Từ giữa tháng hai đến nay, giá vật liệu xây dựng, nhân công cùng lên giá từ 20 – 30% khiến cho người xây nhà lẫn các nhà thầu xây dựng đều gặp khó.
Theo các nhà thầu, các hợp đồng được ký trước tết, khởi công xây sau tết đều không có lời. Ông Bắc, giám đốc công ty VietCity cho biết, tuy các hợp đồng ký trước đã tính yếu tố trượt giá nhưng biến động giá cao hơn hẳn ước tính.
Nhà thầu cắn răng xây
Ông Bắc nói: “Chúng tôi chấp nhận hoà vốn để giữ uy tín với khách hàng hoặc chịu lỗ trong phần xây dựng thô, nhưng đến phần hoàn thiện sẽ phải ngồi lại với khách hàng để bàn tính giá mới”.
(Ảnh: Lê Quang Nhật)
Trong quý 1 năm nay, giá thép tăng 30%, giá ximăng tăng 20%, giá vật liệu khác đều tăng từ 10 – 20%, giá nhân công tăng 20 – 30%. Hiện nay, tiền công thợ chính là 200.000 đồng mỗi ngày, tăng 25% so với trước. Một chủ thầu tên Minh cho biết: “Công ty ký hợp đồng sáu công trình trước khi giá lên. Nếu xây thì không có lời, huỷ hợp đồng thì mất uy tín”. Nhiều nhà thầu đặt tiền trước để giữ giá vật liệu và quản lý vật tư chặt chẽ cũng như sử dụng nhân công kỹ hơn để có hợp đồng. Trên thực tế, các nhà cung cấp chỉ nhận tiền cọc giữ giá thép và từ chối nhận cọc mua các vật liệu khác như gạch, đá, ximăng. Một số hợp đồng mới ký gần đây đều có bổ sung điều kiện trượt giá. Theo đó, mức trượt giá 10% thì nhà thầu chịu, còn trên mức này, chủ nhà cùng chia sẻ.
Ông Bảo, chủ một công ty vừa thiết kế vừa thi công cho biết, có nhiều hợp đồng đang thiết kế thì chủ nhà đưa ra các lý do để hoãn binh hoặc không tiếp tục.
Chủ nhà kẻ khóc, người cười
Theo cục Thống kê TP.HCM, hoạt động xây lắp nhận thầu trên địa bàn thành phố quý 1 năm nay chậm hơn quý 1 năm trước do giá cả tăng. Vốn đầu tư thực hiện cũng tăng chậm hơn. Giá trị sản xuất xây dựng quý 1 trên địa bàn thành phố ước thực hiện 21.151 tỉ đồng, tăng 19,5% (chưa loại trừ yếu tố giá) so cùng kỳ năm trước (quý 1/2010 tăng 35,9%). |
Ngôi nhà diện tích 160m2 của bà Chi ở Bình Thạnh, theo tính toán của gia chủ, giá trị hợp đồng vừa ký cách đây hai tuần tăng thêm 160 triệu đồng so với giá cuối năm trước. Lo ngại giá vật liệu sẽ tăng, bà Chi đành đi vay để bù vào khoản tăng thêm. Quyết định xây nhưng bà Chi vẫn lo lắng, không biết chất lượng công trình có tỷ lệ với nghịch với vật giá leo thang hay không.
Trước biến động của giá vật liệu xây dựng, cả chủ nhà lẫn nhà thầu đều chọn giải pháp ký hợp đồng từng phần. Một số chủ nhà chỉ chịu ký hợp đồng xây dựng phần thô. Ông Nhật Nam, nhà ở Phú Nhuận, cho biết giải pháp này tránh bất lợi cho cả đôi bên. Mới ký hợp đồng và bắt đầu khởi công, ông Nam vẫn dự trù phải bỏ thêm 200 triệu đồng so với giá trước tết. Để tránh giá vật liệu hoàn thiện tăng, ông Nam chọn cách tự mua và đặt cọc trước tiền vật liệu và trang trí nội thất. Ông Nam cho biết: “Khi tự quản lý phần hoàn thiện mình sẽ cân đối được chi phí. Phần kinh phí tăng mình cân đối lại bằng cách chọn các loại vật liệu như gạch, giấy dán tường, sơn có giá thấp hơn. Tự chọn mua vật liệu mình sẽ đảm bảo được loại hàng như mong muốn”. Về phần chất lượng công trình, ông Nam thuê một người giám sát thi công trông coi toàn bộ để yên tâm đi làm.
Thu Thuỷ
- Tình hình xây dựng sẽ tiếp tục trầm lắng
- Ngành thép: Dư cung vẫn "bội thực" dự án mới
- Doanh nghiệp phản ứng việc dự trữ thép bắt buộc
- Liên kết để kích thị trường xây dựng
- Bán lẻ nội thất: Cuộc chơi của thương hiệu lớn
- Siam Cement Thái Lan sẽ đầu tư 30 tỉ baht vào sản xuất xi măng ở ASEAN
- Xuất khẩu đồ gỗ: Ăn đong nguyên liệu
- Phố Xinh & Nhà Xinh “lấn” nội địa
- Thị trường nội thất năm 2011
- Giá xi măng sẽ không thể tăng quá cao