Lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm. Dự báo đến năm 2015, CTR đô thị và CTR công nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng lên tương ứng với tỷ lệ 51% và 22%. Trong khi công tác tái chế, tiêu hủy còn manh mún, ô nhiễm môi trường do quản lý CTR không tốt đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và hoạt động sản xuất của người dân.
Chiều ngày 7/8, bộ Tài nguyên và môi trường đã công bố báo cáo Môi trường quốc gia năm 2011 với chủ đề “Chất thải rắn” với nhiều cảnh báo xấu.
Chất thải nguy hại chiếm 18-25% CTR phát sinh
Tại tỉnh Quảng Trị, bãi rác ngày càng cao lên tràn ra cả đường đi, bốc lên mùi hôi rất khó chịu đối với các gia đình sống trên địa bàn khu phố 1 và 2A phường 1, thị xã Quảng Trị. Những ngày mưa nước từ bãi rác trần về khu dân cư, chảy xuống hồ Tích Tường, nơi có nguồn nước sinh hoạt của người dân thị xã.
Tại các khu vực có lượng dioxin như sân bay Biên Hòa, Bình Định và Đà Nẵng cho thấy các loại bệnh tim mạch, thần kinh, tai mũi họng và mắt ở nhóm người sống gần những điểm nóng này đều cao hơn nhiều so với nhóm người sống xa khu vực này. Đặc biệt, chỉ số thông minh ở lứa tuổi 7-12 ở trường tiểu học gần sân bay Đà Nẵng thấp hơn rõ rệt so với nhóm đối chứng.
- Ảnh bên: Chất thải đổ bừa bãi ngay vệ đường quốc lộ.
Tương tự, tại Hà Nội có tới 500 giếng khoan tại các trạm cấp nước cục bộ của một số cơ quan đoàn thể… có nồng độ amoniac vượt tiêu chuẩn cho phép.
Theo phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, CTR phát sinh tại Việt Nam ngày càng tăng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Theo nguồn gốc phát sinh, khoảng 46% CTR phát sinh từ các đô thị, 17% CTR từ hoạt động sản xuất công nghiệp, CTR nông thôn, làng nghề và y tế chiếm phần còn lại.
Trong khi đó phân loại CTR tại nguồn mới được thực hiện thí điểm tại một số đô thị lớn. Phần lớn CTR đô thị chưa được phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Tỷ lệ thu gom CTR đô thị hiện nay đạt khoảng 83-85%, nhưng chỉ khoảng 60% CTR đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh và trong các nhà máy xử lý CTR để tạo ra phân compost, tái chế nhựa…
Tương tự, CTR nông nghiệp và nông thôn, các làng nghề cũng tăng, đặc biệt đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón… Tỷ lệ thu gom ở khu vực này khoảng 40-50%, với phương pháp rất thô sơ, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với lĩnh vực CTR công nghiệp thì khai thác khoáng sản, dầu khí, đóng tàu hoạt động tại các khu vực công nghiệp đang là nguồn chính phát thải. Dù tỷ lệ thu gom là 90% nhưng vấn đề quản lý và xử lý chất thải sau khi thu gom chủ yếu theo hợp đồng với các công ty môi trường đô thị và chưa có kiểm soát tốt.
Riêng với CTR từ y tế, do tốc độ phát triển y dược học cùng với sự gia tăng giường bệnh điều trị, các chất thải y tế chứa vi sinh vật, phóng xạ, hóa chất, chất độc gây đột biến tế bào cực nguy hại với sức khỏe cộng đồng và môi trường lại không được thu gom theo đúng quy chế quản lý chất thải y tế đã ban hành.
Xung đột lớn giữa doanh nghiệp và cộng đồng
Điển hình cho việc xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng do ô nhiễm CTR có thể kể tới sự cố vỡ đập chắn nước thải tuyển rửa quặng tại xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, Cao Bằng khiến tràn bùn đỏ - bùn thải chứa ô xít sắt- đã gây ngập bùn khoảng 4 ha diện tích lúa gây thiệt hại cho người dân.
- Ảnh bên: Các chất thải y tế ngày càng trở nên nguy hại với cộng đồng.
Tại tỉnh Nghệ An, dòng nước bẩn thải ra từ bãi rác và nhà máy xử lý xác thải chảy đến hồ Bảy Mẫu. Hồ trước đây là giặt giũ lấy nước tưới hoa màu, tuy nhiên khi bãi rác và nhà máy xử lý rác xuất hiện thì nguồn nước bị ô nhiễm, cá trong hồ chết trắng bụng. 120 hộ dân dùng nước giếng khoan bị nước bẩn ngấm vào.
Một nghiên cứu tại tỉnh Lạng Sơn cho thấy, tỷ lệ người bệnh và mắc các bệnh như tiêu hóa, da liễu, hô hấp… tại khu vực chịu ảnh hưởng của bãi rác cao hơn hẳn so với khu vực không chịu ảnh hưởng. Chưa kể các bãi chôn lấp rác còn tiềm ẩn các nguy cơ khác như thủy tinh vỡ, bơm kim tiêm cũ… là mối đe dọa nguy hiểm với những người làm nghề nhặt rác…
Những nguy hiểm cho sức khỏe và môi trường là nguyên nhân chính khiến đã rất nhiều những vụ khiếu kiện của người dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các vụ kiện này đều chưa được giải quyết dứt điểm.
Báo cáo năm nay cũng cho thấy, hiện còn có sự phân tán, chồng chéo và nhiều lỗ hổng trong việc phân công trách nhiệm với quản lý CTR. Cụ thể, về nguyên tắc bộ Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phu về thực hiện thống nhất bảo vệ môi trường trong đó có quản lý chất thải. Nhưng việc xử lý CTR, chất thải làng nghề lại thuộc về bộ Xây dựng, quản lý chất thải công nghiệp lại thuộc bộ Công Thương, hay CTR nông nghiệp lại thuộc bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn…
Hầu hết các địa phương chưa xây dựng quy hoạch quản lý CTR. Hiện chỉ có một số địa phương lập quy hoach như Tp Hồ Chí Minh, Bình Định, Đắc Lắc, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm chưa ngăn chặn gia tăng nhập khẩu trái phép phế liệu. Khối lượng phế thải bị phát hiện và số vụ vi phạm trong xuất nhập khẩu phế thải chỉ là con số nhỏ so với thực tế. Chẳng hạn, nếu so sánh con số 6.200 tấn ắc quy chì phế thải nhập khẩu bị buộc tiêu hủy với số liệu 40.000 tấn ắc quy chì thải xử lý hàng năm của Việt Nam thì hoàn toàn là con số không nhỏ.
Báo cáo kiến nghị, cần có chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR cho phù hợp với điều kiện thực tế từ nay tới 2020. Trong đó xác định rõ cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với CTR, hướng tới áp dụng công nghệ đốt rác thu năng lượng, giảm thải lượng rác thải chôn lấp.
Khẩn trương ban hành hướng dẫn chi tiết về quy chuẩn quản lý chất thải nguy hại. Quản lý chặt chẽ đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, xử lý kiên quyết và nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Thanh Tuyền
- Cân nhắc biến đổi khí hậu trong quy hoạch thủy điện
- Việt Nam chịu "nguy cơ cực lớn" từ biến đổi khí hậu
- Hợp tác công - tư, "chiếc phao" cho năng lượng tái tạo
- Đừng tách biến đổi khí hậu ra khỏi quy hoạch phát triển
- Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Thiếu vốn và đồng bộ
- Bảo tồn rừng ngập mặn là cách tiết kiệm để giảm CO2
- Khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề
- Ngày tàn của Trái đất?
- Kiến trúc sư & các giải pháp tiết kiệm năng lượng
- Rừng ngập mặn ở ĐBSCL, vì sao ngày càng teo tóp?