Bình Thuận được xem là “thủ phủ” điện gió cả nước. Tại đây có khoảng 20 dự án điện gió trong danh mục phát triển dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020.
Thế nhưng đến nay chỉ có hai dự án đang hoạt động cầm chừng vì nhà đầu tư không mặn mà. Các chuyên gia, nhà quản lý về điện và năng lượng đánh giá làm điện gió hiện tại không hiệu quả vì nhiều nguyên nhân, do đó không thu hút nhà đầu tư.
Bù lỗ dài dài
Tại Bình Thuận - “thủ phủ” điện gió của VN, chỉ có 20 trụ điện gió của REVN đang sản xuất ra điện (Ảnh: Nguyễn Nam)
Cuối năm 2010, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí VN (PVPower RE, thành viên của Tổng công ty Điện lực dầu khí VN) khởi công xây dựng dự án điện gió Phú Quý với ba cột tuôcbin gió, tổng công suất 6MW, vốn đầu tư trên 335 tỉ đồng. Đến tháng 8-2012, công trình này chính thức vận hành với hai tuôcbin đầu tiên cung cấp điện cho Phú Quý. Thế nhưng theo ông Phạm Cương - giám đốc doanh nghiệp này, để hòa vốn hằng năm tổng công ty đang phải bù lỗ khoảng 10 tỉ đồng.
“Điện gió sản xuất ra ngành điện mua 6,8 cent (1 USD bằng 100 cent), Nhà nước bù vào 1 cent thành 7,8 cent/kWh điện. Trong khi đó, chúng tôi tính toán nếu dùng thiết bị của Trung Quốc giá mua phải trên 9 cent mới có thể có lời. Riêng công trình hiện tại ở Phú Quý giá mua phải 10,36 cent chúng tôi mới thu hồi vốn trong vòng 12 năm” - ông Phạm Cương cho hay.
Ông Phạm Cương so sánh điện gió như một món hàng xa xỉ phẩm. Chỉ có những nước phát triển mới chấp nhận giá cao, VN còn nghèo nên khi phát triển điện gió mà chưa có cơ chế riêng sẽ như các dạng năng lượng khác thì nhà đầu tư không mặn mà. “Tại Bình Thuận có khoảng 20 dự án điện gió và chỉ duy nhất một đơn vị lắp được 20 cột ở huyện Tuy Phong, còn chúng tôi lắp ba cột ở Phú Quý. Những dự án còn lại đa số đang nghiên cứu” - ông Cương nói.
Tại huyện Tuy Phong, 20 cột điện gió của Công ty CP Năng lượng tái tạo VN (REVN) với tổng công suất 30MW đã hòa vào mạng lưới quốc gia. 20 cột trên được thực hiện theo giai đoạn 1, hoàn thành cuối năm 2009 với tổng kinh phí gần 1.000 tỉ đồng. Theo đại diện REVN, với giá mua điện như hiện nay thì nhà đầu tư rất lâu mới thu hồi vốn.
Sẽ không đạt như quy hoạch
Ông Dương Tấn Phong, trưởng phòng quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho biết theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, công suất lắp đặt đạt 700MW. Tuy nhiên, ông Phong đánh giá nếu không có sự điều chỉnh chính sách về điện gió thì mục tiêu trên không khả thi. “Cố gắng đạt được 500MW” - ông Phong nói.
Ông Phong phân tích khó khăn hiện nay là các nhà đầu tư thiếu vốn. “Một cột điện gió được đầu tư lên đến hàng triệu USD, nhưng làm điện gió thu hồi vốn lâu nên cũng khó thu hút nhà đầu tư” - ông Phong cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Linh, giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, phân tích về mặt kỹ thuật, khi điện gió vận hành cũng phát sinh nhiều vấn đề. Lấy ví dụ tại đảo Phú Quý hiện nay, ông Linh cho biết nguồn lưới điện chạy bằng dầu diesel là 3MW, nhưng nguồn của gió theo thiết kế là 6MW, gấp đôi công suất của diesel. Như vậy là sai về giải pháp kỹ thuật. Giải quyết vấn đề này cần phải có giải pháp kỹ thuật rất đặc thù, chẳng hạn điện gió phải có một hệ thống tích tải, còn bây giờ không tích được vì đầu tư thiết bị tốn rất nhiều tiền. “Điện gió là nguồn bổ sung. Về cơ chế hoạt động, bản thân điện gió phải có lưới điện chung hỗ trợ” - ông Linh giải thích.
Mặc dù điện gió đã chạy nhưng người dân trên đảo Phú Quý vẫn chưa được sử dụng điện thêm được bao nhiêu, vẫn chỉ có 16 giờ/ngày như khi chưa có điện gió. Lý do là điện gió phụ thuộc vào sức gió nên chỉ đạt 500-900kW/ngày khi đưa vào hoạt động tại đây. Điện gió lại phụ thuộc vào nguồn điện máy chạy dầu diesel nên khi điện diesel không chạy được (chỉ chạy 16 giờ/ngày) thì điện gió không thể điều áp và điều tần được.
Cơ chế riêng mới khuyến khích được điện gió Theo ông Phạm Cương, Nhà nước cần tạo cơ chế riêng cho điện gió, giá mua điện phù hợp thì chúng ta mới có thể có nguồn năng lượng sạch. Tiềm năng điện gió tại Bình Thuận nói riêng và ở VN nói chung là rất lớn, nhưng biến tiềm năng thành hiện thực rất khó khăn. Với cơ chế hiện nay, làm điện gió chưa hiệu quả nên các nhà đầu tư không mặn mà. “Khi vào hoạt động, chúng tôi tính toán trong tổng chi phí thì chi phí về mua điện ngược là cao nhất. Tại Phú Quý, chúng tôi làm điện gió bán ra 1.638 đồng/kWh cho nhà máy điện diesel. Nhưng chúng tôi mua điện tại nhà máy này để sản xuất thì giá đến khoảng 7.300 đồng/kWh. Vì đây là giá thành điện sản xuất bằng dầu diesel nên rất cao”. Về chính sách giá, ông Trần Ngọc Linh cho biết Tập đoàn Điện lực VN nếu mua điện ở nguồn cao quá thì tập đoàn không mua. Giá mua điện gió 7,8 cent hiện nay là do Bộ Công thương quy định. |
Nguyễn Nam
- Tăng cường cải tạo môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
- Thủy điện phá nát sông ngòi
- Tương lai cho Nghị định thư Kyoto vẫn rất "mù mịt"
- Phát triển thủy điện thiếu bền vững
- Giảm thải để có kinh tế xanh
- Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Lợi bất cập hại
- Xanh hóa để ứng phó với biến đổi khí hậu
- Đánh giá thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Cần khách quan
- Thuỷ điện và bài toán biến đổi khí hậu ở Việt Nam
- Hà Nội tập trung giải quyết ô nhiễm sông Nhuệ, Đáy