Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Xe chạy bằng năng lượng sạch bao giờ mới “phủ sóng” TPHCM?

Xe chạy bằng năng lượng sạch bao giờ mới “phủ sóng” TPHCM?

Viết email In

Trên đường phố TPHCM, đã có nhiều loại phương tiện chạy bằng nhiên liệu thân thiện môi trường. Nhưng nhìn chung, chúng vẫn còn mang tính thử nghiệm và chưa trở thành sự lựa chọn phổ biến của người dân.


Các phương tiện giao thông xanh xuất hiện quá ít trên đường phố TPHCM / trong ảnh: Xe buýt điện lẻ loi giữa rừng ô tô, xe máy. (Ảnh: Phùng Huy)

Xe buýt điện, taxi điện hút khách

Từ bến xe buýt Sài Gòn (trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1), chúng tôi đón xe buýt điện tuyến D4 (Vinhome Grand Park – bến xe buýt Sài Gòn) để đến TP Thủ Đức.

Đã hoạt động hơn 16 tháng, nhưng xe buýt điện tuyến này trông vẫn còn mới, chất lượng ổn định, trên xe có ti vi, wifi, có màn hình hiển thị các điểm dừng chân, có loa nhắc hành khách trước mỗi điểm dừng. Đặc biệt, xe chạy êm, không có mùi hôi, không có tiếng ồn động cơ.

Đi chung chuyến xe, ông Việt – 75 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Xiển, TP Thủ Đức – cho biết, do bị bệnh nên hằng tuần, ông đi xe buýt điện để đến Bệnh viện Nguyễn Trãi điều trị. Ông thích đi xe buýt điện bởi xe sạch sẽ, mát mẻ, phục vụ chuyên nghiệp, xe không xả khói gây ô nhiễm môi trường.

Chị Lê Châu Hải My – tiếp viên trên tuyến xe buýt D4 – cho hay, khách đi xe buýt điện tăng gấp đôi so với lúc mới khai trương. Trước đây, doanh thu bán vé của chị khoảng 600.000 đồng/ngày thì nay đạt 1,1-1,2 triệu đồng/ngày. Khách đi xe có sinh viên, học sinh, công nhân, viên chức, đặc biệt có rất đông khách ở TP Thủ Đức bắt xe vào trung tâm thành phố để làm việc vào buổi sáng và đi về vào buổi chiều hằng ngày.

Từ tháng 4/2023, TPHCM có thêm loại hình taxi điện Xanh SM với số lượng ban đầu 600 chiếc. Chị Trúc Linh (quận 12) nhận xét: “Xe rất mới, sạch sẽ, không có mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, được trang bị nhiều tính năng giải trí. Tài xế được đào tạo chuyên nghiệp, lịch sự, không tỏ ra khó chịu khi khách đi quãng đường ngắn. Ngoài ra, đi xe điện cũng là một cách bảo vệ môi trường. Hình ảnh những chiếc xe điện xanh chạy trên đường góp phần mang lại bộ mặt thân thiện cho thành phố”.


Xe buýt điện đang xuất hiện khá lẻ loi trên đường phố TPHCM (Ảnh: Phùng Huy)

Buýt điện, buýt CNG chưa thể phát triển

Lúc khai trương tuyến xe buýt điện vào tháng 3/2022, đơn vị khai thác là Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus cho biết, sẽ mở thêm 4 tuyến xe buýt điện vào cuối năm 2022. Nhưng đến nay, TPHCM vẫn chỉ có duy nhất 1 tuyến xe buýt điện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Nhật – Tổng giám đốc VinBus – thông tin, tính đến tháng 6/2023, tuyến D4 đã vận chuyển được trên 1,3 triệu lượt hành khách, lượng khách liên tục tăng. Tuyến D4 hiện đang đứng thứ bảy về lượng hành khách trong hơn 100 tuyến xe buýt có trợ giá của TPHCM. Công ty chưa thể mở thêm 4 tuyến xe buýt điện như dự tính là vướng thủ tục khi xây dựng hệ thống hạ tầng đi kèm, như bãi đậu xe, hệ thống trạm sạc và bảo dưỡng phương tiện. Công ty đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục này để đưa thêm các tuyến vào hoạt động trong năm 2024.

Sau hơn 10 năm, số xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên (CNG) của TPHCM chỉ khoảng 500 chiếc, chiếm khoảng 20% tổng số xe buýt toàn thành. Ông Phùng Đăng Hải – Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPHCM, nơi đang quản lý 150 xe buýt CNG – đánh giá, việc mở rộng thêm xe buýt chạy CNG gần như bất khả thi bởi thời gian qua, các xã viên đầu tư xe buýt CNG đều than trời với các chính sách hỗ trợ không phù hợp thực tế.

Giá mỗi xe buýt CNG khoảng 2,75 tỉ đồng, cao gấp rưỡi xe buýt chạy bằng dầu diesel. Việc duy trì hoạt động cũng khó khăn do cả thành phố chỉ có 4 trạm sạc khí CNG ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Tân Bình và TP Thủ Đức. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM lên kế hoạch đấu thầu lại đơn vị khai thác ở hàng chục tuyến xe buýt. Rất nhiều xe buýt CNG được đầu tư 7 năm nay nhưng gặp phải 2 năm dịch bệnh nên xã viên chưa thu hồi được vốn. Nợ cũ chưa trả xong, việc thanh lý xe CNG cũng khó khăn nên các xã viên không thể tiếp tục đổ tiền đầu tư xe buýt.

Theo ông Nguyễn Công Nhật, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ trợ giá thấp, định mức kinh tế – kỹ thuật và chi phí vận hành chưa được cập nhật nên chưa sát thực tế, thiếu cơ chế hỗ trợ lãi vay… Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, chỉ cố gắng duy trì đoàn phương tiện hiện có chứ không có khả năng chuyển đổi sang xe điện, xe CNG.

“Rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo lộ trình của Chính phủ” – ông Nguyễn Công Nhật nói.

Xe đạp công cộng chỉ mới loanh quanh quận 1


Đến nay, điểm cho thuê xe đạp công cộng chỉ mới được bố trí ở quận 1 (Ảnh: Phạm Luận)

Ông Đỗ Bá Quân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dịch vụ vận tải số Trí Nam, chủ đầu tư mô hình xe đạp công cộng – cho hay, qua hơn 1 năm rưỡi đưa vào hoạt động, xe đạp công cộng vẫn chỉ có ở quận 1, với 45 điểm và hơn 500 chiếc. Hiện mỗi ngày, có khoảng 500 lượt thuê, cuối tuần có 700-800 lượt, có khi hơn 1.000 lượt, trong đó có nhiều khách thuê xe đạp để đi làm, đi học, dạo phố, mua sắm.

Để thu hút hành khách, công ty thường tổ chức các cuộc đua ảo, chương trình đạp xe đóng góp từ thiện, giải đạp xe trong tuần. Tuy vậy, việc đạp xe cũng còn một số hạn chế như kẹt xe, thiếu an toàn, thời tiết nóng nực. Do đó, theo ông Đỗ Bá Quân, cần có các chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho người đi xe đạp, như thí điểm ưu tiên làn đường dành riêng cho xe đạp. Hiện công ty đang kiến nghị xin mở rộng các điểm cho thuê xe đạp công cộng ở các quận 3, 5, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận để tăng khả năng tiếp cận với người dân.

Mỏi mòn chờ các tuyến buýt nhanh, tàu điện ngầm

Theo lộ trình do Sở Giao thông Vận tải TPHCM vạch ra, từ năm 2025, TPHCM có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50% và 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050, toàn bộ xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Mới đây, sở cũng đề xuất thay đổi phương tiện từ xe buýt CNG sang xe buýt điện cho tuyến buýt nhanh (BRT) số 1. Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 6 tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100km nhưng thực tế, tuyến BRT đầu tiên liên tục lùi thời gian triển khai. Ngoài ra, từ hơn 20 năm trước, chính quyền thành phố cũng quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm (metro) sau nhiều lần lùi thời điểm, tuyến metro đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2024.

Phạm Luận

(Báo Phụ nữ TPHCM)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo