Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Tương lai cho Nghị định thư Kyoto vẫn rất "mù mịt"

Tương lai cho Nghị định thư Kyoto vẫn rất "mù mịt"

Viết email In

Hội nghị lần thứ 18 của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-18) đã kết thúc tuần họp đầu tiên nhưng không đạt được bất kỳ tiến triển nào đáng kể trong việc xác định tương lai cho Nghị định thư Kyoto, văn kiện ràng buộc pháp lý duy nhất hiện nay về mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính sẽ chính thức hết hiệu lực vào cuối năm nay. 

Trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Trung Quốc Tô Vĩ cho biết trong tuần họp đầu tiên, các bên đã nêu rất rõ quan điểm về việc gia hạn Nghị định thư Kyoto nhưng chưa đạt được đột phá tích cực nào, ngoài việc thảo luận về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong phiên họp của Nhóm công tác đặc biệt về Hành động hợp tác dài hạn (LCA). Tuy nhiên, ông Tô Vĩ vẫn bày tỏ tin tưởng các bên sẽ đạt được đồng thuận về một số giải pháp ngăn chặn gia tăng khí thải toàn cầu trong các phiên họp cấp bộ trưởng sẽ diễn ra từ đầu tuần tới. 

Hiện tại, các nước phát triển vẫn chần chừ trong việc đưa ra cam kết cắt giảm khí thải mạnh hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo của Nghị định thư Kyoto, với lý do muốn các nước đang phát triển cũng phải tham gia vào tiến trình này. 

Liên minh châu Âu (EU) đặt quyết tâm cao nhất với việc giữ cam kết sẽ cắt giảm tối thiểu 20% tổng lượng khí thải vào năm 2020 (so với mức của năm 1990) và sẽ nâng mức cắt giảm này lên 30% cho giai đoạn sau năm 2020. Tuy nhiên, một số quốc gia phát triển khác, trong đó có Canada, Nhật Bản và New Zealand, tuyên bố sẽ rút khỏi Nghị định thư sau năm 2012, còn Mỹ kiên quyết không tham gia bất kỳ thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu nào nếu không có sự góp mặt của các "ống khói" lớn thuộc khối BASIC gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. 

Ngoài bất đồng bề nghĩa vụ cắt giảm khí thải, các bên cũng chia rẽ về thời gian xác định giai đoạn II của Nghị định thư. Trong khi EU và nhóm BASIC đề xuất giai đoạn II của Nghị định thư nên kéo dài 8 năm để phù hợp với các mục tiêu đề ra cho năm 2020, thì một số nước khác, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ, muốn giai đoạn này chỉ kéo dài 5 năm nhằm buộc các nước phát triển phải đẩy mạnh hơn nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính. 

Một yếu tố khác cũng gây chia rẽ trong tuần thảo luận đầu tiên của COP18 có liên quan tới vấn đề cung cấp hạn ngạch buôn bán khí thải cácbon trong giai đoạn II của Nghị định thư. Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc phản đối việc áp dụng hạn ngạch này, nhưng Nga và một số nước châu Âu khác lại ủng hộ, cho rằng điều này sẽ giúp cả hai bên tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện nay. 

Ngoài ra, nghĩa vụ đóng góp tài chính của các nước phát triển cho các nước đang phát triển trong việc khắc phục hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ do các bên chưa đạt được nhất trí về phương thức tính toán, báo cáo và thẩm định lượng khí phát thải cũng như số tiền mà các nước phát triển phải đóng góp cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu./. 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo