Diễn đàn “Nhận thức về hiểm họa” diễn ra ngày 4/7 tại thành phố Cape Town của Nam Phi thu hút sự tham gia của các chuyên gia quốc tế về hiểm họa tự nhiên, các kỹ sư và các nhà khoa học thế giới, đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc giúp con người đối phó hiệu quả với thiên tai.
Tại diễn đàn, các chuyên gia và các nhà khoa học đã đề xuất hàng loạt các công cụ và công nghệ mới giúp các nước phản ứng hiệu quả trước nguy cơ thảm họa tự nhiên như lũ lụt và hạn hán. Các công cụ giúp phản ứng hiệu quả trước các nguy cơ thảm họa tự nhiên hiện nay bao gồm hệ dữ liệu mở, các hệ thống cảnh báo sớm, bản đồ hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ SMS (dịch vụ thông báo nhanh) và cả mạng an toàn xã hội…. Dịch vụ SMS hiện đã được ứng dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu với hơn 3,7 tỷ người sử dụng, chiếm 74% số người thuê bao điện thoại di động toàn cầu.
Theo các chuyên gia, trong khi chưa có biện pháp để loại trừ các nguy cơ thảm họa tự nhiên, con người hiện đã có thể dự báo các nguy cơ và tránh những tác động tiêu cực của thảm họa tự nhiên. Con người cần hiểu biết tốt hơn về cách thức và thời điểm có thể bị tổn thương trước các nguy cơ thảm họa cũng như cách thức xử lý chúng hiệu quả nhất.
Trong nỗ lực dự báo tốt hơn các thảm họa tự nhiên trước khi nó xảy ra, các chuyên gia quốc tế đã chú trọng đến hệ dữ liệu mở để phân tích trên cơ sở các luận chứng, xác định các mục tiêu và địa điểm các thảm họa tự nhiên có thể tác động lớn nhất. Các nhà khoa học Hà Lan đang thử nghiệm công cụ 3Di cho phép mô phỏng các khu vực lũ lụt để tìm ra nơi lũ lụt có thể gây thiệt hại lớn nhất. Công cụ này sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao để có được các thông tin chính xác.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đưa ra Chương trình Đối tác trợ giúp thúc đẩy giáo dục (LEAP), WFP sử dụng LEAP là công cụ hỗ trợ tính toán sản lượng lương thực trong mùa khô ở Ethiopia, nhờ đó giúp các tổ chức nhân đạo quốc tế dự báo nhu cầu của cộng đồng dân cư ở các khu vực có nguy cơ hạn hán.
Cùng với chương trình mạng an toàn xã hội của chính phủ, nông dân có thể dự báo thời tiết xấu, được bồi thường thiệt hại do thời tiết xấu và được tiếp cận các nguồn tài chính. Hạn hán tác động trực tiếp và dài hạn đến các hộ gia đình, đẩy họ vào tình cảnh cùng khổ.
Liên hợp quốc đưa ra các số liệu cho thấy thiệt hại do lũ lụt đã lên tới 33% tổng thiệt hại do các thảm họa thiên nhiên gây ra hàng năm trên toàn cầu. Lũ lụt là thảm họa tự nhiên xảy ra thường xuyên nhất và đã tác động tới 178 triệu người trong năm 2010. Xử lý tốt thảm họa này trước khi nó tác động đến cộng đồng có vai trò quan trọng làm giảm gánh nặng thiệt hại về kinh tế và xã hội của mọi quốc gia./.
(TTXVN)
- Bảo tồn rừng ngập mặn là cách tiết kiệm để giảm CO2
- Khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề
- Ngày tàn của Trái đất?
- Kiến trúc sư & các giải pháp tiết kiệm năng lượng
- Rừng ngập mặn ở ĐBSCL, vì sao ngày càng teo tóp?
- Những biện pháp tốt để quản lý nguồn nước đô thị
- Phương tiện giao thông tăng mạnh - Nỗi lo ô nhiễm môi trường
- WB tăng gấp đôi tín dụng tài trợ cho năng lượng xanh
- GEF: Đối tác công-tư thúc đẩy sáng kiến môi trường bền vững
- Cách mạng năng lượng sạch: Sự lựa chọn toàn cầu