Các vấn đề về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) không nên bị tách khỏi các chương trình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo.
Đó là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thục - Viện Trưởng Viện Khoa Học, Khí tượng, Thuỷ văn và Môi trường - trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo quốc tế về BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan tại Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 17/8.
Theo ông, một trong những khó khăn lớn nhất cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về ứng phó BĐKH là giải quyết vấn đề cho người nghèo: “Người nghèo nằm trong nhóm có khả năng bị tổn thương lớn nhất do ảnh hưởng của BĐKH. Người giàu họ có điều kiện xây nhà cao tầng kiên cố, còn nhiều người nghèo vẫn ở nhà tranh vách đất nên ứng phó BĐKH phải được tích hợp với chiến dịch xoá đói giảm nghèo. Nếu chúng ta nâng cao được năng lực của cộng đồng thì chắc chắn họ sẽ thích ứng BĐKH tốt hơn”.
PGS.TS Trần Thục (ảnh bên) cũng nêu ra một thực tại rằng, việc tích hợp, lồng ghép mô hình ứng phó BĐKH vào các quy hoạch phát triển của quốc gia còn hạn chế. “Các bộ ngành còn quá bận rộn với nhiều việc nào là phòng chống HIV/AIDS, nào là giảm nghèo nên họ chưa thực sự chú trọng tới điều này. Chẳng hạn trong quy hoạch đô thị, nhiều cơ quan ban ngành cho rằng nếu đưa cả yếu tố liên quan đến BĐKH vào sẽ gây tốn kém, đặc biệt là khi lồng ghép không phù hợp”, ông nhận định.
Về vấn đề này, một số chuyên gia môi trường gần đây cũng nêu ra ví dụ khá cụ thể cho thấy những bất cập trong quy hoạch đô thị tại TP Hồ Chí Minh trước thực tế “cứ mưa là đường ngập”, không chỉ gây tắc đường, kẹt xe dẫn đến xuất hiện sụt lún trên mặt đường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Theo các chuyên gia, quy hoạch của TPHCM đến năm 2050 chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, còn ngoại thành chưa có quy hoạch chi tiết. Trong nhiều quy hoạch, TP chưa lấy yếu tố BĐKH của trái đất làm một điều kiện để tính toán trong đồ án. Phần lớn các quy hoạch của TP chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà ít quan tâm đến lợi ích của người dân, cộng đồng. Điều này thấy rõ khi hiện nay diện tích cây xanh bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi TP chưa dành một diện tích nào để xây thêm các công viên, khu vui chơi giải trí cho người dân thì các văn phòng, nhà cao tầng mọc lên san sát.
PGS.TS Trần Thục cũng chỉ ra các thách thức khác cho Việt Nam trong ứng phó BĐKH. Đó là hạn chế về kiến thức BĐKH không chỉ với người dân mà còn với đội ngũ cán bộ, hạn chế công nghệ về BĐKH cùng với sự thiếu hụt về tài chính.
“Nhà nước có quá nhiều việc cần phải làm trong khi nguồn kinh phí còn eo hẹp. Chúng ta đã có chương trình quốc gia và chương trình khoa học công nghệ cho ứng phó BĐKH nhưng kinh chí cho các hoạt động này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, mặc dù Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế”, ông nói.
Theo chương trình quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, từ nay đến năm 2015, 80% các cán bộ và 60% người dân sẽ có nhận thức về BĐKH.
Hội thảo quốc tế về BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan tại Việt Nam có sự tham gia của Tiến sĩ R.K.Pachauri - Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu. Trong ngày 17/8, Tiến sĩ Pachauri thuyết trình về biến đổi khí hậu toàn cầu tại Trường Đại học Thủy lợi. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các cơ quan liên quan của Chính phủ và Liên hợp quốc tại Việt Nam nhằm thảo luận những ưu tiên chiến lược trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Nam Hằng
- Thực hiện dự án cải thiện môi trường: Trao quyền cho cộng đồng
- Phát triển mảng xanh đô thị thích ứng biến đổi khí hậu
- Cân nhắc biến đổi khí hậu trong quy hoạch thủy điện
- Việt Nam chịu "nguy cơ cực lớn" từ biến đổi khí hậu
- Hợp tác công - tư, "chiếc phao" cho năng lượng tái tạo
- Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Thiếu vốn và đồng bộ
- Công bố báo cáo môi trường quốc gia: Chất thải đô thị tăng 10 -16%/năm
- Bảo tồn rừng ngập mặn là cách tiết kiệm để giảm CO2
- Khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề
- Ngày tàn của Trái đất?