Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp

Công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp

Viết email In

Lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại tại TPHCM có xu hướng gia tăng, với công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp, theo một báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Xây dựng ngày 29/3. 

Theo nội dung đề nghị của TPHCM về nhiệm vụ quy hoạch xử lý chất thải rắn của thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay lượng chất thải rắn phát sinh không ngừng gia tăng.  


Một nhà máy xử lý chất thải y tế tại Đông Thạnh, Hóc Môn
(Ảnh: Văn Nam) 

Theo ước tính, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 9.000-9.500 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 7.500-8.000 tấn/ngày, chất thải xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày. Tỷ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 7-8%/năm. 

Trong khi đó, lượng chất thải nguy hại phát sinh cũng có xu hướng gia tăng, ước tính khoảng 150.000 tấn năm (trung bình 350-400 tấn/ngày), trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn (trung bình 17 tấn/ngày).

Theo UBND thành phố, hiện chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn đang gây áp lực cho các khu xử lý, nơi có đến 75% lượng rác được chôn lấp, 15% được xử lý thành phân compost, 10% còn lại được xử lý bằng công nghệ đốt.

Cũng theo UBND thành phố, tỷ lệ sử dụng công nghệ chôn lấp cao là nguy cơ tiềm tàng gây ô nhiễm thứ phát cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Toàn thành phố hiện có hai khu liên hợp xử lý chất thải rắn (khu Đa Phước ở Bình Chánh rộng 614 héc ta, khu Phước Hiệp ở Củ Chi rộng 687 héc ta đang dự kiến điều chỉnh giảm xuống còn 533 héc ta) và hai khu xử lý chất thải rắn khác đã đóng cửa (Đông Thạnh 45 héc ta, Gò Cát 25 héc ta).

UBND thành phố nhận định cơ sở hạ tầng về tái chế, thu gom, vận chuyền và xử lý chất thải cần phải được tăng cường đầu tư, để theo kịp tốc độ phát triển. Bởi theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050 và năm 2100 và dựa theo kịch bản phát thải cao căn cứ vào tài liệu điều tra của ADB năm 2010, dự báo 90% bãi chôn lấp chất thải của thành phố có nguy cơ bị ngập. Điều này dẫn đến hậu quả môi trường, các chất ô nhiễm từ bãi chôn lấp sẽ phát tán ra môi trường xung quanh.

Cũng do biến đổi khí hậu, mưa bão ngập lụt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống quản lý chất thải rắn gồm các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý…

Hiện nay, TPHCM vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn, trong đó xác định rõ quy mô, vị trí các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, xác định lộ trình đầu tư xây dựng, áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến và thích hợp với từng giai đoạn đặt trong bối cảnh lượng chất thải rắn gia tăng và các tác động của biến đổi khí hậu.

Do vậy, UBND TPHCM cho rằng để đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững, giữ vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn, sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có, xây dựng một chiến lược lâu dài về phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý chất thải rắn thông qua việc lập quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, trên cở sở khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Quy hoạch xử lý chất thải tại thành phố đến năm 2050 dựa trên cơ sở điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn, dự báo các nguồn phát thải, thành phần, tính chất và tổng khối lượng các loại chất thải rắn thông thường và nguy hại đến năm 2050.

Quy hoạch này cũng sẽ xác định vị trí, quy mô các điểm thu gom, trung chuyển, cơ sở xử lý và chôn lấp chất thải rắn; đánh giá sự phù hợp của các vị trí lựa chọn với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Đồng thời, quy hoạch sẽ có đánh giá môi trường, lập các bản đồ quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Dự kiến thời gian lập quy hoạch nói trên mất khoảng chín tháng. 

Văn Nam 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo