Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Phố Xinh & Nhà Xinh “lấn” nội địa

Phố Xinh & Nhà Xinh “lấn” nội địa

Viết email In

Hai thương hiệu gỗ nội thất lớn nhất của Việt Nam không muốn để sản phẩm ngoại nhập còn được tự do tung hoành.

Phố Xinh chuẩn bị đầu tư đại siêu thị nội thất còn Nhà Xinh tích cực nâng cấp chuỗi bán lẻ nhằm tăng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Hai thương hiệu nội thất lớn này đang góp phần củng cố thị phần tiêu thụ nội địa, vốn đang bị lấn sân bởi các sản phẩm ngoại nhập.

Bị bỏ ngỏ

Năm 2011, hơn 2.500 doanh nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam có thể sẽ có một năm hoành tráng hơn với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt hơn 4 tỉ USD, vượt mức 3,3 tỉ USD của năm 2010. Lý giải cho nhận định này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết doanh số từ 2 thị trường xuất khẩu trọng điểm là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) năm qua đã lần lượt tăng đến 15% và 8% so với năm 2009. Ngoài ra, việc một số doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận được các thị trường mới và tiềm năng như Ấn Độ, Nga và Trung Đông cũng là tín hiệu giúp cho ngành thêm lạc quan.



Đối lập với xuất khẩu là tình trạng yếu thế ở thị trường tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp Việt. Điều này dẫn đến một nghịch lý là trong khi Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp đồ gỗ và nội thất lớn trên thế giới thì thị trường trong nước hầu như bị bỏ ngỏ.

Kết quả khảo sát thị trường mới đây của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho thấy, chỉ khoảng 20% doanh số tiêu thụ trong nước thuộc về các sản phẩm nội địa; phần còn lại với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm thuộc về các sản phẩm nhập từ Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Brazil, Đức, Ý. “Hàng nhập có nhiều mẫu mã đẹp và giá lại khá mềm. Bán hàng nội thất nhập khẩu có lợi nhuận và khả năng quay vòng vốn nhanh gấp nhiều lần so với tự sản xuất”, một nhà phân phối hàng nhập có tiếng tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty Xây dựng Kiến trúc AA, cho rằng nguyên nhân là đến nay Việt Nam chưa có nhà phân phối chuyên nghiệp. “Đa phần nhà phân phối trong nước hiện nay đều đến thành phố Phật Sơn (gần Quảng Châu, Trung Quốc) để gom hàng về bán. Cái nào tiêu thụ không được thì tháng sau họ sang lựa món khác và không cam kết gì với khách hàng”, ông nói. Và vì không có nhà phân phối chuyên nghiệp cùng kế hoạch và chiến lược ổn định nên khó mà có nhà sản xuất chuyên nghiệp cho thị trường nội địa. Đây là nguyên nhân khiến Việt Nam tiếp tục trở thành nơi tiêu thụ lý tưởng của sản phẩm ngoại nhập.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, đánh giá quy mô thị trường nội địa với hơn 86 triệu dân đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, nếu muốn thâm nhập mạnh, việc xây dựng kênh phân phối bài bản là điều kiện tiên quyết. Số doanh nghiệp nội thất trong nước có thể đáp ứng yêu cầu này hiện không nhiều, bởi phải thực sự tâm huyết khai thác tiềm năng thị trường và khả năng trường vốn lớn mới làm được. 

Cùng tăng tốc

Sau hơn 10 năm có mặt trên thị trường, Phố Xinh hiện có 11 trung tâm bán lẻ nội thất gỗ tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Cơ cấu doanh thu là khoảng 30% cho xuất khẩu và 70% cho nội địa. Ông Dương Quốc Nam, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Nam, chủ sở hữu thương hiệu, khẳng định đang chuẩn bị đầu tư chuỗi đại siêu thị nội thất. “Mỗi siêu thị có diện tích khoảng 20.000 m2, tọa lạc ở khu vực ngoại ô như quận 2, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn với tổng vốn đầu tư từ 300-400 tỉ đồng”, ông cho biết.

Lấy ý tưởng từ mô hình kinh doanh của Ikea, thương hiệu nội thất nổi tiếng toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan, là “biến hàng nội thất thành hàng tiêu dùng”, Phố Xinh dự kiến bày bán hàng trăm mặt hàng tiêu dùng từ chén, đĩa, ly, tách, đồng hồ treo tường đến các mặt hàng nội thất trung và cao cấp trong đại siêu thị, phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình từ 7 triệu đồng/tháng. Điểm khác biệt chính so với mô hình của Ikea là Phố Xinh sẽ đa dạng hóa các loại dịch vụ như thiết kế, lắp ráp, bảo hành, vận chuyển theo nhu cầu của khách (khách hàng của Ikea chủ yếu tự phục vụ như tự chuyên chở về nhà và lắp ráp). Ngoài ra, mỗi cửa hàng sẽ có khoảng 10 giám đốc sáng tạo chuyên thiết kế các mẫu mã hàng nội thất phù hợp với xu hướng văn hóa, thời tiết, thị hiếu của từng vùng miền.

Tuy nhiên, ông Nam cũng chỉ ra 2 rủi ro lớn từ mô hình này là sức mua của thị trường và nguồn vốn hoạt động. “Theo kết quả nghiên cứu của Công ty cho thấy sức tiêu thụ của thị trường là khả thi, còn về vốn thì chúng tôi chủ yếu dựa vào nguồn lực bản thân, có thể vay thêm từ ngân hàng hay quỹ đầu tư”, ông nói.

Đại siêu thị nội thất đầu tiên của Phố Xinh sẽ ra mắt tại TP.HCM vào cuối năm nay và 3 năm tiếp theo sẽ là 3 đại siêu thị nữa tại các thành phố TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.


Nội thất sang trọng của Hội An Resort do AA thực hiện (nguồn: AA Corporation, Ashui.com) 

Trong khi đó, được biết đến là đơn vị Việt Nam tiên phong về thiết kế, sản xuất sản phẩm nội thất, đặt mục tiêu tăng trưởng 25-30% đối với mảng bán lẻ nội thất trong năm nay, thương hiệu Nhà Xinh của Công ty Xây dựng Kiến trúc AA đang hướng đến một chiến lược đầu tư nhắm vào mục tiêu tối ưu hóa các giá trị gia tăng cho khách hàng.

Trước tiên, chuỗi 5 siêu thị bán lẻ của Nhà Xinh sẽ được nâng cấp thành trung tâm thiết kế, hay còn gọi là siêu thị nội thất gia đình, gồm các loại dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm như thiết kế, bảo trì, phát hành tài liệu hướng dẫn về kiến thức nội thất. Ngoài ra, Nhà Xinh sẽ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm ngay tại đây dành cho các đối tượng yêu thích thiết kế nội thất thảo luận các vấn đề chiều sâu của ngành. Mỗi trung tâm sẽ có diện tích tối thiểu từ 2.500 m2 và dự kiến đến cuối năm nay, Nhà Xinh sẽ có 7 trung tâm thiết kế tại TP.HCM và Hà Nội.

Một chiến lược đầu tư khác của Nhà Xinh trong năm là gia công nội thất tại một số nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM. Ông Khanh cho biết: “Năm nay AA sẽ dành đến 60% lượng sản phẩm bán lẻ cho nội địa, được gia công từ các nhà máy của doanh nghiệp bạn, nhằm tái khẳng định chiến lược phần lớn sản phẩm của Nhà Xinh là do người Việt thiết kế, sản xuất”.

AA sẽ chọn 4-5 nhà máy để gia công và đây cũng là chiến lược dài hạn đối với hàng nội thất và các hàng phụ kiện đi kèm như gốm, khung tranh, khung gương... 

Vĩnh Bảo 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo