Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia cho là quan trọng nhất để phát huy hiệu quả hệ thống ĐSĐT nhưng ít được đề cập trong thực tế - phần lớn do không có sự chuẩn bị từ trước, mục đích hạn chế của các dự án ĐSĐT, cũng như sự phức tạp của vấn đề. Về lâu dài, hiệu quả cũng như doanh thu của hệ thống ĐSĐT lệ thuộc chủ yếu vào mức độ tiện nghi và tính phù hợp của những kết nối giữa nhà ga ĐSĐT và đô thị, cụ thể là: các tuyến đi bộ, các trung tâm tập trung đông người và hoạt động, các bến bãi đỗ xe, hệ thống các phương tiện trung chuyển. Dù có thể chưa làm được, ngay từ giờ chúng ta đã phải tính đến sự phát triển của các khu vực quanh nhà ga 20 năm tới để có những biện pháp kiểm soát phù hợp.
Bỏ phương tiện cá nhân, sử dụng GTCC:
Hầu hết các nghiên cứu về vấn đề này đều thống nhất rằng nguyên nhân chính khiến người dân sử dụng phương tiện các nhân nhiều (nhất là xe máy) là do sự linh hoạt, tiện lợi, phù hợp với mục đích đi lại của đa số người dân. Vì thế, bên cạnh các biện pháp “tiêu cực” nhằm gây khó khăn khiến phương tiện cá nhân trở nên bất tiện hơn - vấn đề chính là phải xây dựng hệ thống GTCC trở nên linh hoạt, tiện lợi, phù hợp hơn với mục đích đi lại hàng ngày của các đối tượng khác nhau. Khi chất lượng phương tiện và hướng tuyến của GTCC (trừ ĐSĐT) đều có thể điều chỉnh không mấy khó khăn - chất lượng các không gian đi bộ và bến bãi GTCC thực tế là yếu tố quyết định hơn đến xu hướng từ bỏ phương tiện cá nhân về lâu dài.
Không gian đi bộ:
Ủng hộ sự phát triển các không gian đi bộ là chủ trương của chính quyền và quy hoạch Hà Nội với kết quả gần đây là sự hình thành thêm các tuyến phố đi bộ tại trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên để người dân thực sự đi bộ hàng ngày, các không gian đi bộ phải hiện hữu ở khắp mọi nơi, phải đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày của nhiều người, kết nối tốt với GTCC, và tiện nghi, thuận tiện tới mức người dân thấy đi bộ thực sự hấp dẫn hơn.
Bên cạnh nhiều nguyên tắc thiết kế tổ chức không gian đi bộ có thể dễ dàng tìm thấy trong các tư liệu chuyên ngành. Điều cần đặc biệt quan tâm đến khi phát triển không gian đi bộ tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là những tác động tiêu cực của khí hậu nóng ẩm. Nếu không có giải pháp để các không gian đi bộ trở nên khô ráo, thoáng, râm mát, mọi nỗ lực khác sẽ không có nhiều ý nghĩa - bởi đi bộ dưới trời nắng, trong khí hậu nóng ẩm là cực hình với mọi người. Điều này lý giải vì sao đa số người dân thường đi bộ, tập chạy ngoài đường vào sáng sớm hay chiều muộn; hay chỉ thích đi dạo quanh hồ nước lớn có nhiều tán cây.
Chắc chắn Hà Nội sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng hệ thống không gian đi bộ có chất lượng để người dân chuyển sang đi bộ. Vì tương lai, ngay từ giờ Hà Nội cần thiết lập quy hoạch mạng lưới không gian đi bộ kết hợp với tổ chức hệ thống GTCC, du lịch, hạ tầng xã hội và thương mại dịch vụ - với những mục tiêu quan trọng là chuẩn bị quỹ đất, định hướng cải tạo và xây mới. Cần có ngay các quy định về xây dựng mái che vỉa hè hay mái che các đường đi bộ độc lập nhằm làm cơ sở thống nhất cho quản lý đô thị.
- Ảnh bên: Hệ thống ĐSĐT và thực tế phân bố dân cư Hà Nội (2010).Mạng lưới đường sắt đô thị chỉ mới được thiết lập và chưa có liên hệ với các quy hoạch chi tiết. (Hình vẽ lập từ điều tra riêng về dân số các phường xã Hà Nội của TS.Nguyễn Ngọc Quang, http://gis.chinhphu.vn/, Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050)
CƠ HỘI PHÁT TRIỂN
Bối cảnh phát triển:
Hà Nội hiện nay là tổng hợp của các khu vực có quy hoạch (phố cổ, phố cũ và các khu đô thị mới) đan xen với các khu phát triển tự phát và những công trình hay cụm công trình lớn xây chen trên các lô đất cũ. Với diện tích lớn, đường đi hẹp theo cấu trúc mạng xương cá, và mật độ xây dựng rất cao, các khu phát triển tự phát đóng vai trò như những “mảng đặc” trong đô thị, mà xe cộ gần như không thể đi xuyên qua. Kết quả, xe cộ thường buộc phải sử dụng các tuyến đường chính khiến các tuyến đường này quá tải, gây ách tắc. Đa số các công trình quy mô lớn xây chen trên các lô đất cũ chỉ góp phần gia tăng áp lực giao thông. Xây dựng nhiều đường xuyên qua các khu phát triển tự phát là giải pháp cơ bản để hoàn thiện mạng đường Hà Nội. Tuy nhiên do chi phí đền bù quá cao, Hà Nội có lẽ chỉ đủ khả năng giải tỏa mặt bằng để mở một số tuyến đường chính, các khu phát triển tự phát sẽ còn tồn tại lâu dài. Các khu này sẽ tiếp tục ngày càng cản trở giao thông Hà Nội - bất kể khu đô thị mới được xây dựng thế nào - nếu như chúng ta không biết nhìn theo cách khác.
Cơ hội từ những khiếm khuyết:
Bản chất phát triển của các khu tự phát là bám vào các tuyến giao thông vành ngoài, liên tục lấn dần vào trong theo các đường ngõ ngách tự mở cho đến khi chiếm hết đất trống. Từ ngoài vào trong, giá trị kinh tế các lô đất giảm dần; mức độ kiên cố của các công trình cũng có xu hướng giảm dần. Đối với hầu hết các khu đất phát triển tự phát thì phần lõi là nơi đất rẻ nhất và dễ mua gom nhất để tạo ra một lô đất lớn. Điều duy nhất khiến các lô đất này chưa bị mua gom và phát triển thành các chung cư, hay trung tâm thương mại văn phòng, chỉ là không có giao thông thuận tiện.
Nếu vừa tạo ra giao thông thuận tiện, vừa bố trí thêm các dịch vụ có chất lượng, phần lõi này sẽ trở thành những khu ở mới lý tưởng bởi chúng nằm giữa các khu đô thị mới và trung tâm cũ của Hà Nội.
Cải tạo lõi các khu phát triển tự phát:
Một cách tóm tắt, ý tưởng cải tạo lõi các khu phát triển tự phát như sau:
- Mua gom, sát nhập các lô đất ít giá trị trong lõi để tạo ra một lô đất lớn thông với tất cả các đường ngõ ngách nối với đường chính;
- Trên lô đất lớn vừa tạo ra, xây dựng bãi đỗ xe ngầm, hệ thống các không gian đi bộ (trong nhà và ngoài trời) có chất lượng, ga ĐSĐT, các không gian chơi, giải trí, công trình dịch vụ, chung cư cao tầng (phục vụ cả nhu cầu tái định cư tại chỗ);
- Cải tạo các ngõ để tạo ra các không gian đi bộ có chất lượng, kết nối với các không gian đi bộ khác.
- Nếu có thể, bố trí ga ĐSĐT gần đường chính nhất có thể để hạn chế thay đổi tuyến ĐSĐT, mà vẫn kết nối tốt với hệ thống không gian đi bộ trong lõi.
- Tại những khu có mật độ xây dựng rất cao, nhất là vành bên ngoài, các ga ĐSĐT có thể kết nối với nhau bằng monorail công suất nhỏ đi trên cao và nối với ga ĐSĐT.
- Hình bên: Các khu phát triển tự phát (sẫm màu) như những mảng đặc ngăn cản giao thông trong đô thị, khiến giao thông dồn hết ra các tuyến đường chính, gây quá tải, ách tắc. Mở đường xuyên qua các khu này giúp tăng năng lực giao thông, nhưng vừa rất khó khăn tốn kém vừa như khuyến khích người dân sử dụng phương tiện cá nhân. Nếu những nơi này thành chuỗi các trung tâm việc làm, dịch vụ, kết nối với mạng lưới các không gian đi bộ tại chỗ và hệ thống GTCC - sẽ tạo ra môi trường đi bộ/ sử dụng phương tiện GTCC rất tiện nghi. Hiện lõi nhiều khu phát triển tự phát có vị trí rất trung tâm, nhưng đang phát triển rất kém chỉ vì không có giao thông tiếp cận (Hình vẽ lập từ ảnh chụp Google Earth 2014)
Về mặt lý thuyết, giải pháp này có thể tăng đáng kể mức độ tiếp cận và giá trị phần lõi. Do khả năng tập hợp được quỹ đất lớn tại phần lõi, có thể hình thành hệ thống không gian đi bộ có chất lượng, an toàn cho khu vực, không chỉ kết nối thuận tiện với ga ĐSĐT mà còn với cả các công trình dịch vụ và bãi đỗ xe phát triển thêm tại phần lõi. Làm theo cách này không chỉ có thể tạo ra những khu đô thị thực sự thích ứng với đi bộ và phương tiện công cộng, mà còn có thể giúp nâng cao chất lượng sống, tạo thêm việc làm, sức sống và sự hấp dẫn cho các khu đô thị phát triển tự phát. Lõi các khu phát triển tự phát có khả năng trở thành chuỗi các trung tâm mới, thành nơi hút người sử dụng từ trung tâm Hà Nội cũ ra và từ các khu đô thị mới vào, chủ yếu thông qua đi bộ và hệ thống ĐSĐT.
Trong thực tế, đây hiển nhiên là những việc rất khó khăn bởi liên quan nhiều đến thu mua đất và giải phóng mặt bằng. Dù vậy, có vẻ đây là một trong số những lựa chọn ít ỏi còn lại mà Hà Nội phải làm để đi bộ và GTCC thực sự trở thành hình thức đi lại mới, thuận tiện và hấp dẫn.
Để ý tưởng này có thể thành hiện thực, ngoài những thay đổi cần thiết về quy hoạch và quản lý, ít nhất cần coi cải tạo đô thị là nhiệm vụ không tách rời quy hoạch xây dựng nhà ga ĐSĐT. Phải trao quyền đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây dựng và triển khai dự án cho chủ đầu tư công tác này. Ngoài ra, do mục tiêu hỗ trợ nếp sống đi bộ và GTCC, cải tạo đô thị và xây dựng nhà ga ĐSĐT, các dự án thế này cần được chính quyền Hà Nội cho phép có quy mô dân số và diện tích nhà lớn hơn so với quy định chung, nhằm tăng tính khả thi và hấp dẫn của các dự án.
KẾT LUẬN
Phát triển ĐSĐT phải bao gồm cải tạo đô thị tại khu vực xung quanh nhà ga kết hợp với quy hoạch tổ chức hệ thống đi bộ có chất lượng. Để thực hiện nhiệm vụ lâu dài, đầy khó khăn này, trước mắt cần xác định và kiểm soát tốt các yếu tố có thể gây những tác động đặc biệt và lâu dài cho tương lai. Các khu phát triển tự phát là trở ngại chính hoàn thiện giao thông Hà Nội - nhưng vẫn còn khả năng phát triển lõi các khu này để trở thành các dải trung tâm, kết nối với nhau bằng ĐSĐT và kết nối với xung quanh bằng hệ thống không gian đi bộ. Nếu làm được việc này, đi bộ và sử dụng GTCC sẽ trở thành hình thức đi lại phù hợp, hấp dẫn hơn nhiều với Hà Nội.
TS.KTS Nguyễn Thanh Bình - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Nguồn ảnh và thông tin: Tác giả / Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 1&2/2014)
- Sài Gòn xưa cần được bảo tồn và phát triển
- Kiến nghị dừng cấp phép dự án nhà ở mới: Rất vô lý!
- Uốn đường cong né "nhà quan", tiết kiệm 130 tỷ?
- Ai giữ phí bảo trì chung cư?
- Đặc khu kinh tế: Lối đi nào để tránh thất bại
- Khát vọng Baroque trong trào lưu “lâu đài” kiểu mới ở Việt Nam
- Phát triển đặc khu: Tránh "ngoại lệ trong cái thông thường"
- Chấp nhận “đẻ” thêm nhà siêu mỏng?
- Bảo tồn cầu Long Biên: Trách nhiệm của lãnh đạo Hà Nội?
- Quy hoạch phá nát bãi biển Nha Trang