Theo tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia "có nguy cơ cực lớn" do các tác động của biến đổi khí hậu.
Kết luận này căn cứ vào chỉ số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI) được đánh giá dựa trên 42 yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường để đánh giá rủi ro trên ba lĩnh vực chính của các quốc gia.
Trong nội dung Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng đã nêu rõ, mực nước biển đã tăng 20cm trong vòng 50 năm qua đang ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ phận của Đồng bằng sông Hồng và dải ven biển quan trọng, bao gồm các vùng cửa sông nhỏ.
Thông số quy hoạch riêng của Việt Nam là mực nước biển dâng cao 1m vào năm 2100, nhất quán với các dự báo theo kịch bản các mức phát thải cao A2, có tính toán đến sự tan chảy băng trên đất liền.
Do đó, nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời như gia cố đê kè và cải thiện hệ thống thoát nước, mực nước biển dâng cao 1m tính trung bình dọc theo bờ biển Việt Nam sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng 17.423km2, tương đương 5,3% tổng diện tích đất cả nước, trong đó có 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, hơn 2,5% các tỉnh ven biển miền Trung và hơn 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, có tới 33/63 tỉnh, thành phố hoặc 5/8 vùng kinh tế đang bị đe dọa bởi ngập lụt nghiêm trọng. Trong số đó, bốn tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động của mực nước biển dâng sẽ dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn vào sâu đất liền.
Trong giai đoạn 1980-1999, mức độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập vào khoảng 22km trên sông Hồng; 27,7km trên sông Thái Bình; 73,8km trên sông Sài Gòn; 49,9km trên sông Hậu và 95km trên sông Vàm Cỏ Tây.... Nếu mực nước biển dâng thêm 1km vào cuối thế kỷ thứ 21, mức độ mặn 4 phần nghìn sẽ xâm nhập vào đất liền thêm 4,5km ở sông Hồng, 3,8km ở sông Thái Bình, 9,1km ở sông Thu Bồn và 7,9km ở sông Sài Gòn.
Như vậy, đến năm 2050, khả năng tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể có tới 1 triệu người phải di dời do những yếu tố lũ lụt và hạn hán lặp đi lặp lại nhiều lần. Những người dân ở trong các khu vực có hệ thống thoát nước kém chất lượng, cơ sở hạ tầng yếu kém trong phòng chống lũ lụt dễ bị tổn thương buộc phải di dời tạm thời hoặc vĩnh viễn, các thành phố và khu công nghiệp ở đây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tái định cư là một trong số các biện pháp của Chính phủ để ổn định sinh kế của người dân trong những khu vực dễ bị thiên tai ở Việt Nam. Minh chứng sống động của chương trình này là loại hình "sống chung với lũ," nơi mà các cụm dân cư được xây dựng phục vụ tái định cư ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 135.000 hộ dân phải tái định cư vì lý do môi trường./.
Văn Hào
- Việt Nam đã sẵn sàng thực thi REDD+
- Hiểu sai, làm ngược về báo cáo ĐTM
- Thực hiện dự án cải thiện môi trường: Trao quyền cho cộng đồng
- Phát triển mảng xanh đô thị thích ứng biến đổi khí hậu
- Cân nhắc biến đổi khí hậu trong quy hoạch thủy điện
- Hợp tác công - tư, "chiếc phao" cho năng lượng tái tạo
- Đừng tách biến đổi khí hậu ra khỏi quy hoạch phát triển
- Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Thiếu vốn và đồng bộ
- Công bố báo cáo môi trường quốc gia: Chất thải đô thị tăng 10 -16%/năm
- Bảo tồn rừng ngập mặn là cách tiết kiệm để giảm CO2