Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Ô nhiễm không khí - chuyện không nhỏ ở đô thị

Ô nhiễm không khí - chuyện không nhỏ ở đô thị

Viết email In

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các đô thị nói chung, TP.HCM nói riêng, được xác định là do tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh và khí thải từ các phương tiện giao thông vận tải. 

Ngay cả không khí trong nhà cũng không đảm bảo an toàn vì có thể bị ô nhiễm từ các nguồn như sơn, khói thuốc lá, hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa, thậm chí là cả mùi từ đồ nội thất mới... Những người làm việc trong môi trường công sở cũng không tránh khỏi ảnh hưởng ô nhiễm không khí do các hệ thống máy điều hòa, máy thông gió, máy móc văn phòng, thiết bị in ấn… gây ra.  

Vượt mức báo động

Theo các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đang ở mức đáng lo ngại, bởi nồng độ một số chất ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn cho phép đối với môi trường không khí xung quanh khu dân cư lẫn không khí ven đường. Đặc biệt, nồng độ các chất độc hại như benzen, nitơ oxit… có xu hướng tăng mạnh. 

Từ năm 2005, TP.HCM bắt đầu thực hiện quan trắc nồng độ benzen hiện diện trong không khí ở nhiều nơi và kết quả thu được tại sáu điểm cho thấy nồng độ benzen đã đạt đến 35 - 40μg/m3. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ thì nồng độ cho phép chỉ là 10μg/m3 (Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn này). 

Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra sáu trạm quan trắc không khí đặt tại những điểm nóng về ô nhiễm, phát hiện hơn 90% mẫu không đạt chuẩn. Cụ thể hơn, trong năm nay, lượng bụi lơ lửng sinh ra từ khói luôn ở mức cao (nồng độ trung bình dao động từ 0,58 - 0,97mg/ m3, vượt quy chuẩn Việt Nam từ 1,9 đến 3,2 lần); nồng độ chì dao động trong khoảng 0,49 - 0,67μg/m3, tăng tại bốn trong sáu trạm quan trắc so với cùng kỳ năm 2010.

Về nitơ oxit, có 59% không đạt quy chuẩn, nồng độ trung bình dao động từ 0,18 đến 0,27mg/m3, cao gấp hai đến ba lần chuẩn cho phép (riêng vào những giờ cao điểm xảy ra kẹt xe thì tiêu chuẩn này vượt lên từ bốn đến sáu lần). Bụi được xác định là thủ phạm gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, mà nguyên nhân là do lưu lượng các loại phương tiện giao thông có động cơ, nhất là xe tải, xe gắn máy rất cao.

Ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 60 - 70%. Các nguồn thải khí khác như hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành (đốt rơm rạ, phun thuốc trừ sâu…), khai thác và sơ chế khoáng sản, rồi khí thải do các cơ sở sản xuất và hoạt động dân sinh cũng chiếm một tỷ lệ tương đối cao trong tổng mật độ khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị.

Trong quá trình đô thị hóa, công trình xây dựng mọc lên hàng loạt, hoạt động duy tu, sửa chữa, làm mới cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống… được tăng cường và vì thế phát sinh rất nhiều bụi, gồm cả bụi nặng và bụi lở lửng. Vào buổi sáng hay chiều, nếu đi trên những trục đường chính như xa lộ Hà Nội, cứ nhìn lên cao là có thể thấy rõ một lớp bụi lơ lửng trong không khí.

Hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp cũng góp phần gia tăng lượng khói bụi đáng kể. Nguồn ô nhiễm công nghiệp chủ yếu do quá trình đốt nhiên liệu và quá trình xử lý nguyên liệu thô thải ra rất nhiều khí độc và sau đó đi qua các ống khói của các nhà máy tuôn vào bầu không khí. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm này còn do nguyên liệu, khí thải bị bốc hơi, rò rỉ, thất thoát trên dây chuyền sản xuất sản phẩm và trên các đường ống dẫn tải, được hút và thổi ra ngoài bằng hệ thống thông gió.

Những tác động xấu đến sức khỏe 

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người mà những biểu hiện dễ nhận thấy là chảy nước mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè… Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người, vào nồng độ của loại chất gây ô nhiễm và thời gian tiếp xúc.

Phụ nữ mang thai và trẻ em nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong khoảng thời gian dài sẽ có nguy cơ bị tổn hại sức khỏe lâu dài, ở mức độ nghiêm trọng hơn. Những tác động xấu của ô nhiễm không khí không chừa bất cứ ai là đẩy nhanh quá trình lão hóa, giảm chức năng của phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư...

Căn cứ tài liệu y khoa đã được công bố và khuyến cáo của các bác sĩ, chúng ta không nên xem nhẹ những căn bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Khí oxit cacbon có thể gây đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu hoặc gây tổn hại đến tim mạch, trường hợp mức độ ô nhiễm cao sẽ gây nên bệnh tim mạch trầm trọng, tổn thương hệ thống hô hấp... và về lâu dài có thể dẫn đến những chứng bệnh mãn tính.

Dioxit sunfua (SO2) là chất khí được sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu như than, dầu FO, DO có chứa lưu huỳnh, độc hại không chỉ đối với sức khỏe con người, mà cả động thực vật. Khí SO2 kích thích mạnh đối với mắt, da và các màng cơ, niêm mạc đường khí quản. Khí ozon (O3) hình thành từ phản ứng hóa học giữa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và oxit nitơ (được sinh ra chủ yếu từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông dưới ánh sáng mặt trời) cũng kích thích mạnh đối với mắt, da, có thể gây chóng mặt, nhức đầu, giảm huyết áp và khó thở. 

Những năm gần đây, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh... Các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm tai giữa, suyễn) thường gặp nhất. TP.HCM có tỷ lệ bệnh cao do mật độ dân cư đông, phương tiện giao thông nhiều, lại tập trung nhiều nhà máy, nhiều hộ gia đình vùng ven vẫn còn sử dụng củi, rơm… để đun nấu. 

Biện pháp hạn chế 

Trong thời gian qua, TP.HCM đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động kiểm soát chất lượng không khí, cả “cứng” và “mềm”. Trước hết là chương trình di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp tập trung, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, kế đó là quan trắc chất lượng không khí, nâng cao hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường… Phát triển công nghiệp xanh, công nghệ sản xuất sạch được vận động ở tất cả các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp ở xung quanh thành phố. 

Công tác quản lý và kiểm tra các nguồn thải ô nhiễm từ hoạt động thi công xây dựng cũng được thắt chặt hơn. Hiện Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đang tăng cường công tác quan trắc không khí ở nhiều địa điểm để kịp thời ghi nhận sự biến đổi về chất lượng không khí qua từng ngày, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện các vi phạm bảo vệ môi trường về khí thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. 

Ngoài ra, cơ quan này cũng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và ngành giao thông vận tải thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe tải đang lưu thông. Việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn Euro 2 về khí thải cũng đã được duy trì thường xuyên.

Các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch, ví dụ dùng khí hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG), ethanol, dầu sinh học được khuyến khích. Một khi tình trạng ô nhiễm không khí khá nặng nề chưa thể xử lý được ngay thì cần tích cực vận động toàn dân hành động vì môi trường, cố gắng hạn chế khí thải để góp phần bảo vệ bầu không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày.

Vì vậy, các kênh truyền thông cần nâng cao tần suất hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa môi trường cho mọi người dân đô thị. Cần vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, chẳng hạn nên tăng cường đi xe buýt để vừa giảm chi phí, vừa hạn chế được nạn kẹt xe, lại giảm ô nhiễm môi trường.

Nếu ai cũng cố gắng giảm bớt việc dùng xe gắn máy để đi lại (gần thì đi bộ hoặc sử dụng xe đạp, xa thì tính toán kết hợp một công đôi ba việc) thì chắc chắn mức độ ô nhiễm không khí sẽ giảm. Ngoài ra, việc bảo trì xe máy định kỳ theo đúng quy định không chỉ nhằm tăng tính an toàn trong sử dụng, mà còn giảm được khói độc thải ra môi trường… 

Ngân An 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo