Có thể nói, từ trước đến nay, việc triển khai dự án cải thiện môi trường đều do cơ quan chức năng thực hiện. Cộng đồng thì rất thụ động tiếp nhận sự cải thiện này. Do vậy, hiệu quả dự án cải thiện môi trường, nhất là dự án tại khu vực dân cư chỉ đạt được tức thời mà không có duy trì lâu dài, bền vững. Và để làm được điều này, nhất định phải có sự chung tay từ cộng đồng. Giải pháp trao dự án cải thiện môi trường cho cộng đồng sẽ khắc phục được hạn chế đó. Cộng đồng sẽ chủ động hơn trong việc đề ra những chương trình phù hợp với nhận thức và hành động của họ. Từ đó, phát huy sức mạnh của họ trong việc cải thiện và gìn giữ môi trường sống xanh, sạch.
Môi trường bị ô nhiễm, cộng đồng sẽ là người chịu tổn thương lớn nhất. Muốn giữ môi trường sạch, chỉ có cộng đồng mới là người giám sát tốt nhất, đồng thời cũng là người thực hiện hiệu quả nhất. Vậy tại sao không mạnh dạn trao quyền chủ động thực hiện dự án cải tạo môi trường tại cộng đồng cho chính cộng đồng dân cư đang sinh sống tại khu vực đó?
Trao quyền nhưng không đồng nghĩa là phó mặc toàn bộ dự án môi trường cho cộng đồng tự thực hiện, mà chính quyền cùng bắt tay với người dân để thực hiện. Theo đó, chính quyền sẽ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện. Về phía người dân chủ động đề xuất các giải pháp tương ứng, phù hợp với khu vực của mình. Điều này sẽ tạo nên hiệu quả kép rất tuyệt vời. Bởi thông qua hành động thực tế, người dân tự nâng cao nhận thức. Đồng thời, để giữ gìn công sức mình đã đóng góp nhằm làm sạch môi trường sống của mình, họ sẽ là lực lượng đóng vai quan trọng trong việc kịp thời ngăn chặn những hành vi gây ô nhiễm môi trường lên khu vực vực mình sinh sống. Mặt khác, chính họ sẽ là tham gia giám sát và đánh giá chính xác hiệu quả từng dự án môi trường mà chính quyền địa phương triển khai.
Trên thực tế, có rất nhiều khu dân cư ô nhiễm môi trường được hình thành trong thời gian qua. Như các quận 4, 6, Tân Bình, Bình Tân… hình thành rất nhiều khu dân cư ngập rác. Thực trạng trên một phần xuất phát từ ý thức chính cộng đồng dân cư sinh sống tại đó. Nhiều người dân vẫn còn thói quen xả thẳng rác xuống kênh rạch. Lâu dần, rác tích tụ lại gây nghẹt dòng chảy và ứ đọng thành những kênh rác, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hoặc cũng có những khu dân cư tồn tại quá nhiều doanh nghiệp sản xuất nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt quy định xử lý chất thải. Dẫn đến chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thải tràn lan ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bản thân chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã nhiều lần triển khai dự án cải thiện chất lượng môi trường sống tại những khu dân cư này nhưng chỉ một thời gian ngắn là đâu lại vào đó. Những thói quen gây hại môi trường của chính người dân, sự bất chấp, chây ỳ không chấp hành quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khiến cho tình trạng tái ô nhiễm lập lại nhanh chóng.
Vậy giải pháp trao quyền tự chủ cho người dân sẽ tạo được hiệu quả gì? Thử nhìn lại chương trình huy động người dân góp tiền, đất, sức lao động để làm đường. Đây là chương trình huy động sức mạnh của cộng đồng được đánh giá là rất thành công. Điển hình là đã có hàng trăm ngàn con đường đất đã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa. Những người dân không chỉ dừng lại ở việc tham gia làm đường, mà còn thường xuyên tự bảo vệ tài sản chung của mình bằng cách cắt cử người giám sát chất lượng công trình, ngăn chặn kịp thời những hành vi có thể gây tổn hại đến con đường mà họ khổ công tạo nên.
Ái Vân
- Hà Nội tập trung giải quyết ô nhiễm sông Nhuệ, Đáy
- Ô nhiễm không khí - chuyện không nhỏ ở đô thị
- Diện tích vùng ngập nước toàn cầu bị thu hẹp 50%
- Việt Nam đã sẵn sàng thực thi REDD+
- Hiểu sai, làm ngược về báo cáo ĐTM
- Phát triển mảng xanh đô thị thích ứng biến đổi khí hậu
- Cân nhắc biến đổi khí hậu trong quy hoạch thủy điện
- Việt Nam chịu "nguy cơ cực lớn" từ biến đổi khí hậu
- Hợp tác công - tư, "chiếc phao" cho năng lượng tái tạo
- Đừng tách biến đổi khí hậu ra khỏi quy hoạch phát triển