Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Giá xi măng sẽ không thể tăng quá cao

Giá xi măng sẽ không thể tăng quá cao

Viết email In
Giá xi măng hiện đã tăng thêm 60.000đ/tấn, nhưng Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định tốc độ tăng giá nêu trên chưa thấm vào đâu so với tốc độ tăng giá đầu vào của xi măng.

Cùng lúc, các doanh nghiệp (DN) ngành này phải đứng trước nguy cơ thị trường đã bão hòa, do cung vượt cầu nên muốn tăng giá cũng khó tăng nổi. Tuy nhiên, trước lo ngại của các DN xi măng về khả năng tăng giá điện, giá than trong thời gian tới, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) về vấn đề này.
  • Ảnh bên : Nhu cầu sản xuất - tiêu thụ xi măng trong nước đã bão hòa (Ảnh: Giang Huy)
Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng giá xi măng thời gian qua?

- Từ 1/2, TCty Công nghiệp Xi măng VN (Vicem) đã có văn bản gửi Chính phủ và các ngành chức năng đề nghị được tăng giá bán xi măng so với giá hiện hành. Mức tăng giá này so với các lần tăng giá trong năm 2010 có nhỉnh hơn chút ít, nhưng mức tăng cũng chỉ khoảng 5-6% giá bán. Trong khi đó, nếu xét về tốc độ tăng giá đầu vào của xi măng là giá điện, than, xăng dầu, vật tư, nguyên liệu... thì từ quý I/2008 đến quý IV/2010 đã tăng tới 150%, trong khi tốc độ tăng giá xi măng chỉ vào khoảng 15%. Riêng giá than bán cho xi măng từ 1/1/2010 đã theo giá thị trường (tương đương 90% giá than XK) khiến giá than cho xi măng bị đội lên khoảng 106,06%; đối với giá điện, giá xăng dầu, theo tính toán của chúng tôi, đã tăng thêm khoảng mười mấy phần trăm nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đã cạnh tranh và nguồn cung xi măng đã đáp ứng đủ cầu, thì các DN cũng phải tính toán để có tốc độ tăng giá hợp lý, vừa chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong việc giữ bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, phù hợp với sức chịu đựng của thị trường, vừa đảm bảo cho DN một mức lợi nhuận hợp lý để duy trì sản xuất.

Có ý kiến cho rằng, việc sản xuất dư thừa của ngành xi măng hiện nay là hệ quả tất yếu của sự bung ra quá nhiều các nhà máy xi măng không theo quy hoạch ngành, làm phá vỡ quy hoạch xi măng đã được Thủ tướng phê duyệt?

- Hiện nay, nếu cân đối nhu cầu sản xuất - tiêu thụ xi măng trong nước thì có thể nói là đã bão hòa. Từ năm 2010, theo số liệu thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), toàn ngành xi măng đã sản xuất đạt xấp xỉ 51 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn. Năm nay, nhu cầu xi măng dự báo vào khoảng 54,5-55 triệu tấn thì năng lực của các nhà máy sản xuất xi măng đã lên đến 65 triệu tấn, chưa kể một số nhà máy vẫn tiếp tục đi vào vận hành. Các DN xi măng đang cạnh tranh hết sức quyết liệt. Có thể nói tốc độ phát triển của ngành xi măng thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu nội địa do được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ như ưu đãi vốn vay, bảo lãnh cho các DN NK thiết bị để đẩy mạnh đầu tư. Tuy nhiên,  sự đầu tư nóng của các địa phương đã được cảnh báo, bởi vậy, trong giai đoạn này, sẽ chỉ có những dự án xi măng trong quy hoạch mới được đầu tư xây dựng để tránh tình trạng dư thừa quá lớn về xi măng.

Các DN xi măng cũng lo ngại trong tháng 3 tới Chính phủ sẽ phê duyệt cho giá điện, giá than theo cơ chế thị trường sẽ là một đòn “nốc ao” các DN xi măng, ý kiến của ông về vấn đề này?

- Để giảm bớt sức ép về giá cho các DN xi măng, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản lên Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng dầu. Với mặt hàng than, bộ cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản VN ngoài việc không tăng giá bán than thì cố gắng đảm bảo cấp đủ than, đúng chất lượng và tiến độ cho các cơ sở sản xuất xi măng. Tuy nhiên, do những khó khăn mà ngành than đã thông báo đến các DN xi măng là chỉ có thể đảm bảo lượng than cho khoảng 70% nhu cầu xi măng trong nước. Vì vậy, đây cũng là một khó khăn cho sản xuất. Để bình ổn thị trường xi măng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Hiệp hội Xi măng chỉ đạo các DN sản xuất tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; hoàn thiện mạng lưới kinh doanh xi măng, nhằm giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng. Tổng Cty Xi măng, các liên doanh và các DN sản xuất xi măng lớn trong nước cần khẩn trương xúc tiến và đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường xuất khẩu clinker và xi măng, nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và duy trì sản xuất ổn định.

Thiếu than cho xi măng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối cung - cầu xi măng trong nước

Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN - lo ngại: Việc dư thừa xi măng chỉ là trên lý thuyết. Thực tế thì sang năm 2011, nhiều DN xi măng phản ánh với hiệp hội là ngành than khẳng định chỉ có thể cung ứng tối đa 70% lượng than cần thiết để sản xuất xi măng. Bởi vậy, một số Cty liên doanh xi măng như Nghi Sơn, Bút Sơn (thuộc Vicem - vừa đưa dây chuyền 2 vào sản xuất) cho biết sẽ khó có thể duy trì hoạt động hết công suất khi thiếu than. Khó khăn chồng chất khi một số DN năm nay đã bắt đầu phải trả nợ vay đầu tư nhà máy (riêng Vicem phải trả số nợ lên tới 3.200 tỉ đồng).  

Hồng Quân (thực hiện)
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo