Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Chuyển đổi xanh đối mặt thách thức do thiếu các kim loại thiết yếu

Chuyển đổi xanh đối mặt thách thức do thiếu các kim loại thiết yếu

Viết email In

Thế giới cần đầu tư lên tới 70 tỉ đô la Mỹ mỗi năm để tăng nguồn cung các kim loại như lithium, nickel, graphite (than chì), cobalt, neodymium và đồng. Nếu không, tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ không đạt các mục tiêu cần thiết để chống biến đổi khí hậu.

Nhận định trên được Ủy ban Chuyển tiếp năng lượng (ETC), tổ chức tư vấn có trụ sở ở London đưa ra trong báo cáo phát hành trong tháng này. Theo đó, tiến trình chuyển đổi năng lượng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt một số kim loại thiết yếu trong thập niên tới trừ khi hoạt động đầu tư tăng lên đáng kể. Trong những năm tới, nhu cầu đồng, nickel và lithium ở tất cả các mạng lưới truyền tải điện, tuốc-bin gió và pin xe điện… sẽ tăng lên rất nhiều so với hiện nay.


Ủy ban Chuyển tiếp năng lượng (ETC) cho rằng cần phải nhanh chóng phát triển các mỏ kim loại mới để đáp ứng kịp tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch bao gồm xe điện và các trang trại điện mặt trời.
(Ảnh: Nikkei/Reuters)

Theo báo cáo, khoảng trống nguồn cung lớn đối với lithium, nickel, than chì, cobalt, neodymium và đồng có thể dẫn đến giá cao hơn và cản trở mục tiêu đạt mức phát thải zero ròng trên toàn cầu năm 2050.

ETC cho biết, để giảm nguy cơ thiếu hụt, các mỏ kim loại cần sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên, các dự án khai thác quy mô lớn có thể mất tới 20 năm để đi vào hoạt động. Trong 10 năm qua, thế giới thiếu đầu tư cho hoạt động thăm dò và mở rộng sản lượng kim loại

“Đối với một số khoáng sản quan trọng, đặc biệt là lithium và đồng, sẽ rất khó để tăng quy mô nguồn cung đủ nhanh trong thập niên tới để theo kịp nhu cầu đang tăng mạnh”, Chủ tịch ETC Adair Turner cho biết trong báo cáo.

Theo ETC, vốn đầu tư hàng năm vào các kim loại chuyển đổi năng lượng đạt trung bình 45 tỉ đô la trong hai niên qua, thấp hơn mức 70 tỉ đô la cần thiết mỗi năm cho đến năm 2030 để mở rộng nguồn cung.

“Các chính phủ, cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng phải làm việc cùng nhau để tăng cường tái chế, cải thiện tính hiệu quả của vật liệu, đầu tư vào hoạt khai thác mới và đặt ra các tiêu chuẩn môi trường và xã hội”, Turner nói.

Turner cho biết, có đủ trữ lượng đồng và lithium để đáp ứng nhu cầu toàn cầu vào năm 2050 nhưng các kế hoạch khai thác trữ lượng đó không đáp ứng được nhu cầu dự kiến vào năm 2030. Vì vậy, cần phải tăng tốc phát triển các mỏ và nhà máy chế biến kim loại mới, cũng như thúc đẩy dòng tiền đầu tư chuyển đổi năng lượng đến các nước đang phát triển.

Theo dự báo của ETC, chuyển đổi năng lượng toàn cầu sẽ cần đến 6,5 tỉ tấn vật liệu tích lũy từ năm 2022 đến năm 2050, với thép, đồng và nhôm chiếm 95%. Ước tính của ETC dựa trên giả định là việc triển khai mạnh mẽ các công nghệ năng lượng sạch để khử carbon toàn cầu và hoạt động tái chế cũng như lượng vật liệu cần thiết sẽ tiếp tục giữ các xu hướng gần đây.

Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến bộ về công nghệ, tính hiệu quả và hoạt động tái chế các vật liệu năng lượng sạch thì nhu cầu tích lũy về nguồn cung mới từ các mỏ kim loại sẽ giảm 20% – 60%. Chẳng hạn, nhu cầu lithium trên toàn cầu vào năm 2030 sẽ cao gấp 6 lần so với sản lượng khai thác hiện nay. Đến thời điểm đó, nhu cầu lithium dự kiến vượt 30% so với nguồn cung dự kiến.

Theo ETC, bằng cách tăng cường tái chế và sử dụng lithium ít hơn ở các loại pin trong tương lai, tức cải thiện tính hiệu quả của kim loại này, sự thiếu hụt đó sẽ thu hẹp về mức chỉ 10%.

Chủ tịch ETC Adair Turner nhận định, tác động của hoạt động tái chế kim loại pin xe điện đối với nguồn cung sẽ tăng lên theo thời gian khi các cơ hội tái chế được mở rộng nhờ lượng xe điện hết tuổi sử dụng tăng lên.

“Khi có nhiều xe điện vào năm 2040, hoạt động tái chế pin sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với nguồn cung kim loại chuyển đổi năng lượng”, ông nói.

Các tác động của hoạt động tái chế đối nguồn cung đồng và nickel thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Đến năm 2030, nhu cấu đồng được dự báo cao hơn 10% so với nguồn cung dự kiến. Tuy nhiên, ETC cho rằng, khoảng trống này sẽ đảo ngược, dẫn đến nguồn cung đồng dư thừa ở mức nhẹ vào năm 2030 nếu hoạt động tái chế gia tăng cũng như tăng cường sử dụng vật liệu dẫn điện khác thay thế đồng. Xu hướng giảm sử dụng nickel trong pin cùng với hoạt động tái chế tăng lên cũng có thể khiến nguồn cung kim loại này thặng dư vào cuối thập niên này.

Dù vậy, các tác giả của báo cáo thừa nhận tiến trình chuyển đổi năng lượng vẫn sẽ cần một số lượng lớn các mỏ khai thác kim loại mới. Theo báo cáo, thế giới có thể cần thêm tới 40 mỏ đồng, 55 mỏ nickel và 65 mỏ lithium vào năm 2030. Tăng cường hoạt động tái chế và cải thiện tính hiệu quả của vật liệu sẽ làm giảm số lượng mỏ bổ sung cần thiết.

Khánh Lan

(KTSG Online /Theo Reuters, Financial Times)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo