Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Tác động kinh tế của El Nino là cực kỳ lớn

Tác động kinh tế của El Nino là cực kỳ lớn

Viết email In

El Nino không chỉ gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn được dự báo có thể tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, làm gia tăng áp lực lạm phát, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến thị trường biến động mạnh.  

Sự gián đoạn các hoạt động kinh tế

Thời tiết hiếm khi có tác động quá lớn đến toàn bộ thị trường. Nhưng điều này có thể thay đổi trong những quí tới khi sự trở lại của El Nino kết hợp với sự ấm lên của Trái đất, đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng phổ biến hơn, làm gián đoạn đáng kể các hoạt động kinh tế.

Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển từ hình thái La Nina lạnh hơn sang giai đoạn El Nino nóng hơn đang bắt đầu gây ra những sự hỗn loạn. Những đợt nắng nóng dữ dội đang được cảm nhận trên toàn cầu, làm cạn kiệt những con sông chính, đe dọa chuỗi cung ứng và nguồn cung cấp năng lượng.


Mực nước sông Rhine ở Đức đã giảm xuống dưới 100 cen ti mét, khiến hầu hết các sà lan chở sản phẩm công nghiệp và than gặp khó khăn trong di chuyển. (Ảnh: Bloomberg)

Tại Đức, mực nước sông Rhine ở Kalb đã giảm xuống dưới 100 cen ti mét, khiến hầu hết các sà lan chở sản phẩm công nghiệp và than gặp khó khăn trong di chuyển. Tại Pháp, hồi đầu tháng này, các lò phản ứng hạt nhân của Công ty năng lượng Electricite de France SA đã phải giảm công suất hoạt động khi nước sông Rhone quá nóng và không thể được sử dụng để làm mát.

Thời tiết khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến Mỹ, Canada và Nam Mỹ trong những tuần gần đây. Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), đợt nắng nóng hiện tại đang ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người dân trên khắp nước Mỹ, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và gây sức ép lên các doanh nghiệp. Canada, nơi đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử, cũng đối mặt với sự sụt giảm sản lượng ở tỉnh giàu dầu mỏ Alberta và phải đóng cửa các nhà máy gỗ xẻ ở Quebec.

Vùng Caribe, Trung Mỹ, Colombia và miền Tây Mexico sẽ đặc biệt dễ bị hạn hán. Thời tiết khô hạn hơn vào cuối năm nay sẽ cản trở sản xuất nông nghiệp và làm tăng nguy cơ cháy rừng. Các loại ngũ cốc cơ bản, đậu và gia súc – tất cả đều phụ thuộc nhiều vào lượng mưa, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo mô hình phân tích của Bloomberg Economics, các đợt El Nino trước đây đã tác động rõ rệt đến lạm phát toàn cầu, khiến giá các mặt hàng phi năng lượng tăng 3,9 điểm phần trăm trong khi giá dầu mỏ tăng 3,5 điểm phần trăm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó cũng từng cảnh báo, chỉ riêng các chu kỳ El Nino hoạt động mạnh đã có thể khiến lạm phát tăng 4 điểm phần trăm.

Ở chiều ngược lại, lượng mưa sẽ nhiều hơn tại một số khu vực khác, làm gia tăng nguy cơ lũ lụt. The Economist dự báo, nền kinh tế Peru sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5/2024, khi mưa lớn có thể gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, làm giảm sản lượng nông nghiệp và ngư nghiệp. Còn tại Chile, lượng mưa gia tăng sẽ hạn chế khả năng tiếp cận, sản xuất và vận chuyển của các mỏ đồng vốn cung cấp khoảng 30% lượng đồng trên thế giới.

Một thí dụ khác là ở Trung Quốc, nhiệt độ tăng cao đã giết chết nhiều gia súc và làm gia tăng áp lực lên hệ thống lưới điện ở quốc gia này. Các nhà chức trách dự đoán tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra nhiều hơn vào mùa hè năm nay. Trước đó, hồi năm ngoái, tình trạng hạn hán trầm trọng đã buộc Chính phủ Trung Quốc phải cắt điện nhiều nhà máy trong gần hai tuần, làm gián đoạn nguồn cung cho các ông lớn ngành chế tạo, bao gồm Apple và Tesla.

Áp lực lạm phát gia tăng

Công ty môi giới đầu tư Charles Schwab cảnh báo, nếu El Nino tiếp tục đe dọa đến ngành nông nghiệp và năng lượng, ảnh hưởng đến lạm phát và nền kinh tế sẽ là rất đáng kể.

Những gián đoạn mà thời tiết cực đoan mang lại cho chuỗi cung ứng có thể khiến giá năng lượng và lương thực, thực phẩm gia tăng trở lại, gây thêm áp lực lạm phát trong những tháng tới.

Lạm phát giá năng lượng có thể bị thúc đẩy bởi mực nước thấp trong các hồ chứa, hạn chế sản lượng thủy điện.

Điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho các nguồn cung cấp điện khác, và làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, các chuyên gia của ngân hàng ANZ nhận định. Theo đó, sẽ thúc đẩy giá khí đốt, than tăng mạnh, gây sức ép lên thị trường toàn cầu trong nửa cuối năm nay.

Trong khi nguồn cung bị thắt chặt, nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo sẽ tăng cao do người dân sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Điều này sẽ càng gia tăng áp lực lên nguồn cung, đồng thời tiềm ẩn rủi ro trục trặc hệ thống điện khi phải hoạt động quá tải trong thời tiết nắng nóng.

Chi phí vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả nhiên liệu, có thể gia tăng đáng kể nếu vận tải đường sông phải chuyển sang vận tải đường bộ và đường sắt.

Giá lương thực cao hơn có thể là kết quả tổng hợp của cả năng suất cây trồng kém do hạn hán, cũng như sự gia tăng chi phí nhiên liệu cần thiết cho thu hoạch và vận chuyển. Hiện tại, giá gạo tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago đang ở mức cao nhất trong hơn hai năm. Sự tăng giá mạnh diễn ra trong bối cảnh các nhà nhập khẩu đẩy mạnh dự trữ gạo do lo ngại về căng thẳng nguồn cung khi các hiện tượng El Nino gia tăng ở Thái Lan và Việt Nam.

Theo mô hình phân tích của Bloomberg Economics, các đợt El Nino trước đây đã tác động rõ rệt đến lạm phát toàn cầu, khiến giá các mặt hàng phi năng lượng tăng 3,9 điểm phần trăm trong khi giá dầu mỏ tăng 3,5 điểm phần trăm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó cũng từng cảnh báo, chỉ riêng các chu kỳ El Nino hoạt động mạnh đã có thể khiến lạm phát tăng 4 điểm phần trăm.

Thiệt hại về sản lượng kinh tế

Việc áp lực lạm phát tăng cao sẽ buộc một số ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát, và khó có thể đưa ra các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế.

“El Nino xuất hiện không đúng thời điểm khi mà thế giới đang phải vật lộn với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế cao. Khả năng hành động để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng trung ương sẽ càng bị hạn chế hơn nữa”, bà Bhargavi Sakthivel, nhà kinh tế học của Bloomberg Economics nhận định.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn hơn nữa đến đà phục hồi vốn đã mong manh của kinh tế thế giới. Một nghiên cứu của tạp chí Science dự báo, El Nino có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 3.000 tỉ đô la trong vòng năm năm tới.

Các chuyên gia tại Đại học Dartmouth (Mỹ) ước tính, thời kỳ El Nino 1997-1998 đã khiến GDP toàn cầu thiệt hại 5.700 tỉ đô la trong vòng năm năm sau đó. Dự báo đến cuối thế kỷ 21, thiệt hại kinh tế do El Nino gây ra sẽ lên tới 84.000 tỉ đô la.

Các nhà nghiên cứu Mỹ chứng minh nước này thường để mất tới 3% tăng trưởng GDP trong khoảng năm năm sau mỗi lần xảy ra hiện tượng El Nino. Và trong năm nay, những thiệt hại do hậu quả thiên tai được dự báo có thể thổi bay 380 tỉ đô la của nền kinh tế Mỹ – mức cao kỷ lục, và cao gần gấp đôi so với năm 2022.

Tuy nhiên, vùng nhiệt đới và Nam bán cầu mới là những khu vực hứng chịu những rủi ro nghiêm trọng hơn cả. Theo Bloomberg Economics, El Nino có nguy cơ khiến tăng trưởng GDP hàng năm ở Ấn Độ và Argentina giảm gần 0,5 điểm phần trăm, trong khi Peru, Australia và Philippines có thể ghi nhận mức giảm 0,3 điểm phần trăm.

Charles Schwab cũng đánh giá, nông nghiệp là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu GDP và việc làm ở châu Phi và Nam Á so với các khu vực khác trên thế giới. Do đó, những khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino mạnh.

Sự sụt giảm trong sản xuất ca cao ở Bờ Biển Ngà và Ghana, sản xuất đường ở Ấn Độ và Thái Lan, sản xuất cà phê ở Việt Nam và Indonesia, hay sản xuất gạo ở Việt Nam và Thái Lan đều có thể dẫn đến sự suy yếu GDP.

Các tác động đến thị trường tài chính

Nhiệt độ mặt nước biển ở mức kỷ lục đã khiến mùa bão năm 2023 ở Đại Tây Dương bắt đầu sớm hơn thường lệ. Một nghiên cứu của Viện Hải dương học Scripps tại Đại học California, tập trung vào miền Tây nước Mỹ, cho biết rằng 1% các sự kiện cực đoan tại đây có thể gây ra hơn 66% tổng thiệt hại cho các công ty bảo hiểm.

Nghiên cứu lưu ý: Mối liên hệ giữa các sự kiện cực đoan và El Nino được thể hiện trong dữ liệu bảo hiểm. Ở ven biển Nam California và khắp Tây Nam nước Mỹ, các hiện tượng El Nino đã có tác động mạnh mẽ trong việc tạo ra tổn thất được bảo hiểm thường xuyên hơn và mức độ cao hơn. Ở phía bên kia Thái Bình Dương, hiệu ứng El Nino mang lại điều kiện nóng hơn, khô hơn và ổn định hơn, có thể dẫn đến tổn thất bảo hiểm ít hơn ở Úc và vành đai châu Á-Thái Bình Dương.

Sự biến động của thị trường có thể tăng lên nếu tác động của El Nino tích tụ lại. Chu kỳ El Nino lần trước trong giai đoạn 2015-2016, cũng trùng khớp thời điểm thị trường đối mặt làn sóng bán tháo, và sụt giảm tới 13%.

Trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino, các lĩnh vực như nông nghiệp và năng lượng thường gặp phải tình trạng biến động gia tăng do các kiểu thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng và tiêu thụ năng lượng. Sự kiện El Nino năm 2015 là một trong những sự kiện mạnh nhất được ghi nhận và dẫn đến sự gián đoạn thời tiết đáng kể. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngành nông nghiệp, vật liệu và năng lượng đã dẫn đầu sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

El Nino tác động lớn tới thị trường gạo thế giới

– Tại châu Á, hiện tượng El Nino với lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng cao, đang tác động tiêu cực đến khu vực trồng khoảng 90% lượng lúa gạo trên thế giới.

– Lúa là loại cây trồng đặc biệt nhạy cảm với thay đổi thời tiết. Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, nhiệt độ trung bình vào ban đêm cứ tăng đột biến 1 độ C, sẽ khiến năng suất lúa giảm 10%.

– Thời tiết không thuận lợi, cùng lạm phát tăng cao đã buộc Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng. Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới 25% lượng gạo xuất khẩu của nước này.

– Sau Ấn Độ, đến lượt Nga và UAE ban hành các biện pháp tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo nguồn cung trong nước. Các quốc gia như Philippines, Indonesia… đều đang đẩy mạnh tích trữ do lo ngại nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá gạo tăng mạnh.

– Giá gạo 5% tấm xuất khẩu từ hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Việt Nam và Thái Lan hôm 27/7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, lần lượt đạt 550 – 575 đô la Mỹ/tấn và 605-610 đô la Mỹ/tấn.

– Dự trữ gạo toàn cầu hiện đang ở mức thấp nhất sáu năm, dự kiến chỉ đạt 170 triệu tấn vào cuối năm 2023.

– Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), sự thiếu hụt nguồn cung và giá gạo tăng cao có thể đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu đói.

Song Thanh

(KTSG Online /Nguồn: Charles Schwab, Bloomberg, Economist, CNN Business)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...