Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Vật liệu / Thiết bị Vật liệu xây dựng Ứng dụng vật liệu xây dựng thông minh, thân thiện môi trường: Nền tảng phát triển đô thị bền vững

Ứng dụng vật liệu xây dựng thông minh, thân thiện môi trường: Nền tảng phát triển đô thị bền vững

Viết email In

Thực tế cho thấy, quỹ đất tại các thành phố (TP) lớn hiện ngày càng hạn hẹp, trong khi nhu cầu về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gia tăng, đòi hỏi yêu cầu cho công tác quy hoạch phải kết hợp hài hòa giữa phát triển hạ tầng gắn với công trình xanh. Tuy nhiên, để phát triển đô thị bền vững thì, công trình xanh không chỉ bao gồm nhiều cây xanh, không gian mặt nước mà phải gắn với đầu tư, ứng dụng các vật liệu thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng vào công trình.

Tiềm năng phát triển đô thị thông minh, công trình xanh khá lớn và phát triển bền vững đang là xu thế xây dựng của rất nhiều đô thị trên thế giới, qua đó cũng chi phối đến việc phát triển các vật liệu xây dựng (VLXD) thông minh thân thiện với môi trường. 


(ảnh minh họa) 

Theo thống kê, hiện trên thế giới, khu vực đô thị chiếm khoảng 2/3 lượng tiêu thụ năng lượng và 70% lượng khí thải làm trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đã xuất hiện nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại được xây dựng, nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị đã được hình thành. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm, đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hơn. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia xây dựng, quy hoạch, các TP này đang đối mặt với nhiều thách thức như mất kiểm soát tăng trưởng dân số, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Vậy, nền tảng nào để các TP lớn tạo dựng được những không gian xanh đúng nghĩa và bền vững trong tương lai?

Đã có nhiều giải pháp, đề xuất được đưa ra, tựu chung lại, để tạo ra một đô thị xanh đảm bảo cho phát triển bền vững không chỉ dựa vào các yếu tố sinh thái tự nhiên hay các công trình xanh (công trình sinh thái) mà nó là một tổng thể có sự lồng ghép, thống nhất của chiến lược phát triển, công tác quy hoạch đô thị, các chương trình sử dụng năng lượng trong đô thị...

Một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển đô thị xanh không chỉ Hà Nội mà các TP lớn trong cả nước đều có thể tham khảo và đưa vào thực tế, đó là giảm tiêu thụ các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia nhận định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ những năm gần đây, ngành sản xuất VLXD cũng đạt nhiều bước tiến vượt bậc, sản xuất ra nhiều loại vật liệu thân thiện với môi trường và có tính năng sử dụng hiệu quả.

Trong thời gian tới xu hướng sử dụng các loại VLXD ít carbon và cách nhiệt cao sẽ được ứng dụng nhiều hơn và có thể thay thế các vật liệu truyền thống trong tương lai.

Có thể kể đến một số loại VLXD như gạch block bê tông cốt liệu thực vật (miscanthus) có thể cách nhiệt khoảng gấp ba lần so với gạch block bê tông thông thường, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về âm học với độ giảm tiếng ồn 54 dB. Gạch bloc hấp thụ sóng tần số cao (gạch block bê tông cấu trúc tổ ong), hiện các nhà sản xuất vẫn chưa công bố thành phần nguyên liệu của loại sản phẩm này, nhưng sản phẩm này có thể ngăn chặn được 99% sóng điện từ, đảm bảo sức khỏe của con người; Sơn tường thân thiện với môi trường; Gạch bê tông khí chưng áp…

Hay, kính tiết kiệm năng lượng Viglacera là loại kính có công năng cao, có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, yêu cầu về độ trong suốt và màu sắc của kính, đồng thời có tính năng phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, dẫn tới giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính, từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông...

Việt Nam hiện có khoảng 30 TP, địa phương đang tiến hành triển khai hoặc nghiên cứu phát triển đô thị thông minh, tiêu biểu như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển đô thị thông minh, công trình xanh khá lớn và phát triển bền vững đang là xu thế xây dựng của rất nhiều đô thị trên thế giới, qua đó cũng chi phối đến việc phát triển các VLXD thông minh thân thiện với môi trường. 

Do đó, “phát triển đô thị thông minh, đầu tư cho công trình xanh giúp nhà đầu tư tiết kiệm được một khoản lớn trong quá trình vận hành như: Hệ thống gió tự nhiên giảm công suất tiêu thụ của điều hòa, vách ngăn kính lớn giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên vào chiếu sáng trong tòa nhà, giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ đèn điện... 

Chi phí vật liệu xây dựng ban đầu mặc dù tốn kém hơn nhưng bù lại hiệu quả sử dụng tuyệt đối tiết kiệm”, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng cho biết. 

Linh Đan 

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo