Khái niệm mảng xanh đô thị được hình thành trong quá trình phát triển đô thị với vai trò tạo cảnh quan và cải thiện môi trường, khi không gian sống ngày càng bị thu hẹp và sức khỏe con người bị đe dọa bởi sự ô nhiễm. Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, mảng xanh đô thị chủ yếu được hình thành từ các khu vực đường phố có nhiều cây xanh, các công viên, thảo cầm viên...
Tuy nhiên, khi chứng kiến sự tàn phá của các cơn bão có cường độ cao trong thời gian qua dẫn đến hiện tượng gãy, đổ hàng loạt cây xanh tại TPHCM, cho thấy chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn hơn trong công tác phát triển mảng xanh đô thị, trước một yếu tố mà toàn cầu đang phải đối mặt: hiện tượng biến đổi khí hậu.
Cây xanh đô thị và thích ứng biến đổi khí hậu
Cơn bão số 1 xảy ra ngày 17/4/2012 vừa qua ở TPHCM là một ví dụ cho sự bất thường của thời tiết trong mùa khô ở các tỉnh phía Nam do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra. Cơn bão này đã làm ngã 683 cây xanh các loại, trong đó có 2 loài cây có tỷ lệ gãy, đổ nhiều nhất là lim xẹt (136 cây) và sọ khỉ (118 cây). Theo TS Đinh Quang Diệp, Đại học Nông Lâm TPHCM, nguyên nhân gãy, đổ của các loài cây này là do quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, vì vậy nhiều vỉa hè trên các tuyến đường luôn bị đào xới làm cho hệ thống rễ của nhiều loài cây trồng bị xâm hại, dẫn đến dễ gãy, đổ.
- Ảnh bên: Mảng xanh vừa được trồng bên đường Võ Văn Kiệt (Ảnh: Diễm Thy)
Bên cạnh đó, hệ rễ của một số loài cây không phù hợp phát triển trong điều kiện đất đô thị, giảm khả năng bám trụ của cây, điển hình là loài lim xẹt. Ngoài ra, công tác cắt tỉa cây xanh chưa kịp thời, bằng chứng là có nhiều cây sọ khỉ bị gãy, đổ do sự phát triển không cân đối giữa phần rễ dưới mặt đất và tán ra bên trên. Vì vậy, khi trồng cây cần chọn lựa loại cây phù hợp phát triển trên đất đô thị, có bộ rễ khỏe, đồng thời cây cần phải được kiểm tra và cắt tỉa định kỳ, không để tán cây, nhánh cây quá lớn khiến cây bị gãy, đổ do mưa bão.
Chúng ta cũng cần có một quy hoạch với tầm nhìn lâu dài cho việc phát triển mảng xanh đô thị. Đó không đơn thuần để cải thiện mỹ quan, cảnh quan thành phố mà còn tính đến sức chịu đựng của các loài cây trước các hiện tượng thất thường của thời tiết, đồng thời, nếu phát triển mảng xanh hợp lý, đầy đủ theo quy chuẩn, cây xanh, mảng xanh đô thị sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu thể hiện rõ nhất ở sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, cả về số lượng lẫn cường độ. Nhìn lại những cơn bão xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng cao trong thời gian vừa qua ở nước ta, có thể thấy rõ sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày một trở nên nghiêm trọng, đó không còn là lời cảnh báo mà thật sự đã trở thành những hiểm họa nhìn thấy tận mắt. Chúng ta đều biết, cây xanh không chỉ làm không khí thêm trong lành, tạo cảnh quan đô thị mà còn là “lá phổi” tiêu hóa khí thải CO2, tác nhân chính dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu.
Việt Nam chưa có đô thị xanh Cho đến nay, vì nhiều lý do, Việt Nam vẫn chưa có đô thị xanh do chưa đáp ứng được các tiêu chí khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế như: không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh cùng việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa và tạo được nếp sống thân thiện của cộng đồng dân cư với môi trường và thiên nhiên. |
Trong các đô thị, trong môi trường không khí có nguy cơ bị ô nhiễm nặng từ khí thải của các phương tiện giao thông, khói thải từ các nhà máy, xí nghiệp thì cây xanh còn giúp thanh lọc không khí, hấp thụ những chất độc làm sạch môi trường, “gánh” lấy phần lớn nhiệt lượng của mặt trời, làm mát không gian sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển mảng xanh đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu” do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM tổ chức ngày 7-9-2012, TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường - Tài nguyên, đã cho rằng, thành phố cần khuyến khích mở rộng, phát triển các khu nhà vườn, khuyến khích người dân trồng cây xanh trong khuôn viên nhà, đồng thời có ý thức bảo vệ cây xanh ở các khu vực công cộng. Bổ sung, đổi mới các giáo trình về xây dựng, kiến trúc sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, sao cho các kiến trúc sư trẻ sau khi ra trường có đầy đủ kiến thức và năng lực thực hiện các dự án đô thị có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành
Trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004) của Việt Nam, mảng xanh đô thị được định nghĩa là “Rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường”, thuộc phạm trù rừng phòng hộ. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, để trở thành biện pháp hữu hiệu thích ứng biến đổi khí hậu, mảng xanh đô thị có liên quan đến rất nhiều vấn đề, khía cạnh cần được thực hiện, giải quyết đồng bộ như: quy hoạch đô thị, xây dựng, kiến trúc cảnh quan, sinh thái, giáo dục, khoa học… Do vậy, mảng xanh đô thị là một bài toán đa ngành cần được phối hợp đồng bộ, vừa có tính chất cấp bách do nhu cầu của cộng đồng, vừa có hiệu quả về lâu dài, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai của thành phố.
Hiếu Thượng
- Ô nhiễm không khí - chuyện không nhỏ ở đô thị
- Diện tích vùng ngập nước toàn cầu bị thu hẹp 50%
- Việt Nam đã sẵn sàng thực thi REDD+
- Hiểu sai, làm ngược về báo cáo ĐTM
- Thực hiện dự án cải thiện môi trường: Trao quyền cho cộng đồng
- Cân nhắc biến đổi khí hậu trong quy hoạch thủy điện
- Việt Nam chịu "nguy cơ cực lớn" từ biến đổi khí hậu
- Hợp tác công - tư, "chiếc phao" cho năng lượng tái tạo
- Đừng tách biến đổi khí hậu ra khỏi quy hoạch phát triển
- Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Thiếu vốn và đồng bộ